Thấy gì qua Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 - Nét văn hóa Tây Nguyên

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lần thứ 8 năm 2023 khai mạc tối ngày 10/3 và bế mạc vào tối nay (14/3/2023) với chủ đề “Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê - Nơi khởi nguồn sáng tạo”,, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV5 và VTV8. Đã có 472 quán đăng ký đồng hành, phục vụ miễn phí cà phê mà không cần phát phiếu.

Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng với những vùng đất đỏ bazan trù phú từ lâu đã nổi danh với những vùng cà-phê bạt ngàn và được mệnh danh là “Thủ phủ cà-phê của Việt Nam”. Thương hiệu cà phê này đã đi vào văn hoá với bài hát Ly cà phê Ban mê.

Lễ hội cà phê lần này diễn ra trong 5 ngày được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 18 hoạt động chính diễn ra tại TP.Buôn Ma Thuột và nhiều huyện trong tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, nổi bật là các hoạt động thi pha chế cà phê đặc sản VN 2023, triển lãm chuyên đề "Lịch sử cà phê thế giới"; hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê; hội thảo phát triển cà phê chất lượng cao; thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê; triển lãm trưng bày và hội thi sinh vật cảnh; hội thi nhà nông đua tài; đua thuyền độc mộc hồ Lắk, hội voi Buôn Đôn…

b5dl5-1678767427.jpg

Một tiết mục biểu diễn tại  Lê hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Nguồn: Internet.

 

Năm 2022, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, đóng góp hết sức quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD của ngành nông nghiệp, trong đó nguồn cà-phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà-phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những nền tảng để hương vị cà-phê Việt Nam và cà-phê Buôn Ma Thuột nói riêng tiếp tục lan tỏa đến những thị trường tiềm năng mới…

Với diện tích hơn 200.000ha cà phê, thu hoạch hơn 500.000 tấn cà phê/năm, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất Việt Nam, từ lâu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Đến nay lễ hội đã được nâng tầm thành lễ hội cấp Quốc gia 2 năm/lần để tôn vinh hạt cà phê. Trong những ngày lễ hội, tỉnh Đắk Lắk chú trọng quảng bá, giới thiệu và tôn vinh ngành nghề cà phê. Đặc biệt, tại lễ hội lần này, tỉnh chủ trọng quảng bá cà phê đặc sản và các tiềm năng về năng lượng sạch, du lịch xanh… với mục tiêu đưa Đắk Lắk thành điểm đến của cà phê thế giới.

Lễ hội lần này với nhiều kỳ vọng mới, là niềm tin cũng là khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy tiềm năng, nội lực cũng như tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ để xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên; tạo động lực mạnh mẽ phát triển Đắk Lắk cùng các tỉnh Tây Nguyên sánh bước với cả nước trên con đường phát triển theo tinh thần Kết luận số 67 ngày 16/12/2019 và Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022…

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhưng ngành cà-phê Việt Nam nói chùng và Đắk Lắk nói riêng cũng vẫn đối mặt với những thách thức lớn cần phải vượt qua để có thể duy trì đà phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, giá trị cà-phê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp; xuất khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô; tổ chức sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ; chất lượng chưa đồng đều; công nghệ chế biến sâu còn hạn chế là một trong những thách thức khi phải đáp ứng các thị trường lớn, với yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao…

Do đó, Đắk Lắk cũng như các địa phương ở Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và cà phê, thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê hướng tới sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại, gắn với bảo quản chế biến sâu. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững gắn với phát triển văn hoá, du lịch, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái…

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống với bản sắc văn hóa đa dạng, do đó, tỉnh có sẵn lực lượng nghệ nhân tại buôn làng giàu kinh nghiệm, kỹ năng biểu diễn tham gia lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Thêm vào đó, mảng văn nghệ dân gian của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng hội tụ được nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ từ tre, nứa. Việc kết hợp văn nghệ dân gian các dân tộc, cùng với giới thiệu nhạc cụ tre, nứa hội tụ trong dịp này vừa quảng bá bản sắc văn hóa, vừa hưởng ứng và tạo cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột càng thêm náo nhiệt, hấp dẫn, là nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. 

Sau 4 năm do phải tạm hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột được tổ chức lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, người nông dân, người yêu chuộng hương vị cà-phê tham quan, thưởng thức, gặp gỡ, trao đổi, liên kết, xúc tiến đầu tư mở rộng thị trường, qua đó góp phần quan trọng nâng tầm cà phê Việt. Đồng thời cũng là dịp thúc đẩy quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế -xã hội và giao lưu văn hóa, du lịch… Lễ hội cà phê Đắk Lắk lần thứ 8 năm 2023  thành công, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và phát triển cho ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước..

Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, người Pháp đã mang giống cà phê từ châu Phi về Đắk Lắk vào năm 1922, cách nay hơn một thế kỷ (101 năm). Cây cà phê đã khẳng vị thế là cây trồng chủ lực nông sản hàng hóa ở vùng đất đỏ bazan rộng lớn này. 

Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương đầu tư trồng mới, thâm canh rộng rãi trong nhân dân, từ đó bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pak, Cư M'gar, Ea H'leo, Krông Ana, Krông Buk, Krông Năng và Ea Kar

 

Đỗ Văn Tâm

Đỗ Văn Tâm

10:08 15/03/2023

Lễ hội năm nay vẫn còn tồn tại kinh niên chưa chịu khắc phục đó là các bài diễn văn vẫn dài lê thê, thủ tục hành là chính. Cần biết người dân đến không phải để nghe các bài diễn văn nên lần sau chỉ cần kéo dài 10 phút là đủ, kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ kính thưa, kính gửi chán vô cùng.