Thím tôi Phạm Ngân Hà (Kỳ 4)

Trịnh Xuân Tiến

31/01/2022 09:50

Theo dõi trên

Xin được tiếp câu chuyện về người đã dám yêu và lấy bộ đội. Lý giải vì sao một người tự nhận là vụng về, chả biết nấu nướng gì như cô Hà mà vẫn làm được những món ngon đến nỗi chồng không thèm ra phố ăn phở nữa.

Lúc sinh thời, bà nội thường chê cô. Thậm chí, cụ còn nói ra miệng: “Con ấy nó vụng thối vụng nát. Chả biết nấu nướng gì.” Còn mẹ nổi tiếng nhanh nhảu, giỏi ứng biến, lại cực siêu nữ công gia chánh. Nấu nướng thì miễn chê. Những lúc như thế, mẹ chỉ lặng yên, không hùa theo, cũng không phản bác. Vì khổ nỗi, chính mẹ là người đưa thím về với chú chăng. Không biết nữa. Chú Kỷ tôi bắn giỏi và ham săn bắn. Nhiều khi đến nửa đêm chú mới đi săn về, chim thú khá to. Lại còn lôi theo bạn. Hồi ấy thường là bác Hồng, hình như cùng ở đoàn thể thao, thi đấu mô tô, mà chú làm trưởng đoàn.

pham-ngan-ha-1643597353.png
Ảnh tác giả sưu tầm trên mạng hình ảnh mứt gừng khô, cá nục kho tiêu ớt, bát phở tái

 

Không ít lần, khi còn ở 5 Đinh Lễ, giữa cơn buồn ngủ díp mắt tôi loáng thoáng nghe chú í ới gọi chị. Thế là mẹ tôi lại sang nhà chú. Vẫn nhớ lần chú đi với bác Hồng, săn được con giang tướng, khéo gần bằng con ngỗng. Mẹ vừa làm vừa kể, đầu tiên lọc hai cái lườn chim ra, tẩm ướp rồi quay lên cho người mới về có cái ăn ngay. Đỡ mệt. Sau mới nhổ lông, làm lòng, chế biến các món khác. Cô vừa nghe vừa phụ mẹ cùng làm, sau rồi dần cũng biết. Rồi dần đóng sang vai chính lúc nào chẳng hay.

Cô vẫn tự nói về mình, “Cô vụng lắm. Không biết nấu nướng đâu.” Mỗi dịp giỗ tết, thường tổ chức ở nhà tôi, vì bố là con trưởng. Con cháu cả đống cả đàn, đứa nào dám để cô dúng tay. Song cô hay tranh phần rửa bát. Đến lúc già vẫn thế. Tội quá. Không nói, nhưng ai chả hiểu, cô luôn giữ đúng đạo dâu con với bên nhà chồng. Song cô nói vậy, chứ ít nhất làm được bốn món, đặc sản, không phải ai cũng thạo. Thứ nhất là kho cá bể.

Cô kho rất ngon, cái kiểu rất riêng của dân vùng biển miền Trung, mẹ tôi bảo thế. Thứ cá cô đem kho thường là cá biển, mậu dịch bán ê hề. Dân bắc chả mấy ai biết cách kho. Song với cô hình như đó là việc quá quen, đặc biệt là kho cá nục. Khác với dân Bắc thích kho khô, nồi cá của cô bao giờ cũng còn chút nước sền sệt, chấm cháy ăn thì thôi rồi. Lại nữa, khi kho bao giờ cũng cho vào mấy quả ớt nguyên quả, có cái vị cay dìu dịu, sướng mồm. Bà nội bảo, “Nó nấu cay thế để bà không ăn được(!?)” Giời ạ. Đứa nào dám cãi bà. Song chẳng cứ các con cô, chúng tôi đứa nào chả thích. (Chúng tôi giống mẹ, ăn cay như chào mào. Sau đi lính mới thấy cái lợi, chả đứa nào quáng mắt.)

Có dạo, vợ tôi đi làm ở gần nhà thím, nghỉ trưa hay rẽ vào, để thăm bà nội, vừa để cùng ăn cơm. Vợ tôi mang theo cơm trưa, cho cặp lồng, thường có món dưa xào lòng, mà lính hay đùa gọi là long xào dừa. Đôi khi tôi làm việc gần đấy cũng ghe qua. Bẻ cái bánh mì kẹp thịt ra, chia đều, rồi chén cơm. Kể cả ăn cơm nguội. Món cá kho của cô thường được đem ra. Để cả nồi, trông đã muốn, nói theo kiểu lính, đổ hết mồ hôi lưỡi. Vợ tôi ăn tận tình. Song lâu lâu cá kho còn được. Chứ cho ăn liền tù tì thì…

Món thứ hai là mứt gừng. Không phải thứ mứt dẻo, mà là mứt khô, khô cong. Những năm cuối đời, khi còn khỏe, năm nào cô cũng làm. Có lần thấy cô đang xào mứt trên bếp than, trên lát gừng đã lên màu trắng lấp lánh của đường kết lại. Miếng gừng đều và đẹp, rời ra từng lát, bốc mùi thơm phảng phất, ấm người. Hơn đứt mứt hàng phố. Không luộc, cô chỉ để gừng ráo rồi xào ngay, mới cay và thơm thế. Mà vậy mới làm thuốc được. Đó là bí quyết. Của vợ lính.

Thấy khen, cô bảo mứt gừng dễ làm nhất hạng. “Cô chỉ làm được mứt gừng thôi. Các mứt khác, chịu.” Được cái, mứt gừng để được lâu, ăn vào cả nhà khỏi bị ho. Nhỏ to thêm, trước vẫn làm để chú mang đi. Rồi mới hay, mỗi lần chú chuẩn bị đi xa, cô lại sắm mấy thứ, đút ba lô. Thêm khăn mặt, cái quần đùi, áo lót… Chú vứt cả lại, chỉ giữ gói mứt gừng. Hết lo ho, nhất là lúc cần không lộ tiếng. Pha nước nóng uống càng ấm người. Ra thế. Tôi đã nếm mứt gừng của cô, vừa ngậm vào miệng cái ngứa cổ muốn ho đã bay đâu mất.

Món thứ ba là thịt chim thú các loại. Từ lúc cô chú ăn ở riêng, mỗi dịp chú đi săn về, chim thú cô không làm không xong. Nhờ con lúc được lúc không. Thế nên, mỏi gẫy lưng cũng phải cố, hỏng mất thì phí. Tay nghề chẳng muốn cũng lên dần. Trong nhà có cả một bộ xương thủ lợn rừng, treo cao giữa bức tường. Em tôi khoe, sản phẩm của mẹ đấy. Cứ hầm lên, nguyên thủ. Cả nhà được một bữa. Còn xương đem xấy trên bếp cho ám khói, rồi treo lên, làm cảnh. Thỉnh thoảng tiện dịp, cô chú cho nhà tôi một con. Khi sít lúc sâm cầm. Cô đã vặt lông, làm lòng sẵn. Có dạo, cô còn làm sâm cầm tần, bán cho hàng xóm. Rẻ lắm. Còn ít tiền hơn bát gà tần xíu xiu trên phố hàng ăn Kỳ Đồng gần đấy. Cô nào biết buôn!

Và thứ tư phải kể món phở, tất nhiên. Từ lâu cô đã biết cách nấu ra thứ nước phở trong vắt ngọt lừ. (Đấy là cả một nghệ thuật. Phải để lửa liu riu, nước chỉ hơi sủi tăm. Phải chịu khó hầm đủ lâu, không vội được. Cô bảo thế.) Có thú có chim, cô làm phở, dần rồi thành quen, thành siêu đẳng lúc nào chả biết. Với lại, như đã nói, chú thích ăn phở. Cô bảo, phải tự nấu thôi, ra hàng thì chết tiền. Cái lí là vậy. Song phở của cô chỉ để nhà mình. Vả lại, vật liệu làm phở “chất” như của chú cung cấp đều đều cho cô, cả Hà thành ai theo nổi?

Một lần, được chú cho mấy lạng thịt hiêu, vợ bảo “Ăn phở.” Tôi ngỡ ngàng. Thì ra, ngoài phần nấu cho cả nhà, vợ dành lại một ít. Sáng hôm sau, trên đường đi làm tạt qua phố Đình Ngang, chọn hàng phở ngon, mua hai bát không thịt. Rồi đưa miếng thịt ra, nhờ thái hộ, trần tái cho vào. Đến nay, tôi vẫn nhớ bát phở công tư hợp doanh lạ lùng ấy. Các em nhà chú có lẽ không thèm biết trò láu cá này. Vì đã có phở với thứ nước dùng cực chất, không đâu có, món ăn “nhà trồng được” thường ngày.

Phở thành món “truyền thống” trong nhà cô chú như thế, nên đến khi cưới vợ cho em Thành, con trai đầu, chú cũng quyết định làm bữa phở đãi khách. Xương thịt để nấu phở là cả một con hiêu do hội chú đi săn lôi về. Chưa kể sít. Vẫn nghe ngọt như nước sít, nhưng nào dễ tầm. “Đâu phải ai cũng có thú săn làm cỗ cưới đâu,” chú bảo.

Đấy là đám cưới lạ lùng nhất trên đời tôi từng được dự. Cả Hà thành có nhẽ không dễ có. Đến vợ tôi và một chị dâu nữa, phải trông con ốm ở bệnh viện Saint Paul gần đấy, cũng thay nhau vào nhà cô chú ăn phở. Không thì có mà tiếc suốt đời, ai cũng xuýt xoa. Song em dâu tôi, cô dâu của cái cỗ cưới ấy, thì hình như có ý không vừa lòng. Cứ ngấm nguýt sau lưng, “Đám cưới con người ta thì đĩa nọ bát kia. Nhà này toàn phở. Chả trách…” Cũng chẳng biết là chả trách cái gì.

(Còn tiếp)

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Thím tôi Phạm Ngân Hà (Kỳ 4)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn