Thanh âm mùa xuân

  Sau thành công của “Giai điệu mùa thu” năm 2023, vào lúc 20 giờ, tối 22/4/2024, tại Phòng hoà nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, tổ chức buổi hòa nhạc thường niên lần thứ 2 mang tên: “Thanh âm mùa xuân”, với thông điệp: “Duy trì nền tảng đào tạo cơ bản để xây dựng và phát huy, đổi mới và sáng tạo, nhằm đóng góp vào kho tàng các tác phẩm Âm nhạc Việt Nam nói chung và Âm nhạc hàn lâm nói riêng”.
thay-va-tro-khoa-sang-tac-chi-huy-am-nhac-hoc-1713609705.jpg
 

    

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó trưởng khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chia sẻ: “Mong muốn của thày và trò chúng tôi là tổ chức chương trình thường niên mỗi năm 1 lần. Năm nay, chương trình với tên gọi “Thanh âm mùa xuân”, giới thiệu các tác phẩm mới, có chất lượng của học sinh, sinh viên trong khoa, qua đó, lựa chọn giới thiệu những tác phẩm xuất sắc có sức lan toả trong đời sống âm nhạc. Tìm ra những tác phẩm có phong cách và hơi thở mới giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Đồng thời cũng thông qua hoạt động này để lựa chọn những tác phẩm xuất sắc của các nhạc sĩ trẻ, giới thiệu các em tiếp cận đến Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế ISCM. Tạo cơ hội để các nhạc sĩ sẻ có thể tham dự được những cuộc thi dành cho các Nhà soạn nhạc trẻ. Giải thưởng Nhà soạn nhạc Trẻ ISCM (YCA) được khởi xướng vào năm 2002 và được tổ chức trao giải hàng năm cho một Nhà soạn nhạc xuất sắc dưới 35 tuổi có tác phẩm được giới thiệu trong Festival Ngày Âm nhạc Mới Thế giới hàng năm của ISCM, nhằm phát huy các tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc đương đại.

chuong-trnh2-1713609847.jpg
 

       Hoà nhạc: “ Thanh âm mùa xuân” 2024 được thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên của Khoa được thể hiện khả năng sáng tạo của mình, đồng thời thông qua buổi hoà nhạc là dịp để các em được trao đổi, chia sẽ học hỏi lẫn nhau, nhưng đồng thời cũng được tiếp thu những ý kiến đánh giá, nhận xét của các nhạc sĩ - các thày giáo, cô giáo để có thể tiến xa hơn trên con đường âm nhạc.

Chuơng trình chia làm hai phần. Phần 1, giới thiệu những tác phẩm đương đại:  Nguyễn Việt Anh: Tiểu phẩm dành cho đàn Piano Memories (Kí ức), biểu diễn: Piano - Tạ Khắc Huy; Phạm Thu Trang: Tam tấu Cuộc phiêu lưu nhỏ, biểu diễn: Clarinet - Văn Thành Long, Violincello - Trần Thị Trà My, Piano - Tạ Khắc Huy; Quách Vũ Anh Kiệt: Tiểu phẩm dành cho đàn Piano Hơi Thở Của Nước, biểu diễn: Piano - Nguyễn Lê Khanh; Trịnh Vũ Dũng: Tứ tấu đàn dây That Old Street Where I Used To Live In My Childhood (Con phố cũ nơi tôi sống từ thuở nhỏ), biểu diễn: Violin 1 - Đinh Công Thành, Violin 2 - Phùng Hoài Thu, Viola - Giảng viên Khúc Văn Khoa, Violoncello - Dương Thu Giang; Bùi Phạm Nguyệt Minh: Tam tấu Vị Thần Sau Núi Tuyết, biểu diễn: Flute - Đỗ Ngọc Linh, Violincello - Lã Hứa Bình Nhi, Piano - Tạ Khắc Huy; Nguyễn Hồng Anh: Tiểu phẩm dành cho đàn Piano Khoảng Lặng, biểu diễn: Piano: Tạ Khắc Huy; Dương Minh Đức Tuấn: Tứ tấu đàn dây Đất và Trời (Chương 1), biểu diễn: Violin 1 - Đinh Công Thành, Violin 2 - Phùng Hoài Thu, Viola - Giảng viên Khúc Văn Khoa, Violoncello - Dương Thu Giang; Phạm Hiếu Khôi: Tiểu phẩm dành cho trống Snare và đàn Piano Tiếng Gõ Líu Lo, biểu diễn: Snare Drum - Phạm Hiếu Khôi, Piano - Ngô Hà Phương; Phạm Võ Uyên Nhi: Tiểu phẩm dành cho đàn Piano và Ngũ tấu đàn dây Chaotic World (Thế giới hỗn loạn), biểu diễn: Piano - Giảng viên Dương Hồng Thạch, Violin 1 - Đinh Công Thành, Violin 2 - Phùng Hoài Thu, Viola - Giảng viên Khúc Văn Khoa, Violoncello - Dương Thu Giang, Contrabass - Nguyễn Tất Thắng. Phần 2 là Hợp xướng với: Giujio Caccini & John Ross: Ave maria; Johann Sebastian Bach: Jesu, joy of man’s desiring; Wolfgang Amadeus Mozart: Ave verum corpus & Dies irae, dưới đũa chỉ huy của Ths. Đỗ Kiên Cường, cùng Dàn Hợp xướng học sinh, sinh viên Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam do các giảng viên: Nguyễn Thành Thi - Đinh Hồng Trang - Đỗ Đức Chung đệm Piano.

chuong-trinh-1713609705.jpg
 

Không dừng lại ở việc biểu diễn các tác phẩm của học sinh sinh viên sáng tác, mà thông qua chương trình còn có sự giao lưu, hợp tác với các học sinh sinh viên khoa biểu diễn nhạc cụ trong việc thể hiện các tác phẩm. Cùng với đó là phần biểu diễn của Hợp xướng. Điều này khẳng định việc đào tạo nền tảng cơ bản của âm nhạc cổ điển trong giảng dạy, đồng thời cũng là sợi dây kết nối giữa các thế hệ sinh viên, các chuyên ngành với nhau. Đây cũng là mong muốn của Ban Chủ nhiệm Khoa là xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản cho học sinh sinh viên, đồng thời kết hợp “học đi đôi với hành”. Luôn luôn phải cập nhật những luồng thông tin, những trường phái, xu hướng âm nhạc… để đào tạo ra những thế hệ, những con người mới trong sự phát triển và hội nhập quốc tế.