Thị trấn Châu Thành, tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ tưởng niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Vừa qua, tại khu Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, UBND thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre tổ chức Ngày hội văn hóa nhân Lễ tưởng niệm ngày sinh và ngày mất của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (01/7/1822 - 03/7/1888).
screenshot-20220704-215617-office-1656946654.jpg

"Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà". Không ai không tường tận tác giả của vần thơ bất hủ này của Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Ðình Chiểu còn được gọi với tên tôn kính là Cụ Đồ Chiểu được xem là người mở đầu cho giai đoạn văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Các tác phẩm thơ, văn của ông luôn thể hiện lòng yêu nước của nhân dân miền Nam và cổ vũ tinh thần chống bọn xâm lược ngay từ ngày đầu chúng đặt chân lên đất nước ta.

screenshot-20220704-215421-office-1656946654.jpg
img-20220704-214845-1656946823.jpg
Lãnh đạo thị trấn cùng các mạnh thường quân chụp hình lưu niệm tại buổi họp mặt

Lễ tưởng niệm có sự góp mặt của đại diện UBND huyện Châu Thành, lãnh đạo chính quyền thị trấn Châu Thành, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cùng đông đảo người dân trên địa bàn thị trấn.

Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre khởi công xây dựng từ năm 2000 đến 2002. Bao gồm các hạng mục chính: Cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha.

Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ son.

Nhà bia được xây dựng hai tầng cao 12 m bằng bê tông cốt thép. Tâm điểm là tấm bia đá nguyên khối, kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Hai mặt khắc văn bia Tóm tắt tiểu sử và ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu.

Đền thờ cũ được xây dựng năm 1972, diện tích 84m2, gồm hai tầng theo kiến trúc truyền thống. Nổi bật với hai câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” được điêu khắc nổi hai bên bàn thờ chính.

Đền thờ mới được xây dựng vào năm 2000 - 2002, cao 21m bằng bê tông cốt thép theo hình tròn, mái ngói âm dương và trang trí trên tường là hoa văn truyền thống. Đền thờ gồm ba tầng tượng trưng cho 3 nghề của ông: nghề giáo, nghề thuốc và thơ văn. Tầng dưới trưng bày một số hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số đoàn khách nước ngoài, nhân dân trong nước đến thăm viếng. Tầng trên đặt tượng Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng cao 1,6m, nặng 1,2 tấn.

Khu mộ được tôn tạo năm 1958, gồm mộ cụ Đồ Chiểu, mộ cụ bà. Bên cạnh đó, hài cốt con gái Nguyễn Thị Khuê (Sương Nguyệt Anh) - nữ sĩ, chủ bút báo Nữ Giới Chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam cũng được cải táng về đây năm 1959.

screenshot-20220704-215546-office-1656946653.jpg

Hằng năm, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa vào ngày 01 đến ngày 03 tháng 7 (ngày sinh và ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu); với nhiều chương trình phong phú như: Lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu,...

Bà Trần Thị Thu Sương, Bí thư thị trấn Châu Thành cho biết: Lễ hội lần này là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, đồng thời, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của thị trấn Châu Thành nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.

Nguyễn Đình Chiểu đã sống một cuộc đời theo đạo nghĩa, trong biến loạn vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy giáo, thầy thuốc mẫu mực, ông còn là nhà thơ yêu nước điển hình, có quan niệm văn chương nhất quán, dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Mỗi vần thơ đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi và bộc lộ một tấm lòng thương dân, yêu nước.

Với những cống hiến của Nguyễn Đình Chiểu trên lĩnh vực giáo dục, y đức, đặc biệt là những tác phẩm văn thơ đồ sộ và nhân cách sống của ông được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đều đánh giá cao về sự nghiệp văn chương của một nhân cách văn hóa lớn.