Vĩnh Phúc: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số qua truy xuất nguồn gốc xuất xứ

Xác định việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã hóa thông tin sản phẩm, phổ biến là ứng dụng QR code không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm mà còn là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tiêu thụ nông sản, mở hướng đưa nông sản xuất khẩu.
nen-tang-so-1658119130.jpg
Đăng ký mã QR, quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ giúp nông sản của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Vườn Xanh khẳng định được niềm tin với khách hàng 

 

Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất áp dụng, sử dụng hệ thống QR code trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Hệ thống ứng dụng QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là dạng mã vạch 2 chiều được đọc bởi smartphone có chức năng chụp ảnh, kết nối mạng wifi, 3G hoặc 4G, thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét QR code như: Zalo hay Facebook… có thể tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất. Sau mỗi thao tác quét, hệ thống tự động sẽ gửi thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm cho người tiêu dùng, bao gồm nơi sản xuất, nhà sản xuất, phân phối hoặc đơn vị kinh doanh sản phẩm. Việc thực hiện thao tác quét QR code khá đơn giản, dễ sử dụng, những người không am hiểu về công nghệ thông tin cũng có thể dễ dàng làm được.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ở góc độ người tiêu dùng, việc áp dụng QR code trên sản phẩm sẽ tránh được tình trạng mua phải hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sẽ thuận tiện hơn trong việc quản lý quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm và chiếm được lòng tin của người mua do sự minh bạch về thông tin. Đặc biệt, trong nền kinh tế 4.0 như hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc, nhất là nông sản thông qua mã hóa thông tin sản phẩm là việc làm rất cần thiết cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Trước đây, mỗi lần đi mua bất kỳ loại hàng hóa nào, chị Nguyễn Thị Thanh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên đều có thói quen lên mạng internet tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, đến nơi chỉ việc nhấc vào giỏ hàng và thanh toán. Thế nhưng, không ít lần đi siêu thị, khi con muốn mua một món đồ nào đó nằm ngoài dự kiến, chị Thanh chỉ có thể đọc một số thông tin cơ bản về hạn sử dụng, giá tiền in ngoài bao bì sản phẩm nên dù mua để chiều con nhưng vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng việc mình có thể mua phải hàng kém chất lượng. Giờ mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều bởi đa phần hàng hóa trong siêu thị đã được doanh nghiệp, nhà cung cấp sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh với vài thao tác đơn giản quét mã vạch được in ngoài bao bì chị Thanh đã có thêm đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, vận chuyển, đóng gói... về sản phẩm muốn mua.

Tìm hiểu tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm đóng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và các địa phương trong tỉnh cho thấy, không chỉ quan tâm tới giá cả, mẫu mã bên ngoài và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm, thời gian gần đây, nhiều người đã để ý hơn đến việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xem kỹ hàng hóa đó sản xuất ở đâu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng ra sao, do đơn vị nào sản xuất... Trên thực tế, hàng hóa có dán QR code, nhất là các loại gạo, sữa, đồ hộp, thực phẩm tươi sống dù giá thành cao hơn các sản phẩm tương tự nhưng vẫn được số đông người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Xác định việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã hóa thông tin sản phẩm không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm mà còn là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mở hướng đưa nông sản của tỉnh hướng tới xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất áp dụng, sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc nông sản phẩm, từng bước hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm và một số mô hình đã phát huy hiệu quả bước đầu khá tích cực.

Đơn cử, từ chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đến nay, huyện Lập Thạch đã quy hoạch 3 vùng trồng được cấp mã QR code với diện tích 70 ha; 50 ha thanh long ruột đỏ được chứng nhận VietGAP. Sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học công nghệ cấp nhãn hiệu độc quyền, mã code vùng trồng và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh; được xuất khẩu và giới thiệu sản phẩm ở các thị trường: Úc, Nga, Malaysia…

Bắt đầu từ năm 2020, khi thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Vườn Xanh đóng tại xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, anh Hồ Văn Thành, Giám đốc Công ty đã quan tâm đến việc xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đăng ký mã QR, đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu VX Farm… Anh Thành cho biết, hướng phát triển của DN tập trung chủ yếu vào việc cung ứng sản phẩm chất lượng, có thông tin, xuất xứ rõ ràng nên việc dán tem QR code rất cần thiết để khách hàng có điều kiện giám sát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Với cách làm này, dù đi vào hoạt động đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài nhưng doanh nghiệp vẫn trụ vững, tạo được niềm tin đối với khách hàng nhờ chất lượng và khai thác tốt công nghệ 4.0 với nhiều kênh tiêu thụ, bán hàng online như: Zalo, facebook…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc nông sản đã và đang giúp nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhanh chóng xây dựng được thương hiệu, lòng tin đối với người tiêu dùng, đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", phát triển thương mại điện tử… Cùng với triển khai mô hình hỗ trợ tem chống hàng giả trên cây rau cho một số hợp tác xã, đã tiếp nhận và cấp phát trên 35.000 chiếc tem QR code cho Hợp tác xã rau An toàn Vân Hội Xanh và Hợp tác xã rau an toàn Visa. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, đã hỗ trợ xây dựng 2 mã số vùng trồng Chuối diện tích 40 ha tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. 

Đến giữa năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên dịa bàn có hoạt động thương mại điện tử và ứng dụng nông nghiệp thông minh ước đạt 10%, hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử ước đạt 5,17%; ngoài ra, hơn 51% trang trại vừa và lớn đang ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2025 - 2030 có tối thiểu 20% doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; 100% tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có nhu cầu trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Trên cơ sở cụ thể hóa việc triển khai thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số, hình thành kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với Đề án Chuyển đổi số của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, lựa chọn giải pháp kỹ thuật để triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm nông sản của doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, trong đó, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm được tạo ra từ kết quả khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở, đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến về lợi ích, tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc, thông qua các hội nghị, hội thảo, trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông; tiếp tục xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia và đáp ứng quy định quốc tế.