Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ VHTT&DL, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành VHTTDL được nâng lên cả về nhận thức và hành động
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm qua, vai trò, nhận thức, hành động về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được nâng lên; nêu rõ văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc, "văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", văn hóa mang tính khoa học, dân tộc và đại chúng. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và việc kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong lĩnh vực này; chúng ta cũng chú trọng phát triển thể thao thể hiện ý chí, sức mạnh của đất nước, sức khoẻ của nhân dân; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; chúng ta tự hào đang làm rạng danh hơn ngành văn hóa, thể thao và du lịch; góp phần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Thủ tướng khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước năm qua có sự đóng góp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những thành tích của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; nêu rõ, ngành đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành 133/148 (90%) nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023.
Với chức năng của Bộ là quản lý nhà nước về 3 lĩnh vực VHTTDL, ngoài vị trí, vai trò của ngành Văn hoá không ngừng được tăng lên; chúng ta cũng chú trọng phát triển thể thao thể hiện ý chí, sức mạnh của đất nước, sức khoẻ của nhân dân. Mỗi công dân khoẻ mạnh, có ý chí kiên cường thì cả dân tộc khoẻ mạnh và kiên cường, đất nước sẽ hùng cường và thịnh vượng. Trong khi đó Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; chúng ta tự hào đang làm rạng danh hơn ngành VHTTDL, góp phần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những thành tích của ngành VHTTDL
Thủ tướng khẳng định năm 2023 là năm khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã chiến thắng, đã vượt qua được và đạt được những thành quả hết sức trân trọng. Trong thành tựu chung của đất nước năm qua có sự đóng góp của Bộ VHTTDL. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những thành tích của ngành VHTTDL. Thủ tướng nêu rõ, ngành đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ VHTTDL đã hoàn thành 133/148 (90%) nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023.
Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển ngành như lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, 2 Hội nghị để phát triển du lịch, Hội nghị phát triển thể thao thành tích cao.
Ngành cũng tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hoá sôi nổi hơn, toàn diện hơn, rộng khắp hơn và tiêu cực ít hơn; nhiều giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận; đời sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển có chiều sâu, chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đồng thời phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội; các dân tộc đang được bảo tồn, phát huy tốt, rõ nét bản sắc văn hoá dân tộc, ngày càng đi đúng hướng, nhất là gắn văn hoá với phát triển du lịch; du lịch đồng quê đang phát triển nhanh; phát huy giá trị gia đình, xã hội, phục vụ mục tiêu con người là mục tiêu, động lực, chủ thể của sự phát triển, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngành VHTTDL cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hoá đậm đà bản sắc.
Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch
Thủ tướng đánh giá, trong thời gian qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; chuẩn mực ứng xử văn hóa mới được hình thành; đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, tạo nên bức tranh ấn tượng, đa sắc mầu của dân tộc, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống vật chất góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần; thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai và gắn kết hiệu quả với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Ngành VHTTDL chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển. Du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá: khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt (vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách và gấp 3,5 lần năm 2022); khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38%...
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, Thủ tướng đề nghị ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải thẳng thắn nhận thức rõ để đề ra hướng giải quyết, khắc phục.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, nghiêm túc quán triệt, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, thể thao và du lịch; chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; chú trọng vấn đề động lực sáng tạo và đổi mới, làm mới những cái cũ, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, dân tộc với quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; quốc tế hoá nền văn hóa dân tộc, dân tộc hóa nền văn hoá thế giới; huy động hơn nữa hợp tác công tư trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Về bối cảnh Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới được dự báo phát triển thấp hơn năm 2023; các vấn đề an ninh, biến đổi khí hậu khó lường, do đó tình hình năm nay khó khăn nhiều hơn năm ngoái. Do đó, ngành VHTTDL không được chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được, không lơ là những diễn biến đang tác động đất nước; đồng thời không hoang mang, dao động, bi quan những khó khăn, thách thức có thể xảy ra; chúng ta cần có kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn, tự tin hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc, sức mạnh nội sinh của văn hoá, phát huy tối đa sức mạnh thể chất của người Việt Nam để tự tin, vững bước đi lên, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững ngành VHTTDL.
Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng lưu ý thêm một số nội dung:
Chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cần tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam, vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực này.
Thứ nhất Bộ cần tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nuớc về VHTTDL, nhất là vai trò , vị trí và nhận thức của VHTTDL được nâng lên trên cả nước
Thứ hai, quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTTDL. Chú trọng phát triển công nghiệp văn hoá.
Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản. Kết hợp hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn để phát triển VHTTDL nhanh và bền vững.
Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong việc bồi dưỡng, xây dựng đạo đức, nhân cách con người, đề cao chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội. Xây dựng văn hoá số trong sạch, lành mạnh phù hợp truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc.
Thứ tư, củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao; phát triển thể thao chuyên nghiệp, toàn diện, bền vững; đổi mới phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao Việt Nam có lợi thế, chọn bước đi phù hợp.
Thứ năm, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ khách du lịch…
Đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành Du lịch (như về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…); phấn đấu năm 2024, ngành Du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng.
Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực; phát triển nguồn nhân lực, con người cho lĩnh vực VHTTDL; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện chính sách lâu dài, phù hợp đối với các văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên và người làm việc trong ngành VHTTDL, tạo điều kiện tốt nhất để họ yên tâm công tác, cống hiến.
Thứ bảy, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế với phương châm “một cung đường, nhiều điểm đến”, xây dựng “con đường di sản quốc gia, “con đường di sản quốc tế”, quan tâm kết nối thể thao “con người với con người, từ trái tim đến trái tim”; quan tâm tiếp cận bình đẳng thể thao, du lịch nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vừng biên giới, hải đảo, nhất là đối với người yếu thế.
Thứ tám, tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương với địa phương, địa phương với địa phương, giữa các ngành phải chặt chẽ, hiệu quả, nhịp nhàng hơn nữa; giữa văn hoá với thể thao và du lịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, toàn thể những người làm công tác VHTTDL sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, kết quả đã đạt được, tiếp tục chung sức, đoàn kết, đồng lòng; kỷ luật hơn, quyết tâm hơn, đổi mới sáng tạo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa; xứng đáng là những “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phụng vụ Tổ quốc, phục sự nhân dân, vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Thủ tướng tin tưởng, từ thành công của năm 2023 sẽ tạo ra khí thế mới động lực mới để Bộ VHTTDL hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2024.