Quen nhau trên mạng xã hội, chúng tôi đã nhanh chóng trở thành bạn ngoài đời, thân thiết, cởi mở với nhau. Tôi nhận ra ở anh một năng lượng tích cực luôn luôn muốn dâng hiến cho cộng đồng. Anh đã để lại cho cuộc đời này nhiều ân tình.
Hồ Công Thiết sử dụng thế mạnh của mình là khả năng viết để góp phần ngợi ca cuộc sống, thúc đẩy cuộc sống đi lên. Anh là cộng tác viên thân thiết, đắc lực của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển. Trong khoảng 2 năm, từ ngày 16 tháng 01 năm 2021, đến ngày 5 tháng 01 năm 2023, anh đã có 146 bài đăng trên Tạp chí, với nhiều đề tài khác nhau, tập trung nhất là về phố Hàng Bột (Hà Nội) và bóng đá Hà Nội. Chỉ với phố Hàng Bột, nơi anh sinh sống, anh đã viết được bao nhiêu bài phản ánh, rồi xuất bản hẳn tập sách "Hàng Bột phố, chuyện tầm phào mà nhớ". Qua cách kể mộc mạc, chân thực của anh, một khu phố còn nghèo, với những con người chất phác, cần mẫn, lương thiện hiện lên biết bao sinh động, khiến cho nhiều người, dù chưa đến Hàng Bột, vẫn cảm thấy mảnh đất ấy thân thương biết bao. Vốn gắn bó với bóng đá Hà Nội, anh cũng viết nhiều bài về lĩnh vực này. Cuốn sách “Tản mạn bóng đá Hà thành” của anh vừa được xuất bản và được độc giả đón nhận nhiệt tình.
Người ta thường bảo “văn là người”, qua văn của anh, thấy rõ anh là người rất thiện tâm – anh viết để khẳng định những gì tốt đẹp của cuộc sống, để tri ân bạn bè, đồng nghiệp và những người khác. Anh viết về những cầu thủ bóng đá vang bóng một thời, nay già yếu, cần được động viên. Anh viết về những cầu thủ, nghệ sĩ nổi danh, qua đời, như muốn ghi tạc hình bóng họ trong lòng người hâm mộ. Mỗi lần Tạp chí Văn hóa và Phát triển đăng những bài anh viết với chủ đề đó, anh đều sung sướng, và thường thốt lên lời cảm ơn vì đã cùng anh tôn vinh những con người có công với đất nước. Đây là một tin nhắn anh gửi tôi: “Tôi vừa gửi mail bài viết nhân 27/7 nói về một đội bóng đá vẫn có nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa. Anh bận, nhờ anh chuyển hộ tới anh Bân nhé. Cảm ơn anh !”.
Mang trọng bệnh như vậy, nhưng Hồ Công Thiết vẫn năng nổ hoạt động xã hội. Anh vận động nhiều người ủng hộ đội bóng đá nữ Việt Nam. Anh đồng hành với huấn luyện viên Mai Đức Chung phối hợp Nhóm thiện nguyện miền Trung tổ chức bán đấu giá quả bóng có đầy đủ chữ ký của các thành viên Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia, lấy tiền trợ giúp cho những trẻ em nghèo vùng cao, vùng xa nơi biên cương phía Bắc. Quả bóng này được sử dụng trong Giải bóng đá nữ châu Á – Giải đấu đưa bóng đá nữ Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Anh có ý định thêm cá vào bữa ăn cho các em, vì anh bảo các nhà hảo tâm đã có sáng kiến đem thịt đến bữa cơm trẻ em nghèo, thì nay ta thêm cá cho các cháu. Anh viết: “Bà Đặng Kim Oanh, nguyên Phó giám đốc Đài Truyền hình Phan Thiết, đại diện các nhóm thiện nguyện miền Trung và phía Nam, đã tìm được nguồn cung cấp cá cơm loại hảo hạng ở Phan Thiết, và mua được lô cá cơm này với giá bằng 1/3 so với giá thị trường. Người bán, khi biết mục đích mua cá cơm của nhóm thiện nguyện, đã góp phần ủng hộ các trẻ nghèo vùng cao phía Bắc, chút hương vị mặn mòi của biển miền Trung… Sáng nay (19/6/2022), 5 loại cá cơm rim tiêu đã được gửi ra Hà Nội để nhóm đầu cầu Hà Nội thẩm định, quyết loại cá cơm rim tiêu đánh theo số thứ tự nào sẽ hợp với khẩu vị của trẻ em vùng cao phía Bắc… Tạp chí Văn hóa và Phát triển sẽ cùng nhóm thiện nguyện miền Trung tổ chức chuyển giao tới Quỹ CƠM CÓ THỊT, một tổ chức thiện nguyện lớn nhất, nhiệt tâm nhất khu vực phía Bắc Việt Nam, ngay khi CÁ CƠM RIM TIÊU PHAN THIẾT ra đến Hà Nội”. Tiếc rằng, việc thiện còn dang dở, anh đã ra đi!
Ngay cả khi phải vào viện điều trị, Hồ Công Thiết vẫn không ngừng viết. Đêm 15/6/2022, nằm viện, dự cuộc tọa đàm do Phòng Công tác xã hội, khoa Dinh dưỡng và trường Đại học Y Hà Nội phối hợp tổ chức, anh vẫn viết tin gửi cho Tạp chí. Anh viết trên trang cá nhân: “Đến nơi, được phát các tờ rơi, được giới thiệu khái quát về các phản ứng phụ sau khi hóa xạ trị, tôi như chợt bừng tỉnh khi đối chiếu phản ứng của cơ thể mình với những thông tin mà tờ rơi và các báo cáo viên thuyết trình… Mượn vội cái bút của cháu sinh viên, tôi viết nháp bài viết về buổi tọa đàm trên những phần còn trống trên tờ gấp vừa được phát. Quay về phòng bệnh, tôi chuyển bài viết lên chiếc điện thoại cùng hình ảnh buổi tọa đàm… “. Sau 15 phút, nhận được đường dẫn bài đã đăng trên Tạp chí, anh rất phấn khởi: “Khi đó, buổi tọa đàm vẫn đang tiến hành và bài báo đã được chuyển đường link tới Trưởng phòng Công tác Xã hội chủ trì buổi tọa đàm… Việc Tạp chí VH&PT kịp thời đưa tin đã thể hiện sự quan tâm của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tới những người mắc bệnh ung thư và động viên những người mắc bệnh vượt qua gian khó”.
Gần đây nhất, khi chuyển viện, anh viết bài và nhắn cho tôi: “Anh xem hộ bài "Từ BVUB Hà Nội đến BVĐK Nông Nghiệp" tôi đẩy lên FP hôm qua, nếu dùng được anh đưa giùm lên Văn hoá và Phát triển nhé. Cảm ơn anh!”. Qua bài viết này, anh thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào các thầy thuốc và sự tuân thủ nghiêm ngặt của mình trong thực hiện phác đồ điều trị.
Nhưng, sinh tử là quy luật, anh hiểu rõ điều đó. Anh viết trên trang cá nhân:
"Suốt năm Nhâm Dần, đến ngày áp Tết vẫn phải có người đến thăm nom sức khỏe. Căn cứ số bạn bè, thân hữu... thăm nom an ủi, thực lòng tôi rất đỗi xúc động.
SINH - LÃO - BỆNH - TỬ ai chẳng trải qua nên cũng mong mọi người đừng quá nghiêm trọng.
Một năm mới sắp bắt đầu, xin mọi người hãy chăm lo cho gia đình của mình. Sau Tết, sau Rằm hoặc thậm chí sau tháng Giêng ta lại gặp nhau, tha hồ mà tâm tình.
Cũng vì vậy, Tết này, tôi xin được ngưng đón khách tại nhà kẻo lan truyền vận xui tới mọi người.
Cảm tạ các bạn và kính chúc các bạn An Khang - An Lành và Thịnh Vượng.
Việc chuyển giao số sách vẫn do con dâu tôi là Đào Khánh Linh phụ trách. Cháu sẽ ghi nhận cả thông tin về yêu cầu với cuốn sách sắp phát hành: "Hàng Bột phố, chuyện tầm phào mà nhớ".
Đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Hồ Công Thiết vẫn không biểu lộ một chút bi quan, yếm thế, mà tỉnh táo, chững chạc, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Nhưng trên cả, là anh luôn luôn nghĩ tới mọi người, nghĩ tới việc làm yên lòng bè bạn và tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.