Tiên An đón xuân về

Phạm Việt Long

21/01/2023 17:59

Theo dõi trên

Thoát khỏi chiến tranh sau đại thắng mùa xuân 1975, Tiên An gồng mình qua bao khó khăn thời hậu chiến, để bây giờ đâu đâu cũng ngan ngát một màu xanh, màu xanh của no ấm, của hy vọng, màu xanh đón xuân về!

duong-tien-an-1660303057.jpg

Đường hoa Tiên An

 

 

Quê vợ tôi - Quảng Nam, Tiên Phước

Đất núi đồi, mưa chưa thấm đã khô

Dòng sông Tiên uốn khúc lững lờ

Tắm mát quê hương nhà bằng câu hát “Lý thương nhau”!

Đó là đoạn mở đầu ca khúc tôi viết riêng cho quê vợ tôi. Trên đường về quê, câu ca ấy cứ ngân lên trong tôi, dẫn dắt tôi liên tưởng đến bản chất vừa ngoan cường, vừa nhân hậu của người dân quê vợ tôi, cùng những đổi thay đến bất ngờ của một vùng đất đã trở nên thân thương với tôi.

Chúng tôi về Thôn 4 Tiên An (trước gọi là Phước An), Tiên Phước, Quảng Nam bằng ô tô, do Trâm, cô gái xứ Quảng, có dáng người săn chắc, lái. Xe bon bon trên con đường bê tông quanh co, có khi gấp khúc, nhưng vẫn êm ro vì đường tốt, lái xe thạo. Vun vút hai bên đường là màu xanh mướt mát của vườn tược, rừng cây.

Nhớ thời trước, về quê vợ là cả chặng đường gian nan. Đi từ Hà Nội vào bằng xe lửa, mất 2 ngày đêm. Từ Đà Nẵng về Tiên Phước có thể đi bằng ô tô, xe máy. Nhưng từ Tiên Phước về Tiên An, có đoạn phải đi bộ. Có lần, tôi phải cõng đứa con gái đầu vượt dốc, băng suối hàng giờ đồng hồ mới về được nhà cậu Huệ, em vợ tôi. Bây giờ, đường trải bê tông nhẵn thín, tỏa đi mọi xóm ngõ. Nhà cậu Huệ ở trên đồi xa tít, mà đường ô tô vẫn chạy ngang qua, ô tô vào tận sân.

Gia đình vợ tôi tan đàn xẻ nghé vì chiến tranh. Người bị gom vào khu dồn hoặc lang bạt xứ người, kẻ bị bắt lính, cha Ngân là liệt sĩ, ông nội trúng đạn pháo giặc, qua đời. Khi giải phóng, những người lang bạt trở về, xác xơ nghèo túng. Đất ở lại hoang vu, loang lổ vết bom đạn, cây cối tiêu điều, đồng ruộng um tùm cỏ dại. Mọi người ra sức phục hóa, cấy trồng lúa ngô, khoai sắn, tiêu, quế. Dần dần, cuộc sống dễ thở hơn. Cho đến hôm nay, nhìn đâu cũng thấy màu xanh của cây trồng.

Nhà cậu Huệ, khi mới về phải dựng lều ở tạm. Hồi đó vợ chồng tôi đem về một số đồ dùng thiết yếu, cậu Huệ thích nhất là mấy cái màn, vì muỗi nhiều như trấu, đêm xúm vào hút máu, không ngủ nổi. Bây giờ, Huệ có nhà xây khang trang trang, có giếng nước với máy bơm, không phải leo đồi xuống suối chật vật gánh từng gánh nước lên như trước kia.

Nhà Huệ, cũng như phần lớn gia đình ở đây, có đủ các phương tiện sinh hoạt, như ti vi, tủ lạnh, xe máy, có nhà còn có ô tô. Không ai phải lo chạy bữa nữa. Tất cả đều do mồ hôi nưóc mắt từ người nhỏ xuống, cây cối hoa trái từ đất vươn lên. Tiên Phước có 2 đặc sản là hạt tiêu và quế. Bây giờ có thêm trầm. Tiêu, quế có giá trị tới mức, xưa kia Trần Lệ Xuân cho làm hẳn một con đường ô tô là đường 14 lên phía Tây Quảng Nam để khai thác. Thứ gì mà người nông dân cần, thì quê vợ tôi có cả: lúa ngô, khoai, sắn, mè, đậu phộng, rau xanh… phục vụ bữa ăn hàng ngày. Còn đặc sản như quế, tiêu, trầm thì phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống. Tuy giá các loại này xuống thấp hơn trước, nhưng bù lại là số lượng làm được lại tăng lên, cuộc sống vẫn dễ chịu.

Giá như nhà cậu Huệ ít con, thì đời sống sẽ khá hơn. Nhưng đông con quá, tới 10 đứa, nên có lúc cũng chật vật. Hỏi rằng đẻ nhiều thế, chính quyền không xử phạt à? Được trả lời rằng đây là vùng đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, chiến tranh đã cướp đi phần lớn trai trẻ, cả phụ nữ nữa, như nhà Ngân mất 4 người, có nhà chết quá nửa, nên phải ưu tiên phát triền nguồn nhân lực. Ai có cặp có đôi thì thỏa sức sinh nở. Chị nào nhỡ thì quá lứa thì xin con của những người đàn ông vùng khác. Như chị Sĩ, chị của Ngân, có một con "tự túc" từ thời chiến, một con xin của đồng đội trong một lần gặp lại nhau ở Đà Nẵng. Hoặc người em họ cũng có một đứa con xin như vậy. Việc xin con không bị làng xóm dị nghị, cũng không bị chính quyền bắt bẻ, trái lại, được chính quyền cấp giấy khai sinh đàng hoàng. Lứa con xin ấy, sau này trở thành những người lao động khỏe mạnh, góp phần khai hoang phục hóa, tạo nên của cải cho quê hương và gia đình. Chính những người mẹ đi xin con ấy, được vui vầy khi còn trẻ, có người nuôi dưỡng lúc về già. Đáng mừng hơn, là con cái của những đứa "con xin" ấy trở thành lớp người kế tiếp, được học hành tử tế, rất nhiều người thành đạt.

Chúng tôi tới nghĩa trang thăm nơi yên nghỉ của cha mẹ, ông bà Ngân, cũng đi bằng ô tô. Một con đường nhỏ thôi, nhưng trải bê tông vững chắc, hai bên đường trồng đầy hoa - được xén tỉa gọn gàng, đua nhau khoe sắc. Hỏi ra thì được biết, đây là Tuyến đường tự quản Thanh Niên - Phụ nữ: Sáng - xanh - sạch - đẹp, thuộc khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu - thôn 4 Tiên An, chính thôn của gia đình vợ tôi. Con đường dài 400 mét, hai bên đường trồng hoa và 500 cây cau, có 7 bóng điện thắp sáng. Hóa ra, Tiên An là đơn vị xã xây dựng và đã về đích Nông thôn mới từ năm 2020. Hội nông dân xã Tiên An đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo của hội viên nông dân trong lao động sản xuất, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2020, Hội nông dân xã phối hợp cùng Mặt trận, các đoàn thể và các ngành của xã tổ chức vận động hội viên nông dân và nhân dân hiến đất, cây cối hoa màu để làm bê tông các tuyến đường như: Khu tái định cư thôn 2 đi Nà Rường dài 1260m với tổng kinh phí 1.065.187.000 đồng, nhân dân đóng góp 106.519.000 đồng. Có 4 tuyến đường khác cũng được xây dựng theo phương thức này. Ngoài ra trong năm 2020 còn đầu tư một số tuyến có độ dài 1.897m, kinh phí 891.566.000 đồng, nhân dân đóng góp 89.157.000 đồng. Ôi, những con số khô khan mà sao có hồn vậy. Tôi nhẩm cho thuộc lòng bản thống kê về sự đóng góp của dân Tiên An để thỏa nỗi tự hào về lòng dân quê vợ tôi, xưa kháng chiến không quản ngại hy sinh, nay hòa bình không tiếc công của cống hiến cho quê hương yên vui, giàu đẹp thêm.

 

 

 

 

Thấy tôi quan tâm nhiều đến công cuộc xây dựng nông thôn mới, cháu vợ tôi rỉ tai: “Dượng khỏi ghi chép. Dượng vào Trang thông tin điện tử của Tiên An là có rất nhiều tinh hình!”. Lại một ngạc nhiên đến mừng rơn, rơi nước mắt nữa: cách mạng 4.0 đã thực sự đến với vùng quê vợ tôi, nơi hẻo lánh xa xôi, nơi đã thoát khỏi những khó khăn thời hậu chiến, đang vươn lên bằng chính nội lực của mình để có một cuộc sống không chỉ no đủ, mà còn hiện đại, văn minh!

Đất Tiên Phước là đất văn, có nhiều người đỗ đạt cao, nổi tiếng về văn chương. Cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là người Tiên Phước. Chúng tôi đã ghé thăm khu lưu niệm của cụ. Nơi đây, trong khu vườn xanh mát có ngôi nhà ngói bình dị thờ phụng cụ. Chúng tôi vào thắp nén nhang tỏ lòng kính trọng cụ, cầu xin cụ phù hộ độ trì cho đất nước bình yên và phát triển, nhân dân ấm no, hạnh phúc, cho đất nước càng ngày càng xuân…

Thi công đường vào Khu danh thắng Hang Dơi

Nếp cái hương Bầu xứ Quảng

Bạn đang đọc bài viết "Tiên An đón xuân về" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn