Lê Hồng Thiện là nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi, với 11 tập thơ thiếu nhi đã ra mắt bạn đọc. Thơ anh được các bạn trẻ, đồng nghiệp, bạn bè, những nhà chuyên môn yêu thích, ghi nhận và đánh giá cao bởi những đóng góp của nhà thơ cho văn học thiếu nhi nước nhà.
Tóc dài ơi là tập thơ thứ 12 trong hành trình sáng tạo thơ của Lê Hồng Thiện và điều khác biệt với 11 tập trước, anh chuyển hướng từ thơ thiếu nhi sang thơ tình. Ngay lời đề từ mở đầu thi tập như một sự khai mở đầy ám gợi về tình yêu nồng nhiệt, da diết và cả nhật ký hành trình cuộc đời mà nhà thơ đã, đang và sẽ đi qua.
Tóc dài buông xuống gót chân/ Tôi buông lục bát... không vần tặng em (Đề từ 1).
Lật trang nhật ký tuổi thơ/ Những dòng chữ đã bụi mờ thời gian/ Chữ mờ trên giấy nhạt vàng/ Nhặt từng kỷ niệm ngỡ ngàng ngày xưa (Đề từ 2).
Trong Tóc dài ơi, ngoài lời đề từ, còn có 80 bài thơ được Lê Hồng Thiện viết bằng tất cả tình cảm, cảm xúc của một người có tâm hồn nhạy cảm, dào dạt yêu thương. Ở đó, thể hiện rõ tình cảm sâu nặng với quê hương, bản quán, với những nơi nhà thơ từng gắn bó, từng đi qua và với những người thân yêu, ruột thịt. Nhưng sâu lắng và xuyên suốt nhất vẫn là “em” của những ngày xa ngái, “em” của hôm qua và “em” luôn hiện diện trong tâm cảm của “anh” hôm nay.
Với nhà thơ Lê Hồng Thiện, dù thời gian có trôi đi, tuổi già có ập đến, mái tóc trên đầu chớm bạc, dung nhan thay đổi... nhưng tình yêu dành cho em vẫn vẹn nguyên, không đổi thay theo tháng năm. Tình yêu đó vẫn đẹp, vẫn sôi nổi, vẫn mộng mơ, vẫn hồn nhiên, trong trẻo, vẫn đắm say như thuở ban đầu...
Tuổi cao niên - vẫn hoa niên/ Cứ tung tẩy cứ hồn nhiên với đời/ Cứ như Kim Trọng tái hồi/ Cỗi cằn cây lại bật chồi nở hoa/ Em tha thiết, anh thiết tha/ Thiết tha, tha thiết như là ngày xưa/ Em mơ mộng, anh mộng mơ/ Mơ mơ mộng mộng bây giờ còn say/ Tóc xanh, tóc trắng quện bay/ Cuối đời ta lại dắt tay vào đời (Yêu... U70).
Nhà thơ đã đi qua tuổi thanh xuân sôi nổi, nhiều mộng mơ. Giờ đây, tình yêu ấy lại càng nồng nàn, da diết hơn. Hai ta cùng tuổi bảy nhăm/ Chung một nong tằm nhả kén giăng tơ/ Hai ta chung một bài thơ/ Câu ĐỢI anh viết, câu CHỜ... chờ em (Hai ta).
Không chỉ trong tình yêu mà cả trong thế sự nhà thơ luôn nghiền ngẫm, suy tư, trăn trở. Trong bài Tổ quốc ở Trường Sa, nhà thơ Lê Hồng Thiện lại có những nỗi day dứt về chủ quyền lãnh thổ, về lịch sử cha ông và ý thức trách nhiệm của một công dân trước vận mệnh của đất nước. Bởi nhà thơ đã hiểu sâu sắc sự hy sinh của biết bao thế hệ để có cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa cho đến hôm nay.
Cột mốc khổng lồ hiên ngang cùng bão tố/ Lá cờ đỏ tung bay cánh sao vàng/ Sừng sững soi mặt biển hiên ngang./ Trường Sa ơi! Trường Sa!// Một dấu chấm nhỏ trên bản đồ Tổ quốc/ Không chỉ 90 triệu dân ta/ Mà cả thế giới quen tên, biết tiếng/ Đất và nước nơi đây của cha ông để lại/ .../ Như anh và em đã thuộc trên bản đồ chữ S/ Cha ông để lại cho ta, ta gìn giữ lấy/ Một tấc không rời, một ly không để mất/ Sự thật mãi mãi là sự thật/ Chân lý này tồn tại mãi với Trường Sa!
Bằng vốn sống và những trải nghiệm của đời mình, Lê Hồng Thiện đã có những tổng kết rất ý nghĩa. Chẳng hạn: khi nói về tuổi đời và tuổi thơ, anh khẳng khái cho rằng: Tóc bạc, thơ không bạc/ Bởi lòng còn sức xuân/ Lời hay và ý đẹp/ Cốt ở tài, ở tâm.
Đôi lúc, Lê Hồng Thiện cũng tỏ ra hóm hỉnh, tự trào. Trong bài Chợ làng và nàng thơ, người đọc sẽ nhận ra nhiều điều về thực trạng thơ ca nước nhà thời hiện đại, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Có người còn buồn bã và thốt lên: thơ đang ở tình trạng “lạm phát”. Chợ làng đủ thứ trên đời/ Tôi tìm chẳng thấy ai ngồi bán thơ./ Thơ in ngàn bản dăm bồ/ Mà đâu thấy bán ngẩn ngơ đi tìm./ Tìm thơ như thể tìm chim/ In ấn nhiều thế mà nhìn thấy đâu?/ Tìm thơ gặp cô hàng rau/ Tôi về viết được mấy câu thơ tình./ Viết xong lại bán cho mình/ Có người đến ngõ rập rình hỏi mua/ Cái cô bán rau hôm xưa/ Mua thơ mà mắt đong đưa liếc hoài./ Ô hay? Người ấy nhìn tôi/ Thơ không yêu, chỉ yêu người làm thơ!
Mảnh đất quê hương chính là ngọn nguồn nuôi dưỡng, tưới tắm, chở che... để chính từ nơi này, nhà thơ đã khôn lớn, trưởng thành. Vì thế, trong thơ Lê Hồng Thiện, đất mẹ Hưng Yên được anh dành những tình cảm thân thương, đặc biệt nhất. Nhắc đến Hưng Yên, không thể nào quên đặc sản nhãn lồng, hình ảnh Phố Hiến, chuyện tình Đồng Tử - Tiên Dung... và còn nhiều địa danh của Hưng Yên được nhà thơ nhắc đến trong các câu thơ, bài thơ của mình. Vùng đất thiêng, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa đã vun bồi, hun đúc tạo nên những nét đẹp riêng, hiếm nơi nào có được. Anh ơi anh có về Hưng Yên?/ Em gửi quà gì cho người thân Phố Hiến?/ Quê hương mà ta yêu mến/ Bao năm xa rồi nay vẫn nhớ triền miên/ Mai anh về Hưng Yên/ Hôn thay em lá rũ bên hồ Bán Nguyệt/ Và ngắt cho em một nhành lộc nhãn trong công viên/ Nơi ấy - em yêu anh đầu tiên/ Qua Xích Đằng, anh nhớ vào Văn Miếu/ Thắp nén hương kính cẩn người xưa/ Để chúng mình thành đạt đến bây giờ... (Anh có về Hưng Yên?).
Tha thiết gắn bó với quê hương nên những kỷ niệm của thời đã qua đã ăn sâu vào tâm khảm, vào huyết mạch. Vì thế, mỗi sự đổi thay của đất và người quê hương đều làm cho nhà thơ Lê Hồng Thiện không khỏi bùi ngùi, tiếc nhớ; bởi Lê Hồng Thiện luôn muốn níu kéo, giữ lại cái hồn làng, cái bản sắc văn hóa tốt đẹp vốn có. Dẫu biết công nghiệp hóa, hiện đại hóa là điều đáng mừng; những khởi sắc ở quê hương là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ. Nhưng đằng sau đó là cả những nét văn hóa cổ truyền, hình ảnh đẹp của quá khứ bị mai một, thậm chí bị xóa sổ.
Về làng ngỡ ngỡ ngàng ngàng/ Nhà tầng lớp lớp dọc ngang phố dài/ Vẫn còn sóng sánh giếng khơi/ Cây đa bến cũ là nơi đi về/ Giá đừng thay đổi tên quê/ Có kim, có cổ trọn bề thì hơn!/ Còn trời, còn nước, còn non/ Còn ao rau muống, vẫn còn cây đa./ Về làng cứ ngỡ phố xa... Làng gần cho chí làng xa/ Ước gì lên phố... nếp xưa vẫn còn (Làng lên phố).
Tìm đâu một mái nhà tranh/ Tìm đâu giếng nước trong lành ngày xưa?/ Tìm đâu mẹ cấy cha bừa?/ Lưng còng cõng nắng, cõng mưa trên đồng... (Tìm đâu).
Để rồi Lê Hồng Thiện phải tự vấn chính mình, trấn an chính mình và tự trả lời cho câu hỏi ấy: Tìm đâu ngày ấy xa xôi?/ Trở về ký ức, tìm tôi tôi tìm... Đây là cuộc kiếm tìm trong tâm tưởng, trong nỗi dằn vặt, thao thức và sẽ theo suốt trên mỗi bước đường anh đi.
Không chỉ mảnh đất Hưng Yên mà cả những nơi Lê Hồng Thiện đã đi qua, cũng được anh nhắc đến. Ở mỗi vùng đất đều gắn liền với những nét văn hóa và cả những câu chuyện về tình yêu và cuộc sống. Chẳng hạn, khi đến Huế, cảm xúc lại dâng trào: Cùng em thăm núi Ngự Bình/ Qua chùa Thiên Mụ, cổng thành đế đô/ Lại vào thôn Vỹ mộng mơ/ Viếng lăng Tự Đức đọc thơ bồi hồi.../ Nhấp nhô bóng núi xa xa/ Sông Hương một dải luột là lụa xanh... (Huế thương).
Lê Hồng Thiện vốn là người đa cảm, với anh trên hành trình cuộc đời mình, mỗi bước anh đi, mỗi việc anh làm, mỗi nơi anh đến đều được anh ghi lại như nhật ký hành trình. Ở đó, “em” luôn được chủ thể trữ trình hình tượng hóa, trực tiếp hoặc gián tiếp hướng đến bằng tất cả nhiệt huyết, sự trân trọng của một đấng quân tử.
Thế là xa em rồi/ Đà Lạt ơi! Đà Lạt/ Tình như thông dào dạt/ Để lòng nhớ khôn nguôi// Mai anh về miền Bắc/ Rừng thông và hoa ơi/ Thác, hồ và em nữa/ Mãi mãi ở trong tôi// Yêu em, yêu Đà Lạt/ Tuy hai là một thôi/ Bởi có em ở đó/ Một nửa của hồn tôi// Em! Em! Em yêu ơi!/ Sao mà thương thương thế/ Nhớ mênh mông như bể/ Yêu – ngập tràn bờ môi (Xa em - Đà Lạt).
Lê Hồng Thiện viết về tình yêu, thể hiện một hồn thơ trong sáng, đầy chắt lắng, suy tư. Thời gian trong thơ anh không chỉ đơn giản là dòng chảy một chiều mà có sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở đó có thời gian hồi tưởng, tìm về một thời tuổi trẻ, một thời đã từng “tung hoành” đây đó, một thời yêu đương say đắm đã qua. Hình ảnh “em”- cô gái tóc dài có nét đẹp đằm thắm, dịu dàng, duyên dáng đến lạ kỳ. Chính điều này đã được Lê Hồng Thiện thi vị hóa và mãi lưu giữ trong thẳm sâu ký ức của mình bằng tiếng gọi tha thiết: “Tóc dài là tóc dài ơi!”.
Tóc dài là tóc dài ơi!/ Một thời để nhớ, một đời khó quên./ Tóc đen và mắt em đen/ Bao chàng nghiêng ngó đảo điên bồi hồi/ Trong bao người ấy có tôi/ Xa em thì nhớ, ngỏ lời phân vân/ Tóc dài buông xuống gót chân/ Tôi buông lục bát, chưa vần tặng em...
Viết về những người thân yêu, ruột thịt bao giờ Lê Hồng Thiện cũng dùng những lời thơ chân tình, mộc mạc, đầy ắp yêu thương.
Viết về mẹ, về cha hồn thơ Lê Hồng Thiện lại trào dâng những cảm xúc rất đỗi chân thành của một đứa con luôn yêu kính, trân trọng lẫn sự cảm thông những nỗi nhọc nhằn, vất vả của mẹ cha. Những cung bậc yêu thương da diết, nồng nàn của tình máu mủ, ruột rà được Lê Hồng Thiện tạo dựng thật ấm áp. Bên cạnh niềm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn là sự ngậm ngùi, thương cảm. Vì thế, lời thơ càng khắc khoải, đau đáu hơn. Mẹ không son phấn má đào/ Chính chuyên đôi má hồng hào tự nhiên./ Hai bên má núm đồng tiền/ Tự mình manh mối xe duyên tơ hồng./ Cha tôi chân đất nâu sồng/ Một ngày hai buổi trên đồng cày trâu./ Một đời bền chặt ruộng sâu/ Một đời áo vải bạc màu nắng mưa./ Trên đồng mẹ cấy, cha bừa/ Bùn lầy ruộng ngấu, những trưa nhọc nhằn./ Tình yêu sâu nặng, lặng thầm/ Chân bùn tay lấm vẫn đằm tình yêu/ Nhà tranh, bão tố phiêu diêu/ Cột tình, kèo nghĩa không xiêu vẹo lòng./ Mẹ ơi! lúa vẫn xanh đồng/ Cha ơi! Lúa vẫn trổ bông hạt vàng... (Ngày xưa của mẹ).
Nhất là viết cho con, Lê Hồng Thiện cũng dành cho con bằng tất cả tình cảm thiêng liêng của một người cha với mong muốn con mình khôn lớn, nên người.
Bao yêu thương, lo lắng, hy vọng được thể hiện trong từng lời thơ. Năm con gái lên 6 tuổi, bắt đầu vào học lớp 1, Lê Hồng Thiện viết tặng đứa con gái yêu của mình bài thơ Con đi học: Đi trên đường đất đỏ/ Xanh xanh hai bờ cây/ Con ơi đừng mê mải/ Lá vẫy và chim bay// Con chim non tập hót/ Con bướm nhỏ tập bay/ Con gái tôi tập viết/ Bắt đầu sáng thu nay. Bài thơ ngắn, lời thơ chân thành mà chứa đựng bao điều sâu sắc.
Điều đặc biệt ở thi tập Tóc dài ơi, với 80 bài thì thơ lục bát chiếm đến 64 bài. Phải chăng, Lê Hồng Thiện có dụng ý của mình khi ưu tiên dùng thơ lục bát để chuyển tải, gửi gắm nỗi niềm. Thơ lục bát của Lê Hồng Thiện đậm chất dân gian, gắn liền với những câu chuyện kể, những lời tâm tình. Sự kết hợp hài hòa giữa chất dân gian và hiện đại đã tạo nên âm điệu riêng, dễ đi vào lòng bạn đọc.
Em ơi! Em ở nơi nào?/ Về đây nghe hát “chênh chao cánh cò”/ Cùng anh đi dạo ven hồ/ Mà xem liễu rũ mà vô đền đài/ Phố Hiến vang bóng một thời/ Phố cổ, nhãn cổ đất trời ban cho (Đảo cò mộng mơ).
Điểm nổi bật dễ nhận thấy trong thơ Lê Hồng Thiện là cách anh dùng phép điệp và đảo vị trí từ. Chính điều này cũng làm nên dấu ấn trong thơ anh.
- Trắng hoa, hoa trắng ngỡ ngàng/ Trắng đêm tôi thức đợi nàng là hoa (Hoa quỳnh).
- Tháng năm phượng đỏ bờ đê/ Tháng năm bông lúa vàng hoe mặt đồng/ Tháng năm của nỗi nhớ mong/ Tháng năm của những chiến công chói ngời/ Xốn xang, náo nức bồi hồi/ Nước non, non nước như lời Người xưa (Tháng năm nhớ Bác).
- Em tha thiết, anh thiết tha/ Thiết tha, tha thiết như là ngày xưa/ Em mơ mộng, anh mộng mơ/ Mơ mơ mộng mộng bây giờ còn say (Yêu... U70).
- Chưa một lần nợ nần ai/ Đi theo thầy Bính nợ đời, nợ thơ/ Nợ nần lục bát ngẩn ngơ/ Ngẩn ngơ, ngơ ngẩn bao giờ trả xong? (Tìm câu lục bát).
................
Lê Hồng Thiện thuộc thế hệ những nhà thơ đã sống, chứng kiến và trải qua những thăng trầm của lịch sử, của bản thân và thời cuộc. Vì thế, ông am tường và hiểu sâu sắc mọi vần xoay của thế sự, cuộc đời. Tất cả những điều đó được anh khéo léo chuyển tải bằng những lời thơ mộc mạc, chân thành, trong trẻo, nhẹ nhàng, tha thiết yêu thương; nhất là những vần thơ tình đã ký thác được nhiều cung bậc, sắc màu mang đậm tính nhân văn, nhân ái./.