Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 16)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 16

V. ĐỐT TÀU PHÁP TRÊN SÔNG NHẬT TẢO

Đó là tháng 6 năm 1861. Đất phương Nam không có mùa đông, chỉ có hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa, mùa nào thì nắng cũng rực rỡ nhưng mùa khô thì chói chang hơn. Nắng rải chan hòa trên vùng đất Định Tường, một tỉnh miền Đông trong lục tỉnh miền Gia Định thời Tự Đức. Những đồng lúa mênh mông bát ngát thẳng cánh cò bay, những miệt vườn ấp thôn màu cây xanh trùm kín không gian rộng lớn. Trời xanh cao vòi vọi. Những làn mây trắng bay nhởn nhơ trên trời biến đổi thành những hình thù kỳ quái.

ch1-nhat-tao-1663922925.jpg
Tượng đài Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang. Nguồn: Internet.

 

Trời đất phương Nam tưởng như thanh bình nhưng thực ra lòng dân đang sôi sục bởi họa xâm lăng của giặc Pháp đối với quê hương xứ sở. Hiểm họa đang biến thành hiện thực. Một năm trước đây khi đánh chiếm Đà Nẵng thất bại, vào ngày 10-2-1859 chúng tấn công Vũng Tàu. Từ Vũng Tàu liên quân Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm Cần Giờ, Nhà Bè, 17 tháng 2 năm đó, Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Thành Gia định thất thủ. Tổng Đốc Võ Duy Ninh và án sát Lê Từ tự sát. Ngày 23 -2-1861, 4.000 quân Pháp với 50 chiến thuyền do Đô đốc Sacne chỉ huy tấn công Đại Đồn, sau hai ngày chiến đấu, Đại Đồn thất thủ. Ngày 28-4-1861 quân Pháp chiếm tỉnh Định Tường, ngày 23-6 Pháp đánh chiếm Gò Công thuộc tỉnh này. Tàu chiến của Pháp chạy tung hoành trên các kinh rạch, nã đại bác vào các ấp ven bờ, gây chết chóc đau thương cho dân lành, hỗ trợ cho bộ binh Pháp chiếm thành, chiếm đất. Sau khi chiếm được Gò Công, chúng cho chiến hạm Hi Vọng (Esperance) đến đậu trên dòng Nhật Tảo, dòng sông chảy qua địa phận Định Tường và gặp nhau với sông Vàm Cỏ Đông trước khi xuôi ra biển.

Khói lửa chiến tranh lan tràn khắp ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên bị uy hiếp. Có tình cảnh chiến bại như vậy vì Triều đình nhà Nguyễn  đứng đầu là vua Tự Đức không cho quân đội và nhân dân kháng chiến chống ngoại xâm, chỉ một mực muốn hòa hoãn nhân nhượng để thương lượng với quân xâm lược, mơ hồ về chính trị, không lưu ý và không biết được dã tâm kiên quyết xâm lược Việt Nam của kẻ thù.

Bấy giờ là tháng 6, dòng sông Nhật Tảo nước trong xanh, tàu Hi Vọng (Esperace) của Pháp như một con quái vật đậu giữa dòng sông. Thân tàu bằng gỗ, nửa thân tàu chìm dưới nước, nửa nổi lên màu xám, mũi và đít tàu bịt đồng ngạo mạn nhô lên màu nâu bóng. Chiến hạm được trang bị nhiều vũ khí hiện đại nhất của Phương Tây thời đó mà nổi bật là hai khẩu đại bác ở boong mũi và boong sau tàu, nòng hướng lên bờ sẵn sàng nhả đạn. Chỉ huy tàu là Parfait, một trung úy hải quân còn trẻ. Trên tàu khoảng 42 lính Pháp và một vài lính đánh thuê Philippin.

Tàu Erperace đã lọt vào kế hoạch cần phải tiêu diệt của Nguyễn Trung Trực, một thủ lĩnh nổi tiếng của nghĩa quân đang khởi nghĩa chống Pháp ở Gò Công. Trưa ngày 10-12-1861 như những buổi trưa bình thường khác, viên sĩ quan trực của chiến hạm Erperace cảm thấy một không khí thanh bình và dễ chịu, dòng sông Nhật Tảo êm đềm trong xanh, sóng nước vỗ nhẹ vào mạn tàu kêu lóc bóc. Tàu khẽ chao nhẹ như chiếc võng đung đưa. Nắng chiếu xuống dòng sông tạo nên muôn ánh bạc. Gió lùa trên sông mơn man mát rợi. Trên bờ gần sông và xa xa ấp thôn miền Đông Nam Bộ xanh thẳm mênh mông dưới bầu trời đầy nắng gió.

Bỗng nhiên viên sĩ quan trực nhìn thấy 5 chiếc thuyền lớn chở đầy thóc, mỗi thuyền có 6 mái chèo do 6 người điều khiển trôi lại gần và sau đó tiến sát vào mạn phải của chiến hạm. Viên sĩ quan trực không hề nghi ngờ, y cho rằng đoàn thuyền buôn chở thóc muốn đến xin phép lưu thông. Từ trong buồng trực, viên sĩ quan nhô hẳn đầu ra khỏi ô cửa tròn của tàu đã mở kính và hỏi bằng tiếng Việt ngọng ngịu mà hắn học được:

-Các anh cần gì?

Vừa dứt câu, viên sĩ quan đã bị người cầm chèo nhanh như chớp rút một thanh gươm từ bao tải ra đâm vào họng chết ngay. Rồi nghĩa quân được phủ đầy thóc núp dưới khoang thuyền đồng loạt vung gươm im lặng nhảy lên tàu. 42 tên lính đang ăn trưa, đã say mềm bởi rượu, chưa kịp định thần đã bị đầu rơi máu chảy, một số hoảng loạn nhảy xuống sông, một số tên có súng ở gần cầm lên dùng lê đánh giáp lá cà nhưng vẫn bị nghĩa quân giết chết. Nghĩa quân dùng đuốc ném vào khắp tàu, ném vào khoang máy, buồng hàng hải. Khoang chứa dầu, vũ khí của chiến hạm bén lửa. Tàu Erperace bốc cháy ngùn ngụt. Nghĩa quân rút lên thuyền chạy ra xa khoảng 10m thì chiến hạm Pháp đã thành một bó đuốc khồng lồ trên sông Nhật Tảo, lửa khỏi kín đặc cả một đoạn sông, những tiếng nổ vang dội càng làm lửa bùng lên dữ dội. Tàu Erperace dần dần chìm xuống dòng sông, mang theo xác 42 lính thủy Pháp và 20 lính Philippin. Dòng nước hiền hòa trong xanh nổi sóng chôn vùi xác những tên xâm lược đã gây nhiều tội ác với những dòng sông và với những con người ở xứ sở anh dũng và đau thương này.

Chiến công của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã làm nức lòng nhân dân nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Quân Pháp vô cùng hoảng sợ. Thanh tra Pháp tại Nam Kỳ Paulin Vilal viết: Đây là một sự kiện đau đớn làm người An Nam phấn chấn và gây xúc động đau lòng người Pháp. Một người Pháp khác là Alfred Schreiner gọi sự kiện Nhật Tảo là khúc nhạc mở đầu cho một cuộc tổng công kích của quân dân miền Nam vào hầu hết toàn bộ đồn lũy của người Pháp. Esperance bị đốt cháy là một biến cố bi thảm đã gây nên một nỗi xúc động sâu sắc ở người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người An Nam.

Danh sĩ đương thời ca ngợi Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ bất hủ:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần.

(Còn nữa)

CVL