Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 33)

PGS TS Cao Văn Liên

11/10/2022 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 33.

Trần Hưng Đạo là một nhà chiến lược thiên tài, ông biết rằng quân đội và dân tộc ta đang phải đương đầu với một đội quân viễn chinh của một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Hàng bao nhiêu quốc gia thất bại tan nát phải khuất phục dưới vó ngựa tàn bạo của quân xâm lược, dù nhiều dân tộc chiến đấu rất dũng cảm. Nguyên nhân thất bại của các quốc gia đó cơ bản là không đoàn kết được toàn dân tiến hành kháng chiến, họ chỉ đem quân đội chủ lực ra đối chọi với những đoàn kỵ binh dũng mãnh của quân Mông Cổ và đã bị tiêu diệt một cách nhanh chóng. Họ không biết tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, không biết thực hiện rút lui chiến lược và phản công chiến lược.

dt1ab1e-1665392088.jpg
Tranh minh họa Tướng Trần Khánh Dư chi huy quan nhà Trần đánh chìm 170.000 thách lương của quân Nguyên Mông ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Nguồn: Internet


Do kinh nghiệm của hai lần kháng chiến trước, khi quân Nguyên-Mông ào ạt đánh vào nước ta, Trần Hưng Đạo biết rằng kẻ địch có ưu thế về binh lực nhưng ưu thế đó là tạm thời, là chỗ mạnh không cơ bản. Bề ngoài hùng hổ điên cuồng tàn ác của một đội quân viễn chinh không che dấu khắc phục được những chỗ yếu cơ bản của một đội quân xâm lược phi chính nghĩa. Nếu quân và dân ta biết đoàn kết nhất trí, biết tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, lâu dài thì sự hùng mạnh của quân Nguyên không thể đứng vững được, sự hùng mạnh về binh lực sẽ bị thời gian phá vỡ và chỗ yếu cơ bản của quân xâm lược cũng bị cuộc chiến tranh nhân dân lâu dài buộc phải bộc lộ. Về phía quân và dân ta do kinh nghiệm hai lần kháng chiến trước, tư tưởng chiến lược chiến tranh nhân dân, tư tưởng rút lui chiến lược và phản công chiến lược đã hình thành một cách rõ ràng. Sang cuộc kháng chiến lần thứ ba này tư tưởng chiến lược đó sẽ được nhà quân sự kiệt xuất Trần Quốc Tuấn vận dụng linh hoạt, sáng tạo, nâng cao thêm một bước.

Như vậy trong cuộc kháng chiến lần thứ ba này, ngay từ đầu Trần Quốc Tuấn đã quyết định chiến lược của ta là rút lui chiến lược và phản công chiến lược để phá vỡ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Thoát Hoan. Để hoàn thành được chiến lược này, bên cạnh việc rút lui để bảo toàn quân chủ lực, bảo toàn triều đình còn phải phát động chiến tranh toàn dân, chiến tranh du kích tiêu diệt, tiêu hao lực lượng của địch, góp phần chuyển hóa tương quan lực lượng, tạo thời cơ để quân ta phản công chiến lược. Ngoài việc tiêu hao sinh lực địch, Trần Quốc Tuấn biết rằng muốn làm cho Thoát Hoan không đứng vững được trước cuộc chiến tranh lâu dài thì phải triệt nguồn lương thực. Ông trao cho thủy quân nhiệm vụ cấp thiết là phải tiêu diệt bằng được đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Trần Hưng Đạo giao cho tướng Trần Khánh Dư chỉ huy thủy quân ta với nhiệm vụ trên.

Nhận được mệnh lệnh của tổng chỉ huy phát ra từ đại bản doanh, thủy quân ta do phó tướng Trần Khánh Dư chỉ huy bắt đầu tác chiến, chặn đánh thủy quân địch nhưng bị tổn thất phải rút lui. Thắng lợi ban đầu làm cho tướng Ô Mã Nhi kiêu ngạo chủ quan, hắn chỉ huy đội chiến thuyền vượt lên trước, theo sông Bạch Đằng tiến nhanh về Vạn Kiếp để kịp hội quân với Thoát Hoan, bỏ mặc đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ không có chiến thuyền hộ tống đi sau. Sai lầm của Ô Mã Nhi đã đưa đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ vào chỗ chết. Trần Khánh Dư  cho thủy quân ta mai phục ở Vân Đồn (Cẩm Phả - Quảng Ninh) để đón đánh tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền tải lương của địch. Đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ không có chiến thuyền yểm hộ vừa đến Vân Đồn bị thủy quân ta xông ra chặn đánh kịch liệt. Ngay phút chiến đấu đầu tiên, đoàn thuyền tải lương bị thiệt hại nặng nề. Trương Văn Hổ gắng gượng tiến vào đất liền nhưng bị thủy quân ta đón đánh ráo riết và đến cửa Lục (Hòn Gai) toàn bộ đoàn thuyền lương của quân Nguyên bị tiêu diệt. Trương Văn Hổ vội chạy thoát thân trên một chiếc thuyền. Tất cả lương thực, vũ khí, quân trang của đội quân viễn chinh mà Hốt Tất Liệt khôn ngoan dày công chuẩn bị một phần chìm xuống đáy biển, một phần lọt vào tay thủy quân ta. Do sáng tạo và mưu trí với lối đánh tập kích và truy kích, thủy quân ta đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc của tổng chỉ huy quân đội giao phó.

Chiến thắng Vân Đồn với việc tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền vận tải lương thực của địch có một tầm quan trọng đặc biệt, tác dụng lớn đến quá trình chiến tranh. Chúng ta đều biết việc cung cấp lương thực cho một đội quân viễn chinh đông, mà lại cách xa hậu phương là một vấn đề khó khăn phức tạp. Một quân đội mà thiếu lương thực thì dù có hùng mạnh bao nhiêu chăng nữa cuối cùng vẫn bị tan rã. Để khắc phục khó khăn đó, thói cổ truyền của quân đội viễn chinh là cướp bóc và vơ vét ngay trên mảnh đất mà chúng vừa xâm lược được. Nhưng nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông, với ý chí quyết đánh bại kẻ thù, bảo vệ độc lập đã triệt để thực hiện vườn không nhà trống, đẩy quân Nguyên-Mông vào tình trạng rất khó khăn về lương thực. Rút kinh nghiệm lần thất bại trước, lần này Hốt Tất Liệt chuẩn bị đoàn thuyền lương để khắc phục khó khăn trên, để quân đội viễn chinh có thể trụ được tương đối lâu dài trong cuộc chiến tranh và điều đó có ảnh hưởng quan trọng đến toàn bộ kế hoạch xâm lược. Chiến thắng Vân Đồn của thủy quân ta là đòn đánh mạnh vào kế hoạch xâm lược của quân Nguyên-Mông, làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của chúng, đẩy chúng vào những khó khăn không thể nào khắc phục được về lương thực. Chính vì thế làm cho địch càng mau chóng suy yếu, góp phần làm chuyển hóa tương quan lực lượng, tạo cơ hội quân ta phản công. Chiến thắng Vân Đồn của thủy quân ta góp phần vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược chiến tranh của quân và dân ta trong toàn bộ cuộc chiến tranh.

Trong lục địa, chiến tranh đang bước sang giai đoạn quyết liệt nhất. Sau khi đã dừng lại Vạn Kiếp một thời gian để xây dựng thành một căn cứ quân sự quan trọng, tháng 2 năm 1288, Thoát Hoan vượt sông Hồng tiến đánh kinh thành Thăng Long. Triều đình và quân ta tạm rút khỏi kinh thành và lui dần xuống vùng hạ lưu sông Hồng. Thoát Hoan huy động quân thủy bộ ráo riết đuổi theo nhưng không sao tiêu diệt được quân chủ lực của ta, không sao bắt được triều đình và  đầu não kháng chiến. Thoát Hoan điên cuồng đốt phá làng mạc, tàn sát nhân dân, khai quật lăng mộ vua Trần Thái Tông. Nhân dân ta càng sôi sục căm thù, càng xiết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới lá cờ của triều đình. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Thoát Hoan bắt đầu phá sản. Chiến tranh du kích của quân và dân ta tiêu hao nhiều sinh lực địch. Ưu thế hùng hổ ban đầu của đội quân viễn chinh đã mất, nhược điểm cơ bản của đội quân xâm lược do chiến tranh kéo dài bắt đầu bộc lộ. Lương thực thiếu thốn, quân số hao hụt, tinh thần binh sĩ rã rời, lại liên tục bị quân dân ta tập kích. Đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ lại bị tiêu diệt. Nguy cơ diệt vong của toàn bộ quân đội viễn chinh tới gần. Tháng 3-1288 Thoát Hoan hạ lệnh đốt phá kinh thành Thăng Long rồi kéo về Vạn Kiếp. Căn cứ quân sự Vạn Kiếp mà Thoát Hoan tốn bao công lao xây dựng cũng không là nơi an toàn nữa. Thoát Hoan lo sợ tức tối nhưng không còn con đường nào khác là sớm rút quân về nước để tránh bị tiêu diệt. Thoát Hoan chia quân thành hai đạo, Thoát Hoan tự chỉ huy đạo quân bộ rút theo đường Lạng Sơn, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy đạo thủy binh rút theo đường sông Bạch Đằng ra biển.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 33)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn