Thầy giáo “nghiệp dư” cố gắng mỗi ngày để duy trì lớp học tình thương

Ở đâu đó ngoài kia có rất nhiều mảnh đời thiếu may mắn, vốn sinh ra đâu phải ai cũng có cơ hội được đến trường, với tấm lòng của mình anh Huỳnh Quang Khải đã cùng vợ xây dựng lớp tình thương Ngọc Việt tại quận 12, TP Hồ Chí Minh để dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
anh-1-1647442911.jpg
 

 

Chàng hướng dẫn viên du lịch bán vàng cưới xây dựng lớp học tình thương

Lớp học bắt đầu hình thành từ cuối năm 2008, khi anh Khải cùng các bạn của mình là đoàn viên thấy trong khu phố nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, các em phải bán ve chai, vé số,…không được học hành nên anh đã cùng các bạn của mình mượn văn phòng khu phố để dạy chữ cho các bé.

Cho đến năm 2015 lớp học đã ngừng hoạt động vì mỗi người ai cũng có công việc riêng. Vào một đêm của năm 2016 anh Khải gặp lại Hậu, cậu học trò cũ của anh đang lang thang đi bán vé số. Thấy anh Hậu mừng lắm, cậu bé nói: “Thầy Khải ơi thầy Khải, thầy ơi không có thầy mấy bạn nghỉ hết rồi, mấy cô không dạy nữa, thầy mở lớp lại dạy tụi con đi”.

Sau buổi gặp gỡ đó, anh Khải đã trăn trở và suy nghĩ rất nhiều, anh quyết định mở lại lớp dạy tụi nhỏ. Anh Khải hiện đang làm hướng dẫn viên du lịch, từ khi mở lại lớp anh đã đi tour ít hơn, chỉ nhận vào những ngày cuối tuần, thời gian còn lại anh dành để dạy chữ cho các bé.

Ban đầu anh sử dụng căn gác nhỏ nhà mình dạy khoảng 10 em, rồi sau đó các em lại dẫn những bạn hoàn cảnh đáng thương như mình đến lớp, căn gác ngày càng đông không đủ chỗ, chính vì vậy anh Khải đã trải bạt, đốt đèn cầy cho các em ngồi dưới đất. Sau này anh sắm thêm được mấy cái bàn nhỏ cho các em ngồi.

anh-2-1647442911.jpg

Vợ chồng anh Khải quyết định bán vàng cưới để duy trì lớp học tình thường

Anh Khải quyết định đi tour nhiều hơn để kiếm thêm tiền kéo điện cho các bé học. Nhưng lớp học không tường, không mái đến mùa mưa là không thể học được. Những người bạn thân của anh biết chuyện cũng góp được một ít tiền mua mái tôn cũ, nhưng rồi vẫn dột. May mắn được mạnh thường quân trợ giúp lớp học tình thương đã có mái che mưa, che nắng. Rồi những người khách đi tour của anh cũng biết được hoàn cảnh, họ cho anh tiền làm bàn, làm ghế để các bé ngồi học.

Tới năm 2019, lớp học đông nhất là 110 em, khi đó anh Khải quyết định làm thêm nhà vệ sinh cho các bé. Anh vận động bạn bè trên Facebook của mình được khoảng 60 triệu đồng, nhưng con số đã phát sinh khi làm là 110 triệu đồng. Với số tiền lớn như vậy anh Khải đã tâm sự với vợ của mình về việc bán vàng cưới. Anh Khải mới lập gia đình năm 2018, những ngày anh đi công tác chính vợ là người đứng lớp dạy các bé thay anh. Không ngần ngại vợ của anh, chị Nguyễn Thị Thanh Hà đã đưa ra quyết định: “Thôi cứ bán chứ giờ sao giờ, mấy cái này mua lại được chứ mấy đứa nhỏ học cứ mưa hoài, không có chỗ tụi nó đi vệ sinh cũng tội”. Và rồi vợ chồng anh Khải quyết định bán hết số vàng cưới với cặp nhẫn cưới của mình cũng được hơn 60 triệu nữa. Tất cả góp lại cũng đủ để xây dựng.

Đến năm 2020 lớp học được tráng gạch nền. Thật may mắn khi năm 2021 lớp học tình thương đã được ca sĩ Đoàn Di Băng và chị Nguyễn Thu Trang chủ tịch tập đoàn Thingo Group hỗ trợ anh Khải dần hoàn thiện lớp học từ xây tường đến làm trần và tủ đồ cho các bé. Anh Khải chia sẻ: “Tới tận bây giờ tôi không thể ngờ lớp học của mình lại khang trang đến vậy”.

Rời xa lớp học vì dịch bệnh

Lớp học của anh Khải diễn ra từ 18 giờ 30 đến 21 giờ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Các bé chủ yếu được dạy Toán và Tiếng Việt, bên cạnh đó anh Khải còn dạy thêm cho các bé những bài học về cuộc sống, anh chia sẻ những vấp ngã mà mình đã trải qua, để sau này khi các em bước vào đời sẽ không gặp phải những vấp ngã ấy.

Hoàn cảnh của các em học sinh chủ yếu là trẻ mồ côi, bên cạnh đó có một số em chậm phát triển và không có hồ sơ nhập học. Trước đây khi lớp đông anh Khải có mời thêm cô giáo cũ của mình về đứng lớp, kể từ năm 2020 đến nay số lượng học sinh ít hơn và cô đã bước sang tuổi 80 nên không còn đến lớp nữa.

Do ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19 lớp học của anh Khải đã phải tạm dừng từ tháng 5 năm 2021 cho đến giữa tháng 2 năm 2022 vừa qua lớp học mới bắt đầu mở lại. Trước dịch sĩ số của lớp là 37 em, nhưng hiện tại lớp học chỉ có 29 em, trong số đó 14 em là học sinh mới. Cũng bởi vì dịch mà những em học sinh cũ cha mẹ ở TP Hồ Chí Minh không trụ không nổi phải về quê. Một số phụ huynh bị mắc Covid-19 qua đời, không có ai sống ở đây nên các em cũng phải về quê ở với người thân.

anh-3-1647442911.jpg

Anh Khải thực hiện test nhanh Covid-19 cho các em học sinh trước khi quay trở lại lớp học

Lời hứa sẽ chẳng thể thực hiện

Năm 2012, trên chiếc cặp đi làm của anh Khải có treo một con mèo Hello Kitty, đó là món quà mà người bạn tặng anh. Cô bé học trò tên Linh rất thích nó, buổi tối hôm đó bé về quê anh đã hứa khi nào bé ở quê lên sẽ tặng em một con khác to hơn. Nhưng rồi ngay trong đêm hôm đó anh Khải đã nhận được cuộc điện thoại từ người thân của bé báo rằng cha và bé đã bị tai nạn giao thông mất.

Sự việc xảy ra thật bất ngờ, anh Khải rất đau buồn. Thường ngày anh bảo tụi nhỏ có đi bán vé số thấy bông hoa nào thì ngắt để vào chỗ bạn hay ngồi. Đôi khi anh và học trò của mình ôm nhau khóc vì thương nhớ bé Linh. Hello Kitty là màu hồng chính vì vậy anh đã lấy màu hồng làm màu chủ đạo cho lớp. Bên cạnh đó anh cũng mong muốn rằng các bé học tại đây sẽ có một cuộc đời màu hồng, thật tươi sáng và đầy hy vọng.

anh-4-1647442911.jpg
Hiện nay lớp học đã khang trang hơn với sắc hồng làm chủ đạo

Với châm ngôn “Sống là cho đi” được treo trong lớp học, anh Khải luôn mong rằng những cô, cậu học trò của mình sẽ hiểu được ý nghĩa của câu châm ngôn ấy. Để khi các em bước vào đời sẽ biết yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.