Toạ đàm "Gen Z - Gìn giữ di sản báo chí" với mong muốn quảng bá, phát huy những giá trị di sản báo chí; từ đó hình thành sự kết nối giữa báo chí và GenZ; khơi gợi niềm tự hào dân tộc qua đó kêu gọi và nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước theo thế hệ cha anh xây dựng truyền thống vẻ vang của báo chí Việt Nam.
Nhà báo Thân Quang Minh - Đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Các thầy cô thuộc Bộ môn Quan hệ công chúng - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
Trong phần 1 của toạ đàm với chủ đề Tự hào Báo chí Việt Nam. Các ý kiến tập trung bàn luận về di sản báo chí. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá, nguồn lực quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng. Bảo vệ và phát huy di sản báo chí là trách nhiệm của cơ quan quản lý và cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chia sẻ góc nhìn của giới trẻ về những thách thức của báo chí trong thời kỳ hiện đại. Hầu hết các bạn trẻ đều cho rằng, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thách thức đối với báo chí chính là các nền tảng công nghệ. Internet và các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra thị trường truyền thông bão hòa, làm giảm đi sự chú ý của các độc giả đối với các phương tiện truyền thông truyền thống. Vấn đề tin giả tràn lan đã được cảnh báo nhiều năm qua, nhưng dường như các nỗ lực là chưa đủ để ngăn chặn. Nhiệm vụ của báo chí không chỉ nỗ lực đăng tải thông tin tin trung thực mà còn phải phát hiện các tin giả, góp phần làm trong sạch môi trường thông tin báo chí. Báo chí phải chủ động, nỗ lực nâng cao nhận thức của người dùng, đào tạo kỹ năng phòng tránh thông tin sai lệch, đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc phòng chống và xử lý tin giả tràn lan trên nền tảng báo chí.
Đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thế hệ trẻ, thế hệ gen Z cũng tham gia tích cực vào hoạt động báo chí và thổi một làn gió mới vào báo chí hiện đại. Báo chí trong thời kỳ này phải tạo ra những sản phẩm mới để thu hút độc giả với cách kể chuyện hấp dẫn và kết hợp công nghệ độc đáo. Đổi mới sáng tạo phải được lan tỏa trong mọi thể loại báo chí, trong mọi tòa soạn và ở mỗi cá nhân đặc biệt là các phóng viên, biên tập viên, nhà báo của một cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí hiện nay đang nỗ lực nhắm đến đối tượng độc giả đầy tiềm năng là thế hệ Z (Gen Z) - thuật ngữ chỉ những người trẻ sinh ra trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2006 (một số tài liệu cho rằng từ năm 1997 đến 2012). Thế hệ Z là một thế hệ đông đảo, đa dạng và khác biệt nhất từ trước đến nay. Được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ: Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên của thế giới chưa từng biết đến thời kỳ không có Internet. Với lợi thế nổi trội này, các bạn trẻ Thế hệ Z thông thạo và dễ dàng bắt kịp những xu hướng mới nhất của công nghệ ngay cả khi không có trình độ kỹ thuật số quá cao. Điều này khác với các thế hệ trước đó, khi những người am hiểu kỹ thuật số thường có trình độ chuyên môn cao.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng thế hệ trẻ đã và đang chủ động tìm ra giải pháp riêng, cùng nhau nắm giữ chìa khóa cho tương lai phát huy và gìn giữ di sản báo chí. Thế hệ trẻ chính là sức mạnh của báo chí, phát huy sứ mệnh của báo chí là cung cấp thông tin trung thực, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, dẫn lối cho người dân trong công việc cũng như cuộc sống của họ.
Tọa đàm "Gen Z - Gìn giữ di sản báo chí" là nơi kết nối, bày tỏ những quan điểm, góc nhìn, cảm nhận giữa các cá nhân, giữa các thế hệ về những chủ đề xoay quanh báo chí. Bên cạnh đó tọa đàm còn thể hiện được sự đồng lòng và gắn kết của thế hệ trẻ, với mong muốn phát triển báo chí nhưng không để mất đi bản sắc đặc trưng của báo chí Việt Nam, phát triển báo chí góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Với góc nhìn từ sinh viên ngành Quan hệ Công chúng, việc tìm hiểu, phát triển, giữ gìn và nghiên cứu báo chí là việc làm cấp thiết để có thể đóng góp một phần công sức vào sự phát triển của báo chí Việt Nam.