Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành

Kỳ 3.

Rồi đột nhiên tất cả các mái chèo đều vô hiệu không đẩy được thuyền quân Nam Hán tiến lên, cũng không giữ chiến thuyền lại được. Các chiến thuyền Nam Hán cứ lao vun vút về phía cửa sông do nước thủy triều đang rút mạnh. Trên đỉnh núi cao phía bắc lại hai mũi tên lửa bắn lên không trung sáng rực. Phút chốc sau tín hiệu toàn bộ chiến thuyền quân Việt tản ra hai rìa dòng sông và những chiếc bè lửa cháy rừng rừng từ phía tây đang theo nước triều trôi ngay phía trước binh thuyền Nam Hán. Binh thuyền Nam Hán trôi với tốc độ khủng khiếp ra đến của sông chưa kịp định thần thì đã vang lên những tiếng kêu khủng khiếp, Những chiếc thuyền trôi đầu tiên xuyên vào cọc nhọn, chiếc tan tành chìm xuống nước, chiếc bị cọc chọc thủng xoay quanh như chong chóng. Hàng trăm chiến thuyền bị dồn lại, tắc nghẽn, không thoát ra biển được dù chỉ còn cách biển vài mét. Đang khi hoảng hốt thì thủy binh Nam Hán kinh hoàng vì những bè lửa rừng rực như biển lửa đang theo nước triều áp vào chiến thuyền Nam Hán. Hoàng Thao kêu lên tuyệt vọng:

-Trời ơi! Lưu Thái tổ ơi! hỏa công. Sao Người lại đẩy con vào đất chết thế này?

bails1-1662812065.jpg
Tượng Ngô Quyền tại quần thể di tích Từ Lương Xâm, phường Nam Hải, quận Hải An, Tp. Hải Phòng. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

  Ngọn lửa hung dữ bén vào chiến thuyền Nam Hán. Gần ba trăm chiến thuyền đồng loạt cháy biến thành một biển lửa thực sự. Các chiến thuyền biến thành tro tan vỡ chìm xuống nước. Lính tráng bị cháy đen thui vùi xác xuống sông hoặc nổi dập dềnh. Có những tên lính bị cháy và chết chìm cùng thuyền, có tên bị lửa bén vào quần áo nhảy xuống sông chết đuối. Quân Việt đứng bên ngoài reo hò kinh thiên động địa, trút tên vào trong đám loạn quân của giặc. Nhiều tên bị chết vì trúng tên sau đó mới chết cháy. Chiếc lâu thuyền của Hoàng Thao cũng sớm bị bén lửa, các tướng sĩ hộ vệ chết hết không ai che chắn cho y được nữa. Hoàng Thao cuống cuồng chạy quanh lâu thuyền, khóc lóc gọi tên Lưu Cung, quần áo bén lửa rừng rực và chìm dần cùng chiếc lâu thuyền xuống nước. Giấc mộng Nam Vương mà người cha tham lam vẽ ra cho y đã đẩy y vào chỗ chết lúc đang tuổi thanh xuân. Cửa sông Bạch Đằng ngùn ngụt khói lửa, đêm mùa đông vùng Đông Bắc rực sáng với những âm thanh khủng khiếp của chiến trường, với một trận hỏa công hoành tráng. Đất trời Đông Bắc như nghiêng ngửa trong cơn giận dữ trừng phạt quân thù.

          Ngô Quyền suốt đêm chỉ huy trận đánh. Chính Ngô Vương cũng thấy trận thủy chiến Bạch Đằng thật là hùng tráng. Trong ánh bình minh của một ngày mới, Bạch Đằng Giang sau trận thủy chiến thật là khủng khiếp. Nước sông 4 dặm đỏ một màu máu quân Nam Hán. Xác ván thuyền cháy không hết tan vỡ dập dềnh cùng với xác quân thù kín đặc dòng sông. Chung quanh sông vẫn vang lừng chiêng trống như khúc ca chiến thắng khải hoàn của quân ta. Nhân dân quanh vùng kéo về hai bên bờ sông như nước nhìn xem phong cảnh hoành tráng của chiến trường và nhảy múa tưng bừng ăn mừng chiến thắng.

          Vua Nam Hán chỉ huy đạo bộ binh chưa kịp vào nước Việt thì nghe tin đạo thủy binh đã bị tiêu diệt, thái tử Hoàng Thao tử trận. Lưu Cung khóc rống lên:

          -Trời ơi! Cha có tội với con. Sao cha lại đẩy con vào đất chết như vậy?

          Kêu thảm thiết và hối hận. Nhưng không biết đến lúc chết vua Nam Hán có nhận ra một điều đơn giản rằng thèm muốn đất đai sông biển của nước khác đều phải trả giá đắt cho những giấc mộng điên rồ của mình. Biết bao đế quốc đã sụp đổ, biết bao kẻ ôm giấc mộng bình thiên hạ với kết cục cũng chẳng ra gi.

          Sau chiến tháng Bạch Đằng năm 938, năm 939 Ngô Quyền xưng Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Thủy chiến Bạch Đằng Giang đã kết thúc hơn 1000 năm đô hộ của phong kiến Trung Quốc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước của những người Việt phương Nam.

II. YẾT KIÊU THỦY CHIẾN.

1. Đó là vào thế kỷ XIII. Nước Đại Việt của dân Việt đang dưới sự cai trị của vương triều Trần. Một ngày mùa hè bình thường như bao mùa hè khác bắt đầu ở thôn Hạ Bì, huyện Thạch Hà, lộ Hải Dương. Mặt trời lên đã quá ba con sào phía  đông rải ánh nắng gay gắt trắng xóa xuống làng quê của vùng đồng bằng trù phú sông Hồng. Những cánh đồng lúa xanh rờn đang thì con gái như những bức thảm biếc mênh mông. Xen giữa những thảm xanh màu lúa là những làng quê uốn lượn quanh co xanh mướt màu cây tre, nhãn mít. Từng mái nhà của cư dân ẩn dưới những rặng cây nhô mái lợp màu gianh xam xám. Nhãn đang mùa trĩu quả, hương thơm ngát bay xa. Trời xanh lồng lộng. Một vài làn mây trắng như bông bay lơ lững trên trời, biến thành muôn hình thù kỳ quái theo làn gió mùa hè lồng lộng khắp không gian.

          Trên con đường đất quanh co rợp bóng nhãn dẫn vào làng Hạ Bì, một tốp người khoảng 10 người cỡi ngựa đi vội vã vào làng. Người đi đầu mặc trang phục võ tướng áo quần màu nâu thẫm, 9 người đi theo ăn mặc quân phục lính triều đình cũng màu nâu. Những nông dân Hạ Bì đang làm cỏ lúa dưới ruộng đều chăm chú nhìn toán lính. Gặp một người nông phu đứng tuổi từ trong một ngõ xóm đi ra, viên chỉ huy nhảy xuống ngựa lễ phép hỏi:

          -Dạ thưa cụ cho xin phép hỏi nhà huynh Phạm Hữu Thế ở đâu ạ?

          Ông lão nông phu ngước nhìn vị võ quan trẻ tuổi cung kính đáp:

          -Dạ thưa Đại nhân, có phải ngài hỏi nhà Phạm Hữu Thế giỏi bơi lội không ạ?

          -Dạ thưa đúng rồi ạ.

          Lão nông phu chỉ tay vào phía trong con đường làng:

          -Dạ nhà Thế ở chỗ rặng nhãn kia ạ. Nhưng bây giờ chàng ta không có nhà đâu.

          -Dạ chàng ta đi đâu ạ?

          -Dạ nhà chàng ta chỉ có hai mẹ con. Bà mẹ bán hàng nước ở lộ Hải Đường kiếm ăn, còn Yết kiêu tầm này chắc đang ở sông Quát chài lưới bắt cá tôm giúp mẹ kiếm sống.

          Viên võ quan lại hỏi tiếp:

          -Dạ, ra bờ sông Quát đi hướng nào hở cụ?

          -Đại nhân cứ đi thắng đường làng này sẽ ra được bờ sông.

          -Dạ cảm ơn cụ.

          Theo hướng chỉ của cụ già, tốp linh đi một đoạn hết con đường thì trước mặt hiện ra một dòng sông lớn mà dân địa phương gọi là sông Quát. Dòng sông rộng mênh mông uốn lượn giữa cánh đồng lúa ngập nước. Làng xóm uốn lượn quanh co hai bờ sông như một bức tranh thủy mặc. Nước sông xanh thắm xao động sóng lăn tăn tỏa những ánh bạc dưới ánh mặt trời chói lóa. Vài con thuyền nan được những mái chèo nhịp nhàng đưa đẩy trôi chầm chậm trên dòng sông. Vài con cò trắng chao mình bay lượn rồi sà xuống tìm mồi trên những ruộng lúa. Những con cò cần mẫn như những bông hoa trắng chen giữa màu xanh của lúa.

(Còn nữa)

CVL