Thành cổ Quảng Trị một thời máu lửa

Mỗi kỉ vật, mỗi bức thư trong Bảo tàng thành cổ Quảng Trị đều thấm đẫm máu và nước mắt của biết bao thế hệ, với những số phận nghiệt ngã qua bao lần sinh tử. Trước khi hy sinh, các anh đã để lại những dòng chữ gửi đến mẹ, vợ và người thân về linh cảm ngày mình sẽ mãi mãi nằm lại với đất mẹ Quảng Trị anh hùng…
dh-25346363463-1658370762.jpg
Thành cổ Quảng trị năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Di tích Thành Cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, chỉ cách Quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Bắc, cách sông Thạch Hãn huyền thoại và linh thiêng chừng 500m về phía Đông. Trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa (từ 28 - 6 đến 16/9/1972 được ví như một túi bom đế quốc Mỹ đã ném xuống hơn 80 vạn tấn bom trên diện tích 3km2 của Thành Cổ. Cả thị xã Quảng Trị bị chôn vùi, chỉ còn là đống tro tàn. Báo chí phương Tây bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima - Nhật Bản, năm 1945. Những cựu chiến binh chúng tôi thời đó tuổi mới mười tám, đôi mươi, hôm nay bồi hồi xúc động khi trở lại thăm chiến trường xưa. Cả Thành Cổ trầm mặc trong khói hương tiếc thương đồng đội. Dòng Sông Thạch Hãn như ngày nào vẫn mềm mại khoác lên mình một dải lụa kết bằng hoa tươi thơm ngát của những Đoàn cựu chiến binh từ khắp mọi miền về đây. Từng dãi hoa đăng huyền ảo lấp lánh cả dòng sông. Nó mang một không gian tâm linh hết sức kỳ lạ mà bất kỳ ai từng đến đều có thể chiêm nghiệm, cảm nhận sâu sắc: giữa người đã mất và những người đang sống không có sự cách biệt. 

Trong một ngày cuối Xuân, tôi cùng Đoàn Cựu chiến binh ở Hà Nội có cơ hội đến thăm Thành Cổ Quảng Trị. Chúng tôi thành kính đứng soi mình bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa và Thành Cổ uy nghi, trầm mặc suy tưởng về sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ. Đoàn chúng tôi ai cũng nghẹn lòng, nước mắt rưng rưng khi về thăm mảnh đất của dòng sông giới tuyến, nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước ròng rã suốt 20 năm trời.

Mùa hè năm 1972, tại nơi đây, ngày cũng như đêm, giặc Mỹ đã dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn. Cả Thành Cổ đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống sót. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị góp phần làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đến bờ vực phá sản. Điều làm chúng tôi cảm nhận sâu sắc là tinh thần lạc quan, lòng dũng cảm của các chiến sĩ với quyết tâm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất Thành Cổ. Giữa cái sống, cái chết mong manh, luôn hiện hữu nụ cười tươi tắn, hồn nhiên, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào ngày mai Tổ quốc thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà. Bom đạn đế quốc Mỹ đã không thể khuất phục được ý chí mạnh hơn gang thép của các chiến sĩ giải phóng quân. Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, hàng ngàn người con ưu tú đã ngã xuống, máu xương của các anh đã tan vào đất mẹ, hòa trong sóng nước mênh mang của dòng sông Thạch Hãn.

Đến với Thành cổ Quảng Trị không chỉ là đến với một di tích lịch sử mà còn là đến với một nghĩa trang, một nghĩa trang chỉ có một ngôi mộ chung, đó chính là “Đài tưởng niệm trung tâm” được dựng lên bằng xương và thịt của hàng ngàn người lính trẻ. Mỗi mét vuông đất Thành Cổ là một mét máu của đồng đội. Dưới lớp “Cỏ non Thành Cổ - một màu xanh non tơ” còn biết bao hài cốt chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Mỗi con người và từng tấc đất nơi đây được tôi luyện rắn hơn thép. Đài tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị cũng vì thế mà giàu tính nhân văn và tính triết lý. Con người sinh ra rồi mất đi là lẽ tự nhiên nhưng những gì họ để lại cho đời là vĩnh viễn… Và dù trên mình còn mang đầy thương tích nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cứ người này ngã xuống, người khác lại đến thay.

Bảo tàng thành cổ Quảng Trị, nơi đang lưu giữ và trưng bày nhiều di vật, hình ảnh… của các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhưng xúc động hơn khiến Đoàn chúng tôi không cầm được nước mắt chính là bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, Kiến Xương, Thái Bình gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Chị hướng dẫn viên bằng chất giọng miền Trung nhỏ nhẹ, mượt mà giới thiệu với chúng tôi về những bức thư: Mùa hè năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Lê Văn Huỳnh tạm biệt giảng đường, tạm biệt mẹ, người vợ trẻ và quê hương lên đường vào Nam chiến đấu. Mở đầu bức thư anh Huỳnh ghi: “Quảng Trị, ngày 11/9/1972” (có nghĩa là ngày thứ 77 trong chuỗi 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ). Đoạn thư mở đầu anh dự cảm rõ ngày mình sẽ ra đi, nên đã viết bằng những lời như rút từ gan ruột gửi về gia đình: “Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột…”. Đặc biệt đôi khi nhắn nhủ với người mẹ thân yêu, mang nặng đẻ đau chưa đền đáp được công ơn sinh thành cũng như trách nhiệm của mình trước vận mệnh Tổ quốc, anh viết: “Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”.

Với người vợ hiền mới cưới suốt những năm đằng đẵng chờ chồng, anh đã có những lời nhắn nhủ, dặn dò tha thiết: “Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh… Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm. Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của các anh chị anh…”.

Ở đoạn thư thứ hai anh cũng đã để lại cho chúng tôi sự xúc động mạnh mẽ. Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh như đoán được vận mệnh của tương lai, anh đã linh cảm trước về sự hi sinh của mình, anh đã bình tĩnh dành những lời dặn dò đối với người vợ mới chỉ vỏn vẹn sống với mình được 6 ngày: “Sau này, hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau… Anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973… Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này… Chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương”. Trong bức thư anh ghi rất rõ nơi yên nghỉ của mình để sau này gia đình dễ tìm. Ngày anh ra đi đúng kỷ niệm một năm ngày cưới. Sự kỳ lạ của bức thư đã để lại bao điều tiếc nuối. Trong bức thư, Anh không nhấn mạnh về cái chết của mình, không kể những chiến công của mình, toàn bộ phần còn lại của bức thư anh cầu mong cho gia đình mình sống thật hạnh phúc. Đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, người anh lo lắng đầu tiên chính là người mẹ của mình. Công lao cha mẹ sao có thể đền đáp khi Tổ quốc đang cần: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Dường như trước khi đến chiến trường Quảng Trị, anh đã linh tính rằng sẽ có ngày đất nước thống nhất và ngày đó là ngày anh vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ Quảng Trị. Nhưng anh vẫn khắc khoải, day dứt: nếu ngày mai “Nam - Bắc sum họp một nhà” thì cũng đừng quên nấm mồ của anh. Bức thư được xem như là bản “di chúc” thiêng liêng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, được viết từ chiến trường Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa. Bức thư đã được đồng đội tìm thấy trong ba lô ngày anh hy sinh, được gia đình cất giữ đến tận hôm nay và trao tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị sau 40 năm lưu lạc. Từ trong sâu thẳm của thời gian ấy, là cả một câu chuyện đầy cảm động về tình thương gửi đến mẹ kính yêu, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình. Và trên hết, là lý tưởng của người thanh niên: “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường rộn rã bước hành quân. Có thể nói mỗi kỷ vật, mỗi bức thư trong Bảo tàng này đều thấm đẫm máu và nước mắt của biết bao thế hệ, với những số phận nghiệt ngã qua bao lần sinh tử... Bức thư là một kỷ vật vô cùng thiêng liêng. Chị Đặng Thị Xơ, vợ của anh Lê Văn Huỳnh, từ quê Thái Bình mỗi dịp vào thăm Thành Cổ đều tâm sự với cán bộ Bảo tàng: “Anh Huỳnh hy sinh, đó là nỗi đau lớn, nhưng tôi vẫn tự hào về một người chồng đã hy sinh góp phần cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy tôi tâm niệm sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh, để linh hồn anh được thanh thản…”.

dh-2236734-1658370847.jpg
Thành cổ Quảng Trị ngày nay

Chúng tôi thực sự không ngăn được những dòng nước mắt khi được lắng nghe câu chuyện đầy xúc động về những dòng tâm thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại trước ngày ra đi. Bức tâm thư với những trang viết đầy lắng đọng của người chiến sĩ gửi đến người mẹ thân yêu, người vợ dịu hiền và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh Tổ quốc.

Ngoài bức thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, chị hướng dẫn viên còn đưa cho Đoàn chúng tôi xem di vật của Liệt sĩ Lê Binh Chủng, gồm hai tấm ảnh nhỏ của anh và một cô gái khuôn mặt trái xoan rất dễ thương có mái tóc buông xỏa hai vai với nụ cười đôn hậu. Bên cạnh là một cuốn sổ nhật ký, trong đó có những lá thư của chị Phan Thị Biển Khơi, vợ của Liệt sĩ Lê Binh Chủng. Trong bức thư đề ngày 15/5/1972, chị viết: “Cầm bút viết thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng dậy lên sung sướng. Tự hào thay, trong hàng ngũ những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ... Em và con gửi lời thăm tới các anh trong đơn vị. Gửi tới anh nhiều cái hôn”. Trong một đợt ném bom của máy bay giặc Mỹ, anh Chủng là Chính trị viên phó Tiểu đoàn và đồng đội đã hy sinh ngày 3/8/1972. Anh Chủng, quê ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và chị Biển Khơi yêu nhau ở chiến trường, được đơn vị làm đám cưới vào tháng 1/1970 khi anh chị đóng quân ở Quảng Bình. Hạnh phúc đến với hai người là có một chàng hoàng tử, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên gia đình Liệt sĩ ở Nghệ An lại không hay biết. Gần 30 năm sau, những lá thư này đã giúp bà Khơi và con trai được đoàn tụ với nhà chồng. Người con trai của anh được công nhận là con Liệt sĩ. Gia đình họ hàng và làng xóm vỡ òa trong ngày vui hạnh phúc.

Bao nhiêu người về với Thành cổ Quảng Trị đã rơi lệ, đã khóc vì cảm động trước những tình cảm mà người lính dành cho gia đình, khâm phục tinh thần quả cảm, bất khuất và kinh ngạc trước sự linh thiêng của linh hồn người liệt sĩ. Dường như trước khi đến chiến trường Quảng Trị, anh Huỳnh, anh Chủng đã linh tính rằng sẽ có ngày đất nước ta thống nhất và ngày đó là ngày anh vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ Quảng Trị anh hùng.

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm kể từ “mùa hè đỏ lửa” khốc liệt năm 1972 ấy. Thị xã Quảng Trị đã được xây dựng lại từ đổ nát của chiến tranh. Thành cổ Quảng Trị đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và trở thành điểm viếng thăm của hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Trên mảnh đất Thành Cổ giờ đây cây cối và hoa đã rực rỡ, đua nhau khoe sắc làm dịu đi vết thương chiến tranh nhưng những giọt nước mắt vẫn còn rơi trên hàng cỏ xanh. Hàng chục vạn chiến sĩ đã nằm lại nơi đây, họ không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Đoàn chúng tôi sẽ không sao quên được cảm xúc bồi hồi xúc động vì biết rằng dưới mỗi bước chân của mình vẫn còn xương, thịt của đồng đội. Đã có lần, cựu chiến binh Phạm Đình Lân từ Hà Nội về thăm lại chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang mà lòng xót xa nhắn nhủ:“Nhẹ bước chân và nói khẻ thôi/ Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào…”. Sau này, cựu chiến binh Lê Bá Dương trở về thăm Thành Cổ đã thả xuống dòng sông những bông huệ trắng với những câu thơ chan chứa yêu thương dành cho đồng đội:“Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...”.

Chúng tôi tạm biệt Thành Cổ Quảng Trị vào một chiều Xuân trong khói hương trầm mặc, đâu đó vọng lên tiếng hát cháy lòng da diết “Cỏ non Thành Cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền: “Cho tôi hôm nay vào thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình...”./.