Dự buổi lễ có đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ kỷ niệm…
Tại buổi lễ, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hoá Việt Nam. Đồng thời, trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thanh Hoá giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Để rồi, sử gia Lê Văn Hưu cùng nhiều tên tuổi lớn như Lê Quát, Lương Đắc Bằng, Lê Trạc Tú… đã trở thành hiện thân của truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, nhân nghĩa, trọng tình, hiếu học đã được gây dựng và trao truyền suốt nhiều thế kỷ, để thế hệ hôm nay thừa hưởng và tiếp tục bồi đắp cho dày thêm và đẹp hơn.
Cũng trong sáng nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa đã tổ chức lễ khánh thành và dâng hương Đền thờ Lê Văn Hưu tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
Lê Văn Hưu sinh (1230 - 1322) ở vùng đất Kẻ Rỵ, tức giáp Bối Lý, sau đổi thành xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đều chép: Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn khoa Đinh Mùi (1247) dưới triều Trần Thái Tông. Đây là khoa thi đầu tiên lấy tam khôi: Trạng nguyên Nguyễn Hiền (13 tuổi), Bảng nhãn Lê Văn Hưu (17 tuổi) và Thám hoa Trịnh Ma La (14 tuổi).
Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, Lê Văn Hưu đã biên soạn bộ “Đại Việt sử ký”. Công trình này được hoàn thiện vào năm 1272, ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), gồm 30 quyển. Sau khi hoàn tất ông được nhà vua xuống chiếu khen ngợi.
Tài liệu Lê Thị gia phả do con cháu Lê Văn Hưu ở Thiệu Trung - Thiệu Hóa lưu giữ được các nhà nghiên cứu cho rằng tuy còn một số nhầm lẫn, nhưng đã cung cấp nhiều thông tin hơn về Lê Văn Hưu.
Theo đó, Lê Văn Hưu là cháu sáu đời Trấn Quốc Bộc xạ Lê Lương. Ông sinh năm Canh Dần (1230), mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322).Cha Lê Văn Hưu Húy là Minh, tự Văn Thiện. Mẹ ông họ Đỗ. Cha ông qua đời khi mẹ ông mới mang thai được 4 tháng tuổi.
Lê Văn Hưu thọ 93 tuổi, mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322) mộ táng ở xứ Mả Giòm, tọa Quý hướng Đinh, được ban ba sào ruộng làm mộ địa…
Hầu hết các sử gia từ trước tới nay đều công nhận Đại Việt sử ký của lê Văn Hưu giữ vị trí là bộ quốc sử đầu tiên của nước ta. Dù nguyên tác của tác phẩm đã không còn nhưng 30 lời bàn của ông được trân trọng giữ lại trong Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản vô giá của dân tộc. Tài năng và cống hiến cho sử học của ông xứng đáng như nhà sử học Ngô Sĩ Liên từng tôn vinh: “Lê Văn Hưu là đại thủ bút đời Trần” và “là nhà chép sử giỏi”.