Tiến tới kỷ niệm 50 năm sự kiện trao trả tù binh Mỹ tại Việt Nam (Kỳ cuối): CHUYỆN HƯ THỰC VỀ “ĐẠI TÁ TOON” – PHI CÔNG HUYỀN THOẠI CỦA VIỆT NAM VÀ NHỮNG CHIẾC MIG SÁT THỦ MÁY BAY MỸ

Một tài liệu chúng tôi sưu tầm được cho biết: Mỗi lần bay ra miền Bắc, đối đầu với các phi công chiến đấu Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh với phi công Mỹ. Một trong số đó, được giới phi công Mỹ truyền tai nhau là phi công huyền thoại “Đại tá Toon” – một phi công đạt đẳng cấp “Át” (diệt từ 5 máy bay đối phương trở lên).

Huyền thoại “Đại tá Toon” ra đời như thế nào? Trong thời gian diễn ra những cuộc đối đầu giữa Không quân Nhân dân Việt Nam và các phi công của Hải quân Hoa Kỳ, các phi công Mỹ thường xuyên ghi nhận hình ảnh chiếc máy bay MiG-17 mang số hiệu 3020, cũng như chiếc MiG-21 mang số hiệu 4326, với ký hiệu 13 ngôi sao đỏ trên mũi, biểu hiện cho việc đã bắn hạ 13 máy bay của đối phương.

Các phi công Mỹ cho rằng những chiếc máy bay đó do một phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam điều khiển. Trong những lần bắt được tín hiệu liên lạc trao đổi giữa mặt đất hoặc giữa các phi công với nhau, họ thường xuyên nghe thấy từ "Toon" hoặc "Tomb" thường xuyên được lặp đi lặp lại. Họ cho rằng đấy là tên của người phi công huyền thoại. Từ đó huyền thoại về người phi công siêu cấp có biệt danh là "Toon" ra đời.

chdvh1q-1642134305.jpg
Từ trái qua: Cựu phi công MIG-21 Nguyễn Hồng Mỹ, cựu phi công MIG-21 Vũ Đình Rạng (Phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi B-52 được phía Mỹ thừa nhận); Anh hùng LLVTND cựu phi công MIG-17 Lưu Huy Chao; Nhà văn Đặng Vương Hưng; Anh hùng LLVTND cựu phi công MIG-17 Nguyễn Văn Bảy; Trung tướng, Giáo sư Steve Ritchie, cựu Phi công F-4, một trong 2 "Át" nổi tiếng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. (Ảnh chụp tại Bảo tàng PKKQ, tháng 12/2009). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Sự ám ảnh của các phi công Mỹ đối với "Toon" suốt từ năm 1967 đến 1972. Trong những cuộc trao đổi với nhau, họ liên tục thêm thắt vào cái tên huyền thoại này. "Toon" được "phong" cấp bậc "Đại tá", thậm chí gán cho cái họ "Nguyễn" rất đặc thù Việt Nam. Một số tài liệu còn ghi rõ tên Việt của ông là "Nguyễn Tuân". Những lời đồn đại này đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của các phi công Mỹ, dẫn đến việc vội vã ném bom khi chưa đến mục tiêu, hoặc lảng tránh không chiến khi thấy MiG xuất hiện.

Mãi đến ngày 10 tháng 5 năm 1972, chiếc MiG-17 mang số hiệu 3020 đã bị chiếc F-4 Phantom II của Hải quân Hoa Kỳ do Đại úy Randy "Duke" Cunningham (phi công) và Trung úy William "Irish" Driscoll (hoa tiêu) bắn hạ. Từ đó, huyền thoại về "Đại tá Toon" trong các phi công Hải quân Mỹ mới kết thúc.

Một số người cho rằng đây là phi công Đinh Tôn hoặc Phạm Tuân, là những phi công có tên gọi gần âm với "Toon". Tuy nhiên, đây lại là những phi công được huấn luyện chuyên cho tập kích B-52 chứ không thiên về không chiến, do đó số máy bay bắn hạ được của họ cũng chưa đủ để xếp vào nhóm "Át".

chuydvh2-1642134553.jpg
Nhà văn Đặng Vương Hưng tặng sách cho ông Joseph Kernan, cựu Thống đốc bang Indiana - một trong những tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. (Ảnh chụp tại Hà Nội, năm 2010). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thông thường, các phi công Mỹ chỉ điều khiển riêng một máy bay, trừ trường hợp máy bay bị bắn hạ hoặc bị hỏng thì họ mới chuyển sang điều khiển máy bay khác. Ngược lại, do số lượng máy bay rất ít, các phi công Việt Nam thường thay phiên nhau sử dụng chung máy bay để chiến đấu. Hầu hết các máy bay có số lần bắn hạ đối phương cao đều là chiến công của nhiều phi công khác nhau điều khiển nó. Điều này dẫn đến sự ngộ nhận của phi công Hải quân Mỹ để hình thành nên "Đại tá Toon".

Số lượng phi công đạt danh hiệu “Át” Việt Nam cao hơn Mỹ

Theo một số nhà nghiên cứu, cái tên "Toon" hoặc "Tomb" không hẳn là một cái tên Việt Nam. Họ cho rằng đấy có thể chỉ là một tín hiệu nhiễu vô tuyến thường xuyên xuất hiện, do được lặp đi lặp lại nhiều lần nên các phi công Mỹ bị nhầm lẫn đấy là tên của người phi công. Trên thực tế, trong trao đổi liên lạc giữa mặt đất và các phi công Việt Nam không bao giờ sử dụng tên thật mà chỉ sử dụng các bí danh để chỉ phi đội hoặc các vị trí máy bay.

chuydvh3q-1642134704.jpg
Đoàn của ông Joseph Kernan, cựu Thống đốc bang Indiana Mỹ (áo trắng hàng đầu) tới thăm Fafim Việt Nam, nơi ông từng là tù binh Phi công (1972-1973). Hàng đầu, từ trái qua: Đại tá Trần Trọng Duyệt (cựu Trại trưởng tù binh phi công Mỹ); người đứng cuối là Nhà văn Đặng Vương Hưng. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Mãi sau chiến tranh, một số thông tin được phía Việt Nam công bố. Theo đó, chiếc máy bay MiG-17F mang số hiệu 3020, là thuộc trung đoàn 923 Yên Thế. Chiếc máy bay này có màu sơn xanh loang lổ, được các phi công Mỹ thường gọi là Green Snake theo màu sơn của những chiếc máy bay cùng loại. Chiếc máy bay này được nhiều phi công đã thay phiên nhau điều khiển nó và họ đã bắn hạ ít nhất 8 máy bay đối phương bằng chính chiếc máy bay này. Hai trong số các phi công đó được xác định là Nguyễn Văn Bảy (có biệt danh là Bảy A) và Lê Hải. Cả hai đều là phi công xếp hạng “Át”: Nguyễn Văn Bảy được xác nhận bắn hạ 7 máy bay đối phương, Lê Hải bắn hạ 6. Cả hai người về sau đều được phong Anh hùng, đều còn sống đến sau chiến tranh và đều được phong cấp Đại tá. Còn người phi công đã bị Randy "Duke" Cunningham và William "Irish" Driscoll bắn hạ thì không có thông tin nào được công bố.

Riêng về chiếc MiG-21PF mang số hiệu 4326, hiện được trưng bài tại Bảo tàng Phòng Không – Không quân, sân bay Bạch Mai, Hà Nội, từng thuộc trung đoàn 921 Sao Đỏ. Chiếc máy bay này cũng được xác nhận là do nhiều phi công luân phiên sử dụng và đã từng hạ được 13 máy bay đối phương. Về sau, trong đó có 6 phi công từng điều khiển máy bay nay được phong Anh hùng, trong đó có cả có phi công Nguyễn Văn Cốc được xác nhận là bắn hạ 9 chiếc đối phương (Mỹ thừa nhận 7), cao nhất Không quân Việt Nam.

Tuy nhiên, kỷ lục của Không quân Nhân dân Việt Nam lại thuộc về chiếc MiG-21 PF số hiệu 4324 thuộc đoàn 921, được sử dụng bởi 12 phi công khác nhau, từng cất cánh chiến đấu 69 lần, tiếp chiến 22 lần, khai hỏa 25 quả tên lửa đối không, bắn hạ 14 máy bay Mỹ trong khoảng thời gian tháng 11/1967 đến tháng 5/1968. Đây là chiếc máy bay "may mắn" vì không chỉ có số lượng máy bay do nó bắn hạ cao nhất (14 chiếc) mà 3/4 phi công điều khiển đều từng bắn hạ đối phương. Trong số 12 phi công đã từng điều khiển máy bay này, có 9 người đã bắn hạ máy bay đối phương, 8 phi công đạt đẳng cấp “Át”, 7 người được tuyên dương anh hùng, 5 người trở thành tướng lĩnh. Hiện nay máy bay này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội.

Sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, một số cựu phi công Mỹ sang thăm Việt Nam để tìm hiểu và đã xác nhận “Đại tá Toon” chỉ là một nhân vật tưởng tượng của các phi công Mỹ và thường xuyên được họ đưa ra làm đề tài chuyện phiếm. Như là một thiện ý của các phi công Mỹ, “Đại tá Toon” là một sự tổng hợp của các phi công giỏi của Việt Nam.

Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa Không quân Nhân dân Việt Nam và Không quân Mỹ là quá khập khiễng cả về trang bị, số lượng, kinh nghiệm trận mạc. Tuy nhiên, điều đáng nói là lực lượng không quân non trẻ với những phi công chỉ có vài trăm giờ bay ít ỏi lại giành được những chiến công hiển hách trước Không quân Mỹ. Có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu “Át” (các phi công có số lần bắn rơi máy bay đối phương từ con số 5 trở lên), trong đó có 13 phi công lái MiG-21 và 3 phi công lái MiG-17. Trái lại, lượng phi công Mỹ đạt danh hiệu “Át” chỉ có 2 người.

Vậy thì tại sao các phi công Việt Nam lại ghi được nhiều bàn thắng hơn các phi công Mỹ? Có lẽ lý do đầu tiên là số lượng. Trong năm 1965, Không quân Việt Nam chỉ có 36 chiếc MiG-17 với một số lượng tương đương phi công, thì đến 1968 họ đã có tới 180 chiếc MiG và 72 phi công. Sáu “tiểu đội” phi công dũng cảm này phải đối mặt với 200 chiếc F-4 của các phi đoàn 8, 35 và 366; khoảng 140 chiếc Thần sấm F-105 của các phi đoàn 355 và 388 của Không lực Hoa Kỳ và khoảng 100 chiếc của Hải quân Hoa Kỳ (F-8, A-4 và F-4) từ tàu sân bay trực chiến trong Vịnh Bắc Bộ, kiêm cả các nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động không kích (EB-6B – gây nhiễu; trực thăng HH-53 – cứu phi công nhảy dù; “Skyraider” yểm hộ hai loại trên).

Như vậy, phi công Việt Nam rõ ràng là “bận rộn” hơn đối thủ, và đồng thời họ dễ dàng tìm được mục tiêu để diệt hơn, và quan trọng là họ chiến đấu với tinh thần “chiến đấu đến khi hy sinh”. Họ không cần phải về nhà, vì đây đã là nhà của họ rồi – Tổ quốc. Phi công Mỹ cứ sau 100 chuyến xuất kích lại được về thăm nhà, ngoài ra còn được về để huấn luyện, để nhận lệnh hoặc trăm thứ việc linh tinh khác. Khi quay lại, không phải ai cũng sẵn sàng chiến đấu.

Từ khi Mỹ bắt đầu chương trình phát triển tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow và tên lửa không đối không tầm ngắn đầu tự dẫn hồng ngoại AIM-9 Sidewinder vào đầu những năm 1960, các nhà thiết kế Mỹ đã vội vàng cho rằng, các cuộc không chiến tầm gần (dogfight) sẽ lùi vào dĩ vãng. Ở đó, tên lửa tầm xa chính là vũ khí sẽ kết liễu đối phương mà không cần đến các cuộc không chiến ở cự ly gần. Các máy bay chiến đấu được thiết kế giai đoạn đầu những năm 1960 như F-4 Phantom, F-105 Thunderchief không hề được trang bị pháo. Tuy nhiên, đây chính là sai lầm chết người mà Mỹ phải trả giá đắt tại chiến trường Việt Nam. Những chiếc máy bay cường kích F-105, dù có tốc độ siêu âm nhưng vẫn trở thành miếng mồi ngon cho các tiêm kích nhanh nhẹn của Không quân Việt Nam như MiG-17 và MiG-21.

SO SÁNH CÁC “ÁT” PHI CÔNG MỸ VÀ “ÁT” PHI CÔNG VIỆT NAM: AI GIỎI HƠN AI?

Trang website acepilots.com đã thống kê cụ thể danh sách 16 Phi công Việt Nam được họ vinh danh là “Át” (bắn rơi từ 5 máy bay đối ph trở lên) trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam (trong đó, 13 người là Phi công MiG-21, 3 người là Phi công MiG-17 và không có “Át” của MiG-19): Nguyễn Văn Cốc (9 chiếc), Nguyễn Hồng Nhị (8 chiếc), Phạm Thanh Ngân (8 chiếc), Mai Văn Cương (8 chiếc), Đặng Ngọc Ngự (7 chiếc), Nguyễn Văn Bảy (7 chiếc), Nguyễn Đức Soát (6 chiếc), Nguyễn Ngọc Độ (6 chiếc), Nguyễn Nhật Chiêu (6 chiếc), Vũ Ngọc Đỉnh (6 chiếc), Lê Thanh Đạo (6 chiếc), Nguyễn Đăng Kính (6 chiếc), Nguyễn Tiến Sâm (6 chiếc), Lê Hải (6 chiếc), Lưu Huy Chao (6 chiếc) và Nguyễn Văn Nghĩa (5 chiếc).

Còn trang website clbmohinh.com đã có một bài viết với những thông tin thú vị, so sánh giữa Phi công Mỹ và Phi công Việt Nam như sau:

Trong chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ chỉ có hai Phi công trở thành “Át”, là Randy "Duke" Cunningham (thuộc lực lượng Hải quân) và Steve Ritchie thuộc lực lượng Không quân (người viết cuốn “Phi công Mỹ ở Việt Nam” đã có may mắn được gặp trực tiếp, ăn sáng, cà phê và trò chuyện với “Át” này và sẽ giới thiệu kỹ ở phần sau); còn Việt Nam có đến 16 Phi công đạt được danh hiệu tự hào ấy. Trong đó, Nguyễn Văn Cốc là “Át chủ bài” dẫn đầu của nhóm các Phi công này, với thành tích bắn rơi 9 máy bay Mỹ (7 máy bay chiến đấu và 2 chiếc “xe trên trời không người lái” Firebees). Trong số 7 chiếc của ông, có 6 chiếc được phía Mỹ chính thức xác nhận, còn chiếc thứ 7 là F-102A của Phi công Mỹ Wallace Wiggins (đã chết) bị bắn hạ ngày 3 tháng 2 năm 1968, được kiểm tra chính xác bởi Không quân Việt Nam. Bỏ qua hai chiếc không người lái “ngớ ngẩn”, thì Nguyễn Văn Cốc vẫn là Phi công “đỉnh” nhất, đáng để các Phi công Mỹ phải kính nể.

Vậy thì tại sao các Phi công Việt Nam lại ghi được nhiều “bàn thắng” hơn các Phi công Mỹ?

Có lẽ lý do đầu tiên là số lượng: Trong năm 1965, Không quân Việt Nam chỉ có 36 chiếc MiG-17 với một số lượng tương đương Phi công, thì đến 1968 họ đã có tới 180 chiếc MiG và 72 Phi công. Sáu “tiểu đội” Phi công dũng cảm này phải đối mặt với 200 chiếc F-4 của các phi đoàn 8, 35 và 366; khoảng 140 chiếc Thần sấm F-105 của các phi đoàn 355 và 388 của Không lực Hoa Kỳ và khoảng 100 chiếc của Hải quân Hoa Kỳ (F-8, A-4 và F-4) từ tàu sân bay “Yankee Station” trực chiến trong Vịnh Bắc Bộ, kiêm cả các nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động không kích (EB-6B- gây nhiễu; HH-53 - cứu Phi công nhảy dù; “Skyraider” yểm hộ hai loại trên).

Như vậy, Phi công Việt Nam rõ ràng là “bận rộn” hơn đối thủ, và đồng thời họ dễ dàng tìm được mục tiêu để diệt hơn. Và quan trọng là họ chiến đấu với tinh thần “không sợ hy sinh”. Họ không cần phải về nhà, vì đây đã là nhà của họ rồi - bầu trời Tổ quốc. Phi công Mỹ cứ sau 100 chuyến xuất kích lại được về thăm nhà, ngoài ra còn được về để huấn luyện, để nhận lệnh làm công việc khác. Khi quay lại, không phải ai cũng sẵn sàng chiến đấu ngay.

Trong không chiến, người Việt Nam đã dẫn các máy bay tiêm kích đánh chặn của họ một cách tài tình với chiến thuật “du kích”, mai phục trên bầu trời. Những chiếc MiG nhanh như cắt và bất ngờ tấn công vào đội hình không quân Hoa Kỳ từ nhiều hướng khác nhau (thông thường, MiG-17 đánh vỗ mặt, MiG-21 đánh từ phía sau). Sau khi bắn rơi một vài chiếc trong đội hình máy bay Mỹ, buộc những chiếc cường kích F-105 phải hấp tấp ném bom trước khi đến mục tiêu, không chờ đợi sự phản ứng của đối phương, các máy bay MiG biến mất. Chiến thuật “không chiến du kích” của Không quân Việt Nam đã rất thành công. Chiến thuật này nhiều khi lại được sự hậu thuẫn của chính những thói quen thủ cựu đến kỳ quặc của không lực Hoa Kỳ. Ví dụ, vào cuối năm 1966, đội hình tấn công của F-105 đã bay hàng ngày ở một giờ cố định, trên một đường bay cố định và dùng những mật hiệu gọi nhau trong khi bay không thay đổi, lặp đi lặp lại trong rađiô. Các chỉ huy Không quân Bắc Việt Nam đã không bỏ lỡ cơ hội: Vào tháng Chạp năm 1966, các Phi công MiG-21 của Trung đoàn 921 đã chặn được tụi Thần sấm trước khi họ gặp được các tốp F-4 hộ tống, bắn rơi tới 14 chiếc F-105 của Mỹ mà chẳng mất chiếc MiG nào. Đợt chiến đấu này kết thúc vào ngày 2 tháng Giêng năm 1967 khi Đại tá Robin Olds tiến hành chiến dịch “Bolo”.

Giữa thập kỷ 1960, các Phi công Mỹ được tập trung huấn luyện sử dụng tên lửa không đối không (như các loại AIM-7 Sparrow (dẫn đường bằng rađa) và loại AIM-9 (dẫn đường bằng hồng ngoại) để giành chiến thắng trong không chiến. Tuy nhiên, họ đã “quên” rằng người Phi công ngồi trong khoang lái quan trọng hơn vũ khí họ sử dụng rất nhiều. Còn Phi công Việt Nam lại rất biết điều đó, họ được huấn luyện khai thác tính năng thế mạnh của những chiếc MiG: nhanh nhẹn, cơ động, sử dụng lối đánh gần, khi mà những chiếc “Con ma” và “Thần sấm” hoàn toàn bất lực. Chỉ cho đến năm 1972, khi chương trình “Top Gun” cải thiện kỹ năng không chiến của các Phi công Mỹ trong Hải quân Hoa Kỳ như Randall Cunningham, và sự xuất hiện của chiếc F-4E tích hợp khẩu ca-nông 20mm “Núi lửa” (Vulcan) thì tình hình mới được cải thiện đôi chút.

Cuối cùng, với mật độ đông đúc máy bay Mỹ trên bầu trời, với cái nhìn của các Phi công Việt Nam thì đó là một “chiến trường giàu mục tiêu”. Còn với các Phi công Mỹ thì Việt Nam là một “mảnh đất nghèo đói”. Các Phi công Mỹ không có đủ mục tiêu để có thể “san bằng tỷ số”. Bởi vì làm gì có chiếc MiG nào ở xung quanh mà tiêu diệt! Thời đó, Không quân Việt Nam chưa bao giờ có quá 200 chiếc máy bay chiến đấu.

Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra nhiều “Át” Việt Nam hơn là “Át” Hoa Kỳ, và tạo điều kiện cho các Phi công “Át” Việt Nam “ghi được nhiều bàn thắng” hơn các đối thủ Mỹ trong các cuộc không chiến trên bầu trời.

*

Tháng 12 năm 2009, một trong hai “Át” Phi công của Mỹ và cũng là “Át” đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, đã sang thăm Hà Nội bằng con đường du lịch. Đó là Trung tướng, Giáo sư Steve Ritchie, cựu Phi công F-4 trong chiến tranh Việt Nam. Trong những ngày Steve Ritchie lưu lại Hà Nội, người viết cuốn sách này đã có may mắn được tiếp xúc, trò chuyện, cùng ăn sáng và uống cà phê với ông.

Tướng Steve Ritchie sinh ngày 25 tháng 6 năm 1942 tại Reidsville, Bắc Carolina. Tốt nghiệp Học viện Không quân Hoa Kỳ, Steve Ritchie từng là Phi công lái máy bay F-104, sau đó chuyển sang lái máy bay tiêm kích F-4 Phantom II. Năm 1969, ở tuổi 26, ông là một trong những Phi công trẻ nhất của Mỹ lái loại máy bay này. Steve Ritchie từng làm nhiệm vụ tại Căn cứ Không quân Đà Nẵng (Việt Nam), là một Phi công có kỹ thuật bay điêu luyện nhất, ông đã thực hiện 195 phi vụ thành công. Những năm 1970 - 1972, ông tham gia giảng dạy và hướng dẫn bay chiến đấu cho các Phi công tiêm kích chiến thuật ở Mỹ. Sau đó, ông lại được điều sang chiến trường Việt Nam… Steve Ritchie đã trở thành Phi công “Át” đầu tiên của Không quân Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Ông được người Mỹ coi là một trong những Phi công chiến đấu giỏi nhất nước Mỹ. Steve Ritchie còn được Lầu Năm Góc tiến cử làm Phụ tá của Tổng thống Mỹ về vấn đề Không quân…

Với dáng người nhỏ nhắn, tầm thước và da trắng, Tướng Steve Ritchie trông giống một nhà nghiên cứu xã hội học hơn là một cựu Phi công nhà nghề. Ông chưa biết nhiều về đời sống xã hội miền Bắc Việt Nam, nên trước khi đến Hà Nội, ông vẫn còn lo bị “phân biệt đối xử” như những “đối thủ” một thời. Do vậy, ông tỏ ra ngạc nhiên khi thấy những người dân Hà Nội rất thân thiện và mến khách. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy các khách sạn, cửa hiệu ở Hà Nội cũng trang trí cây thông và ông già noel để đón Giáng sinh như Mỹ vậy. Steve Ritchie rất thích số 5, cứ đề nghị chúng tôi gọi ông bằng cái tên Việt Nam thân mật là “Anh Năm”.

Ngày 19 tháng 12 năm 2009, chúng tôi đã mời “Anh Năm” Steve Ritchie tới Bảo tàng Phòng không- Không quân để tham dự buổi giới thiệu cuốn sách “Chúng tôi và MiG-17” của một “Át” Việt Nam là Lưu Huy Chao.

Steve Ritchie là một nhân vật đặc biệt, là “trung tâm thu hút các phóng viên” trong buổi giới thiệu sách. Sự xuất hiện của ông đã nói được thật nhiều điều. Bởi ông không chỉ là một vị tướng, Giáo sư Không quân có tầm cỡ thế giới, mà quan trọng là gần 40 năm trước, Steve Ritchie là Phi công lái F-4 (loại máy bay hiện đại bậc nhất của Mỹ hồi đó, được mệnh danh là “Con Ma”; đối thủ của các loại MiG-17, MiG-21 của chúng ta). Hơn thế, ông là một Phi công lão luyện vào bậc nhất của không quân Mỹ, với hàng ngàn giờ bay, thoát hiểm và là một trong hai “Át” hiếm hoi của Không quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Tại buổi giới thiệu sách, Tướng Steve Ritchie đã được mời phát biểu với tư cách là Cựu Phi công F-4. Ông tỏ ra rất xúc động khi bất ngờ được gặp mặt các “Át” Việt Nam bằng xương bằng thịt: Lưu Huy Chao, Nguyễn Văn Bảy - những đối thủ đáng gờm của Phi công Mỹ một thời.

Khi ba “Át” Lưu Huy Chao, Nguyễn Văn Bảy và Steve Ritchie gặp gỡ bắt tay, họ đều nói ra một ý giống nhau: Bây giờ chúng ta là bạn, nhưng gần 40 năm trước, nếu gặp nhau trên bầu trời, chưa biết ai sẽ bắn rơi ai trước! Khiến tất cả cùng cười vang...

(Hết)

Đ.V.H

_________

Với đề tài độc đáo, tư liệu phong phú và cách viết hấp dẫn, “Phi công Mỹ ở Việt Nam” là một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất của Nhà văn Đặng Vương Hưng. Nếu bạn muốn sở hữu, hoặc làm quà tặng cho người thân, chỉ cần để lại tin nhắn, hoặc ĐT- Zalo: 0913 210 520, bản sách có lưu bút và chữ ký mực tươi của Nhà văn sẽ được chuyển phát theo đường bưu điện đến tận địa chỉ nhà riêng của người nhận. Giá lẻ: 200.000 đ/cuốn (kể cả cước phí).

Theo Trái tim người lính