Thơ Nôm Nguyễn Trãi - TỰ THÁN 

Trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ Vũ ình Lục về Thơ Nôm của Nguyễn Trãi.

TỰ THÁN

(Bài 38)

Phồn hoa một đoạn tỉnh mơ,

Mẻ chuông tàn, cảnh thất thơ.

Chim có miệng kêu, âu lại ngậm,

Cáo khuyên lòng ở, mựa còn ngờ.

Chẳng cài cửa tiếc non che khuất,

Xá để thuyền cho nguyệt chở nhờ.

Ta ắt muốn nhàn, quan muốn lạnh,

Lo thay, vì lụy phải thờ ơ!

Như thế là đã tỉnh giấc mộng phồn hoa một thuở rồi (phồn hoa một đoạn tỉnh mơ). Hồi chuông (mẻ chuông) thế cuộc cũng đã tàn rồi, quang cảnh bây giờ đã trở nên xác xơ, tiêu điều, tàn tạ, thê lương ảm đạm (cảnh thất thơ). Đó chính là quang cảnh chung có tính khái quát của thời thế lúc bấy giờ, theo cảm nhận của tác giả.

b1bl1a-1699494394.jpg

Tác giả bài viết Nhà thơ Vũ Bình Lục.

 

Sau những vinh quang lấp lánh của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã thành công, chính quyền phong kiến thời Hậu Lê dần trở nên suy thoái nghiêm trọng. Bộ mặt chuyên chế, phản bội mục đích ban đầu đã dần hiện rõ. Gian thần tác oai tác quái. Những trung thần khai quốc liên tiếp bị giết oan. Bầu trời chính trị đương thời rất nặng nề u ám. Cho nên:

Chim có miệng kêu, âu lại ngậm,

Cáo khuyên lòng ở, mựa còn ngờ.

Chim có miệng thì kêu, nhưng lại lo sợ, cho nên mới phải ngậm miệng lại (âu lại ngậm). Ví như những người trí thức biết rõ việc đời, lo cho vận nước, muốn lên tiếng để góp phần sửa sang nền chính sự, nhưng buộc phải ngậm miệng vì lo kẻ cầm quyền đàn áp, lụy đến thân. Sợ lụy đến thân, đến tổ ấm gia đình của mình, nên đành phải nhắm mắt cho qua mà cam phận làm “Hèn đại nhân” cho yên phận. Thế chẳng phải là đau lòng lắm sao? Đến như chồn cáo là giống đa nghi, dẫu muốn “khuyên lòng ở”, nhưng mà lại còn ngờ vực (mựa còn ngờ). Ví như kẻ trí thức muốn cống hiến cho đời, tự khuyên lòng mình như thế, nhưng còn ngờ rằng ở lại thì có thể yên ổn được hay không, hay là đang có vẻ ngọt ngào đấy, nhưng cạm bẫy cũng đang giăng chờ đấy? Thật là những ẩn ý sâu xa, thể hiện tâm trạng của kẻ bề tôi có lòng lo nước thương dân mà bối rối tâm can.

Không ở được thì về. Kẻ trượng phu ở đời hiểu rõ cái lẽ “xuất-Xử”, còn cấn cái làm gì, nên lui về cho yên phận. Lui về để sống cuộc đời tự do ngoài danh lợi, bạn với gió trăng nơi rừng suối quê nhà, đó mới là thượng sách. Này nhé:

Chẳng cài cửa tiếc non che khuất,

Xá để thuyền cho nguyệt chở nhờ.

Lều cỏ thông thênh, chả phải lo trộm cắp gì. Mà thực ra cũng chả có của nả quý báu gì khiến kẻ trộm lăm le, nên mới chẳng (chăng) cần cài cửa làm gì. Ở đây là ngày Nghiêu tháng Thuấn cơ mà. Thực ra thì chẳng cài cửa, là vì còn “tiếc non che khuất,” nghĩa là cài cửa, đóng cửa thì làm sao nhìn thấy cảnh núi non xinh đẹp nhường kia? Buộc thuyền dưới chân cầu Thấu Ngọc, để đấy “cho nguyệt chở nhờ”, để đấy mà chở trăng, cho “nguyệt mãn thuyền”.

Chao ôi! Vứt phăng đi cái danh hư, cái “dàm danh” (chữ của Cao Bá Quát), thoát khỏi cảnh cúi ngửa theo người, hay cúi đầu luồn mái nhà thấp như cách nói của Cao Chu Thần, để được chính là mình, để được tự do làm bạn với núi non rừng suối Côn Sơn, với trăng gió quê nhà, bậu bạn với Ngư Tiều, với mai hoa tùng cúc, chẳng phải là Tiên đấy sao? Thật là một câu thơ tuyệt diệu, mà thực ra những câu thơ hay như thế, cũng chẳng thiếu gì trong thơ Nôm Nguyễn Trãi.

Hai câu thơ cuối chỉ còn là sự giãi bày:

Ta ắt muốn nhàn, quan muốn lạnh,

Lo thay vì lụy phải thờ ơ!

Ai mà chẳng muốn sống cảnh nhàn tản, nhất là thi nhân. Ta cũng thế thôi, cũng có cái lòng ấy thôi. Nhưng đã làm quan thì phải ra quan, làm hết chức phận của kẻ sĩ với dân với nước, chứ đâu chỉ là muốn một chút quan lạnh (quan muốn lạnh), chỉ có mỗi việc “ngồi chơi xơi nước” như thế này?

Thực ra, dưới triều vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi có được mời về Thăng Long làm quan như cũ, thậm chí được giao thêm trọng trách, nhưng thời thế đã đổi thay rồi. Bọn tiểu nhân như Lý Thông lăng xăng nhấp nhố khắp triều đình, còn Thạch Sanh thì đốt đuốc đi tìm mới thấy được đôi ba người, nhưng họ cũng đã phải ngậm miệng cho yên phận cả rồi. Ví như Tiến sĩ Nguyễn Liễu mới mở mồm ra phê phán bọn thái giám làm nát triều chính, liền bị chúng khép ngay vào tội tày đình, “phát ngôn bừa bãi”, phải chết. May mà vua còn thương tình, chỉ thích chữ vào mặt rồi đuổi đi xa. Nguyễn Trãi đã chứng kiến sự kiện đau lòng này, nên ông rất thất vọng. Tiên sinh Nguyễn Trãi lại lui về Côn Sơn, vẫn còn chức quan “Nhập nội hành khiển” là chức quan lạnh (thanh quan) đấy, nhưng lòng đã được yên đâu, vì còn phải lo phải nghĩ, vì còn vương vấn với lụy đời. Lo lắng cho vận nước lâm nguy, nhưng buộc lòng phải thờ ơ, hoặc làm ra vẻ thờ ơ. Thế thôi! Và đó mới chính là bi kịch tâm trạng của một vĩ nhân bỗng dưng bị tước đi cái quyền được cống hiến cho đất nước, chẳng phải là đáng buồn lắm hay sao?...