Tháng chạp

Theo âm lịch một năm mười hai tháng, ứng với mười hai con giáp. Bắt đầu từ tháng mười một âm lịch được gọi lần lượt là Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bẩy, Tám, Chín, Mười. Ứng với Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
270834863-2701930880115111-5096385365215213642-n-1641799299.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm

Tháng chạp (tháng mười hai) còn gọi là tháng (củ mật). Bởi vì người xưa muốn nhắc nhở trong tháng chạp thì mọi việc làm như giao dịch, quan hệ, đi lại… đều phải hết sức thận trọng. Cảnh giác với nạn trộm cắp, cướp của nhất là ban đêm. Cần thận củi lửa, dầu đèn… đề phòng hỏa hoạn.

Tháng chạp với người nông dân là tháng gặt hái thành quả lao động cả một năm trời. Cây trồng, vật nuôi đến kỳ thu hoạch bán phục vụ Tết được giá ai cũng mừng. Nhưng nếu mất mùa, rớt giá thì cũng khổ cùng cực. Tháng chạp là tháng bận rộn nhất trong năm của nhà nông. Nhà nhà, người người tất bật với công việc như lấy nước đổ ải, cày bừa làm đất, gieo mạ chuẩn bị cấy lúa vụ chiêm xuân trong cái rét căm căm của tiết Tiểu Hàn, Đại Hàn. Tu sửa nhà cửa, mua sắm thêm tài sản vật dụng, nhất là hàng hoá phục vụ Tết. Tu sửa (mộ phần) tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Tháng chạp đối với người kinh doanh buôn bán rất bận rộn. Nào là nhập hàng, bán hàng, thu nợ… những ngày giáp Tết càng bận rộn hơn, nếu hàng bán không chạy (ế hàng) là lỗ vốn mất Tết.

Tháng chạp là tháng của âu lo. Gia đình nào cũng mong có một cái Tết đủ đầy, tuỳ theo điều kiện kinh tế để tính toán việc mua sắm cho phù hợp. Nhà nào kinh tế khá giả thì dễ, kinh tế eo hẹp thì phải tính toán chi li lắm! Ngoài việc lo tiền để mua sắm cho bản thân và gia đình, còn phải lo cho bậc sinh thành (tứ thân phụ mẫu) nhất là những gia đình có các cụ đã già yếu. Bố mẹ lo cho con, con lo cho bố mẹ, anh em lo cho nhau…Người ở nhà lo cho người ở xa. Người ở xa, thậm chí định cư ở nước ngoài cũng lại lo cho người ở nhà…

271685448-2701930806781785-2444967611637852981-n-1641799299.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm

Xã hội cũng có chính sách lo cho người nghèo, người khuyết tật, người có công… để mọi người, mọi nhà đều có Tết. Những âu lo của tháng chạp thật là nhân văn, nhân hậu thấm đẫm tình người. Tháng chạp mặc dù bận rộn, âu lo nhưng thật hữu ích. Giúp những người làm ăn, kinh doanh buôn bán… dù thành công hay thất bại đều rút ra được bài học kinh nghiệm, có thêm nghị lực chuẩn bị hành trang cho năm mới. Bắt đầu từ rằm tháng chạp, không khí Tết mỗi ngày một rõ ràng hơn, nhất là sau tết ông Công, ông Táo thì không khí Tết đã từ chợ về nhà qua các chậu đào, mai, quất, cúc… thấp thoáng trước hiên nhà. Những cuộn lá dong xanh biếc, bưởi vàng, măng miến… theo chân các bà, các mẹ, các chị từ các chợ xa, chợ gần về góp thêm hương vị với đào, mai, quất, cúc… đó đây đã thấp thoáng những cánh én báo hiệu Xuân về gõ cửa từng nhà. Tết đến nơi rồi lòng người thêm rộng mở, xích lại gần nhau hơn. Ngày cuối cùng của tháng chạp (ba mươi Tết) thiêng liêng ấm cúng biết chừng nào. Con cháu ra nghĩa trang thắp hương mời tổ tiên, ông bà… về ăn Tết. Trước bàn thờ con cháu một lòng thành kính bái yết tổ tiên, ông bà… đất trời, âm dương như hoà quện trong khói hương nghi ngút. Bữa cơm tất niên con gắp cho cha, vợ gắp cho chồng… đầy ắp tiếng cười, thật là ấm cúng.

Hết tháng Sửu, năm Sửu đón tháng Dần, năm Dần theo mười hai con giáp thì 12 năm sau mới lập lại. Nhưng hết năm Tân Sửu đón năm Nhâm Dần phải 60 năm nữa mới lập lại. Đời người chỉ có hai lần chứng kiến đó là lần ta sinh ra, lần hai là 60 năm sau. Nếu ai có lần thứ ba là thêm 60 năm nữa (Đại trường thọ 120 tuổi) chắc chắn người ấy được ghi vào sách kỷ lục Guinness thế giới.

 

HD10/02/22NH

Theo Chuyện Làng quê