Thua một người dưng

Mùa mưa năm 1985, đoàn cải lương Bầu tèo của anh Ba Sào rã gánh ở chợ cầu số 2 Bạc Liêu. Một là vì trời mưa dầm không hát được, hai là đoàn hát không được cấp phép.
thue-mot-nguoi-dung-1639446149.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Thế là nghệ sỹ trong đoàn mạnh ai nấy đi tìm bến khác cho riêng mình, vợ chồng tôi một tay ôm con Maika lúc nó còn nhỏ lại đau ban... khỉ. Trong túi thì chẳng còn đồng nào  biết đi đâu về đâu ? Tiền thì không còn đủ đi xe về xứ mà xin thì biết xin ai ? Khi cả đoàn hát đi hết rồi chỉ còn gia đình tôi ở lại loay hoay tính tới tính lui chẳng biết phải làm sao. Dẫu sao mẹ Maika cũng là đào chánh trong đoàn ít ra cũng còn chút sỹ diện...

Thằng bạn mới quen tên Lâm là dân bốc vác ở chợ số 2, biết hoàn cảnh của tôi nó suy nghĩ thật lâu rồi nói :

- Tao tính như vầy, Mày theo tao ra chợ làm bốc vác, vợ con mày thì lại nhà bà chị tao. Bả còn cái chái bếp dọn dẹp chút đỉnh là vợ con mày đủ ở. Nhưng bả cũng nghèo mày trả tiền chút đỉnh cho bả tiếp tiền điện nước là được liền .

Đâu có cách nào hay hơn? Thế là mỗi ngày đưa cho chị hai chủ nhà 10 đồng còn tôi thì theo thằng Lâm xuống bến chợ, nó là sếp ở bến nên độc quyền bốc vác mấy anh em trong đội cũng có vẻ tội nghiệp cho hoàn cảnh của tôi nên chẳng ai trách phiền gì. Mỗi ngày tuy chỉ được vài chục nhưng được cái là khỏi mua đồ ăn, khiêng cá thì có cá ăn, khiêng bắp cải thì có bắp cải, làm gì ăn nấy chẳng sai.

Thấy thu nhập không nhiều lại giành phần của anh em nên tôi rất ngại nhưng Lâm nạt ngang :

- Tụi tao giúp mày trong lúc khó khăn này chứ vợ chồng mày có ăn đời ở kiếp ở đây đâu mà mày ngại.(Thời bao cấp cuộc sống khó khăn ai là phận nấy không có hội từ thiện như bây giờ) mày ráng dành dụm khi nào đủ tiền về xứ tụi tao sẽ tiếp cho mày chút đỉnh.

Một hôm, sau khi bốc vác một ghe trái cây của hai cha con bác Ba lên chợ xong, khi đưa tiền bác Ba mời :

- Mấy đứa bây về tắm rửa rồi xuống nhậu cháo vịt với Bác nghen. Thấy tôi là người mới bác Ba vỗ vai hỏi :

- Xuống nhậu với bác nhe cháu. Đừng ngại... Lần nào lên hàng xong cũng nhậu mà...

Khi nhậu vô vài Ly bác Ba mới hỏi :

- Cháu này ở đâu mà thấy lạ quá vậy?

Lâm lẹ miệng kể về hoàn cảnh của vợ chồng tôi theo gánh hát rồi bị rã gánh...

Bác Ba hỏi :

- Hai vợ chồng con quê quán ở đâu?

Tôi nói :

- Dạ vợ con nhà ở Cần thơ con thì ở Vĩnh Long.

Bác Ba bỗng vỗ đùi cái chát rồi nói :

- Thôi thì nhà bác cũng ở gần Cần thơ. Hai vợ chồng con dọn đồ xuống ghe bác, bác đưa về giùm vì bác cũng chạy ghe không về nè. Còn ăn uống thì hai vợ chồng con khỏi phải lo vì bác mới bán một ghe hàng tiền đầy một túi đây...

Thế là sau buổi nhậu mấy thằng bạn bốc vác tiếp vợ chồng tôi gom đồ xuống ghe chở hàng của bác Ba Giáp, Bác nói nhà bác ở gần cầu Trắng Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ. Như vậy tiệc nhậu dưới ghe xem như tiệc chia tay với đám bạn bốc vác tuy là dân lao động nghèo nhưng đầy ắp nghĩa tình.

Ghe chạy về hướng nhà thờ Chánh tòa, ra tới chợ Ngã Năm thì nhập vô đoàn ghe đang được kéo đi bởi một chiếc tàu kéo.

Bác Ba nói :

- Vậy cho khỏe con ơi, tiền công nó kéo mình còn rẻ hơn tiền dầu.

- Vậy bây giờ mình làm gì bác?

- Nhậu chứ làm gì nữa. Tha dọn mồi lên con (Cà Tha là tên người con trai theo Bác đi bán hàng) sẵn kêu ghe hàng  bán lít rượu và cục nước đá..

Thì ra trong đám ghe được kéo đi có cả một chiếc ghe hàng bán đủ thứ.

Bác Ba chỉ chiếc ghe hàng rồi nói:

- Con lạ lắm hả? Đoàn tàu kéo lúc nào cũng có một hoặc hai chiếc ghe hàng theo bán đồ như vậy. Thượng vàng hạ cám cái gì cũng có hết.

Ngồi nhậu trên ghe Bác Ba khác với ngồi trên ghe của Chú Tư vì khỏi phải bận bịu lái ghe vì có tàu kéo nên thằng Cà Tha nó cũng nhảy lên nhậu chung. Sẵn có cây đàn kêu mẹ tụi nhỏ lên hát mấy bài Bolero cho cha con Bác Ba nghe. Bác Ba vui quá nên ngoắc mấy người quen cùng chung đoàn ghe kéo Bác nói lớn :

- Mấy huynh đệ ơi ai thích ca hát qua ghe Ba Giáp nhậu chơi.

Bác Ba vừa nói dứt lời có mấy ông có máu Văn nghệ chịu không nổi nên phăng qua xin tham gia. Tân cổ gì tôi cũng hốt nên tiệc nhậu vui càng vui thêm. Bác Ba không biết hát nhưng chắc Bác có vẻ vui lắm cứ vỗ tay cười ha hả.

Chiều hôm thì tới Phụng Hiệp, chiếc ghe Bác Ba ngừng lại chợ nổi để mua số đồ mang về nhà chuẩn bị cho đám giỗ gia đình vào ngày mai. Nghe và biết chợ Ngã bảy lâu rồi mà có khi nào được nhìn cái Ngã bảy nó ra mần sao đâu? Nhưng đếm hoài sao chỉ có 6 ngã? Hỏi Bác Ba bác nói cái ngã thứ bảy nó nằm xéo bên kia một chút. À thì ra cũng giống cái Ngã bảy Sài Gòn đếm hoài cũng chỉ có 6 ngã, hỏi ra mới biết cái ngã thứ 7 là cái chợ Chuồng bò.

Đến Cầu Trắng dưới bến chợ là cái bến đò nhỏ đưa đò là những chiếc tắc ráng có mui, có ngã quẹo về hướng kênh xáng Nàng Mau chừng vài cây số là tới nhà Bác Ba. Ngôi nhà to đùng phía sau nhà trồng đủ loại trái cây, bác Ba có bảy người con nhưng mất một người con trai Thứ ba bằng tuổi tôi. Bác gái và gần chục người đang lăng xăng trong bếp vì ngày mai là ngày giỗ ông bà của gia đình.

Khi biết tôi mồ côi cha mẹ, Bác Ba chợt hỏi :

- Con chịu làm con bác không? Về ở đây với Bác, Bác cất nhà cho hai vợ chồng bây rồi Bác cho chiếc ghe đi buôn bán mà sống. Thời gian đầu thì cứ đi với thằng Tha khi nào rành nghề rồi thì tách ra. Nhà bác có tới bốn chiếc ghe con Đừng ngại.

Sau tiệc giỗ, Bác Ba dẫn ra phía sau vườn rộng mênh mông Bác nói:

- Nhà Ba ruộng đất nhiều, các thứ Ba chở đi bán dưới Bạc Liêu là trái cây nhà trồng, gom lại lớp của mình lớp của bà con lối xóm, sẵn có ghe chở đi xa bán cho có giá chớ xứ này rẻ rề, đi riết rồi cũng quen coi như đi du lịch vậy. Khi nào con về Ba làm giấy cho con một miếng đất một miếng vườn cho vợ chồng con ra riêng, chịu đi ghe thì theo Ba vài chuyến khi rành nghề thì đi một mình sợ gì đói.

Mới đầu hôm sớm mai mà Bác Ba đã chịu nhận mình làm con. Gặp ai Bác cũng khoe tôi là con trai thứ ba của Bác. Bác Ba gái cũng xưng tiếng Má với tụi tôi . Con Maika bỗng dưng có ông bà nội, cô chú trong gia đình ai cũng thương cũng mến tranh nhau nựng nịu ẵm bồng.

Hôm sau khi xuống tàu Bác Ba đưa tôi 200 đồng Bác nói:

- Vợ chồng con cầm tiền về xe, khi nào muốn dừng bước cứ về đây ở với Ba má... Để cháu nội tao được đi học tử tế, chớ theo gánh hát rồi làm sao nó đi học, còn không thì lâu lâu có dịp ghé thăm ba má và các em.

Tôi cảm động nghẹn ngào trước tình cảm của gia đình người Bác mới quen, không phải là ruột thịt chỉ vài hôm quen nhau đã như một thân tình. Trong khi người anh mình xem như ruột thịt tranh cái nhà bán đẩy tôi thành kẻ tha phương.

Mấy đứa em cũng nói :

- Anh chị Ba nhớ về với tụi em, thăm Ba thăm má sớm nha anh chị.. (tụi nhỏ nó kêu tôi theo người con thứ ba đã mất)

Khi lên xe về Long Xuyên tôi nhủ trong lòng sẽ trở lại theo gia đình Bác Ba học nghề bán trái cây, tuy lênh đênh  kiếp thương hồ nhưng có nhà có cửa, có căn có cư cho con cái được học hành.

Nhưng...

Muốn Dừng bước giang hồ đâu là chuyện dễ dàng. Bởi vì chặng đường gian nan còn dài thật dài và nhiều vất vả chông gai...

Còn chuyện đời tôi thì các bạn cũng đã biết rồi. Bên chồng, bên vợ đều "THUA MỘT NGƯỜI DƯNG".

Theo Chuyện quê