Tiền Giang: Cần "đánh thức" tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử - văn hóa

Trọng Đạt

29/05/2021 21:46

Theo dõi trên

Dù Tiền Giang có nhiều di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH), song việc khai thác các di tích này gắn với phát triển du lịch vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, lãng phí tiềm năng văn hóa.

TIỀM NĂNG CHƯA PHÁT HUY ĐÚNG MỨC

tg2-1622299508.jpg
Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp diễn ra nhiều hoạt động thu hút du khách.

Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng với 22 di tích LS-VH cấp Quốc gia (trong đó có 1 di tích LS-VH cấp Quốc gia đặc biệt) và 160 di tích LS-VH cấp tỉnh gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, sự kiện LS-VH đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Thủ Khoa Huân, Lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, Đình Long Hưng, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...

Tiền Giang còn là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương và là quê hương của những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Tủ thờ Gò Công, nón bàng buông, dệt chiếu Long Định… đó là những lợi thế để phát triển du lịch.

 

Để tận dụng lợi thế này, thời gian qua, việc xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh được thực hiện gắn với việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích LS-VH để hình thành các tour du lịch đặc trưng cho địa phương.

Đối với khu vực các huyện phía Tây, tỉnh đã tập trung gắn kết hoạt động du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp kết nối với việc phục hồi chợ nổi Cái Bè, các làng nghề truyền thống, các điểm du lịch miệt vườn cù lao Tân Phong…

Khu vực trung tâm TP. Mỹ Tho, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch thông qua Lễ hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), các khu, điểm du lịch trên cù lao Thới Sơn. Đồng thời, tỉnh còn tập trung khai thác du lịch tại di tích LS-VH như: Rạch Gầm - Xoài Mút; Khu tưởng niệm nhà văn Sơn Nam; chùa Vĩnh Tràng; nhà Bạch công tử, kết hợp với Rạp hát Thầy Năm Tú…

tg1-1622299567.jpg
Chú thích ảnh

 

Nhà Bạch công tử đang được đưa vào khai thác du lịch.

Đối với khu vực các huyện phía Đông, tỉnh định hướng phát triển du lịch biển gắn với các di tích LS-VH, đặc biệt là quần thể Di tích Anh hùng dân tộc Trương Định; trong đó, điểm nhấn là Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định.

Nằm ở trung tâm vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh, TX. Gò Công có nhiều di tích LS-VH, giàu tiềm năng khai thác du lịch.

Hiện thị xã đang quản lý và bảo tồn 3 di tích LS-VH cấp Quốc gia và 12 di tích LS-VH cấp tỉnh. Thời gian qua, thị xã đã được tỉnh đầu tư sửa chữa di tích Đền thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng; hoàn thành, đưa vào sử dụng Nhà lưu niệm ông Đỗ Trình Thoại với kinh phí trên 5 tỷ đồng và Mộ bà Trần Thị Sanh với kinh phí trên 4 tỷ đồng.

Đồng thời, Khu di tích Lăng Hoàng Gia đã được phê duyệt mở rộng, sửa chữa giai đoạn 1 với kinh phí 9,6 tỷ đồng và đang tiến hành thi công.

Dù việc khai thác du lịch từ các di tích LS-VH này được địa phương và ngành VH-TT&DL quan tâm, đẩy mạnh, nhưng vẫn chưa phát huy đúng tiềm năng.

Nhìn vào số kinh phí đầu tư để bảo tồn các di tích VH-LS này, nếu không khai thác hết tiềm năng vào phát triển du lịch thì đây cũng là một dạng lãng phí.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang (Sở VH-TT&DL) Nguyễn Văn Tăng, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích LS-VH và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Hệ thống các di tích LS-VH là tài nguyên để phát triển du lịch và ngược lại. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển du lịch còn rất lớn.

Điều đáng nói, một số di tích, di sản có tính chất, giá trị to lớn, hiện còn giữ được những hiện vật, lễ hội, nghi thức tín ngưỡng gốc…, song chưa được phát huy một cách đúng mức, chưa biến nó trở thành tài nguyên du lịch.

Hiện nay, các tour du lịch có khai thác các di tích LS-VH trên địa bàn tỉnh gồm: Tham quan chùa Vĩnh Tràng - Khu di tích chiến thắng Ấp Bắc, Đình Long Hưng; tham quan Di tích Rạch Gầm -Xoài Mút - cù lao Thới Sơn - miệt vườn Vĩnh Kim; tham quan chợ nổi Cái Bè - Làng cổ Đông Hòa Hiệp - làng nghề truyền thống

Thời gian qua, Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tiền Giang khảo sát để xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với các di tích LS-VH. Lượng khách đến tham quan cũng nhiều, song từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách đến các di tích này giảm rõ rệt.

CẦN ĐẦU TƯ, KHAI THÁC ĐỂ TRÁNH LÃNG PHÍ TIỀM NĂNG

Thực tế cho thấy, hiện các di tích LS-VH trên địa bàn tỉnh còn dư địa rất lớn trong khai thác và phát triển du lịch. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng thành cơ hội cần có sự đầu tư đúng mức và một hướng đi mang tính đột phá nhằm tránh lãng phí

tg3-1622299339.jpg
Chùa Vĩnh Tràng thu hút đông du khách đến tham quan, trong đó có nhiều khách nước ngoài.

Bởi trên thực tế, khi đầu tư để trùng tu, bảo tồn một di sản VH-LS cần nguồn kinh phí lớn. Nếu không khai thác hết tiềm năng thì đây cũng là một dạng lãng phí.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tăng, để khai thác hiệu quả các di tích LS-VH trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến thông qua việc tổ chức nhiều đoàn khảo sát cũng như đón tiếp, mời gọi các đơn vị du lịch lớn của các tỉnh, Saigon Tourist khảo sát và kết nối tour.

Hiện đơn vị đã đưa di tích nhà Bạch công tử vào chương trình du lịch Những nẻo đường phù sa để khai thác. Đây là 1 trong 3 tuyến du lịch nằm trong liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, nghiên cứu kết hợp khai thác du lịch di tích nhà Bạch công tử gắn với những di tích LS-VH khác như: Rạp hát Thầy Năm Tú…

Bên cạnh đó, Trung tâm đã chỉ đạo Phòng Thông tin Xúc tiến du lịch khảo sát, nghiên cứu đề xuất đưa điểm Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (được công nhận là di tích LS-VH cấp tỉnh năm 2016) vào chương trình city tour, một phần nằm trong định hướng phát triển du lịch về đêm theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Đối với khu vực phía Đông, Saigon Tourist cũng đã đưa vào khai thác tour du lịch đi từ cầu Mỹ Lợi đến biển Tân Thành - vườn táo, con đường si rô - nhà Đốc Phủ Hải - Lăng Hoàng Gia.

Và nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến vào khoảng tháng 11-2021, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V nhằm tạo nguồn động lực và điểm nhấn thu hút khách du lịch nội địa đến với Tiền Giang. Đồng thời, tham gia các sự kiện, lễ hội du lịch để góp phần quảng bá và phát huy giá trị của các di tích LS-VH trong phát triển du lịch của tỉnh.

“Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát sớm, dự kiến các di tích LS-VH trên địa tỉnh sẽ đón một lượng khách lớn” - đồng chí Nguyễn Văn Tăng cho biết thêm.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thông qua việc khai thác các di tích LS-VH, lễ hội, làng nghề, trước hết cần quan tâm tìm kiếm nguồn kinh phí từ Trung ương, của tỉnh và nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi đi đến các khu di tích, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình du lịch, trong đó kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích LS-VH, các lễ hội, làng nghề để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh cần nghiên cứu, chọn lọc một số lễ hội văn hóa đặc trưng như: Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp để nâng tầm trở thành lễ hội có tầm cỡ trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó tổ chức khai thác gắn với phát triển du lịch.

Nguồn: baoapbac.vn

Bạn đang đọc bài viết "Tiền Giang: Cần "đánh thức" tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử - văn hóa" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn