Thằng nhóc

Bùi Trung

18/11/2021 07:09

Theo dõi trên

Cuối năm 1985, lúc mới về ở chân cầu Bằng Lăng (thị xã Long Xuyên), năm giờ sáng tôi đã lội bộ đi cho kịp đến chỗ làm. Chiều xong việc lội về tới nhà thì cũng khoảng 7 giờ tối, tắm rửa xong vui nhất là giỡn với hai đứa con rồi ngủ.

thang-nhoc-1637194236.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

 

Một hôm thấy mẹ tụi nhỏ mặt mày ủ ê, gặng hỏi bả mới cho hay có thằng cháu nội của ông Ba ngang bên kinh, chiều nào nó và mấy thằng bạn của nó cũng đứng trên cầu kêu :

   - Ê, bà khùng...

   - Sao bà không mét ổng cho ổng rầy nó?

   - Tui nói rồi, ổng cười nói : thằng đó nó chọc ghẹo chơi thôi chứ có làm gì đâu mà thím mét tui.

   - Ba má nó đâu?

   - Ba nó chết, má nó có chồng khác bỏ đi rồi.

    - Nó bao nhiêu tuổi? Làm nghề gì?

    - Nó khoảng 18, 19 gì đó nghe nói nó làm võ sĩ chuyên môn đi đánh võ đài .

Lúc đó trên cầu có tiếng của ai đó:

    - Bà khùng ơi...

Mẹ tụi nhỏ nói vội :

   - Nó đó ông ơi...

   - Để tôi ra nói chuyện với nó.

   - Ông cẩn thận, tụi nó đông lắm đó.

Trời sáng trăng nên thấy một đám thanh niên tụ tập trên lan can cầu tôi hỏi :

   - Nó là thằng nào vậy?

   - Thằng mặc áo trắng đó..

Tôi mặc vội chiếc áo thun rồi bước lên cầu hỏi :

   - Xin lỗi, trong mấy em ai là B... ?Cậu nhóc áo trắng xẳng lè:

   - Tui nè... Ông là ai? hỏi có gì không?

Tôi thầm nghĩ trong đầu :

    Nếu từ cái lan can này ôm nó rồi nhảy xuống nước chưa chắc ai hơn ai, chứ nó là võ sĩ, trên bờ đấu cũng khó thắng nó, với lại bọn nhóc bên nó bên ngoài còn một đống.

Tôi cố nói tỉnh :

   - Chú là chồng cái bà mà cháu hay kêu bằng bà khùng đó. Mà bả không có khùng đâu cháu ơi, bà xã chú là đào chánh của mấy đoàn cải lương lớn.

    - Kệ bả chớ, nói với tui làm chi?

Tôi cười :

   - Chú và bà xã chán theo gánh hát vì có hai đứa con nhỏ nên tính giải nghệ về tạm trú ở xóm này cho hai đứa nhỏ đi học. Ngày đầu tiên đến xóm được Bác Ba là ông nội của cháu cho về ở tạm, nếu cháu không thích thì mai gia đình chú sẽ dọn đi.

   - Ông dọn đi đâu?

   - Chú cũng chưa biết, nhưng chỗ nào cũng có người tốt mà phải không cháu? Chú là trẻ mồ côi nên sống đâu cũng được mà.

Nghe đến trẻ mồ côi thằng Nhóc hơi giật mình hỏi :

   - Chú cũng mồ côi sao?

   - Chú mất cha lúc 11 tuổi, mất mẹ năm 18...

Thằng Nhóc bỗng nói:

  - Chú cho tui lại nhà chú một chút nghen, được không?

   - Được mà, theo chú nè..

Dẫn thằng Nhóc vô nhà mẹ tụi nhỏ trơ cặp mắt không biết chuyện gì, vừa ngồi xuống ghế thằng Nhóc  nói nhỏ :

  - Thím cho con xin lỗi vì đã chọc ghẹo thím mấy hôm nay. Hôm nay nhờ chú nói cho biết gia đình chú thím là gia đình nghệ sỹ.

Thằng Nhóc nhìn lên vách thấy tôi treo mấy tấm giấy chứng nhận võ thuật từ thời còn đi học, nó hỏi :

   - Ủa vậy chú cũng là dân có nghề hả chú?

  - Nghề gì đâu, hồi con nít đó mà...

Thằng Nhóc nói:

   - Con chuyên tổ chức đánh đài khắp nơi mang danh võ đường này võ đường kia mà có cái giấy nào đâu.

Tối đó nói chuyện với thằng Nhóc mới biết nó cũng là đứa nói năng lễ phép và có ăn học. Có lẽ việc mẹ nó bước thêm bước nữa với người anh bà con của ba nó nên làm nó sốc và trở thành đứa trẻ bất cần đời và như như vậy.

Sáng hôm sau chưa kịp đi làm thì thằng Nhóc qua rủ :

   - Sư phụ qua quán làm ly cà phê rồi hãy đi làm..

Chiều về tới nhà đã thấy thằng nhóc ngồi chờ, mẹ tụi nhỏ khoe hôm nay nó qua sửa lại cái bếp cho mình, chiều nó nấu sẵn bình trà chờ ông về uống.

Thì ra ông Nhóc này mất cha rồi mẹ bỏ ra đi, nên không có ai chịu nói chuyện cho nó hiểu cách sống khi cuộc đời không còn cha mẹ phải như thế nào. Từ đó, nó bỏ đám bạn hay tụ tập buổi chiều và tôi nói cái gì nó cũng nghe, nó cũng không tham gia theo mấy đoàn võ đài nữa. Hỏi vì sao không đánh võ đài nó ngập ngừng thật lâu rồi mới trả lời :

- Tụi con mang danh võ đường này nọ chứ thật ra là tổ chức đánh cuội không hà, lúc đánh nhau đều sắp đặt trước hết sư phụ ơi.

- Nói như vậy lỡ đi chỗ khác có võ sĩ thiệt lên thách đấu rồi làm sao?

- Thì thương lượng, nếu mày để tao thắng thì tiền giải mày cứ lấy, còn nó không chịu thì nhắm đánh không lại thì mình giả thua là xong.

Tôi hỏi nó :

- Sao bây giờ mày không đi đánh nữa?

- Bây giờ suy nghĩ lại con thấy mắc cỡ quá chắc con tìm học nghề nào cho đàng hoàng sư phụ ơi.

Cả xóm ai cũng lạ về sự thay đổi của nó.

Bác Ba ông nội nó hỏi tôi :

   - Chú Bầu làm cách nào mà thằng cháu nội tôi thay đổi như vậy? Mà nó kêu ông bằng sư phụ là sư phụ môn gì vậy?

Tôi trả lời :

   - Tại nó mến tôi nó kêu vậy chứ tôi có dạy nó cái gì đâu Bác ơi.

Sau đó nhà tôi như nhà của nó vậy, đi đâu về nó cũng ghé nhà tôi trước, nhà tôi sửa chữa gì nó cũng là người đến giúp đầu tiên. Ngày gia đình tôi dọn đi về Sài Gòn nó buồn nên trốn biệt.

Thằng Nhóc sau đó nghe nói nó học nghề trên xưởng cơ khí Tỉnh, ngày nó có vợ tôi đang lưu vong ở Sài gòn nên hai thầy trò không gặp nhau, sau đó nó ở luôn bên vợ nên cũng ít gặp. Hôm qua mới biết tin nó đã mua được chiếc xe 4 chỗ ra chạy Taxi, nhà mới của vợ chồng nó cũng gần xóm cũ, mừng thay cho thằng Nhóc ngày xưa và tự nhủ sẽ đến thăm nó một ngày không xa lắm .

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Thằng nhóc" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn