Thủ thỉ về chuyện lấy vợ lấy chồng

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

15/10/2021 16:49

Theo dõi trên

1. Ca dao xưa có câu: “Gần thì chẳng bén duyên cho/Xa xôi cách mấy lần đò cũng đi”!

bl1q-1634291276.jpg
Tác giả đứng trước cổng đền thờ Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tại làng Nành (Ninh Hiệp), Gia Lâm-Hà Nội.

 

Lại thường nói rằng “Cái duyên chồng vợ”, cái “duyên bạn bầu”, cái “duyên chùa chiền”, cái “duyên tôn giáo” nói chung… Chữ “duyên” thực ra nó là một hình dung từ, nhìn không rõ, sờ chẳng thấy. Đôi khi nó lại có thể “tự chuyển hóa”, biến thành lượng từ, biểu thị cái sự đậm hay nhạt. Cái “duyên nồng thắm”, “cái duyên hững hờ”, cái “duyên bẽ bàng”, cái “duyên bèo bọt”, hay là cái sự “vô duyên”, “hữu duyên”… nó “diễn tấu”muôn hình vạn trạng, không theo một trình thức, hay một mô thức nào cả. Nó biến ảo khôn lường. Tuy nhiên, đôi khi chữ “duyên” lại mang màu sắc tâm lý, mặc định trạng thái tâm lý. Nó có thể làm được cái việc rất lớn là củng cố lòng tin, hoặc an ủi tâm hồn, sưởi ấm tâm trạng đầy vơi muôn nỗi của con người, đặc biệt là với những câu chuyện tâm linh tôn giáo, hoặc những câu chuyện lứa đôi, chồng vợ muôn thuở muôn màu… Có cái duyên ngắn ngủi, bèo bọt dễ tan như sương khói. Có cái duyên nồng ấm dài dài như sông như suối. Tất nhiên, nó không phải là hình thái tư duy. Nó là một sợi dây tình cảm, linh cảm rất chi là mơ hồ. Nó là “cây đàn muôn điệu”, kết nối tâm hồn với tâm hồn một cách kỳ diệu…

2

Ở thời kỳ phong kiến xa xưa, tư tưởng Nho giáo có quan điểm tiến bộ, nhưng nó cũng nhiều quan điểm, tư tưởng bảo thủ, bất công, thậm chí là phản động, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Nho giáo coi thường phụ nữ. “Nhất nam viết hữu / Thập nữ viết vô” (Một con trai cũng là có / Mười con gái cũng là không). Cha mẹ có toàn quyền dựng vợ gả chồng cho con cái, chả cần biết đến chuyện yêu iếc gì sất. Cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đấy. May mắn được chỗ cao môn vọng tộc, yên ấm dầm dề, thì chả phải nói thêm gì nữa. Dưng mà, chẳng may vì một tình huống bất khả kháng nào đó, vớ phải anh chồng đần độn, sứt môi hở rốn, mắt toét mũi thò lò, thì cũng đành phải cắn răng cam chịu khổ đau suốt cả một đời. Thế nên mới có cái cảnh cô gái đi lấy chồng xa, phải “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”…

Người phụ nữ dường như không có quyền gì. Họ chỉ là một thứ của cải trong nhà, thậm chí, trong thời loạn, họ chỉ được xem như như một thứ chiến lợi phẩm đặc biệt, không hơn, không kém. Trong những cuộc tranh đoạt lợi quyền, kẻ chiến thắng có quyền sở hữu chiến lợi phẩm, trong đó phải kể đến những cô vợ trẻ đẹp như hoa thêu gấm dệt của kẻ chiến bại. Ví như Tào Tháo giết được Trương Tú, anh ta chiếm luôn cô vợ nhan sắc lộng lẫy chim sa cá lặn của kẻ bất hạnh. Tào Phi (con Tào Tháo) chiếm đoạt được cô vợ đẹp như tiên của Viên Thượng (con trai Viên Thiệu) ở đời Tam Quốc bên Tàu. Ví như Nguyễn Ánh giết được vua Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn (con vua Quang Trung), ông ta chiếm đoạt luôn cô vợ trẻ mơn mởn hoa tươi Lê Thị Ngọc Bình của Quang Toản. Lê Thị Ngọc Bình chính là em gái họ của Lê Ngọc Hân, Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung) chẳng hạn. Ở đời Hậu Lê, vua Thái Tông (Lê Nguyên Long) khi còn hơi sữa, được vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyên Thị Lộ chăm bẵm, dạy dỗ. Đến khi trưởng thành, thu lại được quyền lực, Thái Tông giết lộng thần Lê Sát, tịch thu, xung công toàn bộ gia sản, kể cả vợ con Lê Sát. Vua ban thưởng vợ con Lê Sát cho Tể thần Lê Ngân sở hữu. Sau Lê Ngân thất sủng, bị Thái Tông giết, vợ con ông ấy cũng bị “xung công”, rồi lại đem chia chác, ban thưởng cho người khác. Chao ôi! Chuyện ngày xưa kể mãi không hết…

Vua chúa có quyền đem về “kho báu” của mình hàng ngàn, hàng vạn người đẹp ở khắp thiên hạ, từ khoảng 8 tuổi trở lên đến tuổi cập kê. Tương truyền, vua Đường Huyền Tông có tới 4 vạn cung nữ, nhưng chỉ có Dương Quý Phi được sủng ái nhất. Có rất nhiều, rất nhiều cô gái trẻ trung xinh đẹp, tiếng là “cung nữ”, vợ vua, nhưng cả đời không một lần chen chân vào được chốn rèm hoa, hưởng lấy một chút thơm tho ân sủng ở chốn “Long sàng”, đành phải ôm hận đau xót suốt đời. Thường thì họ cam phận, chỉ biết âm thầm thở than “hồng nhan bạc phận”, rồi thì đổ lỗi, oán trách Tạo hóa sao chẳng công bằng. Đôi khi, họ cũng muốn quẫy đạp lung tung, muốn “Dang tay dứt sợi tơ hồng / Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra” (CUNG OÁN NGÂM KHÚC- Nguyễn Gia Thiều). “Tiêu phòng”, hay là “phòng tiêu”, chính là căn phòng của các cung nữ mà tường vách được trát (miền Nam gọi là tô) bằng thứ vữa (miền Nam gọi là hồ) đặc biệt, trong đó có trộn lẫn hạt tiêu (hồ tiêu) cho nó ấm và thơm. Chỉ người giàu quyền quý cao sang mới có cơ hội được dùng. Thực tế thì cũng có những cung nữ chịu không nổi sự “cầm cố” lâu ngày, nhạt nhẽo. Mà cái rưng rức trẻ trung ở bên trong, tức cái người đàn bà ở bên trong người đàn bà, thức dậy, đòi được giải phóng, đòi được thỏa mãn cái quyền được yêu, quyền được sung sướng của mình. Cho nên, nhiều cung nhân đã bất chấp tất cả, liều mình trốn ra ngoài, tìm cách giao tiếp với quan chức cấp thấp, hoặc với cả lính canh, để chớp nhoáng hưởng lấy một chút cái hương vị ái ân tuyệt vời bản thể. Ở trong cung thì họ thường kết nối với thầy thuốc cung đình, để tranh thủ ngoại tình. Có biết bao cuộc chiến âm thầm, đẫm máu, không khoan nhượng trong tranh đoạt vị thế nơi hậu cung, đã diễn ra như câu chuyện thường ngày ở huyện, kể mãi không hết… Cõi người rực rỡ vui tươi mà biết bao cay đắng ngậm ngùi!

Quan cao chức lớn thì cũng có quyền vơ vào nhiều vợ. Dùng không hết thì đem làm vật hy sinh, hiến tặng quan trên, thường thì là với những toan tính sâu hiểm. Lã Bất Vi dùng vợ trẻ đẹp như hoa, để “buôn vua”. Mà cũng chả phải chỉ riêng có một Lã Bất Vi đâu nhá! Thời nào chả có, cho dù là nó có vẻ tinh vi sang trọng hơn nhiều. Không buôn được vua thì tạm “buôn quan”, chứ còn sao nữa!

Tuy nhiên, đôi khi cũng không hẳn là như vậy. Ông Viên Mai, tác giả cuốn TÙY VIÊN THI THOẠI (Nói chuyện thơ ở vườn Tùy), một tác phẩm phê bình văn học rất nổi tiếng ở đời nhà Thanh bên Tàu. Viên Mai đỗ đạt cao, từng làm quan khá to. Viên Mai quyền quý, thế gia vọng tộc, giàu có và đương nhiên, ông ấy cũng khá nhiều vợ, các kiểu vợ nhớn bé trong nhà. Ở Trung Quốc, nếu anh mắc phải cái phận nghèo thì khó mà lấy được vợ. Một hôm, Viên Mai có anh bạn thơ từ xa đến thăm chơi nhà, cùng uống rượu, ngâm thơ xướng họa. Viên Mai là một thi sĩ, một nhà phê bình văn học xuất sắc, rất phục tài thơ anh bạn quý. Thơ rượu nồng ấm tình tri âm tri kỷ. Thăm hỏi, thì biết ông bạn thi sĩ của mình vì nghèo quá nên chưa lấy được vợ, Viên Mai bùi ngùi thương cảm. Đúng là “kẻ ăn không hết, người tìm không ra”. Cuối cùng, ông chủ vườn Tùy quyết định tặng bạn một cô vợ trẻ, trong số nhiều cô vợ “liễu yếu đào tơ” của ông. Nhà thơ nghèo vô cùng cảm động, sung sướng, nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Mà cô vợ bé được bàn giao cái “quyền sử dụng tài sản” cho anh chàng thi sĩ nghèo kia, cũng tỏ ra vô cùng sung sướng. Nàng cảm tạ, vái lạy ngài Viên Mai chồng cũ liên hồi như tế sao. Thế là sao? Đơn giản là vì ở nhà ông Viên Mai, tuy là vợ quan, nhàn nhã ăn sung mặc sướng đấy, nhưng lâu lắm mới đến lượt mình được hầu hạ giường chiếu cho chủ nhân. Bây giờ bỗng dưng được làm vợ một anh nhà thơ tuy nghèo túng một tẹo, nhưng mà được độc quyền hưởng thụ cái sự vui vẻ bên anh chồng mới, chả thích hơn sao? Ai mà hoãn được cái sự sung sướng nào! Thế là ngài Viên Mai nhân hậu đã trả “nhuận bút” cho nhà thơ bằng một cô vợ trẻ nết na hiền thục. Quả là một câu chuyện hiếm có trong đời. Hiếm thôi, chứ không phải là độc nhất vô nhị đâu! Mấy năm sau, anh bạn thi sĩ nghèo năm xưa, lại vui vẻ dẫn cô vợ và đàn con tíu tít đến cảm tạ nhà văn kiêm thi sĩ Viên Mai hào phóng và nhân hậu. Thế là bài thơ trữ tình được kết thúc một cách viên mãn, đậm đà màu sắc nhân văn vậy!

(còn tiếp)

Bạn đang đọc bài viết "Thủ thỉ về chuyện lấy vợ lấy chồng" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn