“Thơ Huế 2023”, những cánh bay miên du

Nguyên Hương

15/01/2024 22:06

Theo dõi trên

 Cuộc thi “Thơ Huế 2023” do Tạp chí Sông Hương tổ chức (từ 3/2023 - 11/2023), đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của các tác giả khắp mọi miền đất nước. Nhiều tác phẩm chất lượng, phù hợp với Thể lệ của Cuộc thi, đã đăng trên Sông Hương.

thi-tho-hue-1705331020.jpg
 

 Thơ dự thi có chất lượng, viết khá kỹ, sâu về Huế. Đó là tình yêu miền sông Hương núi Ngự, là dấu ấn của di sản, văn hóa, thiên nhiên và con người vừa thấp thoáng vừa hiện rõ. Nhiều tác giả lớn tuổi đã thành danh cùng các tác giả trẻ trên văn đàn tham gia với những góc nhìn mới mẻ, sinh động, mang đến cuộc thi những dấu ấn lạ, hiển hiện một thành phố Huế giàu chất thơ. Từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, từ Hà Nội vào Sài Gòn cho đến địa đầu Móng Cái và Cà Mau, rải đều trên các tỉnh và vùng miền đều có tác giả tham gia. Có thể nói, hiếm quãng thời gian nào như trong cuộc thi này, vùng đất Cố đô, những địa danh và cảm thức về xứ thần kinh được nhắc nhiều trên Tạp chí Sông Hương như vậy. Những bài thơ dự thi sau khi Tạp chí đăng tải lại được giới thiệu trên trang Facebook cá nhân, để bạn đọc cả nước cùng đọc, suy ngẫm, nhớ về Huế; đó là nguồn cảm hứng để các cây viết tiếp tục hướng về, mong đến Huế vui chơi và sáng tạo.

 Những địa danh thân thương, những vùng đất, đầm phá hiện lên sống động, sóng sánh trong thơ, đôi khi như nhạc tính đã ngân vang, phơi lộ vẻ tuyệt mỹ ngay cả ở những nơi còn kham khó. Từ làng bích họa trong thơ Đức Sơn cùng mưa thiền “ Vời vợi Túy Vân ” và mênh mang “ Trăng cảng cá ”, đến những di tích khoác áo thời gian, những dấu tích phai mờ, nhưng còn lưu trong tâm trí của người thơ. Từ miền biển cát trắng Phong Hải, theo dọc phá Tam Giang lên đến núi rừng A Lưới đã hiển hiện một Huế đa sắc, mộc mạc, quý phái, đến những nốt trầm lặng sâu như cung âm Huế vọng mãi trong chiều thời gian. Nỗi niềm với Huế đã khiến bao câu chuyện, bao ngữ ngôn đậm chất quê ùa vào trang thơ tự nhiên như lời vẫy gọi sự quay về khi xa vắng cứ lộ dần, chỉ còn chủ thể bâng khuâng giữa một Huế sương khói mang mang. Tác giả Nguyên Quân với những dòng thơ đậm đặc về miền cũ đẹp lộng gắn với những di tích, đền đài, thành quách, dòng sông, đầm phá, với kỷ niệm chảy tràn khi tác giả vẫn đứng ở những nơi ấy với nỗi mất còn, với rêu phong và ánh nắng mới; khi tác giả này “đối diện lầu Tứ Phương cảm nghiệm về nhân gian cùng thân phận mình trong đó. Trong thơ anh có sự nồng ấm giao hòa giữa thiên nhiên, di tích, những dấu chỉ với con người, đó cũng là sự thành công của việc dụng chữ. Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý “ vọng một Hàm Nghi/ vằng vặc sơn hà...”; nỗi niềm dưới ánh trăng soi tỏ tấm lòng không cúi đầu trước giặc: “Chiếu Cần Vương rọi bốn phương”. Vua không phải chỉ vì ngai vàng, hoa gấm lợi danh; nhà thơ nhìn dáng vua như nhìn bóng hình của cái đẹp đi tìm lại vóc dáng sơn hà, đau đáu nỗi lòng cố quốc khi phải thân chinh vạn dặm. Đó là áng thơ bi tráng và nao nao về một di sản tinh thần quý giá vô ngần để lại cho đời sau. Huế hiện lên như một nàng thơ mực thước. Huế không buồn lụy cũng không phải những gì quá vui tươi, mà bình dị, trầm tư, toát lên vẻ tài hoa. Những giai nhân từ trong thơ cũ hiện về. Là cô gái trên sông Hương với ánh nhìn hòa trong sương man mác, an lành và hạnh phúc nhuốm sáng; là ký ức Hoàng thành gợi về đối với nữ nhi trữ tình trong thơ của một thi sĩ miền Tây nhìn qua màn sương Huế. Tác giả Lữ Mai thì trình diện tứ thơ lạ mà như vọng âm xưa, thanh trong cao vút giữa miên trường của nghĩa: “ai nhủ trăng vào cõi/ ai tiên tri thương tích mau lành/ ai ngắt nhánh đêm lành lạnh/ sương khói đành theo gót mỹ nhân”; cảm giác về những con chữ hóa thân làm cung nữ, làm nam nhi cưỡng vó tang bồng khi thấm thía “nỗi u trầm cung cấm”, khi đã nghe rêu phủ lên những bước đợi mãi đi không đành, mãi đến không đến được. Đó như là tiếng “Gọi” “Khách xa” trước “Gõ cùng” có bóng dáng của “Trà nương với lời “ Thủ thỉ ” bên áng “ Phượng lòa ” của “ Vòm Huế ” ngân mãi.

 Cuộc thi “ Thơ Huế 2023 ” đã hiển lộ những góc nhìn mới về Huế. Là “ rừng A Lưới ngày Huế còn thương trải chỉ màu khung cửi/ đàn chim đã trở về đậu lên những giấc mơ ” trong áng thơ óng ánh của Hoàng Thị Hiền. Những nét vẽ của Nguyễn Thị Kim Nhung về Huế rất mỏng rất tươi với “mái chèo vẽ nét Tam Giang”, hay “thuyền chài thắp lửa nuôi khuya” đã neo lại vệt mỹ cảm khuơ động chiều sâu tâm hồn như làn sóng nhắc thức những sáng tạo tiếp nối. Những vần thơ “ thắp lên niệm thức xanh ” của Huỳnh Thị Quỳnh Nga viết về người con gái như hoa linh lan nở trắng trên sông Hương dự cảm về một chuyển động tâm thức giữa niềm yêu thương trong “ đêm miên du ” “ dòng sông nghiêng như mơ ”. Bài thơ “Đêm biếc dòng Gia Hội” bồng bềnh “cánh gió trời đi lạc”, rồi “tiếng chuông chiều rụng biếc” trong “ Mưa hoa ngô đồng ”; “ những hàng cây như tóc ”, “ những đền đài rát mặt ”, “ bóng Hoàng thành trầm nghiêng ” trong “ Mưa linh hương mang đến sự ngạc nhiên hồ như thoảng nghe âm sắc lạ trong nhã nhạc với những hình ảnh mơ màng như lát cắt dọc vi âm ” tinh khiết. Tác giả trẻ Lê Hải Kỳ nhìn thấy dòng mưa di sản giữa cố kinh “ lừng thiên hương ”; sự ảo diệu của “ bông bênh thiên y, bồng bềnh vía lụa ”. Nguyễn Lãm Thắng với “ anh & em/ cục đá mọc mầm chuyển động theo hấp lực của hương đêm ”. Những hình tượng bình thường, những cảm xúc thô mộc cũng hóa thành dòng thơ chân chất và ở nhiều bài thơ đều có thể tìm được những ý hay. Bùi Thị Diệu với dòng thơ quấn quanh nỗi nhớ về những chiếc lá thông thơm, “ những chiếc lá thiêng quanh đàn Nam Giao ”. Trong bài thơ Bao giờ thôi mưa , tác giả nhìn “ phố hiền như bông sài đất ” và “ trên đầm phá rong rêu lời hát/ chín muồi kẽo kẹt ”; đều là dòng hoài niệm miên man chảy tràn rồi cô đặc trong nắng trong mưa xứ Huế. Với Trần Quốc Toàn là “ lấp lánh nước đầm ” Rú Chá, nơi có đàn chim tìm mồi trong lặng lẽ lá vàng rơi vào buổi sớm sương còn đọng trên các lối đi sâu vào giữa loài cây đan cành đan rễ vào nhau. Những loài cua, loài chim quen có lạ có, với nắng, tạo nên một bức tranh sinh động về khu sinh thái tuyệt tác nơi này. Và hơn thế là những câu thơ lộng lẫy: “ đàn sâm cầm mổ mổ mưa choang mặt nước/ cất cánh bay loang lổ mây trời màu hổ phách”. Nét đặc biệt ở đây là tia nhìn mới về không gian Huế, vẫn chừa lại những khoảng không để người khác sáng tạo thêm. Dẫu là thơ haiku, Trần Quốc Toàn đã khoác bộ cánh khác tuồng như bức tường lên rêu song chính rêu lại làm mới cả một không gian rạo rực: “ Tiếng chim khuyên hót giữa Cố đô/ Xanh màu rêu lăng tẩm/ về phía bên kia tồn tại ”. Tác giả Lê Huỳnh Lâm vẽ “ Bức tranh Huế” với “Nữ thần sông Hương “ Soi bóng vào trong Dấu lặng Huế ” bằng chính những dấu ấn miền cố xứ đã phần nào bay ngoài nghĩa danh vị từng ấn định, để ươm thêm những ẩn nghĩa về miền sương tỏa hương từ niềm tĩnh lặng. Trong bài thơ với tựa đề rất phiêu và nhiều sức gợi “ Đã từng với Huế ” cùng những bài thơ khác, Hoàng Thụy Anh tìm ra nét thân thuộc thuở nào với Huế dường như đã mất hút trong tâm trí. Cũng là hình ảnh Hoàng thành, dòng Hương, ngõ Huế song tác giả như đứng xa hơn dòng người đang quan sát và thấy “ lữ khách vớt bóng mình/ cắm lên chiếc bình Hương giang ”; thấy “đứa bé chúi đầu, hay buộc chùm hoa vàng vào miệng súng/ làm tinh khiết viên đạn ”. Những suy tư, những âm tự mang nghĩa thảng thốt như tĩnh vật trên một bức tranh mà nhìn mỗi góc đều mang lại cảm xúc khác, nghĩ liền vẫy gọi suy tư. Dấu ấn ngôi làng cổ Phước Tích đã hồi sinh trên những mẻ gốm in hình giọt mồ hôi và hơi thở của tình nhân lúc ngọn đèn dầu nơi ngõ “ đỏ lựng nụ hôn ”, của nắng vàng và màu xanh hy vọng, của vệt trăng lấp ló trong tiếng thì thầm và trên màu gốm non; đó là không gian thơ của Nguyễn Thiền Nghi. Những vết bùn, đôi mắt cây ngái ngủ sau đêm bão lũ tràn về thành phố đã được ghi lại bằng cảm xúc của ngôn ngữ chạm đến từng mảng Huế thân thương. Tác giả Nguyễn Thị Anh Đào yêu Huế qua cái nhìn về “ Bóng thời gian ” ý vị như cây thông xanh “ Ngã bóng thời gian lên mặt đất ”. “ Lặng im nơi này bốn mùa/ Hát điều gì dâu bể? ”. Câu hỏi như hỏi gió, mà gió vẫn reo hay thông reo trong nắng, âm thầm lướt qua bóng và trả lời thiên thu bằng nỗi niềm băng qua bể dâu. Huỳnh Thúy Kiều với những bài thơ rất Huế ” như: Vườn Huế ”, “ Cho Huế và em…”, “ Với Huế ngày không em ”, “ Gọi tên em cho dày liếp Huế phơi đêm , Huế: em, rượu và thơ ; là sự hóa thân làm nam nhân bước ra từ dấu xưa rêu xanh với nỗi trầm tư vắt ngang Thành nội; một người “ khắc khoải vùng phế tích đầm hương ” cùng Huế để có một lần “ nhúng buồn vào bờ sương cho trăng thêm ánh vàng trầm mặc ”.

   Những hình ảnh mang tính biểu tượng lưu dấu tâm hồn Huế như mưa , rêu và dòng hoài niệm về lịch sử, văn hóa, với những con người đã từng sống, từng đến Huế đã được vẽ lên bằng gam màu sáng. Một người xa quê từ nhỏ như tác giả Lê Vi Thủy đã ngóng về với kỷ niệm da diết trong ngôi nhà cổ, có mệ, có ba cùng bao đồ vật rêu phong. Những dòng thơ đọc lên rưng rưng trên dòng chảy của lịch sử vương triều. Lịch sử của một cố kinh trong thơ Lê Vi Thủy là sự hòa hợp tân thời bằng chính tâm hồn mình; dẫu xa quê, dẫu trở về thăm Huế trên những con phố lộng lẫy, vẫn thương nhớ màu rêu ở những ngõ nhỏ mà bây giờ còn trên kinh thành, chạm vào là dâng lên rung cảm trong veo. Vẻ đẹp của Huế đã khiến mắt người thi sĩ khám phá được vẻ đẹp tinh tế như sương mỏng tang trong nắng ấm, vẻ đẹp như đâu đó ta đã gặp song vẫn chỉ là Huế riêng biệt trong thơ tác giả Ngô Công Tấn: “ Ai nấu cỏ thơm đổ vào xanh biếc/ Hồ cũng Hương và sông cũng Hương ”. Trong bài “ Một khuya trên lưng Huế ”, tác giả chợt thấy “ cha còng lưng vớt trăng dưới ruộng ”; “ chợt nghe mùi ban mai/ đẫm tiếng kinh rơi theo tia nắng mới ”. Tác giả Bùi Việt Phương trong Mưa ở Huế ” thấy “ Mưa đi trên bóng cỏ lắt lay ”; “ Gặp lại Huế ” thấy nốt nhạc của “ Một câu hò, ngấn nước thành xưa ”. Góc nhìn khá điềm nhiên. Huế vẫn vậy, vẫn gió thổi qua bao cung cấm. Vẫn “ mây còn qua trên lối hạc trở về ”, mà sao có gì đó chênh chao trong lòng độc giả như một khuyết thiếu của bóng tôn nữ vừa ở đó mà đã rêu phong. Chính cái vẫn xưa như chưa gì thay đổi ấy cho thấy sự xáo trộn trong tâm hồn thi sĩ ngoái về xa xăm, trong sự ngưỡng vọng của vẻ đẹp mà chỉ nơi tĩnh lặng sâu xa mới hiển hiện. Có lẽ mưa Huế với những âm ba của nó cứ nhỏ giọt âm ỉ trong lòng người đi xa, một lần đến và không nguôi quên. Hay, đó là tâm trạng khi mà nhân vật trữ tình đã xa xôi, chỉ còn lại dòng mưa rả rích trong tâm khảm: “ Mưa qua phố nhỏ những chiều/ Đường trôi bong bóng lêu đêu vô thường ”. Đó là những câu thơ khá mới và hay về mưa Huế. Với tác giả Bùi Việt Phương, “ Mưa ở Huế như một nàng tố nữ/ Nhỏ nhẹ, chưa biết tên ”. Ngỡ như ngôi nhà cũ, kẻ sĩ nhìn mưa xứ Huế và cảm nhận những cung bậc âm thanh mềm như tay của nàng tố nữ mát nhẹ. Cái cảm giác đối lập với mình: “ Ta khô ráo, cũ mèm trong mái hiên ngần ngại ”… Cảm xúc về mưa ở Huế đã khiến không gian sáng tạo được mở rộng trường liên tưởng tuy vẫn là hình ảnh gần gũi, như thật, mà như huyễn lẫn quyện: “ Người bước lên thuyền, để làm thi sĩ/ Ngắt một sợi mưa, viết thấu trăng mờ ”. Mưa Huế là nỗi hoài niệm với thành xưa rêu cũ, là sự rỉ rả kéo dài như nốt trầm. Mưa Huế có một cảm xúc đặc biệt với sự từng trải nghiệm, từng thấm ướt khi ngang qua Cố đô trong thơ Từ Dạ Thảo: “ Phủ lên Kinh thành tấm khăn bàng bạc/ Như khói, như sương mềm sũng mắt người ”. “ Anh mắc nợ một đời mưa Huế/ Mưa ở nơi này mà ướt mãi nơi mô ”. “ Mưa Huế ” loang khắp xứ Huế, loang theo thời gian cho đến khi “ Tóc bạc rồi còn chưa hiểu hết mưa ”. Ngôn ngữ trong thơ Từ Dạ Thảo tung tẩy theo cảm xúc mưa, cũng thẳm sâu bể vực khi tác giả dồn nén năng lượng cùng nỗi bâng khuâng trước vẻ đẹp mà mưa làm huyền ảo thêm vẻ đẹp của Huế, đến dỗi hờn buốt lạnh ngữ nghĩa. Mưa, với tác giả Nguyễn Thị Kim Nhung thì “ biết mình phận mỏng ”, toát lên sự mong manh, như lời nhắc nhở những tâm hồn lang thang lắng lại những thời khắc diệu kỳ để phận mưa không trôi đi như chớp mắt, để vẻ đẹp trọn vẹn trong nhau.

   Hầu như những địa danh đẹp nhất, những di tích đền đài lăng tẩm, từ thành phố đến vùng ven; những loài cây loài hoa vương giả xứ Huế cho đến hoàng hôn, sắc màu, rêu phong đều được thi sĩ khắp miền đưa vào thơ với sự nâng niu, đặt vào những nơi trang trọng nhất của không gian thơ. Vẻ đẹp của xứ Huế đã tràn vào thi phẩm, tạo nên sự đa sắc của ngữ nghĩa, mới từ những quen thuộc, bình dị. Huế và anh, Huế và em. Nhiều khi em là một thực thể nào đó của Huế, là gió nắng là mưa chiều là hoàng hôn, hay diệu âm ca Huế. “ Huế đủ sắc màu trong những túp lều cũ ” (Trần Thị Huê). Một số bài thơ như một vệt trường ca thắm thiết, sâu sắc, nặng tình nhưng bay bổng về Huế. Đó là dư cảm trong “ Đoản khúc 231 ” của tác giả Fan Tuấn Anh; trên hết là sự hiện tới ân tình của người cha như cuộc đối thoại dành cho hành trình lớn dậy của người con: “ Mỗi mùa xuân về, con hãy đi lễ tạ ơn công chúa Huyền Trân/ Nàng đã mượn màu son phấn ra đi, để mang về vùng đất cho biết bao những người đàn ông gây dựng nghiệp lớn…/ Lịch sử của đất nước mình vẫn bảo lưu ở mảnh đất Cố đô ”. Đọc dòng thơ của Fan Tuấn Anh giúp những giác quan phát giác chiêm ngắm dòng lịch sử về mảnh đất và nghệ thuật, về con người, thiên nhiên, tâm linh. Huế được nhìn ở mọi hướng, ở mọi thời khắc. Về dòng chảy trôi theo mái chèo nhịp nhàng theo điệu Nam Ai và nhịp phách bình bằng man mác màu ngũ cung. Huế đêm của Nhà Thơ Bạch Diệp, với vẻ thanh thoát trong không gian nhà vườn có thềm rêu yên lặng. Không gian Huế trong thơ vừa cũ vừa mới, hòa vào nhau như cổ tích nền nã dưới ban mai, ở đó mọi thứ đều êm đềm, dường như sự thanh thoát của hiện đại vừa chớm cũ, để thấy chút bâng khuâng tiếc nuối với những gì đang hiện hữu như tuổi xuân chớm phai. Thơ Bạch Diệp với mưa, với nỗi chênh chao về mùa nhiều sức sống, tình yêu dẫu buồn cũng đầy dông gió về sự bứt mình để chiếm lĩnh khoảng không nối một sợi duyên như sợi mưa sắc ngọt vô hình. Tên của những bài thơ nghe như lời thưa mỏng: “ Mở ra đôi cánh lụa xanh dưới mặt trời ”, “ Xứ sở cho một hơi thở nhẹ ”; ấy là “ Tiếng gọi ” rất khẽ của nàng Huế song dư âm xô dạt mênh mang. Tác giả Hoàng Đăng Khoa với bài thơ duy nhất dự thi là dòng tâm cảm về Huế với ngữ điệu an nhiên, rằng Huế vốn đã Huế khi ai đó thật hiểu Huế, vậy thôi: “ Huế không cần điểm thêm giọt buồn lên mắt thì tâm hồn đã rất sâu/ Như sông Hương nhân từ nén chặt vào đáy lòng bao nhiêu giông bão/ Huế tự làm đặc mình nên âm sắc khẽ khàng tự nhiên uyên áo/ Như núi Ngự vững chãi trầm mặc giữa bốn phương tám hướng lao xao ”.

     Cuộc thi đã khép lại với nhiều tác phẩm sẽ còn lưu lại với độc giả theo thời gian. Vẫn còn nhiều tác giả chưa nêu ở đây, những câu thơ bài thơ có sáng tạo về ngôn ngữ gắn với không gian Huế; bởi đây chỉ là một góc nhìn hẹp. Một số bài thơ trong cuộc thi dẫu tốt song chưa thật bám sát Thể lệ. Mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí, nhất là cuộc thi viết riêng về một vùng đất. Huế vốn đã thơ, và thơ Huế là dịp để phơi lộ thêm những nét sâu sắc của Huế. Huế quyến rũ, sự thanh cao, sâu sắc, những vẻ đẹp còn tiềm ẩn đã phần nào được các nhà thơ với con mắt xanh của mình nhìn thấu, vẽ nên bằng sắc màu ngữ ngôn và niềm tâm cảm với Huế thơ.

N.H

 

Bạn đang đọc bài viết " “Thơ Huế 2023”, những cánh bay miên du" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn