Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 44)

22/10/2022 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 44.                                                                 

Sau khi nhanh chóng tiêu diệt thủy quân Đinh Tích Nhưỡng, thủy quân Tây Sơn liền tràn lên bờ đánh lại bộ binh Đỗ Thế Giận. Vai trò của thủy quân Tây Sơn trong cuộc chiến đấu này là đã đánh tan đạo thủy quân chủ lực của nhà Trịnh, chọc thủng phòng tuyến quan trọng nhất ở cửa sông Luộc, do đó đã góp phần quyết định đối với sự tan rã của toàn bộ quân Trịnh, mở toang cánh cửa vào Thăng Long, quyết định thắng lợi của toàn bộ chiến dịch.

ddt1303-700x366-1666341184.jpg
Tượng Quang Trung là "Hoàng đế của biển cả. Nguồn: Internet.

 

Thành công của thủy quân Tây Sơn trong trận chiến đấu này là đã vận dụng linh hoạt chiến thuật, tạo điều kiện có lợi nhất để tiêu diệt địch và cùng một lúc vừa tiêu diệt thủy quân địch, vừa uy hiếp bộ binh địch bằng pháo binh, đập vỡ kế hoạch phối hợp chiến đấu của bộ binh và thủy binh địch. Ngoài ra phải kể đến tác phong chiến đấu của thủy quân Tây Sơn khác xa với quân đội Trịnh, họ dũng cảm, thông thạo các thủ đoạn chiến đấu như vu hồi, bao vây khiến quân địch không kịp đối phó, khiến số lượng họ ít nhưng thắng lợi vẻ vang.

Thế là sau 15 năm chiến đấu (1771-1786) phong trào nông dân Tây Sơn đã phát triển với quy mô toàn quốc, lãnh thổ Đại Việt từ Hà Tiên - Rạch Giá phía cực Nam đến biên giới Việt Trung phía cực Bắc hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của quân đội Tây Sơn. Với những chiến thắng Gia Định, Rạch Gầm - Xoài Mút, Phú Xuân, Thăng Long, quân đội Tây Sơn đã lật đổ mọi tập đoàn phong kiến thống trị đương thời. Hơn nữa, những chiến thắng oanh liệt đó đã vĩnh viễn xóa bỏ ranh giới phân chia Nam- Bắc mà bọn phong kiến phản động đã vạch ra từ 300 năm nay, đã thật sự lập lại nền thống nhất cho đất nước vào cuối thế kỷ 18. Ở các thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông và các triều đại trước, sự thống nhất quốc gia chỉ trên phạm vi lãnh thổ từ Thuận Hóa trở ra. Quân đội nông dân Tây Sơn đã thống nhất đất nước suốt một dải từ Hà Tiên - Rạch Giá trở ra Bắc. Cho nên sự nghiệp thống nhất đó thật là huy hoàng vĩ đại. Sự thống nhất đó không những đem lại hòa bình cho nhân dân mà còn làm cho sức lực nước nhà hùng mạnh, đủ sức đánh bại cuộc xâm lăng của 20 vạn quân Thanh. Đó là công lao của phong trào nông dân Tây Sơn, công lao của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, công lao của quân đội Tây Sơn nói chung và thủy quân Tây Sơn nói riêng. Nó thể hiện ý chí thống nhất mạnh mẽ của nhân dân, của dân tộc ta và ý chí đó đã chiến thắng, không một bạo lực phản động nào ngăn trở được. Những chiến công sáng chói của thủy quân Tây Sơn đã chứng tỏ thủy quân Tây Sơn có vai trò lớn lao trong cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng giai cấp bị áp bức và sự nghiệp thống nhất nước nhà vào cuối thế kỷ 18.

*

*        *

Cũng như thủy quân Việt Nam qua các triều đại, thủy quân Tây Sơn còn có vai trò và tác dụng lớn lao trong sự nghiệp chống xâm lược bảo vệ tổ quốc. Với chiến thắng oanh liệt Rạch Gầm- Xoài Mút năm 1785, thủy quân Tây Sơn đã đập tan tành mưu đồ xâm lược của bọn phong kiến Xiêm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ phía Nam, giữ vững độc lập của đất nước. Tới mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vị tướng thiên tài Nguyễn Huệ đã lập nên chiến công vĩ đại hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, đó là chiến dịch đại phá quân Thanh. Chỉ trong 5 ngày 5 đêm, 29 vạn quân Thanh bị quét sạch khỏi đất nước. Với chiến thắng huy hoàng đó, quân đội Tây Sơn đã đè bẹp ý chí xâm lược của triều đình Mãn Thanh, đã kết thúc vĩnh viễn sự xâm lược của phong kiến phương Bắc đối với nước ta. Trong chiến dịch này, thủy quân Tây Sơn đã đóng góp vào thắng lợi chung. Vị tổng chỉ huy quân đội đã trao cho hai đạo thủy quân nhiệm vụ tiến sâu vào sau lưng địch thực hiện bao vây vu hồi chiến dịch phối hợp với quân chủ lực, đồng thời phục kích, truy kích tiêu diệt tàn binh địch làm cho chúng khiếp sợ, đè bẹp hẳn ý chí xâm lược.

Thực hiện mệnh lệnh đó, đạo thủy quân do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy đã tiến vào sông Lục Đầu, tiêu diệt quân Cần vương của Lê Chiêu Thống ở Hải Dương, sau đó đã uy hiếp cạnh sườn phía đông của Tôn Sĩ Nghị đóng trên bờ sông Hồng, tiếp ứng cho đạo quân chủ lực và các đạo quân khác đánh vào Thăng Long. Đạo thủy quân thứ hai do đô đốc Lộc chỉ huy đã vượt biển và đổ bộ lên Kinh Bắc đóng giữ tất cả các đường đi lên ải Nam Quan để tiêu diệt tàn binh của Tôn Sĩ Nghị. Đạo thủy quân này từ phục kích chuyển sang truy kích tiêu diệt hầu hết tàn binh địch từ Thăng Long chạy về, đánh chiếm 18 kho lương thực của quân Thanh đặt từ ải Nam Quan đến Thăng Long; đuổi đánh bọn Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống làm cho tên tướng xâm lược và tên vua bán nước vô cùng khốn đốn. Tôn Sĩ Nghị nhịn đói, nhịn khát phải vứt hết ấn tín sắc thư và các đồ mang trong mình mới trốn thoát. Đúng như Ăng ghen đã nói: Việc truy kích sẽ làm cho một quân đội bại trận bị tiêu diệt hoàn toàn. Thủy quân Tây Sơn đã thọc sâu vào vùng sau lưng địch, truy kích tiêu diệt chúng, làm cho chúng liên tục bị đánh tơi tả, liên tục kinh hoàng khiếp sợ, góp phần hoàn toàn đè bẹp ý chí xâm lược của triều đình Mãn Thanh. Thủy quân Tây Sơn đã góp vào chiến công hiển hách của dân tộc.

Qua chiến dịch đại phá quân Thanh, thủy quân Tây Sơn đã tỏ ra là những chiến sĩ có chiến thuật toàn diện, vừa giỏi thủy chiến, vừa giỏi công thành và còn giỏi cả tác chiến trên bộ, ngay cả trên miền núi với chiến thuật phục kích, truy kích. Dù là chủ lực đảm đương hướng tấn công chủ yếu hoặc là đạo quân hỗ trợ đảm đương hướng phụ, thủy quân Tây Sơn đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc vẻ vang. Thủy quân Tây Sơn đã kế thừa và phát huy cao độ nhất truyền thống của thủy quân Đại Việt anh hùng trước đó.

(Còn nữa)

CVL                                                          

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 44)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn