Mỗi làng quê, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học…đều có một chiếc kẻng để gõ làm hiệu lệnh. Kẻng thì phải bằng sắt, thường là một tấm sắt dày khoảng 1-2 cm, dài khoảng 40 cm, rộng khoảng 30 cm. Kẻng được buộc dây thép, treo trên cành cây hoặc có xà treo bằng sắt. Dùi để gõ kẻng cũng bằng sắt, nếu dùng búa sắt để gõ thì tiếng kẻng sẽ to và đanh hơn.
Có một loại kẻng đặc biệt, mà người nước ngoài đến Việt Nam phải kinh ngạc, đó là chiếc kẻng làm bằng vỏ quả bom nổ chậm, đã được tháo ngòi nổ, lấy hết thuốc nổ trong ruột.
Thời chiến tranh chống Mỹ, quê tôi nằm ở giữa hai cây cầu Phú Lương và Lai Vu, nối tuyến đường sắt, đường bộ Hà Nội - Hải Phòng. Đây là hai trọng điểm ném bom, vào những năm đế quốc Mỹ đánh phá Miền Bắc. Bom do máy bay Mỹ ném xuống nổ, làm gãy sập cầu. Nhưng cũng có nhiều quả bom chưa nổ (bom nổ chậm), được bộ đội và dân quân du kích tháo ngòi nổ, lấy hết thuốc nổ trong ruột, vô hiệu hoá quả bom.
Vỏ quả bom được bà con xã viên khiêng về làm kẻng. Chiếc kẻng này treo ở giữa làng, mỗi lần gõ kẻng, tiếng kêu của nó trầm bổng, vang xa cả một vùng rộng lớn.
Tiếng kẻng này đã thôi thúc bao thế hệ thanh niên quê tôi lên đường tòng quân, đánh giặc. Là mệnh lệnh để toàn dân đồng sức, đồng lòng bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp.
Ngày nay không còn làng quê nào sử dụng kẻng, để làm hiệu lệnh nữa. Tiếng kẻng chỉ còn ngân vang trong các đơn vị Quân đội, Công an để duy trì điều lệnh.
Với tôi tiếng kẻng ngân vang năm xưa vẫn là một ký ức đẹp, không thể nào quên.
HD-21/8/22-NH
N.H
Trái tim người lính