Tiền đạo Lê Văn Đặng

Hồ Công Thiết

18/01/2022 17:22

Theo dõi trên

Ông Đặng “cóc” nổi danh cùng đội CAHN từ những năm thuộc thế kỷ trước. Fan hâm mộ lớn tuổi biết đến biệt danh này từ thủa ông đang là chân sút chủ lực của đội Thanh niên Hà Nội, nhưng khi ông về đầu quân cho đội CAHN cùng với các ông Điệp “lùn”, Quang B, Chi “tơ”, Học “ngớ” v.v… thì ông lại được mọi người trong đội gọi thân tình là Ba Đặng.

271646934-3101969370082184-6322561152698872398-n-1642490908.jpg
Trên sân Hàng Đẫy, ông Lê Văn Đặng đứng thứ 3 từ trái sang

Ông đá bóng giỏi, điều đấy không cần bàn cãi khi nhớ tới đội bóng Công an Hà Nội và tuyển quốc gia thế kỷ trước, ai cũng nhớ tới ông. Có thể giám đốc Công an Hà Nội các thời kỳ không ai nhớ được, nhưng nói tới ông Đặng “cóc”, ai cũng biết đấy là cầu thủ chạy cánh phải hay nhất CAHN thời bấy giờ.

Những bước chạy trên sân cùng trái bóng của ông biến ảo khôn lường. Đang dốc hết tốc lực, ông quặp bóng gọn gàng rồi rẽ sang hướng khác khiến hậu vệ đối phương lỡ trớn. Ông thuận chân phải nhưng khi có cơ hội, ông dứt điểm ngay mà không cần biết lúc đó bóng đang ở chân nào. Số bàn thắng ông ghi được cho đội CAHN - nếu thống kê chi tiết như bây giờ - thì tỷ lệ ghi bàn bằng chân phải hay chân trái cũng không vênh nhau quá nhiều. Ông có kỹ thuật khống chế bóng tuyệt vời. Những lần đội tổ chức thi Kiện tướng thể thao, bài thi tâng bóng lên vai lên đầu ông làm dễ như ăn kẹo.

Thời đó chưa có bộ môn tâng bóng nghệ thuật, nhưng nhìn ông ngồi bệt, tâng trái bóng tròn bằng ống gióng (đoạn xương giữa đầu gối và cổ chân) thì ai cũng thán phục. Dáng tầm thước, đậm người nên khi cài che bóng, những hậu vệ cao to thường thất thế với ông, không thể tì đè để đoạt bóng trong chân ông. Mỗi lần ông dốc bóng xuống biên là mỗi lần người hâm mộ, và cả các đồng đội hồi hộp dõi theo, chờ ông tung ra những thủ thuật biến ảo bất ngờ để qua người.

271873625-3101969523415502-489878883927778348-n-1642490908.jpg
Trong ảnh 5 người, ông Ba Đặng là người thứ 3 từ phải sang

Lê Văn Đặng thuộc lứa đầu đội Thanh niên Hà Nội. Năm 1966-1967 đội Thanh niên Hà Nội tham gia giải bóng đá miền Bắc. Thời chiến, các đội phải về thi đấu tại Vân Đình – Hà Đông. Tham gia giải khi đấy có các đội mạnh như CAHN, Thể công, Đường sắt, Xi măng Hải Phòng… Giải đấy, dàn cầu thủ trẻ đồng đều Thanh niên Hà Nội đã đoạt ngôi vô địch. Phần thưởng cho đội là chuyến tập huấn bên Hungari cuối năm 1968, tránh xa không khí sực mùi bom đạn ở Việt Nam. Sau chuyến tập huấn, ông Ba Đặng cùng các ông Hai “voi”, Điệp “lùn”, Quang B, Học “ngớ” được CAHN xin đích danh, về bổ sung ngay cho đội hình chính đã cao tuổi của CAHN.

Tại đội bóng CAHN, ông Ba Đặng đã cùng ông Hiển “Coóc” tạo thành một cặp song sát của đội bóng Thủ đô. Ông sinh năm 1947, cùng CAHN đoạt ngôi vô địch miền Bắc năm 1969 và mười lăm năm sau ông lại cùng lứa đàn em ở CAHN đoạt tiếp ngôi vô địch quốc gia năm 1984. Theo ghi chép của bóng đá Việt Nam, chưa cầu thủ nào của Việt Nam đoạt hai ngôi vô địch cách nhau đến 15 năm. Ông Ba Đặng cũng là cầu thủ có “Tuổi thọ sân cỏ” cực cao. Năm 1986 ông mới giải nghệ. Khi đó ông đã 39 tuổi.

271981129-3101969603415494-390252856878467539-n-1642490909.jpg
Ông Ba Đặng đứng thứ 6 (đội mũ) từ trái sang

Lê Văn Đặng là tuyển thủ Thanh niên Việt Nam và tuyển thủ quốc gia, đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen vì những cống hiến cho thể thao Công an Nhân dân. Sau giải nghệ, ông làm HLV đội bóng đá nữ Quảng Ninh và U17 Quốc gia. Trong bóng đá và trên sân cỏ ông dày dạn tinh quái bao nhiêu thì ngoài sân cỏ ông lại chân chất bấy nhiêu. Chân chất đến mức những người ít tiếp xúc với ông đều ngỡ ngàng.  Nhớ hồi trung vệ Văn Hùng đưa đội CAHN sang Thái Lan. Khi về, lúc chờ xe ở khách sạn, anh em đánh bài giết thì giờ. Ông Ba Đặng cũng ngồi chơi. Mải đánh, điếu thuốc lăn ra làm cháy một góc đệm. Vết cháy nhỏ nên xoay tấm ra trải giường che đi thì không ai thấy. Trả phòng khách sạn để ra sân bay. Vào đến sảnh chờ, ông Thọ “gáo” đùa là khách sạn đang truy lùng đoàn khách làm cháy đệm giường để bắt đền khiến ông tưởng thật. Đến lúc máy bay cất cánh, ông mới yên trí sẽ không có sự cố nào xảy ra với mình.

Ông là cầu thủ đẳng cấp, nhưng tiếp xúc với ông, ai cũng thấy ông xuề xòa đến mức khó tin. Ông rất ngại khi nói về mình. Khi Đặng Gia Mẫn và ê kíp ở kênh Bóng đá TV muốn làm phóng sự về ông, ông từ chối. Lúc đó mình phải thuyết phục ông, nói anh nên vì bóng đá CAHN mà giúp họ. Phóng sự đấy đã giúp người hâm mộ bóng đá Việt Nam biết thêm về đội bóng CAHN và tiền đạo Lê Văn Đặng, danh thủ bóng đá Việt năm xưa.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Tiền đạo Lê Văn Đặng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn