Nhà báo Hà Văn Chức, Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo tỉnh Tuyên Quang trực tiếp dẫn đoàn về thăm xã Tân Trào, nơi có khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt-Thủ đô kháng chiến một thời. Từ thành phố Tuyên Quang, xe qua cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô về xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) cách 60 km về phía nam, là vùng đất chiến khu xưa. Xã Tân Trào trước đây là xã Kim Long. Khi cách mạng về đây gieo mầm và trở thành căn cứ địa, cũng là vùng tự do đầu tiên của cả nước, nên được đổi thành xã Tân Trào (phong trào mới) nhằm biểu thị tinh thần cách mạng.
Đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Tuyên Quang cho biết:"Tỉnh Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 5.868 km2 và trên 784.000 người của 22 dân tộc anh em chung sống. Và thu nhập của tỉnh vẫn dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp là chính, nhưng bù lại Tuyên Quang từng là đại căn cứ của cách mạng trước năm 1945 và suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Trên địa bàn tỉnh có hơn 400 địa điểm được công nhận là di tích lịch sử cách mạng, trong đó có cả khu căn cứ địa dành cho cách mạng Lào".
Xe dừng trước cửa khu di tích Tân Trào, một nữ hướng dẫn viên rất trẻ trong trang phục truyền thống thổ cẩm, vòng bạc đeo cổ, có giọng nói rất chuẩn Hà Nội dẫn đoàn đi thăm và giới thiệu về khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Cả đoàn qua chiếc cầu nhỏ đi trên đập nước suối Khuôn Pén dẫn sang ven đồi. Dưới tán cây cổ thụ là tấm biển lớn giới thiệu về lán Nà Nưa (Nà Lừa). Theo con đường đá 79 bậc đi lên triền núi. Ngay ven đường có lối rẽ phải là lán cảnh vệ, đi thêm một đoạn là lán đồng minh.
Nơi ở của biệt đội"Con nai" (Deer Team) là nhóm đặc nhiệm tình báo thuộc cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ (thành lập ngày 16/5/1945) có nhiệm vụ huấn luyện quân sự, cung cấp hậu cần, y tế cho Việt Minh và hợp tác thu thập thông tin tình báo, chống Nhật ở giai đoạn cuối chiến thanh thế giới lần thứ 2 và trước thềm Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Lán Nà Nưa bé nhỏ nằm trong rừng nứa già nguyên sinh xen kẽ những cây cổ thụ cao vút. Căn lán chỉ có 2 buồng lợp cọ, vách thưng nứa, cầu thang bằng gỗ có 3 bậc và vài ống bương đựng nước. Mọi người nghiêm cẩn thắp hương rồi nghe hướng dẫn viên kể về lán Nà Nưa.
Lán được dựng ở lưng núi, cạnh phiến đá tự nhiên như chiếc bàn và một số rất to đảm bảo các tiêu chí: gần nước, gần dân và xa quốc lộ đảm bảo phương châm:"Thuận đường tiến, tiện đường thoái". Bác Hồ đã làm việc ở đây từ tháng 2 đến cuối tháng 8/1945. Đi lên phía trên hơn 30m là nơi họp của Ban Thường Vụ Trung ương Đảng được tổ chức từ ngày 12 đến 15/8/1945, đã ra quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nay lán họp không còn nhưng là địa chỉ chứng kiến sự kiện trọng đại của dân tộc. Trong thời gian ở đây Bác Hồ đã được bà con các dân tộc địa phương hết lòng che chở, giúp đỡ và được gọi thân mật là ông Ké (ông già). Theo lời hướng dẫn viên thuật lại:"Có lần Bác bị ốm rất nặng tưởng không qua khỏi đã gọi đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đến căn dặn như lời chăng chối. Nhưng may thay đã có một thầy lang địa phương đi qua dùng bài thuốc dân gian chữa khỏi. Bác lại tiếp tục chỉ huy cuộc tổng khởi nghĩa. Người thày lang vô danh có ơn cứu mạng Bác đó đến nay vẫn chưa tìm được danh tính".
Cách mạng tháng 8 thành công, các cơ quan Trung ương rút đi, Bác đã dặn cán bộ và nhân dân Tân Trào phải xoá dấu vết để giữ bí mật. Nhân dân đã phát nương làm rẫy ở rừng Nà Nưa, sau này mới khôi phục lại. Theo ý nguyện của Bác khi trở lại thăm Tân Trào (tháng 3/1961), người ta đắp đập ngăn suối Khuôn Pén thành hồ thủy lợi rộng 10 ha tưới cho hơn 40 mẫu lúa ở hạ nguồn. Bên kia hồ là núi Hồng (thuộc địa phận huyện Định Hóa) soi bóng và là nơi có ATK (an toàn khu) Thái Nguyện. Bên cạnh con đập là dãy quầy hàng bán đồ lưu niệm như: quần áo thổ cẩm, đĩa men in cây đa Tân Trào, rượu ống, cơm Lam, mật ong, măng rừng. Bà Ma Thị Bình 55 tuổi là người bán hàng lưu niệm ở đây cho biết ông ngoại đã tham gia đội cảnh vệ bảo vệ vòng ngoài của lán Nà Nưa, nay cụ đã mất.
Rời lán Nà Nưa, đoàn vào thăm Đình Tân Trào dựng trên khoảnh đất khá bằng phẳng. Đình có kiến trúc bằng gỗ 3 gian và nhìn ra con suối ở phía tây nam. Những cột gỗ to lớn vững trãi đỡ mái cọ, dưới chân là các thanh xà liên kết các cột đỡ thanh ngang để lát gỗ sàn cách mặt đất khoảng 1 mét. Đình không có tường và để trống. Trong đình có ban thờ Thành hoàng, dưới là sàn gỗ để các bô lão và chức sắc hội họp bàn việc làng xã. Theo tài liệu lịch sử cho biết: Do sự cấp bách của thời cơ cách mạng, Đình Tân Trào là nơi diễn ra Quốc dân đại hội trong hai ngày 16, 17/8/1945, có 60 đại biểu trong toàn quốc về dự quyết định nắm thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khi ấy trời mưa to, Bác Hồ từ lán Nà Nưa, chân trần nội bộ đến dự. Sau khi rửa chân xong, Người đã đứng cạnh hòn đá trước đình mà nhân dân vẫn để đồ chuẩn bị tế lễ, trịnh trọng đọc lời hiệu triệu quốc dân, đồng bào đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Các đại biểu nhất loạt hưởng ứng hô vang. Khí thế đó đã lan tỏa nhanh chóng ra khắp đất nước và cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của dân tộc Việt Nam giành thắng lợi. Ngôi đình đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng là địa điểm hội ngộ sức mạnh của toàn dân tộc. Còn hòn đá trước đình trở thành hòn đá thề, vì các đại biểu của Đại hội quốc dân thề quyết tâm đánh đuổi xâm lược giải phóng giang sơn và được ví như hội nghị Diên Hồng lần thứ hai của nước Việt. Khi quân Pháp quay lại xâm lược nước ta, Tân Trào lại đón Bác Hồ và Trung ương về hoạt động. Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, quân và dân Tân Trào đã đồng cam, cộng khổ nuôi giấu cán bộ, bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến lãnh đạo nhân dân làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu". Đoàn quân cách mạng từ đây trở về tiếp quản thủ đô vào tháng 10/1954.
Đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang cho biết một điều rất lý thú ở xã Tân Trào:"Trải qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, xã Tân Trào có hàng trăm người con ưu tú cầm súng lên đường đánh giặc và lập nhiều chiến công. Có một điều đặc biệt là tất cả những người con của xã Tân Trào đều nguyên vẹn trở về. Tân Trào là xã duy nhất trong cả nước không có nghĩa trang liệt sỹ. Có lẽ linh khí của thủ đô kháng chiến đã chở che cho những người con nơi đây đi đến nơi về đến chốn, dù nơi đó là hòn đạn, mũi chông".
Cạnh đình Tân Trào là cây đa đã đi vào lịch sử. Trải qua thời gian cây bị lão hóa và chết một phần. Ban quản lý khu di tích phải cắt bỏ cành khô và phủ Composite lên thân và rễ để bảo tồn. Kế bên là "Làng văn hóa du lịch Tân Lập" mới được thành lập cách đây chưa lâu phục vụ du khách muốn tìm hiểu về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa ở nơi đây. Sát với cây đa là đền thờ Bác Hồ mới được xây dựng và hoàn thành chưa lâu. Cả đoàn vào thắp hương và nghe giới thiệu về công trình. Để ghi nhớ công lao của Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng đối với quê hương, ngày 19/2/2013 UBND tỉnh Tuyên Quang động thổ xây dựng đền thờ. Đình được xây dựng theo kiểu hình chữ "Đinh" (丁) truyền thống 3 gian, 2 chái và hậu cung rộng 155 m2. Vật liệu làm đình là gỗ lim, đá xanh tự nhiên, ngói mũi hài màu nâu đỏ. Nếu tính tất cả các công trình phụ trợ (tầng hầm, lầu chuông, gác chống) thì đền rộng 615 m2, tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.300 m2 nhìn về hướng tây nam rất khoáng đạt. Ngày 16/8/2014, đền thờ làm lễ an vị tượng Bác được đúc bằng đồng nguyên chất cao 1,72 m nặng 1,4 tấn. Gian chính giữa đền có bức đại tự bằng chữ quốc ngữ“Chính Đại Quang Minh” và hai câu đối do cố Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết:“Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người”. Hai bên tả hữu đền là toàn thân của 14 vị tiền bối cách mạng như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh.v.v..Đặc biệt có tượng của Thượng thư triều đình Huế -cụ Bùi Bằng Đoàn là người duy nhất không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt nam.
Gian hậu cung đền thờ có bài vị thân phụ và thân mẫu của Bác và chỉ mở vào những ngày lễ trọng. Đền thờ được hoàn thành năm 2019, là điểm nhấn quan trọng của khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Cạnh đền thờ là nhà trưng bày hai tầng, mái cong đang khẩn trương thi công. Phía sau đền thờ là tượng đài“Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” nằm sát chân núi Thổ Sơn. Khi hỏi về những vạt hoa bên cánh rừng, nữ thuyết minh viên cho biết đó là hoa Phách và đọc câu thơ của Tố Hữu:"Ve kêu rừng phát đổ vàng/Nhớ cô em gái hái măng một mình". Nhà báo Nguyễn Thế Dũng đã nhiều lần đến Tân trào nhận xét:"Tuyên Quang cũng như Sơn Dương và Tân Trào đổi thay rất nhanh. Đền thờ Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng là công trình mới và là điểm nhấn của khu di tích lịch sử đặc biệt, là điều tôi ấn tượng nhất trong chuyến đi này".
Với tôi 15 năm trở lại Thủ đô gió ngàn với cảm xúc thơ thới về những đổi thay to lớn trên quê hương cách mạng, đó là đường xá đi lại dễ dàng hơn, phố thị mọc lên ở khắp chốn. Cây phách và Cây Duối là những cây đặc trưng của đất này đã được bảo tồn thành rừng đặc hữu khi mùa hoa vào cuối hạ đầu thu với những cánh rừng ngả màu vàng tươi. Còn cây Duối được trồng ở các tuyến đường được dẫn vào khu di tích. Nét mặt mỗi người dân cũng rạng rỡ hơn rất nhiều và cả khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này cũng thêm nhiều công trình ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân nhằm phục vụ cho du khách mỗi dịp đến đất này. Nhưng có một điều cảm thấy hụt hẫng và bâng khuâng khi cây Thành Ngạng hai trạc không còn hiện hữu bên lán Nà Nưa như 15 năm về trước....
Dời Tân Trào trong cái bắt tay thật chặt, nắng đầu thu với bầu trời xanh ngắt, núi rừng điểm xuyết những vạt hoa phách tươi màu, những rặng duối cổ thụ xanh ngắt ven đường, xen lẫn những ruộng lúa vào thì con gái như nhắn nhủ người dân nơi đây đang nỗ lực xây dựng quê hương cách mạng ngày thêm giàu đẹp văn minh, xứng đáng với cái tên Thủ đô gió ngàn của đất nước.