Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 40)

PGS TS Cao Văn Liên

18/10/2022 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 40.

Tình hình và thời cơ chín muồi đã đến lúc cho quân đội Tây Sơn có thể phản công đánh bại quân Xiêm. Tháng Chạp năm đó, thủy quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ khi đó mới 32 tuổi xuất phát từ Quy Nhơn tiến tới Định Tường (Mỹ Tho). Trong cuộc tiến công này Nguyễn Huệ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ thủy quân Xiêm và bọn phản động Nguyễn Ánh, đập tan kế hoạch chiến lược của các tướng Xiêm và mưu đồ chiếm lại Gia Định của Nguyễn Ánh. Bằng quyết tâm đó, Nguyễn Huệ không đem thủy quân tiến thẳng vào đại bản doanh của địch ở Sa Đéc vì ông biết đánh như thế không chắc thắng và có thắng cũng không tiêu diệt được toàn bộ thủy quân địch. Tại Sa Đéc, quân Xiêm- Nguyễn tập trung một lực lượng 4 vạn thủy quân, 300 chiến thuyền, mấy nghìn quân Nguyễn, đó là một lực lượng lớn. Mặt khác, dòng sông Sa Đéc rộng giúp cho thủy quân Xiêm cơ động được dễ dàng, đánh như vậy sẽ bất lợi. Căn cứ vào tình hình ấy, Nguyễn Huệ quyết định kéo thủy quân Xiêm ra khỏi căn cứ của chúng, đưa chúng vào trận địa do quân Tây Sơn chọn và bất ngờ tấn công. Có như vậy mới thực hiện được quyết tâm tiêu diệt toàn bộ thủy quân địch.

dt3my-tho-1665996427.jpg
Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 tại Châu Thành, Tiền Giang (trước năm 1976 là tỉnh Mỹ Tho). Ảnh: vi.wikipedia.org

 

Trên dòng sông Mỹ Tho đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài 6 km, rộng khoảng vài km được Nguyễn Huệ chọn làm chiến trường quyết chiến vì nó đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của trận đánh. Lòng sông của đoạn sông Rạch Gầm Xoài Mút mở rộng có thể dồn tập trung hàng trăm chiến thuyền địch vào đó để công kích. Các nhánh sông nhỏ Rạch Gầm - Xoài Mút và phần phía sau cù lao Thới Sơn rất thuận tiện cho thủy quân Tây Sơn mai phục. Hai bên bờ sông kín đáo và trên cù lao Thới Sơn Nguyễn Huệ đặt pháo binh sẵn sàng nhả đạn vào chiến thuyền địch khi đã lọt vào trận địa.

Chuẩn bị xong chiến trường, đêm ngày 19 rạng ngày 20 tháng 1 năm 1785, Nguyễn Huệ cho một đội chiến thuyền tới khiêu chiến địch ở Sa Đéc. Nhiệm vụ của đội chiến thuyền này là phải kéo địch ra khỏi căn cứ, đưa toàn bộ chiến thuyền của chúng đến trận địa Rạch Gầm - Xoài Mút. Cậy có ưu thế thủy quân, Chiêu Tăng, Chiêu Sương muốn truy kích đối phương để tiến lên chiếm đóng Mỹ Tho. Thực hiện ý đồ đó, các tướng Xiêm và Nguyễn Ánh đem toàn bộ chiến thuyền tiến theo sông Mỹ Tho, đuổi đánh chiến thuyền Tây Sơn. Sự tính toán chủ quan của Chiêu Tăng, Chiêu Sương và Nguyễn Ánh đã đưa thủy quân Xiêm đến chỗ chết, toàn bộ binh thuyền Xiêm và 4 vạn thủy quân lọt vào trận địa Rạch Gầm- Xoài Mút. Nguyễn Huệ ra lệnh tiến công. Thủy quân Tây Sơn giáp chiến mãnh liệt. Chiến thuyền Tây Sơn được giấu kín ở Rạch Gầm-Xoài Mút xông ra chặn hai đầu không cho thủy quân Xiêm chạy thoát, đồng thời chiến thuyền Tây Sơn sau cù lao Thới Sơn tiến ra đánh vào ngang hông thủy quân Xiêm, chia cắt đội hình thủy quân Xiêm ra nhiều mảnh để đánh phá. Phối hợp tác chiến với thủy quân, pháo binh Tây Sơn hai bên bờ sông và trên cù lao Thới Sơn bắn phá dữ dội xuống chiến thuyền quân Xiêm suốt một dải từ Rạch Gầm đến Xoài Mút. Toàn bộ chiến thuyền Xiêm bị vây chặt chẽ và bị đánh phá tơi bời, đội hình tan tác rối loạn. Trận thủy chiến kết thúc nhanh chóng, thủy quân Tây Sơn thắng lợi rực rỡ, đánh chìm, phá hủy 300 chiến thuyền địch, hơn 4 vạn quân Xiêm- Nguyễn hoàn toàn bị tiêu diệt. Các tướng Nguyễn chạy thoát thân mỗi người mỗi ngả. Chiêu Tăng, Chiêu Sương liều chết mới chạy thoát được về nước. Nguyễn Ánh chạy trốn ra đảo Thổ Châu, sau đó sang Xiêm, cùng đường xin ở ngoài thành Vọng Các, tớ thầy làm ruộng nuôi nhau.

Mười bốn năm trong lịch sử đấu tranh vũ trang của thủy quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vị tướng thiên tài Nguyễn Huệ đã lập nhiều chiến công suất sắc nhưng trận thủy chiến Rạch Gầm -Xoài Mút là trận đánh nhanh gọn, và tiêu diệt lớn nhất, rực rỡ nhất, không đầy một ngày 300 chiến thuyền hơn 4 vạn quân Xiêm-Nguyễn bị tiêu diệt. Nếu như trận thủy chiến năm 1782 ở Gia Định thủy quân Tây Sơn triệt để lợi dụng sức gió và mực nước để tiêu diệt địch thì trận thủy chiến Rạch Gầm -Xoài Mút là trận điển hình của việc lợi dụng địa hình để tiêu diệt địch. Dưới con mắt của nhà quân sự thiên tài Nguyễn Huệ, trận địa Rạch Gầm -Xoài Mút là trận địa tốt nhất để tiêu diệt toàn bộ thủy quân địch, là mồ chôn toàn bộ sinh lực quân thù. Đó là một địa hình vừa dồn toàn bộ thủy quân địch vào nơi để thủy quân Tây Sơn mai phục bịt chặt hai đầu không cho thủy quân địch chạy thoát vừa có nơi để thủy quân Tây Sơn đánh tạt vào sườn, chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Đó là một trận địa vừa phối hợp được thủy binh và bộ binh tác chiến, vừa phối hợp được với pháo binh dã chiến tác chiến tạo thành những đòn sấm sét giáng xuống đầu kẻ địch, làm kẻ địch bị tê liệt hoàn toàn sức phản kháng, mắc vào thiên la địa võng, bó tay chịu chết. Thủy quân Tây Sơn đã kế thừa phát huy cao độ nhất truyền thống lợi dụng thiên thời, địa lợi để tiêu diệt địch của thủy quân Đại Việt trước đó và đã vận dụng chiến thuật đó một cách sáng tạo, linh hoạt trong mỗi trận đánh, mỗi chiến trường khác nhau.

Trong trận thủy chiến này, thủy quân Tây Sơn đã vận dụng thủ đoạn tác chiến hợp đồng, đó là một sáng tạo quan trọng. Đây là trận thủy chiến đầu tiên thủy quân Tây Sơn đã thực hiện hợp vây toàn bộ thủy quân địch để tiêu diệt toàn bộ. Đó là kết quả của tinh thần dũng cảm của thủy quân Tây Sơn, lòng căm thù cao độ quân xâm lược và bè lũ bán nước, lòng quyết tâm tiêu diệt địch. Đó là kết quả của việc chọn địa hình tác chiến thích hợp, bố trí lực lượng chính xác, phù hợp với mục tiêu tiêu diệt toàn bộ quân địch. Bằng nghệ thuật hợp vây có tính chất chiến dịch và chia cắt có tính chất chiến thuật, thủy quân Tây Sơn đánh địch trên cả bốn mặt nhưng Nguyễn Huệ đã tập trung chủ lực đánh chia cắt đội hình địch, do đó làm cho thủy quân địch bị tiêu diệt nhanh gọn, không ứng cứu được nhau và không một chiến thuyền nào chạy thoát.

Trận thủy chiến Rạch Gầm- Xoài Mút là một chiến thắng vang dội, đập tan được âm mưu xâm lược miền Nam nước ta của triều đình Vọng Các. Sau trận này "người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp"[1]. Chiến thắng quân sự đó đã bảo vệ được độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ phía Nam của tổ quốc. Xét toàn cục, cuộc tiến công chiến lược này có ý nghĩa quân sự, chính trị rất lớn lao, có tác dụng quyết định cục diện ở miền Nam và đối với cả nước. Bằng trận thủy chiến oanh liệt đó, quân đội Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân sự của nhà Nguyễn bị lật đổ còn ngóc đầu dậy, kết thúc giai đoạn đánh đổ thế lực của nhà Nguyễn ở miền Nam. Cũng bằng chiến thắng quân sự đó, quyền lực của chính quyền  Tây Sơn được xác lập từ Quy Nhơn đến mũi Cà Mau. Tất cả những biến đổi đó tạo điều kiện cho Tây Sơn chĩa mũi nhọn của cuộc đấu tranh vũ trang ra miền Bắc, chuyển hướng chiến tranh đánh đổ triều đình Lê -Trịnh ở Bắc Hà, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Trận thủy chiến Rạch Gầm -Xoài Mut do đó là mốc kết thúc một giai đoạn và mở ra một thời kỳ mới, cục diện mới trong lịch sử nước nhà.

(Còn nữa)

CVL

---------------

[1] Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, tập 2, trang 65, dẫn theo Lịch sử Việt Nam tập I, trang 342.

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 40)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn