Thấy gì khi “Bố con cà khịa”?

Tên sách phần nào “bật mí” nội dung. "Bố con cà khịa và những bức thư", gồm 2 phần; Phần 1 có tựa “Tôi, bố tôi, và....”; Phần 2 có tựa “Những bức thư”. Cuốn sách có 122 trang, khổ “kinh điển” 14,5x20,5cm; chữ to phù hợp tuổi nhỏ (dễ đọc và cần bảo vệ đôi mắt); bìa và minh họa phù hợp nội dung, tâm lý lứa tuổi, hoàn toàn được nhìn qua đôi mắt trẻ thơ.
7-1702458483.jpg
 

Lâu nay tôi vẫn biết Đoàn Lữ Thụy Phương (tên thân yêu là cháu Kẹo) năm nay học lớp 6, Trường Phổ thông cơ cở Chu Văn An (Hà Nội) có năng khiếu đặc biệt về văn chương. Và lâu nay, tôi vẫn đọc những “mẩu chuyện nhỏ” của Kẹo trên trang cá nhân của bố (nhà thơ Đoàn Văn Mật) hoặc mẹ (nhà thơ, nhà báo, diễn giả Lữ Mai). Bụng nghĩ: “con nhà nòi”, được thừa hưởng gen, tâm hồn bố mẹ.

6-1702458446.jpg
 

Thế nhưng, khi đọc được stt của nhà thơ Lữ Mai: “Đón tác phẩm nhỏ của bạn Kẹo vừa từ nhà in về...” thì hơi bất ngờ. Đó là Bố con cà khịa và những bức thư, NXB Kim Đồng, tháng 11/2023. Nhà xuất bản “mua bản quyền”, trả nhuận bút cho Kẹo, chứ không phải bố mẹ có tiền in sách của con. Hai trường hợp khác nhau.

Mừng là Kẹo đã ra sách, tác phẩm đầu tay của “nhà văn nhí”.

5-1702458422.jpg
 

Theo nhà thơ Lữ Mai, đây là tác phẩm “Bạn ấy viết vào mùa hè khi sắp lên lớp 4. Trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Kim Đồng, biên tập viên Nguyễn Thúy Loan và đội ngũ các bác, các cô chú họa sĩ, biên tập... đã chăm sóc, khích lệ bạn nhỏ”.

4-1702458380.jpg
 

Và, ngày 30/11 vừa qua, cuốn sách đã được phát hành rộng rãi tại tất cả hiệu sách và cửa hàng online của Nhà xuất bản Kim Đồng. Sáng thứ bảy ngày 2/12 tại Góc đọc sách cuối tuần của NXB Kim Đồng, Kẹo cũng đã giao lưu ấm áp cùng các bạn nhỏ đọc cuốn sách này.

3-1702458358.jpg
 

Tên sách phần nào “bật mí” nội dung. Bố con cà khịa và những bức thư, gồm 2 phần; Phần 1 có tựa “Tôi, bố tôi, và....”; Phần 2 có tựa “Những bức thư”. Cuốn sách có 122 trang, khổ “kinh điển” 14,5x20,5cm; chữ to phù hợp tuổi nhỏ (dễ đọc và cần bảo vệ đôi mắt); bìa và minh họa phù hợp nội dung, tâm lý lứa tuổi, hoàn toàn được nhìn qua đôi mắt trẻ thơ.

Kẹo viết gì trong phần 1 về bố và “tôi”. Đó là những câu chuyện giữa hai bố con trong tổ ấm nhỏ của gia đình; từ chân dung của bố mình trong “Ông Cà khịa nhà thôi”, “Lại nói chuyện bố không bao giờ sợ vợ”, “Chuyện trong bữa ăn”, “Cà Khịa ở quê”...; đến góc sân trong “Vườn cây của bố”; và đồng nghiệp của bố “Niềm đam mê bóng đá của cô Nhung”, “Bác Liên, ối giời ơi”; chuyện với cô giáo, bạn bè trong lớp học...như “Gặp lại cô giáo”, “Tôi chơi thể thao

Kẹo viết gì trong “Những bức thư”? Hay nói cách khác, Kẹo viết thư cho ai, gửi ai? Đó hoàn toàn là những đối thoại tưởng tượng; có khi với đôi dép cũ trong “Bức thư của đôi dép cũ”; với đám mây, với gió trong “Gặp lại đám mây nhỏ”; hoặc với cả chiếc chổi quét nhà trong “Bức thư của bạn Chổi” và các đồ chơi bố mẹ vẫn mua cho Kẹo.

2-1702458334.jpg
 

Đọc Bố con cà khịa và những bức thư, vui vì biết được Đoàn Lữ Thụy Phương chịu khó quan sát, trí tưởng tượng phong phú, tâm hồn đẹp, giàu nhân ái, đặc biệt rất hóm hỉnh. Hóm hỉnh là tố chất biểu hiện ra ngoài của người thông minh. Mừng vì hứa hẹn một tài năng của văn học, dẫu Kẹo năm nay mới học lớp 6.

Đọc Bố con cà khịa và những bức thư, rộng hơn, đặt ra và trân quý một vấn đề tưởng đơn giản nhưng rất hiếm và quý hiện nay. Đó là phương pháp sư phạm, dạy con về tư duy phản biện, suy nghĩ độc lập... trong gia đình, ngay từ lúc nhỏ. Kẹo gọi bố là “Ông cà Khịa” chính là vì nhà thơ Đoàn Văn Mật hay đối thoại, gợi ý để cùng con đối thoại từ chuyện trong nhà đến ngoài sân.

Về tự biện hay “văn hóa phản biện” theo cách gọi của nhà văn Di Li, đáng tiếc chưa hình thành trong nền giáo dục Việt Nam và xã hội Việt Nam. “Chúng ta cơ bản chưa có văn hóa phản biện và kỹ năng phản biện. Giáo dục Việt Nam vốn dĩ là trò khoanh tay ngồi nghe giảng, lúc nào thầy cô gọi thì mới lên bảng....Phản biện là một môn học rất khó và một kỹ năng bậc cao...Không được khuyến khích phản biện, thậm chí cấm phản biện, nên hành vi phổ biến của người Việt trước đám đông là hiếm khi giơ tay phát biểu. Im lặng là thái độ cực kỳ phổ biến”, (Di Li: Tật xấu của người Việt, NXB Hội Nhà văn năm 2023, trang 49).

Từ trong gia đình Việt Nam “truyền thống” ngàn năm nay đã hình thành nên “văn hóa vâng lời”, cấm cãi. Bố mẹ luôn lạm dụng “quyền phụ huynh” để áp đặt. Đến lượt nó, môi trường nhà trường, môi trường cơ quan, từ lâu đã hình thành nên “văn hóa trăm phần trăm”, tất cả nhất trí. Chả thế mà phản biện chỉ xuất hiện ở quán bia, trên mạng xã hội. Từ đó nhiều hệ lụy đã xảy ra như một logic cuộc sống.

1-1702458309.jpg
 

Trở lại với tác giả Bố con cà khịa và những bức thư, nhà thơ Đoàn Văn Mật là dành hết tình thương cho con gái (đến thời điểm hiện tại là con duy nhất), nhưng luôn khuyên khích con gái đối thoại và tự biện. Qua đó, vợ chồng anh hiểu con hơn, thậm chí hiểu mình hơn. Đó là kinh nghiệm quý, không chỉ có ý nghĩa với trẻ thơ mà còn đối với các bậc phụ huynh.

Điều cuối cùng tôi muốn nói khi đọc Bố con cà khịa và những bức thư là hiện văn hóa đọc đang sa sút; tác phẩm viết cho thiếu nhi (nhất là tác phẩm tốt, có giá trị bồi đắp tâm hồn) đang hiếm; sách của thiếu nhi viết càng quá hiếm.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng lo lắng, “Sự khan hiếm của văn học thiếu nhi là một cảnh báo”. Ông cho rằng, hệ lụy của việc một nền xuất bản sách văn học cho thiếu nhi lại có quá nhiều sách dịch nước ngoài là sẽ khiến cho “vẻ đẹp tâm hồn của những đứa trẻ rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi chúng sinh ra và lớn lên”.

Trong hoàn cảnh đó, Bố con cà khịa và những bức thư là một sự đóng góp của cháu Kẹo./.