Thợ hàn nồi

 “Hàn nồi! Đồng nát bán…hàn nồi…đê…!”

Đó là tiếng rao của ông thợ hàn nồi kiêm thu mua đồng nát.

Thời bao cấp còn khó khăn xoong, nồi, siêu, xô chậu…những vật dụng bằng nhôm rất khó mua vì chỉ bán phân phối ở cửa hàng mậu dịch.

Vì là vật dụng hàng ngày nên rất mau hư hỏng, nhất là xoong, nồi thường bị thủng đáy không đun nấu được, muốn khắc phục thì phải hàn, vá lại.

Những người làm nghề hàn nồi rất ít, một huyện chỉ có một, hai người làm nghề này. Vì nghề này đòi hỏi khéo tay, nhưng tiền công lại thấp (một cái xoong cũ thủng vá lại lấy một, hai hào tiền công) do vậy thợ hàn nồi kiêm thêm thu mua đồng nát, cũng là tận dụng làm vật liệu vá xoong, nồi.

han-noi-1641448209.png
Ảnh tác giả sưu tầm trên mạng

 

Thường thì những tháng nông nhàn (tháng 3, tháng 8 âm lịch) ông thợ hàn nồi mới đến. Sau khi đi một vòng quanh xóm cất tiếng rao “Hàn nồi! Đồng nát bán…hàn nồi…đê..!”. Ông thợ hàn nồi đến ngã ba đường xóm, nơi có bóng mát của bụi tre, dựng chiếc xe đạp cũ kỹ vào bụi tre, sau xe chằng hai cái sọt tre, một cái đựng đồ nghề cái còn lại đựng đồng nát.

Bà con trong xóm ai có xoong, nồi… bị thủng, bị bẹp méo thì đem ra để ông hàn, gò lại. Xoong, nồi nhà nào thì ông lấy phấn viết tên vào để tránh nhầm lẫn, ai bận việc thì cứ về khoảng một hai tiếng đồng hồ sau ông làm xong ra trả tiền lấy nồi về. Người nào rảnh việc thì ngồi đợi xem ông hàn, vừa làm vừa tán chuyện rôm rả lắm!

Đầu tiên ông lấy đồ nghề trong sọt ra, nào là búa sắt, búa gỗ, đục, đột, chạm, đe sắt (tròn, xẹt), đe gỗ, kìm, kéo…đủ loại.

Tuỳ theo từng chiếc nồi bị thủng đáy, ông sẽ định hình miếng vá.

Nếu bị thủng bé (châm kim) thì ông dùng đột tròn nhỏ đột vào lỗ thủng cho tròn, sau đó cắt một miếng nhôm cuốn tròn như chiếc đinh vừa vặn với lỗ thủng dài khoảng 1/3 cm. Nêm chiếc đinh vào lỗ thủng sau đó ông dùng búa tán hai mặt cho đinh đính chặt vào đáy nồi.

Nếu lỗ thủng lớn hơn ông dùng đột vuông, đột thành lỗ vuông, nhưng mỗi cạnh không quá 1cm. Nếu lỗ thủng lớn hơn nữa thì ông đục khoét thành hình ngũ giác, hình lục giác, hình tròn hoặc hình ô van.

Đột, đục lỗ tạo hình xong thì ông cắt viếng vá từ những chiếc nồi nhôm cũ hỏng. Miếng vá bao giờ cũng lớn hơn lỗ thủng và có hình tương ứng với lỗ thủng. Miếng vá được ông cắt chân nhọn như răng cưa (chân rết) bẻ vuông góc với miếng vá. Đặt miếng vá vào lỗ thủng bên trong đáy nồi, sau đó ông bẻ chân miếng vá  ngược lại áp sát vào mặt ngoài đáy nồi. Đặt chiếc nồi lên đe ông dùng búa gỗ, búa sắt vừa đập vừa vỗ đến khi miếng vá ôm khít và đính chặt vào đáy nồi mới thôi.

Để đảm bảo chắc chắn ông lấy một ít vôi tôi cuộn vào lá khoai nước, chà sát cả mặt trong và mặt ngoài của miếng vá. Ông giải thích làm như vậy khi đun gặp nhiệt độ cao, vôi tôi sẽ cứng lại lấp kín những khe hở của miếng vá, nước trong nồi không bị rò rỉ.

Nhà nào có xoong, nồi, xô chậu…bị bẹp méo thì ông gò lại. Tuy không được hoàn hảo như mới, nhưng vẫn tròn trịa, vừa khít đảm bảo dùng được.

Có một điều là ông thợ hàn nồi bao giờ cũng mặc quần áo nâu, quần ống rộng để dễ xoay sở khi thao tác. Ông rất giỏi tán chuyện, vui tính ra phết. Gặp mấy bà sồn sồn mang nồi ra hàn thì thôi rồi! Nào là “nồi nhà cô sao mà đen lại thủng lắm lỗ thế?” rồi “nồi méo nhưng vẫn đẹp nhỉ!”…mấy bà cũng chẳng vừa “nhà em đun nhiều nên nó đen, đun nhiều nó mới thủng nhiều đấy…” rồi “méo thì bác làm cho em tròn…”. Nhưng đến lúc tính tiền thì ông chẳng làm không công cho ai cả.

Bây giờ xoong, nồi…bị thủng, bẹp méo thì bỏ. Mua cái mới là xong không phải hàn nữa, mà có muốn hàn cũng chẳng tìm đâu ra được thợ hàn nồi.

Mấy hôm trước nhà tôi có chiếc nồi bị thủng, bỏ đi thì phí quá. Nhớ lại những thao tác của ông thợ hàn nồi ngày xưa. Tôi tự hàn lại, tuy không được hoàn hảo như thợ hàn nhưng cũng dùng được.

Bác nào có xoong, nồi bị thủng cứ liên hệ với tôi, tôi sẽ hướng dẫn cách hàn nhé! Chỉ giúp thôi không cần phải trả công đâu.

Theo Chuyện làng quê