Thăm chiến trường xưa

Đặng Sỹ Ngọc

16/08/2021 15:56

Theo dõi trên

Bước vào thế kỷ mới. Gia đình tôi không còn cảnh khó khăn như thời bao cấp, tạm đầy đủ cơm ăn, áo mặc. Hàng ngày tôi vẫn tiếp tục cần kiệm chi tiêu nhằm thực hiện quyết tâm từng hứa với đồng đội: “Nếu còn sống, chúng ta sẽ tìm gặp nhau” - lời hứa ấy cứ đau đáu, âm thầm ngày đêm sau cuộc chiến chống xâm lược Mỹ.

Một buổi sáng, tôi vào ủy ban nhân dân xã xin giấy giới thiệu, là thương binh (đi tìm đồng đội). Trở về nhà, tôi sắp xếp lại đầy đủ giấy tờ tùy thân. Kiểm tra lại số tiền tiết kiệm, tính toán chi tiêu đủ cho 05 ngày thăm chiến trường xưa Quảng Trị . Tôi lặng lẽ đi lúc vợ đã đến cơ quan, các con đã đến trường học với suy nghĩ nếu để vợ con biết trước chắc chắn họ sẽ không cho tôi xuất phát. Tôi khẩn trương mua thêm ít lương khô, chai nước lọc. Nhét quần áo đủ mặc và các thứ vào ba lô. Đóng cửa nhà, ra đường phố vẫy một chiếc xích lô (xuất kích).

ch-trxwa1-1629104171.jpg
ch-tr-xua-2-1629104053.jpg
 

Tới nhà ga Vinh đón chuyến tàu thường vào Đồng Hới. Đúng lúc nhà ga vừa đóng cửa bán vé. Tôi khẩn khoản xin vào cổng và hứa sẽ mua vé bổ sung. Bước được chân lên toa hàng thì đầu tàu kéo còi xuất phát. Tôi được một cô sinh viên nhường chỗ. Ngồi vào ghế bên cạnh cửa số toa, ngắm cảnh trời đất phía ngoài đoàn tàu lướt qua. Nghĩ mình lại được đi tàu bởi cách đây đã gần 40 năm đoạn đường sắt Vinh mà tôi từng trải vào Đồng Hới chỉ là những đoạn đường ray có đầu máy ôtô giải phóng, kéo dăm bảy toa mà người ta thường gọi là goòng. Vào ban đêm chở đầy bộ đội, thanh niên xung phong và các phương tiện chiến tranh quyết thực hiện khát vọng thống nhất Tổ quốc. Goòng không có ghế, không có mái che. Họ quét rác, bụi đất rồi ngồi, nằm tranh thủ khi hành quân mệt mỏi. Có lúc địch phát hiện, chúng dùng máy bay, thả pháo sáng, gọi thêm tàu biển bắn phá ngăn chặn, uy hiếp. Còn bây giờ đường sắt rộng lớn, các toa tàu hiện đại chất đầy hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân, làm giàu Tổ quốc.Đang miên man suy nghĩ xưa và nay của đường sắt. Tôi đã thấy tổ công tác chống thất thu cùng trưởng tàu đến kiểm tra vé từng người. Tôi đưa giấy giới thiệu (đi tìm đồng đội) và thẻ thương binh. Trình bày việc chưa kịp mua vé ở nhà ga mong được mua vé bổ sung và giảm tiền phạt. Đồng chí trường tàu nhìn kỹ giấy tờ, nhìn vào tôi rồi nói:

- Lên tàu không có vé theo quy định chúng tôi phát gấp đôi giá vé bán ở nhà ga. Nhưng bác là thương binh nặng lại đi làm việc nghĩa (tìm đồng đội). Chúng tôi ủng hộ và miễn cho bác.

Đồng chí còn viết cho tôi mảnh giấy xác nhận để ra cổng ga được bình an. Tôi xúc động nói lời cảm ơn nhà tàu. Khi đoàn tàu đến ga cuối cùng tôi ra khỏi sân ga, quan sát trời đất của thủ phủ Quảng Bình - Đồng Hới cũng là nơi đơn vị phòng không C10 - D15 chúng tôi từng chiến đấu chống trả không quân Mỹ từ những năm 1964 – 1965. Có ngày cả tiểu đoàn bắn rơi 4 máy bay Mỹ đến gây tội ác, bắt sống giặc lái, cũng có trận tổn thất hy sinh không nhỏ. Tôi muốn vào viếng thăm nghĩa trang sừng sững kia xem có đồng đội nào như anh Ân, anh Phú, cô Nhàn, cô Thúy … đã hy sinh tuổi 20 trong những trận địa dày đặc quanh đây. Nhưng trời đã xế chiều mà tôi còn phải vào Quảng Trị.

Bỗng một người đàn ông xấp xỉ tuổi tôi, mặc quần áo lính bạc màu, vỗ vào vai tôi nói:

Anh đi xe máy lai không?

Anh cho tôi ra đường 1 lấy bao nhiêu tiền? Tôi trả lời

5 ngàn.

Tôi gật đầu đồng ý, vui vẻ lên xe. Anh nổ máy, dọc đường anh cứ hỏi:

- Đi thăm chiến trường hả? Tìm đồng đội hả? Nhập ngũ năm nào? Quê quán ở đâu? Đơn vị nào?.....

Tôi vừa suy nghĩ trả lời, vừa biết anh cũng là một cựu chiến binh thời chống Mỹ. Tới đường 1 tôi xuống xe rút tiền ở ví trả cho anh, anh nhìn tôi nói:

- Miềng, giúp đồng đội uống nước, chúc sức khỏe và hoàn thành nhiệm vụ nhé.

Rồi anh quay đầu xe, nổ máy trở về nhà ga. Tôi tranh thủ vào quán ăn bát phở chiều muộn. Ra đứng bên đường 1 vẩy xe xin đi vào. Nhớ lại khu vực này những năm xưa trong những ngày giờ ác liệt, để chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ giao thông có đồng đội đã xuất khẩu thành thơ. Ngồi trực trên mâm pháo vui đọc cho nhau nghe.“Mạ ơi mạ!

Chứ răng rứa chú

Mạ bán cho con năm hào bạc phở.

Ừ! Rứa mà con cũng nói thơ!...”

Mấy chiếc xe tải đi qua không dừng. Có một chiếc xe con màu đen trong xe chỉ có thanh niên cầm tay lái, đi chậm thò đầu hỏi:

- Bác vào Đông Hà?

- Vâng. (tôi trả lời) Anh cho tôi vào Ngã 3 Đường 9 hoặc trại thương binh Đông Hà với.

- Sáu chục. Anh nói

Tôi đồng ý. Anh mở cửa xe, tôi ôm ba lô vào ngồi yên. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Đường số 1 bằng phẳng, rộng, bóng nhoáng màu nhựa đường. Ngồi trong xe cảm giác êm ru, thức tỉnh tôi nhớ lại bài ca ngợi người lái xe của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác thời tôi mới nhập ngũ. Tôi hát nhẹ:

“- Có những con đường êm ru, tai lắng nghe gió vu vu, ta nhận thêm ga. Mặc cho xe bon tới …”

Bỗng anh lái xe lên tiếng:

- Bác vào Đông Hà làm gì mà đi một mình? Trước đây bác cũng có chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ạ? Có biết bố cháu tên Hải ở đơn vị 304 không? Theo giấy báo tử bố cháu hi sinh tháng 8 năm 1972 ở mặt trận phía Nam. Nay cháu và mấy người trong họ tộc vào thắp hương, đồng thời giò tìm phần mộ đưa hài cốt bố cháu về quê.

Tôi trả lời:

- Bác ở Sư đoàn 324, bây giờ tìm hài cốt khó lắm đấy. Bác cũng đi tìm phần mộ của đồng đội đây.

Đang nói chuyện thì xe vượt qua cột cờ Hiền Lương rồi từ từ vượt qua cầu giới tuyến năm xưa bắc qua sông Bến Hải. Trời đã chập choạng tối, đèn đường bật sáng, gió nhẹ thổi qua cửa sổ xe mát lạnh. Tôi có chút rờn rợn trong người, nghĩ đến con sông chia cắt đất nước lịch sử trong 30 năm đấu tranh đầy đau thương của Tổ quốc.

Đến ngã 3 đường 9 người lái xe đi chậm rồi dừng lại mở cửa

Lúc tôi vừa ra khỏi xe thì anh đã vẫy một người lái xe ôm nói gì với người ấy. Quay lại anh bảo tôi:

- Bây giờ bác lên xe máy này về trại thương binh Đông Hà. Cháu đã trả tiền xe lai cho bác.

Tôi vội vã rút ví trả tiền cho anh. Người lái xe hiểu ý, giơ hai bàn tay ngăn tôi lại nói:

- Cháu biếu bác, chúc bác tìm đồng đội được may mắn. Tôi sửng đi một chút và quyết tâm trả tiền cho anh, nhưng anh đã vào xe nắm vòng tay lái quay xe trở lại trạm đón tiếp thân nhân liệt sỹ của Quảng Trị ở phía bắc cầu Đông Hà. Tôi chỉ kịp nhìn biển số xe 15A…

Lái xe ôm đưa tôi đến trại thương binh. Ở đây có rất nhiều đồng đội từng điều trị, an dưỡng ở các trạm trại thuộc các tỉnh phía Bắc với tôi. Nay họ có gia đình với nhau thành từng đôi rất hạnh phúc như anh chị Quán – Len, Hùng Thìn. Tôi chọn đến phòng của vợ chồng Ngọc – Dương. Cô Dương là bộ đội người dân tộc Thái , quê phía tây tỉnh Nghệ An, cô cao ráo, cân đối, mặc quân phục hay mặc đồ đen của dân tộc Thái đều đẹp như một bông hoa hồng. Cô hiền lành thùy mỵ. Từng phục vụ nhiều năm ở đoàn 200 quân khu 4 rồi về trung tâm điều dưỡng thương binh 4 ở Vinh. Ngọc là thương binh hỏng hai mắt quê ở Quảng Bình. Hai người quý mến, thương nhau rồi cô Dương tự nguyện xây dựng hạnh phúc trăm năm với Ngọc. Dương đã nhận ra tôi, cô reo lên:

- À anh Ngọc, anh Ngọc ở Vinh bố ơi!

Vậy là Ngọc và hai con (một trai, một gái) đón tôi vào phòng. Sau đó các thương binh trong trại cùng đến nói chuyện rôm rã sau nhiều năm xa cách. Tôi ở lại nhà Ngọc Dương 1 ngày. Thăm hỏi tất cả những anh em từng quen biết. Thôi thì đủ các thứ đặc sản của Quảng Trị như hoa quả, kẹo bánh, riệu trà có cả thịt chó, mực khô…Hôm sau khi chỉ còn lại tôi và vợ chồng Ngọc Dương, tôi nói:

- Mình đến đây trước hết là thăm anh em đã từng ở với nhau thân thiết. Nay mình muốn được thăm lại những nơi mình từng chiến đấu cùng đồng đội năm xưa như xã Do An, Cam Lộ, các cao điểm 56, động Ông Gio hay thành cổ Quảng Trị. Ngọc và Dương xem có ai làm nghề lái xe tin cậy mình thuê họ mấy ngày.

Ngọc suy nghĩ một lát nói:

- Chú Thu quê ở An Hướng gần Cồn Tiên, cũng thương binh nhưng trẻ, khỏe đang hành nghề xe lai để cải thiện.

Dương dẫn tôi sang nhà Thu ngay. Cả nhà thu vui vẻ chào đón. Tôi trao đổi, đặt vấn đề. Thu đồng ý hẹn sáng mai ta xuất phát. 5 giờ sáng trong khí trời mát mẻ, tôi đã đến nhà thu. Bỗng có mùi hương thơm nức, nhìn lên bàn thờ giữa ngôi nhà ba gian Thu ở. Vợ Thu đang thắp hương khấn vái, miệng nói nhỏ nhưng tôi hiểu cô đang nói những gì:

- Đây là bác Ngọc ở Nghệ An, từng chiến đấu chống xâm lược trên quê hương. Nay bác trở lại thăm chiến trường xưa. Có nhờ chồng tôi đưa bác đến từng vùng chiến trận năm nào. Mong linh hồn những người khuất núi hỗ trợ, giúp đỡ để cả hai người được may mắn, an toàn.

Tôi im lặng ngồi chờ hương tàn. Thu đưa xôi gà xuống, tôi cùng cả gia đình hưởng lộc. Nước nôi xong Thu dắt xe nổ máy bắt đầu cuộc hành trình cho tôi, tôi nói:

- Bây giờ ta qua ngã tư Sòng rồi về quê hương Do An của Thu nhé.

Đi chừng vài km tôi hỏi Thu trong áy náy:

- Tôi cũng như các cán bộ chiến sỹ sau khi chiến thắng trở về nay có điều kiện thăm lại nơi cùng đồng bào, đồng chí chiến đấu sinh tử để giành lấy quê hương đầy kỷ niệm. Vậy sao gia đình phải thắp hương cúng khấn? Có gì lạ không?

Thu nói: - Bác băn khoăn làm gì! Ở quê em ngày nay ai cũng vậy đấy. Thấy các chú, các bác ở miền Bắc trở lại thăm viếng mọi người rất mừng, cảm ơn. Vợ em thắp hương là mong muốn cho chuyến đi của chúng ta vạn sự như ý.

Nếu ví dụ lên nơi đồn bốt xưa của giặc mà mảnh bom đạn hay dây thép gai làm xẹp lốp nơi núi rừng thì chỉ có khóc.

Rồi thu kể tiếp: - Em lớn lên khổ lắm, năm 1964 - 1965 em mới 7 - 8 tuổi. Sống trong lòng địch, các chú bộ đội giải phóng đã bí mật hoạt động, đêm đêm qua lại nhà em. Em đã được nghe các chú kể chuyện về bác Hồ, về anh Kim Đồng ở chiến khu Việt Bắc…. Được một thời gian chúng biết được đã (tát nước bắt cá) hốt tất cả dân đi vào phía trong phát tôn, cột sắt, dựng nhà, lập ấp. Bao xung quanh dày đặc dây thép gai. Bố em phải đi theo bộ đội và mất tin đến ngày nay. Nhà cửa ở làng chúng đốt hết. Trâu bò, lợn gà chạy tan hoang cả vào rừng chết dần với bom đạn. Ở ấp chiến lược nóng nực quá. Chúng bắt học chống cộng sản. Bà con không chịu nổi bỏ trốn. Em cùng mẹ chạy theo ra phía Bắc. Chúng báo động cho máy bay đuổi theo đến bãi ruộng Dinh Điền. Chúng bắn đạn xuống như mưa. Mẹ em và một sốdân làng trúng đạn chết. Em khóc thương mẹ, rồi cũng bị bắt trở lại ấp. Năm 1966 em lại trốn. Lần này em trốn được ra tới Vĩnh Linh các cô chú ở ủy ban thống nhất cho em đi K8. Ra ở vùng Nghĩa Đàn - Nghệ An. Em được học tập và sinh hoạt. Năm 1975 nước nhà được thống nhất, em về quê không còn bố mẹ. Buồn, rồi xung phong đi bộ đội vào mặt trận 479 giúp bạn Campuchia. Một lần đi trinh sát em vướng mìn may không chết nhưng một mảnh nhỏ đã vào não, em mê man. Sau điều trị an dưỡng em được giám định thương tật mất sức 81%. Em về trại an dưỡng của tỉnh. Năm 1985 em lấy vợ, vợ em hiền lành, hiếu thảo, đảm đang sinh cho em được 1 trai 1 gái chăm học, rất ngoan. Kinh tế phụ thuộc vào mấy đồng trợ cấp thương tật của em. Vợ còn nuôi thêm gà vịt, trồng thêm rau cỏ quanh vườn cải thiện. Vợ chồng em cũng dành dụm mua được con xe 80 này. Lúc đầu em đưa xe máy ra đường chơi rồi có người rủ đi xe lai em cũng đi. Thấy an toàn và có ích em nghiện luôn.

Thu kể cho tôi nghe một mạch. Tôi cảm thấy thương thu nhưng mắt tôi vẫn quan sát phong cảnh trời đất. Quảng Trị thay đổi nhiều lắm, làng quê, núi rừng xanh tươi trù phú đầy hứa hẹn. Qua ngã tư Sòng, chúng tôi đến Hà Trung, Hà Thượng. Thu đưa tôi đến Cồn Tiên, đây là lần đầu tôi được đứng trên cao điểm này. Nhìn sang phía Đông Bắc là sông Bến Hải, Cửa Tùng, là Vĩnh Linh nơi giáp tuyến ngày đêm căng thẳng đau thương. Bởi kẻ thù ngăn cách, từ nơi này chúng đã bắn phá, giết hại biết bao đồng bào, đồng chí của tôi. Bản thân tôi cũng từng sống đi chết lại nhiều lần. Đến nghĩa trang Trường Sơn, vào thắp hương đã thấy các cháu nhỏ của đồng bào Vân Kiều quàng khăn đỏ tung tăng đến trường. Tôi sực nhớ đến vợ con lúc ra đi đã cố tình dấu diếm, tôi đến bưu điện thuê điện thoại bàn báo với gia đình:

- Bố đã đi thăm chiến trường xưa ở Quảng Trị.

Vợ tôi tỏ thái độ bực tức cáu gắt rồi khóc trong máy bộ đàm.

- Anh làm vợ con và láng giềng đang hoảng loạn. Không cho em biết cùng đi. Vậy ai phục vụ anh lúc này, nhỡ bị lồng ruột ở vết mổ như năm rồi thì sao?

Tôi nghe vậy cũng bàng hoàng, cố tỏ ra bình tĩnh trả lời:

- Cả nhà yên tâm ở đây có đồng bào họ giúp đỡ tận tình và linh hồn của đồng đội đang ủng hộ anh đấy.- Thu đưa tôi đi tiếp đến các làng của xã Do An như An Nha, Phượng Xuân, Gia Bình, Xuân Hải… Mỗi làng lại có một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ, có nhiều ngôi mộ không có tên. Tôi đọc kỹ những ngôi mộ có tên thì không thấy ngôi mộ nào cùng đơn vị của tôi năm xưa. Đến khu nghĩa trang lớn nhất đang nâng cấp tôi thấy ngôi mộ của liệt sĩ Đinh Thị Diệp một đảng viên, một cô du kích trẻ tuổi của xã từng dẫn tôi đi trinh sát trong lòng địch, lách đến gần đồn để bắn tỉa chúng. Lúc nào cô cũng bình tĩnh, gan dạ chiến đấu. Có đêm từ trong hầm chờ địch căng thẳng cô vẫn vui vẻ động viên tôi. Khi tôi bị thương cô từng băng bó rồi vận chuyển tôi ra sông Bến Hải đầy nước mắt. Nhưng sau đó, cô đã hi sinh. Nay tôi đến thắp hương. Thu cũng nói thêm vài chi tiết của gia đình Diệp. Mẹ Diệp là mẹ Việt Nam anh hùng.

Thu đưa tôi đến vài nhà bà con ở An Hướng quê Thu. Người nào cũng chào hỏi mời tôi ở lại chơi vài ngày. Ai cũng tỏ thái độ thân thương như gia đình ruột thịt.

Sang ngày thứ ba trời Quảng Trị vẫn trong xanh. Tôi và Thu xuất phát sớm hơn một chút đến nhà thờ La Vang, lên động ông Do, quay về thành cổ. Ở đâu có nghĩa trang tôi vẫn dừng lại thắp hương. Đọc những thông tin được khắc trên bia mộ. Chúng tôi trở vào nghĩa trang xã Triệu Ái, khu vực gần sân bay Ái Tử, tại khu B tôi phát hiện hai ngôi mộ số 9 và số 10 cụ thể:

Ngôi mộ số 9 ghi: liệt sĩ Đặng Văn Nga, sinh năm 1953, quê quán: Đông Tảo - Thụy Hòa - Yên Phong - Bắc Ninh, đơn vị C10 - D15 hy sinh ngày 20 tháng 7 năm 1972.

Còn ngôi mộ số 10 ghi: Liệt sĩ Trần Tất Ngọ, sinh năm 1954, quê quán Mỹ Trung - ngoại thành Hà Nội (lẽ ra họ phải ghi ngoại thành Nam Định mới đúng), đơn vị và ngày hi sinh như ngôi mộ số 9.

Tôi rất vui, đầy xúc động kể cho Thu nghe:

- 4 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1972 tại cao điểm 88 kia B52 đã trút bom trúng đội hình đại đội. Tôi cùng Nga và Ngọ đang làm chung một hầm, chưa hoàn thành thì một quả bom rơi sát ba người. Nga và Ngọ hi sinh tại chỗ không nói được lời nào . Mãnh bom bằng 4 đốt ngón tay xuyên qua hai liệt sĩ rồi cắm vào đùi phải của tôi, hết tầm dừng lại. Đại đội đã cử người khiêng tôi đến trạm phẫu gần nhất. Tôi được bác sĩ mổ cấp cứu rồi chuyển dần tôi ra Bắc. Tôi xa đơn vị từ đó, mảnh bom này tôi giữ và nay đã gửi vào bảo tàng Quân khu 4. Được gặp lại phần mộ 2 liệt sĩ, dứt khoát tôi sẽ thông tin cho thân nhân, cùng đồng đội để được đưa hài cốt về nơi quê hương, họ tộc.

Sang ngày thứ tư ,các vết thương của tôi đi nhiều cũng đã đau nhức, khó chịu. Đồng thời Thu cũng là thương binh nặng. Tôi quyết định dừng lại, không sao đi hết được từng khe suối, hầm hào nơi tôi từng hoạt động. Tôi tiếc lắm, hứa sẽ đến một lần khác.

Tôi cảm ơn vợ chồng Thu rồi thanh toán trả công cho Thu. Nhưng vợ chồng Thu đã bàn nhau quyết không nhận. Tôi vốn nhẹ dạ chiều lòng mọi người nhưng nay vô cùng áy náy. Nghỉ rồi có lúc tôi sẽ trả ơn tình nghĩa này với Thu. Tôi lên xe khách về Vinh. Đến đây tôi kết thúc chuyến thăm lại chiến trường xưa nghĩa tình.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Thăm chiến trường xưa" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn