Thuồng luồng đổ đó

“Làm thì chẳng ra làm sao mà ăn thì cứ như thuồng luồng đổ đó. Bao nhiêu vẫn không vừa”. Nghe lời ca cẩm của ai đó chắc mọi người chúng ta cũng đã hình dung phần nào ngữ nghĩa của thành ngữ thuồng luồng đổ đó rồi chứ?
thuong-luong-1655999696.jpg
Thuồng luồng. Ảnh internet

 

Câu này được dùng với nghĩa là “(ai đó) ăn rất khỏe, rất nhiều mà lại thuộc diện ăn tạp, cái gì cũng ăn”. Ăn uống mà như thế quả là khác người.

Vậy thuồng luồng là con gì mà chuyện ăn của nó ghê gớm vậy?

Trước hết, ta hãy tìm hiểu về từ “đó”. Đó là “đồ dùng để đón bắt cá, tôm, tép... thường được đan từ tre nứa, có dáng hình ống, có hom ở hai đầu hoặc hai bên thân”. Người dân ở nông thôn hay ở vùng sông nước thường thả lờ, đơm đó để bắt tôm cá. Ta về các vùng quê bây giờ, vẫn thấy nhiều chỗ người ta đặt đó đơm cá trong kênh rạch, ruộng sâu, theo dòng nước chảy để đón cá ngược.

Đôi khi, đổ đó, ta bắt gặp những con rắn nước (còn gọi là con nùng nục) chui vào đó để ăn tôm cá. Còn con thuồng luồng trong câu thành ngữ kia có thực là chuyên đi “đổ đó” kiếm ăn như thế không?

Thuồng luồng thực ra chỉ là con vật không có thực. Trong tiềm thức dân gian, thuồng luồng là một loài thủy quái (Water Monster), hình dáng như con rắn nước nhưng to hơn nhiều. Cũng theo dân gian, thuồng luồng hung ác rất hay hại người. Thuồng luồng bắt người, gây tai họa đã được nhiều sách vở nói đến. Thuồng luồng còn sống dễ sợ thì hẳn rồi. Nhưng nó mà chết, hóa thành “ma thuồng luồng” “tác oai tác quái” còn dễ sợ hơn. Vậy thì khi con thuồng luồng gớm ghiếc kia mà đi đổ đó thì chắc chắn nó sẽ vơ vét sạch mọi thứ trong cái đó này để cho vào bụng. Quái vật đi kiếm ăn thì quả là một chuyện kinh thiên động địa.

Người ta đã tận dụng đặc điểm trên của thuồng luồng trong thần thoại để tạo nên nét nghĩa khác người của thuồng luồng trong thành ngữ “thuồng luồng đổ đó”. Trong cuộc sống, có lẽ nhiều người không biết và không hiểu rõ câu thành ngữ này. Ngày nay, chúng ta cũng chỉ nghe nói lại chứ có ai biết mặt mũi lũ thuồng luồng kia đâu:

Thuồng luồng đổ đó ăn đêm

Chỉ trong sách vở chẳng tìm ra đâu...