KỲ 19.
VIII.TÀU LCU 5000 TẤN CỦA MỸ NỔ Ở CẢNG ĐÔNG HÀ
Ngày nay thành phố Đông Hà là Trung tâm của tỉnh Quảng Trị, một tỉnh thuộc miền Trung Trung Bộ. Đông Hà Nằm ở ngã ba giao lộ 1 A và đường số 9, thời ”Việt Nam cộng hòa” cấp hành chính của nó chỉ là một thị xã. Đông Hà xưa và nay đều có một vị trí quan trọng, nằm ở trung lộ giao thông của cả nước: Hà Nội đi Sài Gòn. Quốc lộ 9 đi qua thị trấn này nằm trong hệ thống đường xuyên Á, đi đông bắc Thái Lan, Lào, Mianma.
Những năm chiến tranh, thị xã là một đặc trưng của một khu quân sự với nhiều sắc lính, xe cộ, tiếng ồn ào, bụi bặm, là khu vực sống xen kẽ giữa người dân và trại lính. Đông Hà là một điểm nhấn quan trọng của Khe Sanh, Lao Bảo.
Quảng Trị còn có tầm quan trọng về giao thông đường thủy từ đông sang tây và chiều ngược lại. Sông Thạch Hãn dài 155km Bắt nguồn từ Trường Sơn, chảy qua Thành Cổ thuộc phía tây Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông Hiếu (Hiếu Giang) là con sông thuộc hệ thống sông Thạch Hãn với diện tích lưu vực 465 km2, độ dài 70km, là con sông mang ý nghĩa hồn thiêng của đất mẹ Quảng Trị. Sông Hiếu quanh co uốn lượn quanh thị xã Đông Hà. Lòng sông qua đây dài 150 đến 200km, tạo nên vẻ nên thơ khi thị xã soi bóng xuống mặt gương lung linh của nó trong mọi khoảnh khắc của thời gian.
Trên vùng đất sông Hiếu, Tân Sở chính là Sơn Phòng, kinh đô của Vua Hàm Nghi chống Pháp vào năm 1885-1888. Tại đây vị vua yêu nước đã xuống chiếu Cần Vương, phát động một phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược từ 1885 đến 1896 mà lịch sử gọi là phong trào Cần Vương (giúp vua) cứu nước do các Sĩ Phu, Văn Thân yêu nước lãnh đạo. Trong thời kỳ chống Mỹ, Cam Lộ một thời là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sông Hiếu cũng là đường thủy đồng hành với đường bộ xuyên qua những miền đồi núi, chính là tiền thân của đường số 9.
Chính vì giao thông đường thủy ở Quảng Trị quan trọng nên trong cuộc chiến tranh Mỹ đã xây dựng quân cảng phía bờ nam Cửa Việt. Đoạn sông Hiếu chảy qua thị xã Đông Hà, Mỹ cũng xây dựng nên quân cảng Đông Hà. Tàu lớn tới 5000 tấn có thể từ Cửa Việt vận hành lên quân cảng này. Cảng Cửa Việt và cảng Đông Hà là nơi tập kết và chuyển đi lực lượng, vũ khí, trang thiết bị, xăng dầu, lương thực cho quân đội Mỹ-Ngụy thực hiện chiến tranh ở miền Trung Việt Nam và chiến trường Lào.
Vào tháng 5 năm 1967, trên dòng sông Hiếu, đoạn có cảng Đông Hà xuất hiện một tàu lớn của Mỹ LCU trọng tải khoảng 5000 tấn. Lệnh của Ban chỉ huy đặc công nước ở Cửa Tùng là phải tiêu diệt tàu LCU. Nhiệm vụ vinh quang và nặng nề được giao cho hai người nhái Nguyễn Văn Tình và Nguyễn Đình Thi.
17 giờ ngày 14-5 năm 1967, hai người nhái Tình và Thi được lệnh xuất phát sau bữa cơm chiều. Tình và Thi kiểm tra lần cuối trang thiết bị, vũ khí của người nhái: ống thở, dao găm, thủ pháo, lựu đạn, hai quả mìn rùa nam châm do Liên Xô chế tạo, món quà không thể thiếu để tặng tàu khổng lồ LCU. Đại đội trưởng ra tiễn dặn dò, nắm chặt tay Tình và Thi:
-Chúc các đồng chí chiến thắng hoàn thành nhiệm vụ.
Tình và Thi nắm chặt tay người chỉ huy của mình, nói nhỏ nhưng kiên quyết như một lời thề quyết thắng:
-Chúng tôi kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ.
Tình và Thi rời căn cứ, băng mình vượt qua nhiều chặng đường nguy hiểm trong đêm, vượt qua những bãi mìn, dây thép gai mà địch rải dày đặc ven bờ sông Hiếu, nhất là đoạn sông có quân cảng. Tình và Thi hóa trang vùi mình trên cát quan sát tàu LCU 5000 tấn và cảng Đông Hà. Gió từ biển Đông ban đêm thổi vào mát rượi. Dòng sông Hiếu gợn sóng nhấp nhô trong đêm, chốc chốc lại nổi sóng bởi những chiếc ca nô tuần tiễu của Mỹ, động cơ khua trong đêm làm thinh không ghê rợn. Thị xã Đông Hà đối diện với quân cảng bên kia bờ chìm trong ánh đèn điện mờ ảo. Một miền quê gồm các làng Cam Giang, Gio Hà, Cam Lộ uốn lượn mịt mờ trong tối. Phía đông hắt lên một quầng sáng và đó là quân cảng Cửa Việt. Quân cảng Đông Hà rực sáng với đủ loại đèn điện lớn nhỏ, đèn pha từ các con tàu làm đoạn sông quân cảng sáng như ban ngày, lung linh rực rỡ, hắt xuống dòng sông chói lòa ánh bạc.
Chiếc tàu LCU 5.000 tấn nổi bật lên như một tòa nhà cao tầng ở cầu cảng. Trên tàu đèn điện sáng choang. Lính gác trên tàu đi lại không lúc nào vắng bóng. Một vài chiếc ghe chạy từ Cửa Việt lên Đông Hà hoặc từ Đông Hà xuống Cửa Việt vội vã, tiếng động cơ nghe phành phạch lan xa trong miền sông nước trong đêm. Tình và Thi vừa quan sát mục tiêu vừa định đối sách để tiếp cận. Thốt nhiên chiếc LCU hú lên ba hồi còi dài. Thi và Tình thấy mũi của tàu tách ra khỏi cầu cảng và hướng ra sông. Tình nói với Thi vẻ lo lắng:
-Không lẽ nó biết sắp bị tấn công nên chạy ra biển?
Thi nói:
-Nếu thế thì tiếc quá.
Cả hai chăm chú nhìn sự di chuyển của con tàu, lòng hồi hộp lo lắng vì có thể lỡ thời cơ tiêu diệt con tàu và không biết bao giờ thời cơ lại đến.
Tàu LCU ra đến giữa sông mũi hướng ra biển thì dừng lại. Thi và Tình nhìn thấy từ mũi con tàu hai chiếc mỏ nêu to tướng cong cong như hai sừng trâu vĩ đại lao xuống đáy sông giữ tàu cố định bằng hai sợi xích sắt to tướng. LCU dừng lại giữa sông cách quân cảng khoảng 100m và cách chỗ Tình và Thi đang ẩn mình trên cát cũng khoảng 100m.
Thi và Tình thở phào nhẹ nhõm, thầm nghĩ con mồi tự dừng lại là tự nó tìm lấy cái chết đang đến gần. Trên tàu, đèn điện và đèn pha rọi xuống dòng sông sáng rực. Bốn tên lính gác vẫn đi lại trên boong, súng lăm lăm trong tay, lựu đạn lủng liểng đầy thắt lưng.
Tình và Thi quyết định hành động, nhoài ra sông, lặn sâu xuống nước khoảng 6m và nhanh chóng lao thẳng vào mạn tàu. Khi đã bám được vào giữa phần thân gần đáy tàu, hai người gắn hai quả mìn rùa vào vị trí đó, rút chốt và hẹn 30 phút mìn sẽ nổ. Xong xuôi Tình và Thi lặn một hơi về đến bờ bắc sông Hiếu, hóa trang nằm vùi mình trong cát hồi hộp chờ đợi. Đột nhiên từ con tàu LCU hai tiếng nổ dữ dội vang lên làm rung chuyển cả một vùng sông Hiếu và thị xã Đông Hà. Sau hai tiếng nổ là hai cột lửa dựng lên, tàu LCU 5.000 tấn tan ra từng mảnh bay tung tóe lên trời, phần còn lại từ từ chìm xuống sông. Những mảnh vụn của tàu và xác lính bay lên không trung và rơi xuống sông lả tả khắp một vùng rộng lớn. Một đoạn dài sông Hiếu sóng cuộn lên như sóng thần, phủ lên cả bờ nơi Tình và Thi đang vuì mình trong cát. Cảng Đông Hà náo loạn bởi tiếng còi báo động, tiếng chạy dồn dập của lính hỗn loạn từ đông sang tây và từ tây sang đông cầu cảng. Những chiếc ca nô cao tốc của hải quân ngụy chạy như điên đảo nhăm tiếp cận vị trí tàu LCU. Nhưng tất cả đều bất lực nhìn con tàu khổng lồ mình đầy thương tích khói lửa chìm dần xuống dòng nước và biến mất như nó chưa từng tồn tại
Vụ tàu 5.000 tấn của Mỹ bị đánh chìm làm cho hải quân Mỹ và Ngụy vô cùng khiếp sợ, chúng lắc đầu lè lưỡi kinh hoàng với lối đánh tài tình khủng khiếp của người nhái Việt Cộng.
(Còn nữa)
CVL