Thể Công và Nguyễn Trọng Giáp

Hồ Công Thiết

10/03/2022 16:03

Theo dõi trên

Thời Nguyễn Trọng Giáp còn thi đấu, mỗi khi thành lập đội tuyển Việt Nam, bao giờ cũng phải có tên Nguyễn Trọng Giáp.

nguyen-trong-giap-1646902803.png
 

Đời cầu thủ, được khoác áo Đội bóng đá Thể công là niềm vinh dự. Được là những danh thủ hàng đầu của Thể công lại càng là niềm vinh dự tột cùng.

Các cụ Tấn Bửu, Mười Tiền, Ba Đô, Nguyễn Thông, Xuân Quýnh, Tấn Nghĩa, Bùi Đức, Mạnh Soạn, Minh “mã”, Tý “bồ”, Phú Nàm, Tương Lai, Văn Nhi, Sỹ Chi, Thành Út, Tất Thắng…đã là những “cây cao bóng cả” trong làng bóng đá Việt Nam chứ không chỉ riêng đội Thể công.

Lịch sử phát triển bóng đá Thể công luôn song hành cùng bóng đá miền Bắc với những danh thủ kế tiếp làm vẻ vang danh xưng Thể công như Sỹ Hiển, Quý Thiêm, Thái Nguyên Bền, Trịnh Minh Huế, Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Viết Cầu, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường, Đỗ Văn Phúc, Đỗ Mạnh Dũng, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Hồng Sơn, Đặng Phương Nam, Vũ Công Tuyền, Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Phạm Như Thuần…Trong đó nổi bật là trung vệ Nguyễn Trọng Giáp, cầu thủ vừa sở hữu thể hình cao to, vừa có tư duy chơi bóng hiện đại như những cầu thủ nước ngoài.

Thời Nguyễn Trọng Giáp còn thi đấu, mỗi khi thành lập đội tuyển Việt Nam, bao giờ cũng phải có tên Nguyễn Trọng Giáp.

Nguyễn Trọng Giáp sinh ngày 10/3/1948 tại Hải Dương, nhưng ông lớn lên trên đất mỏ Quảng Ninh. Thời học sinh, ông đá trung phong, tiền vệ và có lúc suýt làm thủ môn cho đội bóng của những Hùng A, Hùng B và các anh tài đất mỏ.

Ông thi đỗ và theo học Đại học TDTT Từ Sơn. Năm 1966, đang học, biết đội Thể công tuyển chọn nhân tài, ông thi tuyển và được chấp nhận ngay.

Đội Thể công những năm chiến tranh phải sơ tán về nông thôn. Tắm nước ao bèo, sinh hoạt dưới ánh đèn dầu không làm Nguyễn Trọng Giáp và các đồng đội sao nhãng việc tập luyện.

image-1-1646902867.png

Cầu thủ Nguyễn Trọng Giáp (bên phải) và Nguyễn Thế Anh (bên trái)

Năm 1967, đội Thể công tuyển chọn 25 cầu thủ trẻ sang CHDCND Triều Tiên tập huấn trong một năm. Đoàn do ông Ngô Xuân Quýnh phụ trách. Triều Tiên lúc ấy là đội bóng đá mạnh của châu Á, đã từng tham gia Giải vô địch bóng đá thế giới và đoạt thứ hạng cao.

Nguyễn Trọng Giáp có mặt trong đoàn cầu thủ trẻ cùng với Nguyễn Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Duy Phú, Nguyễn Văn Nhật, Vương Tiến Dũng, Hoàng Gia, Vũ Đình Bội, Bùi Xuân Thêu, Nguyễn Viết Cầu, Bùi Ngọc Chi, Trần Quốc Nghị, Lê Quang Minh, Trần Ngọc Hùng, Nguyễn Đức Minh…

Chính lứa cầu thủ này đã nhanh chóng thay thế các đàn anh, có nhiều người đã nổi danh bóng đá Việt Nam từ thời Pháp thuộc.

Lối đá pressing dựa trên nền tảng thể lực sung mãn và ý thức kỷ luật chiến thuật cao của lứa cầu thủ vừa tập huấn ở Triều Tiên về đã làm nên một Thể công mới, đầy sức mạnh và quyến rũ trong thi đấu.

Sau bài học từ Thể công, các đội bóng ở miền Bắc cũng dần từ bỏ lối đá tự phát theo chiến thuật WM (5-3-2) sang sơ đồ bóng đá hiện đại 4-4-2.

Nguyễn Trọng Giáp là người ham học. Từ Đại học TDTT Từ Sơn tham gia đội, ông luôn có ý thức ghi chép về các trận đấu mình tham gia để hệ thống, đánh giá và rút ra cho mình những bài học cần thiết.

40 trận đấu trên đất Triều Tiên. 23 trận đấu khi sang Hungari tập huấn đều được ông ghi chép tỷ mỉ.

Sở hữu chiều cao 1,78m - vượt trội trong lứa cầu thủ Việt Nam lúc bấy giờ - cùng với lối đá thông minh, hiện đại, ông là thủ lĩnh của hàng phòng ngự Thể công và đội tuyển Việt Nam.

Nguyễn Trọng Giáp đã cùng đội Thể công đoạt 8 Huy chương Vàng Vô địch quốc gia và là cầu thủ xuất sắc khi tham gia đội tuyển làm nghĩa vụ quốc gia.

Nghỉ thi đấu, ông trở lại Từ Sơn học tiếp và về làm HLV Thể công (1985-1989), chuyên viên Phòng TDTT Quân đội, ủy viên BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và là Phó phòng Các đội tuyển Việt Nam. 

image-1646902866.png
 

 

Bạn đang đọc bài viết "Thể Công và Nguyễn Trọng Giáp" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn