Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 55)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 55.

GIẤC NGỦ CHẾT NGƯỜI

Cứu được tàu mắc cạn, nhưng ngay sau đó Hải đoàn chúng tôi bị một tổn thất quá đau lòng.

Hải đoàn chúng tôi có thêm một chiếc tàu há mồm, nó dài và vuông như con cá sấu khồng lồ. Mỗi khi vào căn cứ, nó không cần lại cầu cảng mà chỉ lại gần bờ, há chiếc hàm dưới của nó xuống làm cầu nối với bãi sông, bãi biển, miệng nó há hoác và lính tráng đi lên đi xuống như chui vào bụng cá.

ddt1-tau-kdmi-1667293448.jpg
Hình ảnh một đoàn tàu không số của Đoàn 759 hoạt động trên biển khi chở vũ khí cho miền Nam, giai đoạn 1961 - 1975 (Ảnh tư liệu).

 

Cuối năm 1973, tàu há mồm chứa đầy chất nổ, vũ khí đạn dược hành trình vào Cửa Việt. Nó đã ra đi và không bao giờ trở lại. Đêm thứ hai của cuộc hành trình, cả tàu ngủ say do mệt mỏi, chỉ còn lại một người lính trẻ lái tàu. Khi đến vùng biển giáp ranh, đáng lẽ vào Cửa Việt thì người lính trẻ không thuộc địa hình cứ cho tàu chạy thẳng. Tàu đi vào vùng biển của địch. Khi thuyền trưởng thức dậy, phát hiện ra sự sai lầm cực kì nguy hiểm, ông lệnh cho tàu quay mũi chạy ra. Nhưng đã quá muộn. Tàu há mồm đã lọt vào màn ảnh rađa theo dõi của Ngụy Sài Gòn. Lúc đầu chúng còn khả nghi theo dõi con tàu lạ, nhưng khi tàu đổi hướng quay ra, chúng hạ lệnh dùng máy bay tấn công ngay lập tức. Một máy bay phản lực ngụy bay tới phóng rocket xuống tàu. Phát rocket làm cho hai trăm tấn thuốc nổ, đạn dược nổ tung, xé con tàu và các chiến sĩ thành mảnh vụn vùi dưới đáy biển.

Ngày hi sinh của đồng đội ở tàu há mồm, chúng tôi trên các boong tàu ngả mũ mặc niệm. Từ nơi xa lắc của không gian và mai này xa lắc thời gian chúng tôi luôn nhớ họ. Họ đã trở thành bất tử đối với Tổ quốc và đối với chúng tôi.

ĐÓN NHỮNG NGƯỜI CON CỦA TỔ QUỐC TỪ ĐỊA NGỤC TRỞ VỀ

Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1975, cùng với cơn bão táp thần tốc tấn công của quân ta trong các chiến dịch giải phóng toàn miền Nam, các tàu của Hải đoàn chạy như con thoi trên mặt biển để tiếp tế vũ khí đạn dược, lương thực, thuốc men cho bộ đội ra giải phóng, tiếp quản các đảo Trường Sa, Phú Quốc... Trong ngổn ngang bộn bề công việc, tàu chúng tôi được ra Côn Đảo đón các đồng chí của ta bị cầm tù ở đó trở về.

Côn Đảo - hòn đảo phía Đông Nam Tổ quốc, cách Sài Gòn ba ngày đêm đường tàu thủy, nổi tiếng từ lâu bởi Pháp, Mĩ, Ngụy quyền Sài Gòn biến nó thành địa ngục trần gian, cầm tù những chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập dân tộc. Thuở ấu thơ, tôi nghe Côn Đảo qua lời kể của các bà, các ông, các má, lớn lên tôi được biết Côn Đảo qua “Vượt Côn Đảo” của bác Phùng Quán và qua “Bất khuất” của bác Nguyễn Đức Thuận.

Tàu của chúng tôi đến Côn Đảo vào một buổi sáng. Địa ngục trần gian khủng khiếp hiện dần ra trước mắt chúng tôi. Trong buổi bình minh chan hòa ánh nắng, tàu chúng tôi cập cảng. Trên bộ, các bác, các chú gầy gò, tàn tật, khẳng khiu chào đón chúng tôi. Tàu kéo ba hồi còi dài gióng giả chào đón đảo được giải phóng, chào những chiến sĩ vinh quang. Chúng tôi bước lên bờ, các bác, các chú ôm chầm lấy chúng tôi nước mắt chan hòa. Chúng tôi trao quà bánh, thuốc men, quần áo cho các bác, các chú.

Sau cuộc gặp mặt, chiều, chúng tôi tham quan Côn Đảo, thăm thị trấn nhỏ bé, thăm các nhà ngục “chuồng bò, chuồng cọp”, viếng nghĩa trang Hàng Dương. Trong cuộc đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, biết bao thế hệ đã bị lưu đày tới đây, bị hành hạ bởi các cực hình và ngã xuống cho có ngày nay. Chúng tôi ngả mũ đứng lặng trước mộ bác Lê Hồng Phong, chị Võ Thị Sáu... Những nén hương trên các ngôi mộ khói tỏa nghi ngút, hàng dương vi vu reo lên trong gió biển như hương hồn linh thiêng của các anh hùng, liệt sĩ, của sông núi quy tụ về đây.

Hôm sau, tàu chúng tôi chở đầy người, gióng giả kéo ba hồi còi dài chào tạm biệt Côn Đảo. Chuyến đầu tiên đón các bác, các chú về đất liền xuất phát lúc một giờ ngày tháng năm rực nắng. Những bàn tay trên bờ vẫy mãi những bàn tay dưới tàu, nước mắt chan hòa ở những đôi mắt. Biển của ngày chiến thắng như reo vui, như bao la, rộng lớn ra. Con tàu bé nhỏ của chúng tôi đầy ắp tiếng nói, tiếng cười, hát ca vui nhộn. Trên đài chỉ huy, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật. Thuyền trưởng và các chiến sĩ mang sắc phục Hải quân nhân dân Việt Nam hẳn hỏi, chấm dứt những năm tháng tàu không mang số hiệu, không mang quốc kì, chiến sĩ không mặc quân phục. Nhìn cảnh tượng hùng tráng đó, tôi hiểu lịch sử của Hải đoàn đã khép lại một chương anh hùng, bi tráng của cuộc chiến tranh cứu nước. Một chương mới đang mở ra trước mắt Hải đoàn, một chương đầy tương lai, sán lạn, huy hoàng của kỉ nguyên độc lập, thống nhất quốc gia.

Trời cao xanh, nắng chan hòa, biển sáng bừng lên bát ngát, gió lộng mơn man. Tôi đứng tựa vào lan can boong tàu, ngắm nhìn từng đợt sóng nhẹ nhàng, xanh thắm. Mắt tôi bỗng gặp một không gian huyền ảo, diệu kì đầy đỏ, xanh, vàng, tím. Trong màu sắc cầu vồng huyền diệu đó, tất cả hình ảnh những bạn bè, đồng chí của tôi - những người đã dâng hiến tuổi hoa xuân hòa máu thịt vào sóng biển để viết nên khúc ca khải hoàn ngày nay đã hiện lên. Nét mặt họ đầy hân hoan, tươi trẻ, mắt sáng lung linh, miệng mỉm cười, tay vẫy vẫy. Bất giác tôi ngả mũ xuống, cúi đầu nghiêm trang. Tôi thì thào với họ:

- Chào các anh! Tổ quốc không bao giờ quên các anh. Các anh là bất tử, vĩnh hằng như cuộc sống.

Hình như mãn nguyện với lời tôi, bảy sắc cầu vồng huyền ảo và bóng hình các anh tan biến. Tôi thảng thốt như qua một giấc mơ. Tôi bừng tỉnh lại. Tàu kéo ba hồi còi dài chuẩn bị cập cảng Sài Gòn - hòn ngọc của Đông Nam Á - thành phố Hồ Chí Minh quang vinh. Để đến được thành phố thân yêu này, Hải đoàn đã hi sinh bao người con, đã đi bao vạn hải lí trên đại dương?

(Còn nữa)

CVL