VH&PT - Sau hành trình ra đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tôi bắt đầu dự định cho chuyến đi đảo tiền tiêu Thổ Châu. Thổ Châu là một quần đảo thuộc tỉnh Kiên Giang của Việt Nam, là đơn vị hành chính cấp xã của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Quần đảo Thổ Châu gồm có 8 đảo nhỏ, trong đó đảo Thổ Châu là lớn nhất, ngoài ra còn có các hòn Cau, hòn Từ, hòn Nhạn, hòn Xanh, hòn Cao Cát, hòn Cao, hòn Khô, hòn Đá Bàn. Quần đảo Thổ Châu nằm gọn trong vịnh Thái Lan, là hòn đảo cuối cùng của Việt Nam nằm ở cực Tây Nam của Tổ quốc. Đây cũng là một hành trình đi đánh dấu cột mốc của tôi.
Tên gọi của đảo do chúa Nguyễn Ánh đặt trong thời kỳ bôn tẩu vốn là Thổ Châu (ông không bao giờ đặt tên là Thổ Chu vì kỵ húy tổ tiên mình là chúa Nguyễn Phúc Chu). Mặc dù trong Hán tự, Chu và Châu vốn được viết cùng một tự dạng, nhưng vẫn đọc là Châu... Trước đó trên các hải đồ của người phương Tây từ các thế kỷ trước, tên Thổ Châu được ghi là Poulo Panjang, có gốc từ tiếng Mã Lai Pulau Panjang, có nghĩa là “đảo dài”. Còn trong âm Hán Việt, tôi cho rằng Thổ Châu là nghĩa là chiếc thuyền đất, vì hình dạng của đảo Thổ Châu dài như một con thuyền. Sở dĩ tôi dùng từ Thổ Châu vì Thổ Châu là tên tiếng Việt xuất hiện sớm nhất và tồn tại dài nhất từ thời nhà Nguyễn đến giờ. Vả lại, khi lên đảo, quan sát các phương tiện tàu ghe, tôi đều thấy ghi tên đảo là Thổ Châu và tấm biển đề trước cửa ủy ban xã thì ghi là “Trung tâm hành chính huyện Thổ Châu”. Còn tên Thổ Chu chỉ mới xuất hiện vài mươi năm nay, do các cán bộ từ miền Bắc vào sau năm 1975 gọi như vậy.
Hành trình ra đảo Thổ Châu chỉ có thể xuất phát từ Phú Quốc. Tàu chạy mất khoảng 7 – 8 tiếng đồng hồ, hay thậm chí 9 tiếng bằng tàu sắt. Khi xuống tàu, dù là dân du lịch bụi đã quen, song tôi vẫn choáng trước cảnh tượng như trên một con tàu chở thuyền nhân vượt biên qua vịnh Thái Lan. Tàu có ghế, nhưng mọi người trải chiếu, mắc võng nằm la liệt trên sàn tàu. Chúng tôi cũng có đem theo võng nhưng được biết ở tàu cũng có cho thuê võng. Dân chúng trên tàu nhìn thì đều biết ngay là người nghèo. Ngoài ra khách trên tàu chủ yếu là lính.
Tàu ra đảo Thổ Châu năm ngày mới có một chuyến. Hành trình sẽ gồm ba ngày, một ngày tàu ra đảo, một ngày tàu neo lại bến cảng của đảo và ngày thứ ba thì quay về. Hiện nay ra đảo Thổ Châu chỉ có duy nhất chiếc tàu này. Ngoài ra còn có một chiếc tàu của cảnh sát biển song chỉ chở lính và khách đi công vụ. Tôi cũng nghe nói sắp tới sẽ có thêm tàu và đúng là đến năm sau tôi quay lại thì đã được đi con tàu mới, cũng mang tên là Thổ Châu 09 nhưng là tàu trung tốc, đi mất khoảng 5 tiếng.
May mắn cho chúng tôi là sóng biển rất êm. Chúng tôi cũng được biết là nếu đi Thổ Châu, nên đi vào tháng 3 đến tháng 5 vì khi ấy biển lặng, tàu chạy rất thuận lợi, dễ chịu cho những ai bị say sóng. Không nên đi vào các tháng 7, 8, 9, 10 vì khi ấy biển động.
Thật ra vì ghé Long Xuyên nên chúng tôi chọn đi đường bộ. Còn khách du lịch từ Sài Gòn hay Hà Nội có thể chọn đường bay thẳng ra Phú Quốc, rồi từ Phú Quốc chuyển tiếp tàu đi đảo Thổ Châu, sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ tour du lịch này chỉ dành cho ai thích khám phá thiên nhiên hoang sơ, còn nếu ai thích sang chảnh nghỉ dưỡng thì có lẽ không hợp, bởi lẽ trên đảo chỉ có vài nhà nghỉ của dân, không hề có khách sạn. Các bãi tắm thì đều hoang sơ, xuống tắm xong thì phải về nhà nghỉ mới có nước ngọt tắm lại. Chuyến du lịch này cũng không dành cho những ai bị say sóng vì ngoài thời gian 8 tiếng đồng hồ trên tàu, những lúc đi chơi khác cũng là đi trên tàu nốt.
8 tiếng đồng hồ trên tàu là một thời gian dài, nhưng với một kẻ yêu biển, thích đi lang thang, thích làm quen, gặp gỡ, tán chuyện mọi người như tôi thì thời gian ấy vẫn là chưa đủ. Như lời một bài hát “biển trời bao la, đẹp như gấm hoa”, khi đứng trước biển, phải chăng tâm hồn mình cũng mở rộng, khoáng đạt hơn. Sự hớn hở của tôi vừa mới nhen nhóm lên trước cảnh sắc biển trời quá đẹp, thì tàu vừa chạy ra khỏi cảng Phú Quốc, tôi đã bị những hàng cột cáp treo và các công trình xây dựng bê tông sắt thép, lấn chiếm hết những bãi biển hoang sơ của Phú Quốc. Từ nay Phú Quốc với tôi dường như đã kém phần hấp dẫn. Nhìn những tòa nhà mới xây dựng, những khách sạn 4, 5 sao lộng lẫy mọc lên như nấm, tôi có cảm tưởng từ nay Phú Quốc là hòn đảo sang chảnh của bê tông.
Biết làm sao được, sự phát triển nào cũng phải trả giá, chỉ là cái giá ấy như thế nào, có chấp nhận được không, có quá đắt không. Có lẽ chuyện ở đảo Phú Quốc, thế hệ của chúng ta thì chưa thể biết được, nhưng những thế hệ sau chúng ta sẽ nhận lãnh hậu quả của việc tàn phá thiên nhiên. Và tôi, nếu ở Châu Âu thì sẽ là một phụ nữ của đảng “Xanh”, tôi chẳng còn mơ về Phú Quốc nữa. Tôi mơ mộng về một nơi khác, đó là đảo Thổ Châu.
Khi chúng tôi đặt chân lên đảo Thổ Châu, nắng chiều đã nhạt bớt. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi tranh thủ dạo chơi trên đảo. Chúng tôi ghé hai nơi quan trọng của đảo Thổ Châu, đó là đền thờ các vong linh người dân bị quân Khmer Đỏ sát hại và đền thờ Thành hoàng của đảo.
Đền thờ các vong linh người dân bị sát hại trên đảo Thổ Châu gồm có ba ban thờ. Ở giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải thờ vong linh của hơn 500 người dân bị quân Khmer Đỏ sát hại, còn bên trái thờ các liệt sĩ Việt Nam hy sinh trong cuộc tấn công giải phóng đảo. Đền thờ Thành hoàng của làng có tượng Phật Bà Quan Âm nhìn ra hướng biển để phù hộ độ trì cho bà con dân chài đi biển và những ban thờ thần trang trọng. Đặc biệt ở đền thờ Thành hoàng có một chuồng chim bồ câu lớn, nuôi rất nhiều chim bồ câu. Đền thờ Thành hoàng Thổ Chu không chỉ thờ Thành hoàng ở ngay bên phải sát cổng, mà còn thờ thổ thần. Ngoài ra có hai gian thờ chính. Gian thờ bên phải là Miếu ông (tức là ông Nam Hải hay Cá Ông, còn gọi là cá voi, có một phần bộ xương cá ông được thờ ở đây, là nét đặc trưng thờ cá ông của ngư dân vùng biển Việt Nam. Đây là một tín ngưỡng mang tính nhân văn, không như ở nhiều nước trên thế giới vẫn còn săn bắt và ăn thịt cá voi. Một gian bên trái là Miếu Bà thờ bà chúa Xứ như ở Núi Sam Châu Đốc vẫn thờ. Trước đền là công viên nhỏ hướng ra biển. Bến chính của ngư dân là bến Ngự hay bãi Ngự (Sở dĩ có tên này vì là thuyền của Nguyễn Ánh bôn tẩu chạy nhà Tây Sơn đã từng cập bến ở đây). Trên con đường chính dọc bến tập trung 3 nhà nghỉ và nhiều hàng quán. Tuy nhà nghỉ không nhiều (3 nhà nghỉ khoảng 20 phòng) nhưng du khách có thể ngủ nhà dân và khách đoàn thể có thể ở trong phòng khách của Ủy ban xã hay của bộ đội biên phòng.
Tôi thành kính vái lạy ở cả hai ngôi đền và thầm nghĩ rất cần có một ngôi chùa làm chỗ dựa tâm linh cho bà con và du khách trên đảo Thổ Châu, vì nơi này hiện nay không có một ngôi chùa nào. Trong khi đó, chúng ta đã xây chùa ở cả Trường Sa và nhiều đảo lớn khác cũng có chùa. Tôi mong ước điều này thành sự thật và mong chờ những tín đồ hảo tâm mộ đạo Phật sẽ đứng ra làm việc này. Cuộc sống là có quyền mong chờ và hy vọng.
Ở trên đảo Thổ Châu hiện nay không có một khách sạn nào, mà chỉ toàn nhà nghỉ của dân. Nghe nói sắp tới cũng có một dự án xây khách sạn. Tôi e ngại khi ấy đảo Thổ Chu sẽ mất đi cảnh sắc hoang sơ của mình, cũng giống như Phú Quốc ngày nay.
Đảo Thổ Châu nổi tiếng vì một sự kiện bi thảm liên quan đến Khmer Đỏ. Ngày 10/05/1975, quân Khmer Đỏ dùng tàu đổ bộ đưa quân chiếm đảo chính Thổ Châu. Cuộc xâm lược diễn ra tốn không một viên đạn, song chúng đã bắt 515 người dân trên đảo, mang đi biệt tích. Không một ai sống sót trở về. Từ ngày 24/05/1975 đến ngày 27/5/1975, quân đội Việt Nam gồm lực lượng của Hải quân Việt Nam và bộ độ Quân khu 9 đã tấn công và tái chiếm đảo thành công, bắt được nhiều tù binh, xóa sổ một tiểu đoàn của Khmer Đỏ chiếm đóng trên đảo. Về phía Việt Nam, hy sinh 4 người và bị thương 14 người.
Bí mật về số phận của những người dân Thổ Châu biệt tích ấy, chỉ được hé mở vào đầu năm 1979, khi quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam cùng tiến hành hợp tác trong chiến dịch giải phóng một số hòn đảo hoang trên vịnh Thái Lan thuộc lãnh thổ Campuchia, họ đã tìm thấy rất nhiều xương cốt, quần áo, cũng như căn cước (chứng minh nhân dân) đề tên của dân Việt Nam, kèm theo một số vật dụng đặc trưng khác của ngư dân. Như vậy, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định: hơn 500 con người vô tội ở Thổ Chu đã bị quân Pol Pot lùa lên tàu đưa về những hòn đảo hoang và giết sạch không còn một ai. Đây là một sự kiện bi thảm không chỉ trong lịch sử đảo Thổ Châu, mà còn là trong lịch sử Việt Nam, tuy nhiên dân chúng còn ít người biết đến. Có thông tin là quân đội Việt Nam khi giải phóng đảo đã bắt được khoảng 300 tù binh Khmer Đỏ đưa về đất liền Kiên Giang, để đưa lên biên giới nhằm trao đổi hơn 500 ngư dân bị bắt đi. Nhưng khi chúng ta đưa tàn quân Khmer Đỏ qua biên giới thì không có ngư dân nào của đảo Thổ Châu được trao trả. Quân Khmer Đỏ tráo trở bảo là không biết, không bắt ngư dân. Được sự chỉ đạo của cấp trên, chúng ta vẫn trả tự do cho tù binh Khmer Đỏ. Tuy nhiên thông tin này cần được kiểm chứng từ những người hữu quan.
Chỉ có hai gia đình đã may mắn trốn thoát trong câu chuyện bi thương ở Thổ Chu 40 năm trước. Họ hiện đang sống một cuộc đời đơn giản, bình dị của những ngư dân ở đảo Hòn Mấu, thuộc quần đảo Nam Du (Kiên Giang) cách đảo Thổ Châu hơn trăm cây số. Đó là gia đình ông Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh), và gia đình ông Tư Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ). Hai ông đều đã trên 80 tuổi song vẫn còn minh mẫn và trí nhớ để kể lại sự kiện bi thảm này.
Ý đồ xâm lược của quân Khmer Đỏ còn chưa dừng ở đó. Năm 1977 chúng tập kích đảo Thổ Châu một lần nữa nhưng đã bị đánh bại hoàn toàn. Từ đó, chính phủ Việt Nam đã xem đảo Thổ Châu như là một địa điểm đóng quân đồn trú của quân đội và biến đảo Thổ Châu thành đảo nửa quân sự, muốn đến du lịch phải xin phép. Nếu là Việt Kiều mang quốc tịch nước ngoài hay du khách nước ngoài đến đảo, vừa bước chân xuống đảo, họ sẽ bị mời ở lại trạm biên phòng cho đến ngày có tàu quay về, thì được mời lên tàu trở về, không được đi dạo nửa bước. Do vậy, tốt hơn hết là các Việt kiều và ngoại kiều không nên đi, vì đi cũng chẳng được ngắm nhìn gì. Thông tin này do chính những người đại diện chính quyền xã Thổ Châu cung cấp cho chúng tôi.
Tôi đã từng đến những nơi địa ngục trần gian của Khmer Đỏ trên đất Campuchia như nhà ngục Tuol Sleng hay Cánh đồng chết (Killing Field). Tôi vẫn nghĩ Khmer Đỏ là những con người độc ác nhất thế giới bởi vì họ tự tay giết chính dân tộc của mình. Trên thế giới, những con người đi diệt chủng bao giờ cũng diệt chủng người khác chủng tộc, dân tộc với mình. Chẳng hạn như Đảng KKK của Mỹ là người da trắng giết người da đen, Phát xít Đức diệt chủng dân Do Thái… Chỉ có Khmer Đỏ là tàn sát cả người cùng dân tộc và khác dân tộc mình. Từ trước đến nay, người Việt Nam biết nhiều về thảm sát Ba Chúc ở Tri Tôn (tỉnh An Giang), nhưng cuộc thảm sát ở đảo Thổ Chu thì có lẽ còn chưa nhiều người biết.
Lịch sử không chỉ ghi lại những vinh quang thắng lợi, lịch sử còn ghi lại những sự kiện bi thương, đau đớn. Có những sự nổi danh mà người người đều muốn, nhưng cũng có những sự nổi danh không ai muốn bao giờ. Sự kiện diệt chủng ở đảo Thổ Chu là một sự kiện như vậy. Và quân Khmer Đỏ, những kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp về tội ác này dường như đã bị trả thù xứng đáng. Chỉ có những kẻ cầm quyền, lãnh đạo Khmer Đỏ như Pol Pot, Ieng Sary… là thoát khỏi tội lỗi dù từng bị tòa án tội ác chiến tranh tuyên án. Biết làm sao được, làm sao có thể đòi hỏi công lý ở một thế giới đầy rẫy những bất ổn này.
Theo chương trình của chúng tôi, ngày thứ hai sau khi đặt chân lên đảo chính Thổ Châu, chúng tôi sẽ theo tàu nhỏ ra các hòn xung quanh đảo chính. Chúng tôi thuê một chiếc tàu nhỏ của một em trai ngư dân. Hỗ trợ cùng chúng tôi là một hướng dẫn viên địa phương đi cùng từ đảo Phú Quốc.
Trời xanh, nắng vàng và sóng rất êm. Chúng tôi được tàu đưa đến hòn Cau, một hòn đảo có người dân ở, song chúng tôi cập bến phía không có người. Dọc đường đi chúng tôi tranh thủ buông câu. Tài công và hướng dẫn viên chịu trách nhiệm câu cá, lặn mò nhum.
Bữa trưa đó chúng tôi được thưởng thức một bữa ăn hải sản nướng mọi theo đúng tinh thần của Robinson Cruso. Cá, mực, nhum, bào ngư bắt từ dưới biển lên, không rửa qua nước ngọt mà đặt ngay lên bếp nướng. Vị mặn mặn của biển cả hòa cùng mùi thơm của hải sản khiến cho chúng tôi có cảm giác đây là một bữa cao lương mỹ vị ngon nhất trên đời. Cũng từ hôm đó về sau, khi về Sài Gòn, tôi không còn hào hứng đến những nhà hàng hải sản hay những quán ốc quen thuộc nữa.
Trên hòn Cau có rất nhiều tảng đá hình thù kỳ dị như hình con cá, con hà mã, cũng như có rất nhiều cây dứa dại. Dứa dại này có thể hái về dùng làm thuốc nam trị bệnh rất tốt. Tôi nằm dài trên tảng đá ngẫm nghĩ rằng giá mà cuộc đời chỉ đơn giản như những người ngư dân tôi gặp, ngày ngày đi câu, tối về nhà nghỉ ngơi thì tốt biết bao. Song hình như cuộc đời không dễ đơn giản như vậy và sự đơn giản nào cũng phải trả giá nhất định.
Xong bữa trưa theo kiển Robinson, chúng tôi tiếp tục đến với hòn Từ. Bãi biển hòn Từ được nhiều người mệnh danh là bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Hòn Từ là nơi đóng quân của bộ đội trung đoàn 152 và muốn lên đảo, chúng tôi phải xin phép Phó Chính ủy trung đoàn. Hòn Từ có nhiều dừa và có một rừng điều cổ thụ xanh tươi. Bộ đội cũng tranh thủ chăn nuôi trên đảo để cải thiện bữa ăn, có rất nhiều heo rừng lai. Có một tượng đài nhỏ đánh dấu hòn Từ, bên cạnh có một cây phong ba, loại cây tượng trưng cho những miền biển xa của Tổ quốc.
Bộ đội đều rất thân thiện, song vì bí mật quân sự, chúng tôi không chụp ảnh doanh trại và những người lính. Sau này có bạn nào ra hòn Từ, xin phép lên được đảo thì cần nhớ điều này. Ngoài ra, bạn có thể chụp ảnh thoải mái.
Đến Thổ Châu mà không ghé thăm Hòn Từ và thăm những người lính đảo thì theo tôi đó là sự tiếc nuối lớn. Cuộc sống của bộ đội trên đảo khá đầy đủ về vật chất, nhưng ở một nơi xa xôi quê nhà, quanh quẩn trên một hòn đảo vắng, lúc nào cũng phải chú ý bảo vệ vùng biển Việt Nam, hẳn là một nghĩa vụ vinh quang nhưng không hề dễ dàng. Vì vậy, với mỗi một đoàn khách ghé qua, bộ đội đều rất cảm động và vui mừng.
Ấn tượng về những người dân và những người lính đảo là những ấn tượng đẹp. Và ấn tượng đó theo tôi khi đến hòn Nhạn, một hòn đảo nhỏ chừng 1km vuông, toàn đá, chỉ có hiếm hoi hai cây bàng và một số loài cây dại. Hòn Nhạn là nơi chúng tôi nhất định phải đến vì đơn giản là ở đây có cột mốc chủ quyền biển đảo. Sở dĩ có tên gọi là hòn Nhạn vì vào tháng tư biển động, đây chính là mùa chim nhạn sinh sản săn mồi trên hòn. Ngư dân ở đây kể rằng có hai loại nhạn trắng và nhạn đen. Nhưng những năm trở lại đây, số lượng chim nhạn bay về đảo đã giảm đáng kể vì bị ngư dân lấy trứng và bắt chim.
Chúng tôi đứng ở cột mốc A1 đường cơ sở biển, cực Tây Nam của Tổ quốc ngóng về hướng đảo Thổ Châu nằm trên biển như một con thuyền đất dài. Tôi là một người thường xuyên đi check in ở các điểm cột mốc của Việt Nam, song đây là lần đầu tiên với cột mốc A1 cực Tây Nam. Nơi này rất gần vùng biển quốc tế, gần với Campuchia, Thái Lan, Malaysia, vì vậy có ý nghĩa chính trị quan trọng và nhạy cảm. Cột mốc sừng sững vươn trên nền trời xanh, đánh dấu chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cột mốc in hình bản đồ Việt Nam và lá cờ đỏ. Tôi dựa vào cột mốc chợt nghĩ, cột mốc chủ quyền là một thực thể vật chất, nhưng bản thân trong lòng mỗi người dân, người lính nơi đảo Thổ Châu này, đều có một cột mốc tinh thần giúp họ ngày đêm sống và trông coi, bảo vệ nơi tận cùng biển trời Tây Nam Tổ quốc. Việt Nam có 11 đường cơ sở biển, là cột mốc đánh dấu lãnh hải Việt Nam. Tôi may mắn đã đến được 6 đường cơ sở biển và tại quần đảo Thổ Châu, tôi đã đến được đường cơ sở biển thứ 7.
Và từ nay, trong hành trang du lịch của tôi, có nhiều hơn một cột mốc thiêng liêng.
Như slogan của cuộc đời tôi, như một hình xăm trên tay tôi: “Tôi cầm mặt trời và ném” là câu nói tượng trưng cho đời sống của tôi.
Chẳng biết tự lúc nào, tôi say mê với những cảnh tượng bình minh và hoàng hôn trên biển. Có phải vì chân trời trên biển rộng mở bao la, có phải vì mây trắng vẫn trôi như triệu năm, ngàn năm về trước, có phải vì mặt biển biếc xanh gợn sóng, khiến cho mặt trời, dù là mọc lên lúc bình minh hay lặn đi lúc hoàng hôn vẫn rực rỡ, lộng lẫy say lòng người. Dù thế nào đi nữa, mỗi khi ra biển tôi đều cố gắng ngắm những tia nắng mặt trời của buổi hoàng hôn hay bình minh.
Chuyến tàu đưa tôi từ đảo chính Thổ Châu về lại Phú Quốc khởi hành từ lúc 5 giờ sáng, khi ánh mặt trời chưa lên. Chuyến về này vắng khách hơn rất nhiều so với chuyến đi. Tôi cầm máy ảnh lên boong tàu chờ sẵn những tia nắng đầu tiên. Có nhiều người cũng lên boong với mục đích như tôi. Bình minh bao giờ cũng là sự khởi đầu, khởi đầu cho những ngày mới, cho những dự định, ước mơ tốt đẹp. Bình minh hứa hẹn với con người nhiều điều.
Tôi thích những buổi bình minh rực rỡ và lần này lênh đênh trên vùng biển đảo Thổ Châu, tôi đã không thất vọng. Ánh mặt trời mọc xuyên qua những đám mây, hắt những màu hồng rực rỡ xuống mặt biển. Mây đen bỗng cũng ửng hồng. Ánh sáng viền theo những dài chân mây tạo thành những vầng hào quang lộng lẫy. Nhìn từ xa, mặt trời như một viên ngọc tỏa ánh sáng lấp lánh trên nền trời.
Hãy tin tôi đi, nếu bạn buồn, bạn hãy đi ra biển, thức dậy thật sớm để đón bình minh. Nỗi buồn của bạn sẽ tan theo từng tia nắng ánh vàng lên cao dần.
Tôi chụp chẳng biết bao nhiêu tấm hình, đến nỗi suýt quên chụp mình với cảnh bình minh. Rồi bình minh cũng hết, ánh mặt trời lên cao, chúng tôi lại đối diện với cái nắng chói chang trên boong tàu. Vì để tiết kiệm thời gian, chúng tôi không chờ đến khi tàu về bến mà thuê một chiếc cano và sang tàu ở giữa biển, chạy thẳng đi chơi các hòn đảo nhỏ quanh Phú Quốc. Cảm giác từ một chiếc tàu lớn trèo sang cano giữa biển khơi mênh mông cũng là một cảm giác mạo hiểm thú vị
Tất nhiên đi chơi ở các hòn đảo nhỏ của Phú Quốc thì không thể thiếu chuyện bơi lặn ngắm san hô và các sinh vật biển. Chúng tôi ghé hòn Mây Rút Ngoài (tất nhiên là có hòn Mây Rút Trong) ăn trưa và bơi lặn. Gọi là hòn Mây Rút Ngoài vì ngày xưa trên đảo này có nhiều dây mây, người dân rút dây mây về để chằng buộc các thùng nước mắm.
Phần thưởng xứng đáng sau những giờ phơi nắng là khi chúng tôi đi ngắm cảnh hoàng hôn ở hòn Gầm Ghì. Nghe nói vì ngày xưa bộ đội tập trận ở đây, có tiếng súng nổ gầm ghì nên từ đó có danh xưng này.
Nếu bình minh trên biển rực rỡ bao nhiêu thì hoàng hôn trên biển lộng lẫy bấy nhiêu. Mang tâm trạng của một khách lữ hành, bao giờ khi ngắm cảnh hoàng hôn tôi cũng man mác buồn. Cano của chúng tôi chạy vòng quanh hòn Gầm Ghì, đón những cảnh chụp hoàng hôn đẹp nhất.
Bình minh là khởi đầu thì hoàng hôn là kết thúc. Xưa Thôi Hiệu đời Đường coi khói sóng trên sông là nỗi buồn nhớ nhà trong bài thơ nổi tiếng “Hoàng hạc lâu”, còn nay, lênh đênh trên biển khơi, ngắm khói sóng, tôi là kẻ không có quê hương để nhớ về, mà vẫn thấy lòng buồn xao động. Hòn Gầm Ghì có những tảng đá hình thù độc đáo, khiến cho ánh mặt trời soi rọi vào tạo nhiều liên tưởng khác nhau. Lúc thì tôi nhìn như một mái đầu nàng tiên cá, lúc thì nhìn như một pho tượng nhân sư, lúc thì nhìn như hai người đang yêu nhau…
Nếu ai buồn, đừng ra biển lúc hoàng hôn kẻo lòng trầm buồn thêm nữa. Có phải nỗi buồn đến từ những sắc màu, có phải nỗi buồn đến khi ánh mặt trời vụt tắt. Thật khó diễn tả cái màu sắc mê hoặc của hoàng hôn trên biển. Đó là màu vàng óng của ánh nắng cuối chiều pha chút sắc hồng phai. Đó là vầng mặt trời đỏ như lửa từ từ lặn xuống cuối chân trời xa. Đó là sắc đen của mây chiều hòa quyện cùng với nước biển xanh thẳm một màu.
Và giữa biển trời mênh mông ấy, tôi thấy tôi còn tôi đi giữa hoàng hôn.