Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Hợp tác xã không chỉ là phân chia lợi ích

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu như vậy tại hội nghị định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức tại Hậu Giang ngày 7-4.

anh-chup-man-hinh-2023-10-20-luc-154057-1697791299.jpeg

Hợp tác xã Khiết Tâm (TP Cần Thơ) thực hiện dịch vụ thu hoạch lúa - Ảnh: V.T.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng “bản thân chữ hợp tác xã mở đầu bằng chữ hợp tác, hợp tác không chỉ là phân chia lợi ích, mà hợp tác tất nhiên là niềm tin, tinh thần. Hợp tác là một tinh thần, văn hóa, triết lý, tư tưởng”.

Về việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách tín dụng từ các ngân hàng, ông Hoan cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết kế các gói tín dụng riêng cho hợp tác xã tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ nhà tài trợ có liên quan đã cam kết hỗ trợ cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Hợp tác xã hãy chủ động mở rộng thị trường dịch vụ kinh doanh và không ngừng vươn lên với tinh thần dám nghĩ, dám làm và năng động thích ứng thị trường, cũng như liên kết với doanh nghiệp để xây dựng hợp tác xã ngày càng lớn mạnh”, ông Hoan gợi mở.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 2.615 hợp tác xã và 20 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trong đó hơn 82% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Tuy vậy, theo ông Lê Đức Thịnh - cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, do thiếu vốn, hạn chế kỹ thuật nên nhiều hợp tác xã khó đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững nên chỉ khoảng 13% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

“Nhiều hợp tác xã chưa thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, có liên kết nhưng còn lỏng lẻo, chưa tạo thành chuỗi giá trị”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Long - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang - cho rằng các dịch vụ quan trọng như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm, khoảng 12% hợp tác xã bao tiêu một phần nông sản.

Ngoài ra, hợp tác xã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa chưa nhiều, các sản phẩm đóng gói, bao bì còn ít… nên chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, người tiêu dùng, sức cạnh tranh trên thị trường thấp.