Thầy giáo làng

Nguyễn Đăng Dung

17/09/2023 12:52

Theo dõi trên

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở vùng chiêm trũng của tỉnh Hà Đông cũ, lớn lên sau luỹ tre làng và những con đường nhỏ gồ ghề bậc thang đầy vết chân trâu.

thaygiao-1694929900.jpg
Ảnh minh hoạ do tác giả cung cấp.

Làng tôi xưa nghèo lắm, trong làng cây gai và những loài cây hoang mọc khắp nơi, vườn tược um tùm; cạnh những ngôi miếu cổ hay ở đầu làng thường có những cây đa cổ thụ cao chót vót vươn lên trời, trên đó đầy tiếng chim kêu lảnh lót. Những tổ chim sáo đá (có nơi gọi là chim cà cưỡng) như những thúng rác nằm tít trên ngọn cây; quanh dưới gốc cây có nhiều bình vôi cũ treo vào rễ cây hoặc vứt lăn lóc, chắc là để trừ tà ma nên không ai dám làm vỡ. Từ xa xưa, làng quê tôi đã có nhiều miếu thờ trong làng và ngoài cánh đồng, trên những gò cao dưới bóng cây cổ thụ, đó cũng là nét đẹp và đặc trưng của làng quê miền châu thổ Sông Hồng. Nay đã xa quê hương lâu lắm rồi mà tôi vẫn còn nhớ những hình ảnh cũ kỹ thân quen, nhớ đường xưa xóm cũ và trên hết là những người nông dân hiền lành chịu khó chịu thương, hai sương một nắng còng lưng trên mảnh ruộng con con...Cũng như bao làng quê khác trên đồng bằng Bắc bộ, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đã in sâu vào kỷ niệm tuổi thơ những người con xa quê như chúng tôi.

Khi còn nhỏ tôi được đi học trường làng. Trong ký ức, tôi thấy mình ngồi học ở nhiều nơi khác nhau: khi thì ngồi trên căn gác bỏ hoang sau ngày hoà bình lập lại, khi thì học ở Quán Thờ nhỏ bé của xóm Cầu; rồi lại thấy học ở nhà ngang trên Chùa làng; khi lại thấy mình học ở căn nhà trống của người cố nông được chia trong "Cải cách ruộng đất" 1956... Nhưng có lẽ kỷ niệm học giữa đình làng rộng thênh thang thì tôi không bao giờ quên được.

Cô giáo đầu tiên của lứa chúng tôi là Cô Thật, nay cụ đã gần 90 tuổi mà vẫn còn khoẻ đẹp và minh mẫn, vẫn nhớ tên chúng tôi mỗi khi gặp cụ nhân dịp Lễ Tết thăm quê. Cô dạy chúng tôi tập viết những nét chữ đầu tiên và ê a đọc ghép vần. Thời gian học vỡ lòng không lâu, rồi chúng tôi lên lớp trên tập viết trong lớp thầy Dương Văn Phúc. Ngày đó, chúng tôi học phổ thông hệ 10 năm nhưng phải qua 2 năm Vỡ lòng và Tập chép rồi mới vào lớp 1 Phổ thông. Lứa chúng tôi trong xóm đông lắm, tới hơn chục đứa cùng chơi đùa học hành với nhau hàng ngày mà khi vào lớp 1 thấy còn vài đứa, rồi đến khi vào cấp II lại thấy học chung với nhau.

​Những năm đầu cấp I, tôi học thầy giáo làng mà mọi người dân quê đều gọi thầy là Bác Cả Phúc. Vùng quê gọi Bác có ý tôn trọng là hơn bố mẹ mình, còn trong dòng họ Dương xóm Cầu, thầy là trưởng họ nên gọi là Bác Cả. Thầy Phúc quý tôi vì tuy nhỏ người nhưng nhanh nhẹn, nghịch nhưng ngoan và lễ phép, có lẽ một phần vì tôi vào loại bé nhất lớp. Tôi được ngồi bàn đầu gần bảng cùng với mấy đứa nữa, trong đó có cô con gái cũng nhỏ như tôi. Năm nào vào dịp đầu năm học mới Thầy cũng cho tôi một vật gì đó: khi thì cục tẩy chì bằng caosu có hai đầu xanh trắng, khi thì hòn bi bằng đất nung sơn xanh sơn đỏ... Thầy cho tôi sau khi gọi lên bảng làm xong bài toán nhỏ, hoặc lúc thầy đi ngang qua bàn tủm tỉm cười rồi đặt lên mặt bàn mà không nói gì. Những kỷ niệm rất nhỏ như vậy từ hơn 50 năm qua mà tôi vẫn không bao giờ quên...Giờ đây, lứa chúng tôi đã thành ông bà nội ngoại cả rồi, một số cũng đã khuất xa theo tiên tổ, nhưng khi gặp nhau nhắc chuyện xưa vẫn hay nhớ về thuở học trò, nhớ về các Thầy giáo cũ, nhất là thầy Dương Văn Phúc của chúng tôi.

​Ngày xưa, Thầy có một cái roi mây sơn đỏ đã cũ mà bây giờ kể lại ai cũng nhớ. Chiếc roi này Thầy dùng gõ bảng cho chúng tôi cùng đồng thanh đọc bài, có lúc Thầy dùng nó để gõ bàn giữ trật tự hoặc đôi khi nó còn là vật thể hiện uy quyền của Thầy để kỷ luật những học trò quá nghịch - phương pháp dạy học của thày giáo làng ngày xưa mà! Cũng lạ là bây giờ có nhớ lại những lúc bị phạt roi chúng tôi lại càng thương và quý Thầy hơn. Ngày xưa, Thầy dạy chúng tôi học chữ, dậy đức, dậy làm người như người cha dậy con chứ không phải dạy vì trách nhiệm hay vì tiền nên chúng tôi quý trọng Thầy hơn hẳn thời bây giờ. Tôi bé được nồi bàn đầu nhưng do nghịch và hay nói chuyện mà cũng có lúc bị phạt. Khi bị gọi lên đứng cạnh bàn, Thầy bắt chúng tôi đặt ngửa bàn tay trái lên chồng vở và chịu vài roi, vừa doạ roi Thầy vừa hỏi cho biết lỗi rồi cho phạt để nhớ. Khi gọi tôi lên phạt, chắc Thầy trông thấy tôi sợ lắm vì hồi nhỏ tôi nghịch nhưng nhát gan. Thầy chưa phạt ngay mà lại hỏi tôi về gia đình như thầy u hôm nay làm gì, anh hay chị đi đâu...rồi hỏi tôi biết lỗi chưa, sau đó Thầy phạt một roi chiếu lệ rồi cho về. Tôi nhớ có lần một cậu bị phạt đau lắm, cả lớp sợ xanh mặt; cũng có đứa thấy bạn kêu đau lại cười toe toét vì được Thầy bênh vực. Có lần, một cậu có dáng người béo ục ịch, học yếu và viết chữ xấu bị điểm kém; về nhà sửa lại từ điểm 4 thành điểm 8 (xưa chúng tôi học cấp I tính theo điểm 10). Hôm thu vở chấm bài tập viết, Thầy rất giận và phạt cậu ấy mấy roi đau lắm, rồi nó còn bị phạt đứng úp mặt vào cột đình. Chúng tôi sợ hãi ngồi im thin thít, không đứa nào muốn bị phạt giống như thế nữa.

​Kỷ niệm về Người Thầy đầu tiên của tôi nhiều lắm, riêng tôi có 4 năm học đầu tiên là học trò của Thầy. Sau này, không bao giờ có thầy cô nào tôi được học lâu như vậy. Trong ký ức lớp học trò cũ chúng tôi, Thầy luôn là người mẫu mực cả về đạo đức, phong cách và uy tín. Hơn hết, Thầy là người cha của tất cả chúng tôi. Thầy có dáng người bệ vệ, ăn mặc chỉnh tề, đi đứng khoan thai đĩnh đạc. Thầy thường đội chiếc mũ cat két màu trắng kiểu công chức cũ, mặc chiếc quần vải kaki sáng mầu và chiếc áo trắng cổ cồn sạch sẽ; ở thắt lưng bằng da đen lúc nào cũng có chiếc xà tích bằng bạc đeo chùm chìa khoá bỏ trong túi, chân luôn đi đôi guốc mộc cố hữu của vùng quê. Ngày xưa, khi đang sống ở Hà Nội chắc Thầy đi giầy da, nay về quê đi đôi guốc mộc cho tiện và tiết kiệm nữa. Mỗi buổi lên lớp, từ Xóm Cầu thầy khoan thai cắp chiếc cặp ba dây và roi song đi chậm rãi dọc theo đường làng về đình dậy học. Những buổi thu vở về chấm bài và ngày trả bài là có đứa đến tận nhà mang giúp thầy chồng vở. Một chi tiết đặc biệt mà chúng tôi nhớ mãi là Thầy luôn ăn mặc chỉnh tề và cạo râu sạch sẽ, đầu đội chiếc mũ cát cứng màu trắng, dáng đi khoan thai trông đúng là thầy giáo làng nhưng mang dáng dấp thị thành. Hồi đó Thầy bị viêm mũi nên trong túi Thầy luôn có chiếc khăn mùi xoa để chống nghẹt mũi. Có lẽ, ở quê tôi không có gia đình nào không có con em là học trò của thầy, có gia đình cả hai thế hệ liền từng là học trò của Thầy.

​Khi học lớp 2 ở đình làng, tôi đã viết chữ khá đẹp do được anh trai kèm cặp nhiều, biết làm toán cộng trừ nhanh. Riêng toán đố tôi còn lúng túng nên thường phải cùng bạn giải bài tập. Anh hai tôi rất nghiêm khắc, khi ở Hà Nội về thăm quê thường kiểm tra và dậy kèm tôi cho tiến bộ. Học lớp 2 tôi đã học thuộc lòng và đọc ngược cả bảng Cửu chương in ở cuối trang bìa mỗi cuốn vở. Bây giờ dù đã qua hơn 50 năm tôi vẫn có thể đọc ngược được bảng Cửu chương đã thuộc lòng từ xưa. Tuy nhiên, năm học đó tôi lại bị học đúp lớp 2 với lý do người còn quá nhỏ, sức yếu, thường phải ngồi bàn trên cùng. Năm học lớp 2 sau Thầy Phúc không theo lớp mà vẫn ở lại dậy chúng tôi. Năm đó tôi học giỏi hẳn tất cả các môn. Tới năm học lớp 3, tên tôi và tên một cậu khác thường xuyên được nêu trên BẢNG DANH DỰ treo hàng ngày trong lớp học. Trong suốt thời gian dài học phổ thông, tôi cũng chưa từng thấy có lớp nào lại lập “Bảng Danh dự” giống như hồi ấy. Điều đó động viên chúng tôi rất nhiều trong học tập. Hồi đó tôi đã bộc lộ khả năng đọc sách nhanh và rõ ràng. Thứ bẩy hàng tuần có tiết “Kể chuyện” cuối giờ, tôi thường xuyên được Thầy gọi lên đứng cạnh bàn cầm sách truyện đọc cho cả lớp nghe. Có lần tôi đọc sách mờ cả mắt không biết do đói hay mệt, còn Thầy vẫn ngồi lim dim gật gù không để ý cậu học trò thấp nhỏ đang đứng cạnh bàn cố đọc cho xong câu chuyện. Chỉ khi tôi đọc xong Thầy mới thu lại sách truyện cho tôi về chỗ và cho lớp nghỉ. Thầy tôi năm đó mới khoảng gần 50 tuổi nhưng trông Thầy già lắm, có lẽ do phong cách và dáng Thầy toát lên vẻ đĩnh đạc như vậy.

​Tôi còn nhớ rất rõ khi nhỏ đóng học phí bằng thóc, ở cuối cuốn vở nào đó Thầy cho chúng tôi ghi số học phí phải đóng là 23 cân 8 lạng thóc Hóp để khỏi quên. Chúng tôi còn bé tý, không biết ngày đó các thầy cô lĩnh tiền lương hay được trả bằng thóc. Hai vợ chồng Thầy sống rất đạm bạc bằng số lương ít ỏi của thầy giáo làng. Bác gái làm nông nghiệp nhưng sức yếu không thường xuyên ra đồng được, chỉ ở nhà làm nội trợ. Khi xưa, bác là người thành phố nên không quen việc nhà nông. Vì hai bác không có con nên khi đó nuôi con nuôi, rồi sau này vợ chồng anh chị ấy bỏ lại đứa cháu cho ông bà và đi nơi khác sinh sống. Khi lớn lên người cháu này cũng đi nơi khác bỏ lại hai ông bà sống với nhau cô quạnh lúc tuổi đã già. Chính vì hoàn cảnh riêng tư như vậy nên Thầy rất yêu quý chúng tôi và chúng tôi cũng yêu kính thầy như người thân. Cho đến bây giờ nhớ lại chuyện Thầy, tôi vẫn thấy xúc động; nhưng khi còn nhỏ chúng tôi đâu có hiểu điều này. Và tôi không nhớ bọn trẻ chúng tôi hồi đó gọi Thầy là Bác hay là Thầy nhiều hơn. Đối với chúng tôi cả hai cách gọi đều như nhau không phân biệt, có chăng chúng tôi gọi Thầy lúc được gọi lên đọc bài hoặc khi gặp trên đường làng chào Thầy theo đúng nền nếp giáo dục trong nhà trường. Thầy Phúc yêu quí mọi học trò nhưng có phần quý các trò gái hơn vì chúng không nghịch như chúng tôi, có lúc chúng tôi còn ghen tị với chúng nữa. Ngày xưa nhà trường hay có các buổi lao động tăng gia trông khoai sắn. Một lần, cả lớp đi lao động cuốc đất trồng khoai ở khu ruộng gần bãi Cu Lương cũ, đám con trai hăng hái thi nhau cuốc đất, xách nước, còn lũ con gái chỉ có việc đặt dây khoai và tưới nước do bọn con trai xách về. Thầy thương lũ con gái chân yếu tay mềm vì chúng không khoẻ như chúng tôi. Khi lớn lên, nhớ chuyện cũ chúng tôi mới hiểu lòng thầy.

Sau này khi lớn lên vào học Phổ thông cấp II trường xã hay cấp III trường huyện, tôi vẫn thường gặp Thầy với trang phục và phong cách như xưa không hề thay đổi. Năm 1969, tôi rời xa quê hương vào trường Đại học, hình ảnh Thầy và những người thân vẫn mãi bên tôi...

​Thầy Phúc không phải chỉ của riêng dòng họ Dương xóm Cầu, cũng không phải chỉ của riêng bọn trẻ chúng tôi mà thầy là “Bác Phúc”, là “ Ông giáo Phúc” của cả làng quê tôi. Mọi người dân, ai gặp Thầy cũng kính cẩn chào lễ phép, kể cả các ông già bà lão cũng như lũ học trò chúng tôi, không kể đang học lớp nào. Nói đến thầy Phúc là ai cũng tỏ lòng kính trọng và yêu mến. Thầy không chỉ chuyên cần dậy đám trẻ học mà còn tham gia nhiều công tác xã hội trong làng.

​Tôi còn nhớ Thầy thường làm Chủ hôn cho nhiều đám cưới theo “nếp sống mới” ở đình làng. Bây giờ, các cô dâu chú rể ngày ấy cũng đã có người hơn 70 tuổi rồi. Những đám cưới ở đình làng ngày xưa thường vào buổi tối, và ngày ấy có lẽ gần như cả làng đều vui vẻ. Thầy nói chuyện có duyên, dùng những câu nói văn vẻ hợp cảnh hợp tình làm cho không khí thêm trang trọng mà đầm ấm. Đặc biệt, Thầy còn pha trò vui nên đám cưới giữa đình cũng chính là ngày hội vui của dân làng. Đám trẻ chúng tôi đứng vây quanh đám cưới như xem hội dưới ánh đèn măng-xông sáng trưng, hơn cả ánh điện bây giờ.

​Quê tôi là vùng chiêm trũng thấp nhất huyện Thương Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Không biết từ đâu và từ bao giờ người dân quê tôi thường phân biệt ra việc đàn ông và việc đàn bà. Khi lớn lên, tôi vẫn thấy những người đàn ông khoẻ mạnh tháo vát thường ra Hà Nội làm nghề thợ mộc hoặc buôn bán, còn những người yếu và phụ nữ cùng đám trẻ ở lại quê làm nông nghiệp. Sau ngày hoà bình năm 1954, Thầy Phúc ở lại quê hương cùng mấy thầy cô khác làm nghề dậy học. Chính vì điều kiện sống của dân làng có hai nguồn chính như vậy nên việc ảnh hưởng văn hoá Hà Nội tới vùng quê tôi diễn ra khá sâu rộng, tới từng gia đình nhỏ trong thôn. Từ nơi thị thành sầm uất, những người đàn ông quê tôi mang từ thành phố về nét sinh hoạt văn minh của tầng lớp thị dân. Có thể tự hào mà nói rằng quê tôi là một trong những nơi sớm nhất của đồng bằng Bắc Bộ xây dựng sân bóng đá ngay sau ngày hoà bình năm 1954. Giữa năm 1956, khi mới cải cách ruộng đất xong trên toàn Miền Bắc, nhân dân đang lập Tổ Đổi công (chưa có Hợp tác xã nông nghiệp), quê tôi đã chung tay xây dựng sân bóng đá cùng lúc với Nghĩa trang Liệt sĩ địa phương. Cho đến nay đã qua hơn 60 năm tồn tại, sân bóng đã tạo nên một loạt các thế hệ thanh thiếu niên biết chơi thể thao và am hiểu bóng đá. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán hay các Lễ Tết khác, chính quyền và nhân dân địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu giao hữu bóng đá rất vui và bổ ích. Sân bóng đá ở ngay ngã tư đầu làng, nơi trung tâm của làng và toàn xã nên thu hút đông đảo người tham gia hoặc tới động viên. Sân bóng đá là nơi rèn luyện thể lực cho các lớp thanh niên trai tráng nhiều thế hệ, là nơi cho chúng tôi hiểu tinh thần đồng đội, tình đoàn kết để chiến thắng; và thêm nữa, chúng tôi học được cách đá bóng, tìm hiểu thêm những Luật định về môn thể thao yêu thích này. Sân bóng đá làng quê thực sự là niềm tự hào của mỗi người dân làng quê tôi. Sân bóng làng quê này cũng là một trong những chiếc nôi đào tạo các cầu thủ nữ cho tỉnh Hà Tây cũ. Hiện nay (2007), làng có 6 cháu gái đang là cầu thủ chính của Đội tuyển nữ của tỉnh, có cháu đã được xếp vào Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia. Các cháu gái tham gia chơi bóng đá trên nền văn hoá và lòng yêu mến môn thể thao này của dân làng, khắp vùng không nơi nào có được. Trải qua bao thăng trầm lịch sử và những biến động của nền kinh tế thị trường, sân bóng đá vẫn tồn tại và ngày càng được nâng cấp hơn. Sau Đình và Chùa làng, sân bóng là nơi sinh hoạt cộng đồng rộng rãi của nhân dân, xứng đáng là niềm tự hào của mọi người. Trong lĩnh vực thể thao này, chúng tôi lại thấy bóng dáng hình ảnh Thầy Phúc trong Ban tổ chức các buổi đấu bóng giao hữu. Sinh thời, khi đã nhiều tuổi, Thầy vẫn tham gia trong Ban tổ chức các buổi đấu bóng cho thêm phần long trọng và để cuộc vui trọn vẹn. Có lẽ uy tín, phong cách và sự hiểu biết rộng, cộng với lòng nhiệt tình đã đưa Thầy đến vị trí quan trọng trong đời sống dân làng quê tôi.

​Từ năm 1969 vào Đại học, rồi khi ra công tác, tôi thường xuyên đi xa nên ít có điều kiện về thăm quê hương, ít có dịp gặp lại Thầy. Năm 1973, trong một lần sửa đường điện sinh hoạt, Thầy đã bị tai nạn và qua đời ở tuổi gần 60 khi sắp nghỉ hưu. Thầy mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng mỗi người dân quê tôi. Không biết trong đám tang ngày ấy có bao nhiêu đứa học trò chúng tôi không về được để đưa tiễn Thầy. Riêng tôi, càng lớn lên đi xa, tôi càng ân hận vì không đền đáp được công ơn Thầy.

​Tôi bắt đầu viết bài này đã hơn 3 năm, khi tôi đang một mình sống trên đất Tây Nguyên xa xôi muôn trùng vời vợi. Khi viết, tôi chỉ nghĩ đây là một đoạn hồi ký ghi lại quãng đời thơ ấu sống ở quê hương với gia đình, bè bạn; tôi viết cho vơi đi nỗi nhớ, cho mình trở lại với mình từ khi còn là đứa trẻ con đi học trường làng. Tuy vậy, mỗi lần đọc lại những trang tuổi thơ tôi lại thấy lòng bồi hồi xúc động. Càng về sau, tôi đọc lại càng thấy có điều gì chưa đủ, bài viết về thời thơ ấu với những cảm xúc thực sự nhưng có điều gì chưa nói hết. Giờ đây, tôi đã trở thành ông nội trong một gia đình nhỏ yên vui đầm ấm, tôi vừa nghỉ hưu nhưng thấy mình còn sức khoẻ tốt, tinh thần vẫn hăng hái và kiến thức còn đóng góp được cho xã hội nên lại nhiệt tình tham gia làm kinh tế. Mãi gần đây tôi mới hiểu rằng phần viết về Người Thầy còn rất nhiều điều chưa nói hết.

​Từ lâu, quê hương tôi đón nhận danh hiệu “ Làng Văn hoá” với nhiều thành tích nổi bật, tôn vinh nền nếp phong tục đẹp được bảo tồn. Đình làng được xây dựng từ năm 1677 dưới thời vua Lê Hy Tông ( niên hiệu Vĩnh Trị 1676-1680 và Chính Hoà 1681-1705) và chúa Trịnh Căn. Trên nóc đình còn ghi rõ “Vĩnh Trị nhị niên, Đinh Tỵ thập nhị nguyệt cốc nhật” nghĩa là “Ngày lành tháng Mười hai năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 2”. Như vậy, theo các Nhà Sử học, đình làng Nghiêm Xá có tuổi cổ xếp thứ 3 trong cả nước (sau đình Tường Phiêu và đình Tây Đằng – huyện Ba Vì, Sơn Tây), được Nhà nước phong tặng danh hiệu Di tích Lịch sử - Văn hoá. Đình làng thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (người huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cùng một loạt các vị tiên hiền đỗ đại khoa Tiến sĩ làm Thành Hoàng. Hiện nay, đình còn 10 đạo sắc phong và cuốn văn tế bằng chữ Hán ghi tên và chức tước các vị tiên hiền. Sự tôn vinh các vị có công đèn sách, đỗ đạt cao trong các khoa thi làm thành hoàng làng ở Nghiêm Xá là một hiện tượng độc đáo về văn hóa làng. Không phải ngẫu nhiên mà đình làng thờ vị Trạng nguyên danh tiếng quê tận xứ Nam Định làm Thành Hoàng làng. Cho đến ngày xây dựng xong ngôi đình làng bề thế này, dân làng đã có nhiều cụ đỗ Đại khoa trong các kỳ thi lớn của đất nước. Đình làng thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền làm Thành hoàng để nêu cao việc học hành, noi gương vị Trạng nguyên trẻ tuổi giỏi giang, lẫy lừng qua các triều đại hàng mấy trăm năm. Khắp vùng, không có làng nào có nhiều các cụ đỗ Đại khoa như Kẻ Ngườm – Nghiêm Xá quê tôi. Ngày nay, Sở Văn hóa Hà Tây cũ và nhân dân trong vùng vẫn gọi đất quê tôi là làng Tiến sỹ với 7 cụ đỗ Đại khoa dưới các triều đại phong kiến. Trong đình làng, với kiến trúc cổ nay còn sót lại một số nét độc đáo không nơi nào có được như những nét trạm khắc tinh tế sống động trên các tấm hoa văn, các xà gỗ lim lớn trên nóc đình. Đình làng mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân quê hương. Di tích đình Nghiêm Xá đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993.

​Từ thời Hồng Đức (thời Lê trung hưng, cuối thế kỷ XV) quê tôi đã có nhiều cụ thi đỗ học vị Tiến sỹ, làm quan to trong triều đình; dòng họ Ngô xóm Nhì có cụ Ngô Hoan từng đỗ Hoàng giáp năm 1487, là Hội viên Hội Tao đàn do Vua Lê Thánh Tông làm Chủ súy, nay cụ còn 6 bài thơ chữ Hán được Lê Quý Đôn chép lại trong tập “Toàn Việt Thi lục” lưu giữ cho đời sau ( sách hiện đang lưu trữ tại Viện Hán Nôm – Hà Nội). Tôi đã sưu tầm được bản dịch nghĩa các bài thơ rồi tự mình dịch thành thơ mang về lưu trong Câu lạc bộ đình làng. Gia đình Cụ Ngô Hoan còn có hai người con trai cùng thi đỗ vào khoa thi năm 1526, trong đó một người con làm quan trong triều tới chức Hiến sát sứ dưới thời Mạc Đăng Dung. Năm 1602, tròn 76 năm sau khi hai người con trong gia đình Họ Ngô thi đỗ Tiến sĩ, dân làng Kẻ Ngườm quê tôi lại được đón hai cụ Nguyễn Hữu Tác và Bùi Văn Bưu cùng vinh quy bái tổ sau khi đỗ Tiến sỹ khoa Nhâm Dần đời vua Lê Kính Tông.

​ Ngày nay, trong điều kiện đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, người dân quê tôi hàng ngày hàng giờ hăng say xây dựng quê hương giầu đẹp, động viên con cháu nối chí học hành của tổ tiên. Hàng chục con cháu trong làng đã thành đạt, đang sinh sống ở nước ngoài hay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Những người con của làng dù có đi đâu, đến đâu vẫn luôn nhớ về quê hương, vẫn có những gắn bó với nơi tổ tiên, họ hàng, bè bạn đã và đang sinh sống. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và đoàn thể, dân làng quê tôi vẫn giữ được nếp sống văn hoá mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Các Chi bộ Đảng vẫn làm nòng cốt, lãnh đạo nhân dân vững bước trên con đường xây dựng quê hương đất nước; các Câu lạc bộ Người cao tuổi, Câu lạc bộ Cựu Chiến binh, Hội Khuyến học, Bưu điện Văn hoá và Thư viện với nhiều đầu sách vẫn hoạt động đều đặn, luôn động viên nhân dân đoàn kết và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Điều đặc biệt là từng xóm nhỏ quê tôi đều có Nhà Văn hoá riêng, đây là nơi Chi bộ Đảng họp thường kỳ, còn các cháu thanh thiếu niên dùng làm nơi sinh hoạt, vui chơi; các cụ phụ lão dùng làm nơi thờ cúng thần Thổ địa. Trình độ dân trí quê tôi cũng xếp thứ hạng cao so với nhiều địa phương khác. Theo Hội Khuyến học, hiện nay (2007) quê tôi cứ 18 người dân là có 1 người tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng. Đó chính là niềm tự hào của mỗi người dân vùng quê nghèo chiêm trũng ngày xưa.

​Từ nhiều năm nay, nếp sống văn hoá mới đã được hình thành và phát triển nơi làng quê. Hàng năm, vào ngày 30 Tết Nguyên Đán, các dòng họ trong làng đều mang lễ vật về Đình cúng Thành hoàng và các vị thánh thần. Nhiều cụ phụ lão trong làng thường đến Đình và Chùa làng làm lễ cúng Thành Hoàng, cúng Phật, cầu mong cho Quốc thái Dân an, phù hộ dân làng ngày một ấm no hạnh phúc; cho các cụ được khoẻ mạnh, con cháu hiều thảo, giỏi giang, thành đạt. Những cụ già đến tuổi 70-80-85-90-95-100 đều được Hội Phụ Lão và dân làng tôn vinh, được nhận phần thưởng kỷ niệm. Điều đặc biệt ở đây là vào dịp tối 30 Tết, các cháu năm vừa qua thi đỗ vào các trường Đại học được ông trưởng họ và cha mẹ dẫn lên Đình làm lễ tạ ơn Thành Hoàng làng, được nhận phần thưởng ý nghĩa và nghe cụ Hội trưởng Hội Khuyến học tuyên dương khuyến khích trước bàn thờ Thành Hoàng, trước đông đảo nhân dân trong thôn. Chắc chắn các cháu sinh viên mới sẽ nhớ mãi kỷ niệm đẹp đầu đời trên bước đường tương lai, nhớ ơn các Thầy Cô và dân làng đã dậy dỗ mình trong những năm tuổi thơ.

​Một điều làm tôi trăn trở băn khoăn là việc lưu trữ tài liệu cổ chưa được chính quyền và nhân dân quan tâm nhiều. Tại Thư viện và Đình làng cần phải có những tập Sách Vàng lưu giữ những tên tuổi đã từng đóng góp cho truyền thống quê hương, bao gồm:

​ -Danh sách các Liệt sỹ, Tử sỹ, Thương binh, gia đình có công với Cách mạng.

-Danh sách các Cựu chiến binh, TNXP trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chống Tầu.

-Danh sách các cụ đỗ Tiến sỹ (Khoa bảng) thời phong kiến xưa.

-Danh sách những người là Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân.

​-Danh sách các Thầy Cô giáo các cấp.

-Danh sách các vị làm quan chức Nhà nước.

-Danh sách những người làm trong chính quyền địa phương qua các thời kỳ.

-Danh sách các Chi bộ và Đảng viên.

​Trong các danh sách trên, ngoài những loại đã làm riêng cho từng bộ phận như Chi bộ, Chính sách, Cựu chiến binh… cần phải hoàn thiện nốt những danh sách còn thiếu và làm đồng bộ để đưa vào Lưu trữ và Thư viện.

​Đình làng có bàn thờ Chủ tịch Hồ chí Minh được nhân dân đèn hương cúng lễ quanh năm, có bia đá ghi nhớ công ơn các Liệt sĩ người làng đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc.

​Tuy nhiên, ở nơi đã biết thờ Thành hoàng làng là cụ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, nơi đã biết trọng đạo học từ nhiều thế kỷ trước thì Đình làng vẫn còn thiếu sót là chưa có bia đá vinh danh các Cụ đỗ Khoa bảng ngày xưa. Dân làng cần phải lập tấm bia này để hàng năm tế lễ, truyền đời cho con cháu tự hào và học theo gương tổ tiên. Ngày nay, nếu ai có dịp vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ thấy được 4 tấm bia đá có ghi tên các cụ (các bia năm 1484, 1487, 1490 và 1602; tấm bia năm 1526 nhà Mạc không kịp làm. Riêng tấm bia năm 1487 đã được dịch ra Tiếng Việt phổ thông). Danh sách các cụ đỗ Khoa bảng tôi đã sưu tầm và in ấn để tại Đình làng, có chú thích rất dễ hiểu về nguồn gốc tài liệu sưu tầm và những tấm bia đá còn trong Văn Miếu.

Riêng Danh sách các Thầy Cô giáo nên chia ra 3 mục:

-Thầy cô người làng đã và đang dậy tại xã Nghiêm Xuyên qua các thời kỳ.

-Thầy cô nơi khác đến dậy học tại quê hương.

-Thầy cô người làng đi dậy học các địa phương khác.

Việc lập các danh sách không khó với nhân dân và chính quyền hiện nay. Nhưng vì đây là tri thức, là công việc viết lách nên có thể nhiều người ngại làm. Nếu nhân dân hiểu và quyết tâm thì khó mấy cũng làm xong.

Ngày nay, Đình làng cũng là nơi làm Thư viện có nhiều sách báo, có các Câu lạc bộ đang hoạt động, việc lập danh sách càng có điều kiện dễ dàng. Tôi rất quan tâm đến Danh sách các Thầy Cô giáo, trong đó chắc chắn tên thầy Dương Văn Phúc sẽ được trang trọng ghi lên hàng đầu vì cụ là người có công nhiều nhất, có nhiều học trò nhất và cũng được nhân dân kính trọng nhất; Cụ còn là thầy của nhiều thầy cô trong sanh sách này.

Nhưng, éo le thay! Cụ Giáo có đông học trò vào loại nhiều nhất trong làng (kể cả làng Liễu Viên láng giềng); Cụ có họ hàng đông đúc, được mọi người dân rất mực kính trọng nhưng hai cụ lại không có con. Sinh thời, hai cụ sống rất đạm bạc bằng đồng lương ít ỏi của nghề dạy học. Cuộc sống tinh thần của Cụ là dậy lũ trẻ thơ, vui với học trò, họ hàng, với bà con làng xóm, nhưng chắc không mấy người thấu hiểu lòng Cụ. Hình như nhiều người biết Cụ mà không hiểu thấu, còn đôi điều không tiện kể ra về hoàn cảnh riêng của Cụ lúc cuối đời. Khi nằm xuống, cụ bà cùng họ hàng cũng chỉ lo cho Cụ được nơi an nghỉ khiêm tốn trong nghĩa trang Nhân dân. Ngày nay, phần mộ Cụ cũng đơn giản, đạm bạc như lúc sinh thời. Hình như, trong vùng thôn quê vẫn ẩn chứa nhiều nếp nghĩ lạc hậu đã bắt rễ từ bao đời không xoá hết, nhiều học trò vẫn chưa bao giờ biết phần mộ Cụ đang nằm ở đâu…

Giờ đây, lứa học trò đầu tiên của Cụ cũng gần 70 tuổi lên lão làng rồi, các lứa sau như chúng tôi cũng đã đang tuổi năm mươi gần tới nghỉ hưu, các lứa sau nữa mà lứa cuối cũng ngoài bốn mươi… Có thể nói, trong làng không có dòng họ nào không mang ơn Cụ. Học trò chính thức của Cụ tính cũng đến hàng trăm người, chưa kể có những gia đình có 2 thế hệ đều là học trò Cụ; dòng họ đông đúc có hàng chục người từng theo học Cụ từ khi còn là những đứa trẻ thơ. Sinh thời, do hoàn cảnh chiến tranh, toàn đân ta còn đang sống nghèo đói vất vả nên cụ cũng sống rất nghèo. Kể cả sau này, khi các học trò có nhiều người sung túc nhưng Cụ vẫn sống nghèo đạm bạc như xưa. Cụ tuy nghèo nhưng vẫn thanh cao mẫu mực, Cụ nghèo về vật chất và hoàn cảnh khó khăn nhưng giầu về tâm hồn, đạo đức, giầu vì được nhân dân kính trọng và có đông học trò trưởng thành đi khắp nơi trên đất nước.

​Viết bài này, tôi muốn được một lần nữa tỏ lòng nhớ ơn Thầy, muốn được mọi người cùng nhau nhớ ơn Thầy đã dạy dỗ chúng ta những năm học đầu đời. Mỗi lần đọc những trang viết này, từ đáy lòng tôi lại xúc động và muốn được thay nén hương tưởng nhớ Thầy. Cụ thật xứng đáng là Người Thầy kính yêu nhất của dân làng có truyền thống hiếu học như làng Nghiêm Xá - “Làng Tiến sỹ” như nhân dân Hà Tây vẫn gọi.

​Biết ơn Thầy đã ươm mầm cho các con khôn lớn; biết ơn Thầy đã tận tình chỉ bảo, cầm tay chúng con nắn từng nét chữ nghiêng nghiêng trên trang vở tập viết vỡ lòng… Bao nhiêu học trò cũ của Thầy dù đi xa hay gần, hàng năm vào dịp Lễ Tết vẫn về thăm quê hương làng xóm, vẫn gặp nhau dưới mái đình làng - nơi thuở xưa từng là lớp học của chúng ta. Viết bài này tôi mong các anh chị em đã từng là học trò năm xưa của thầy Dương Văn Phúc hãy tỏ lòng biết ơn Thầy bằng hành động thực tế. Chúng ta mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện kinh tế riêng, sức khoẻ riêng. Nhưng ta có chung tấm lòng tôn sư trọng đạo, biết ơn người thầy đã góp công dậy dỗ ta nên người hôm nay, người có công với xóm làng nhiều nhất trong số các Thầy Cô của chúng ta. Chắc hẳn mọi người vào dịp Tết Nguyên Đán hay Tiết Thanh Minh đều đến nghĩa trang viếng mộ người thân. Trong chúng ta có bao nhiêu người biết phần mộ Thầy nằm khiêm tốn chỗ nào? Tuy họ hàng và gia đình đã lo cho Thầy được yên ấm nhưng chúng ta là học trò cũ vẫn thấy băn khoăn vì ngôi mộ chưa xứng tầm với người Thầy của dân làng. Nhìn lên khu gò cao, thấy mộ một cụ người làng do đi theo Đạo Giáo thờ Thánh Thần mà được các đệ tử thập phương và những người chịu ơn về xây mộ cho cụ thật khang trang bậc nhất. Không bàn tới việc cho là mê tín dị đoan, riêng việc làm của các đệ tử khắp nơi về góp công sức xây cho bà cụ ngôi mộ lớn cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm, chạnh lòng…

Theo tuyền thống “ uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tiếp theo truyền thống hiếu học của đất cổ Kẻ Ngườm xưa, mỗi anh chị em chúng ta hãy nhớ đến công ơn Thầy dạy dỗ ta từ tấm bé, tùy theo hoàn cảnh từng người, từng gia đình mà mỗi người góp một chút tiền của, xin phép dòng họ Dương xóm Cầu, ta chung tay xây dựng lại ngôi mộ của Thầy được khang trang, đàng hoàng hơn, xứng tầm là Người Thầy của làng Văn Hoá chúng ta.

Làm được điều này, ngoài việc tỏ lòng biết ơn Thầy, chúng ta còn làm gương cho các con cháu biết nghĩ về đạo học, đạo hiếu trong xã hội.

Làm được điều này, chúng ta làm cho dân làng và bè bạn thấy lòng tôn sư trọng đạo được đề cao, cho các thày cô giáo trẻ thấy rõ hơn vai trò trách nhiệm của mình hiện nay trong công tác “trồng người”.

Làm được điều này, chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, mọi người đoàn kết thương yêu nhau hơn, giúp đỡ nhau trong lúc gặp hoàn cảnh khó khăn và cùng nhau sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc hơn.

Làm được điều này, nhân dân và bè bạn trong vùng sẽ hiểu thêm một nét đẹp của Làng Văn hoá Kẻ Ngườm chúng ta.

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Thầy giáo làng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn