Thằng nhà quê (Thấy và ngẫm)

Trương Thành Sơn

08/11/2021 17:02

Theo dõi trên
chuyque1b-1636365663.jpg
Dịch Covid-19 ơi, mồi ngon đây này! Ảnh tác giả sưu tầm trên Internet.

 

Thấy bà con Hà Nội bất chấp dịch Covid-19 chen chúc xếp hàng đi thử tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, thấy háo hức quá. Không biết đến bao giờ mới hết dịch để gã nhà quê ra Hà Nội làm một phát cho đỡ nhà quê, nhể?

Đời tôi mấy lần được háo hức, được thoả mãn việc đi tàu điện rồi. Bao giờ gã nhà quê cũng thấy ấn tượng, nhớ mãi.

Lần đầu là mùa hè năm 1973, thời ấy Hiệp định hoà bình Paris mới ký kết, nhưng Hà Nội vẫn bề bộn như bãi chiến trường sau 12 ngày đêm hứng bom B52 của Mỹ cuối năm 1972. Nhà chị gái tôi ở Viện Thú y, liền tường Bệnh viện Bạch Mai, nhà cửa đổ vì bom B52 vẫn trơ sắt, trên đống gạch vụn. Ở căn phòng tập thể Viện Thú y, tôi thắc thỏm ngóng ra đường khi nghe thấy tiếng leng keng đặc trưng, chị gái bảo “đó là tàu điện đấy”.

Tàu điện với tôi lúc ấy là Thiên Đường, là tuyệt vời, là không gì so sánh được!

Để đi thử tàu điện, anh rể dẫn tôi ra bến ở gần đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai, rồi dặn cách thức đi. Thế mà sau khi được hưởng “Thiên Đường trên mặt đất”, tôi vẫn suýt ngã sấp mặt khi tàu chưa dừng hẳn đã bước xuống, khi thấy cô bé còn nhỏ hơn mình thả chân nhảy xuống nhẹ như làn gió. Loạng choạng đứng lên, tôi đang xoa cái đầu gối xước sát thì nhận ngay một cái bĩu môi của cô nàng, cùng một câu đầy khinh miệt:

- Thằng nhà quê!

Ơ hơ, mình đã là thành phố bao giờ đâu mà chả nhà quê, nhể?

Sau cái vụ ngã tàu điện ấy, tôi còn bị bĩu môi chê “nhà quê” khối lần, từ hôm đi Tràng Tiền ăn kem, cố cho kem vào cái bao để mang về làm quà cho đứa cháu, đến lần xếp hàng bằng … gạch để mua dầu hoả, xếp hàng bằng dép để mua đậu khuôn, xếp hàng bằng mũ để mua đường theo tem phiếu giúp chị gái. Ấy là vì ở quê, tôi thành phần nông dân đặc, chỉ có mang lợn gà đi cân cho mậu dịch chở lên phố chứ được ăn bao giờ đâu, nói gì đến mua thịt tem phiếu?

Số phận lại buộc tôi tiếp thu văn hoá thị thành khi 5 năm học chuyên nghiệp ở ngay Hà Nội, hễ ra đến phố là lại bị chê “nhà quê”, điều này quen rồi, không thể khác được.

Năm 1989 tôi lại đứng trước nguy cơ “quê” hơn khi đi học ở Liên Xô, đương nhiên họ văn minh, lịch sự hơn Hà Nội nhiều rồi. Thế nhưng cũng lạ, lần đầu đi thang cuốn ở Bombay, Ấn Độ khi máy bay dừng tác nghiệp kỹ thuật, tuy có loạng choạng nhưng tôi không ngã, chẳng ai cười tôi chê tôi nhà quê cả. Hú hồn!

Cái đận đi tàu điện ngầm ở Mốt-sờ-cu thì run thật, nhưng ngay từ lúc luýnh quýnh ở thang cuốn, tôi đã được một cô xinh như mộng hỗ trợ. Cô không hề chê tôi nhà quê, không chu mỏ khinh thường khi tôi chẳng biết cách qua rào kiểm soát tự động. Chỉ tội bất đồng ngôn ngữ, do tiếng Nga của tôi còn hạn chế, nên tôi chẳng thể tán nàng được. Tiếc thế!

Tàu điện ngầm thủ đô Min-sờ-cơ của Bạch Nga tôi đã thử, tàu điện ngầm thủ đô Ki-ev của U-cờ-rai-na tôi thử rồi, đẹp, văn minh. Ấn tượng nhất là tàu điện ngầm ở Xanh Peterburg đẹp không kém Mốt-sờ-cu. Còn tàu điện ngầm của Taipei thì thường thôi, gọi Mốt-sờ-cu là cụ.

Giờ đã U70 rồi, vẫn quê một cục, nhưng khao khát được thử cái tàu điện trên cao Hà Đông – Cát Linh một lần. Riêng cái đề tài công trình thế kỷ này tôi cũng đã viết đến mấy bài rồi.

Bao giờ thì giấc mơ thành hiện thực đây nhể?

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết " Thằng nhà quê (Thấy và ngẫm)" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn