Tiếng vọng nơi cửa sông! Một bản trường ca trữ tình, viết về người nông dân Đoàn Văn Vươn!

Phạm Thị Phương Thảo

21/02/2023 08:01

Theo dõi trên

Trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông” của tôi đã ra mắt sớm nhất trong nhóm đi thực tế ấy (sau bốn tháng tôi miệt mài viết trong sự hưng phấn cao độ). Đó là ngày 13/5/2020 - ngay sau khi đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống nên vẫn phải giữ gìn cách ly an toàn nên chúng tôi không dám mời rộng rãi. Trường ca về người nông dân anh hùng vẫn là niềm vui bất tận với tôi, với sự chứng kiến của nhiều nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ và bạn bè yêu mến cùng gia đình người nông dân Đoàn Văn Vươn.

tieng-vong1-1676913249.jpg
 

Lời tác giả!

I / Về tập trường ca

“Tiếng vọng nơi cửa sông” là tên gọi một tập trường ca của tôi - Tôi viết xong trường ca này từ cuối năm 2019, để kể câu chuyện về người nông dân điển hình đã vượt khó vươn lên. Anh là Đoàn Văn Vươn - một cái tên xuất hiện nhiều trên mặt báo từ nhiều năm trước đây. Anh từng được giới báo chí phải tốn nhiều giấy mực khi có khá nhiều bài báo quan tâm viết về vụ án liên quan đất đai và “Trận đánh đẹp” ở Tiên Lãng - Hải Phòng.

Câu chuyện dài tôi kể bằng thơ về một nhân vật khá đặc biệt. Đó là câu chuyện về một người nông dân nghèo nơi cửa sông Văn Úc, một vùng quê ven biển với sông nước đẹp đẽ và cuộc sống bươn chải gian khó của những người nông dân tại vùng đất cửa sông Văn Úc ở Đồ Sơn - Hải Phòng. Anh là một người nông dân giỏi giang, can đảm, thông minh và rất giàu nghị lực. Tên anh là Đoàn Văn Vươn - một cái tên đã gây ồn ào nhiều năm trước đây và anh được dư luận và nhiều người biết đến.

tieng-vong2-1676913417.jpgVợ chồng ông Đoàn Văn Vươn (thứ 2 từ trái sang) và các nhà thơ trong ngày ra sách trường ca.

Việc chọn viết về những người nông dân ven biển là việc tôi hứng thú và cũng là một thách thức. Tôi phải đọc thêm khá nhiều tài liệu để hiểu thêm về việc chăn nuôi thủy hải sản, việc chăm sóc, vun trồng, việc sinh nở của cá tôm và mùa màng ven sông. Nghiên cứu về sự sinh sản của loài tôm càng xanh nơi ven biển, nơi cửa sông và của các loài thuỷ hải sản khác... rất lý thú. Điều đó làm tôi hứng khởi thêm khi ngồi viết.

Những người nông dân Việt Nam bao đời nay vốn chân lấm tay bùn, họ suốt ngày phải phơi mặt trên đồng ruộng và đầm bãi, họ vất vả quanh năm nhưng cuộc sống luôn bị thiên tai đe dọa và luôn hứng chịu nhiều thiệt thòi vì họ là những người lao động thấp cổ bé họng. Người nông dân còn biết làm gì khi bị tước mất đất đai? Câu hỏi ấy thật là nhức nhối. Người nông dân luôn thiệt thòi nhưng ít khi được văn chương lựa chọn là nhân vật được nhắc tới hay ngợi ca. Họ đã lao động, cống hiến và rất xứng đáng khi được xã hội biết ơn và tôn vinh. Viết về họ là niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ với những người sống nơi thành phố như tôi.

tieng-vong3-1676913673.jpgÔng Đoàn Văn Vươn và nhà văn Trần Nhương, nhà thơ Phương Thảo và HS Vi Quốc Hiệp

Trường ca từ trước tới nay là thể loại khó viết, Người ta thường hay tập trung viết về lãnh tụ nổi tiếng và các nhân vật anh hùng, chẳng mấy ai đi tìm hiểu thực tế để viết về một người nông dân chăn vịt! Hơn nữa anh Đoàn Văn Vươn lại là một người từng bị vào tù khi anh bị quy kết “chống lại người thi hành công vụ” sau sự kiện cưỡng chế đất đai nóng bỏng ở Hải Phòng! Sau hơn ba năm ở trong tù, anh đã cải tạo “tốt nên được ra tù sớm. Anh nông dân ấy đã sống những ngày gian khó trong tù với thời gian ba năm bảy tháng và 21 ngày dài đằng đẵng. Một người nông dân bình thường biết vượt khó nhưng không hề tầm thường!

Dẫu sao tôi vẫn muốn viết về họ- những người nông dân giỏi giang trong thời đại 4.0, họ dám kiên cường bám quê hương khi biết sống hết mình, dám đấu tranh cho lẽ phải và biết học hỏi, vươn lên, chinh phục gian khó để thành công! Tôi vốn thích lối thơ tự do, viết thơ dài và thích viết trường ca dạng văn xuôi. Thơ dài nhưng vẫn phải giữ tính nhịp điệu của thơ và đề cao tính hiện thực, lối viết giàu thi ảnh. Tôi đã viết nhiều bài thơ tự do theo kiểu này từ nhiều năm trước và giờ đây vẫn muốn viết tiếp lối viết ấy trong trường ca này.

Một số nhà thơ và nhà phê bình đã đọc và yêu thích, họ bình luận ngay sau khi trường ca của tôi vừa ra mắt. Họ cũng như nhiều bạn bè khác của tôi, luôn quan tâm đến cuộc sống hiện tại và số phận thăng trầm của người nông dân Đoàn Văn Vươn. Một vài người bạn còn nửa đùa nửa thật, họ nhắn tin bảo sao Phương Thảo liều thế, dũng cảm thế, đàn bà mà dám viết về “người nông dân anh hùng” dám chống lại “người thi hành công vụ!” Người nông dân ấy đã bị mất đất, đã phải lao đao số phận khi vướng vào vòng lao lý!

II/ Về nhân vật Đoàn Văn Vươn

Câu chuyện của anh đã tốn khá nhiều giấy mực của giới Báo chí về những sự kiện  trong “cuộc chiến” chống lại “người thi hành công vụ”. Có nhiều việc làm ngày ấy là  sai trái khi người ta nhân danh sức mạnh của chính quyền hòng cưỡng chế, thu hồi, rồi tìm cách chiếm dụng đất đai của những người nông dân. Câu chuyện nhức nhối về việc cưỡng chế đất đai ấy đã gây bức xúc trong dư luận những năm qua.

Tôi cũng dành nhiều phân đoạn trong trường ca để nói về việc khai khẩn đầm bãi, những gian khổ, nỗi cay đắng và niềm vui thành công cùng giấc mơ “quai đê lấn biển” của những người nông dân ở vùng quê Tiên Lãng, Hải Phòng. Suốt từ những năm 1990- 1995 trước đây cho tới ngày nay. Những năm tháng gian khổ và vô cùng khắc nghiệt ấy đã đi qua! Bây giờ Đoàn Văn Vươn đã và đang là một tấm gương sáng về một con người nông dân bình dị, lao động giỏi, một người nông dân luôn ham học hỏi, dám can đảm vượt khó và anh đã thành công. Hơn thế nữa, anh đã “thành danh” trong việc nuôi loài vịt biển nổi tiếng và loài tôm càng xanh nơi đầm bãi. Anh đã có tên tuổi và thương hiệu đáng nể trong việc kinh doanh và cung ứng chuỗi thực phẩm sạch cho một vài siêu thị của thành phố Hải Phòng và thủ đô Hà Nội.

tieng-vong4-1676913875.jpgÔng Đoàn Văn Vươn và nhà văn Phạm Việt Long

Đoàn Văn Vươn đã được mời đến nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản ở một vài nơi. Anh vốn là một chàng trai trẻ thông minh và nghị lực! Trong tập trường ca này, những áng thơ tôi viết không hề nhắc đến tên tuổi anh mà tôi chỉ gọi anh một cách trìu mến là nhân vật “chàng”! He he! Tôi đã say sưa viết cuốn trường ca xinh xắn này sau chuyến đi thực tế khi tìm hiểu về chủ đề nông nghiệp và nông thôn cùng các anh chị trong đoàn Nhà văn Việt Nam. Nghe anh kể chuyện xưa với giọng nói rủ rỉ, nhỏ nhẹ, nụ cười và dáng điệu thật hiền lành. Chẳng thể ngờ là anh lại ghê gớm, sắc sảo trước nguy nan đến thế!

Đoàn chúng tôi gồm 6 nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Đắc Như, Phạm Hồ Thu, Đỗ Hiền Hoà, Đoàn Ký, Thế Đức và tôi - Phạm Phương Thảo! Chúng tôi đã cùng nhau về thăm khu đầm bãi và tới ở nơi trang trại nuôi vịt và nuôi tôm của anh Đoàn Văn Vươn, trực tiếp nghe những câu chuyện thú vị và cuốn hút của anh. Nói chuyện cùng vợ con và anh em trong gia đình anh suốt hai ngày liền, chuyến đi ấn tượng vào dịp đầu tháng 8/2019.

Câu chuyện của Đoàn Văn Vươn đã mang đến cho đoàn chúng tôi sự xúc động và thật nhiều cảm hứng. Tôi đã đọc thêm nhiều bài báo viết về anh, nghe những câu chuyện và thông tin báo chí về anh, đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định cầm bút viết những trang thơ đầu tiên và những trang thơ tiếp theo trong trường ca. Yêu mến, cảm phục và trân trọng những người nông dân Việt Nam ham học hỏi và can đảm vượt khó như anh biết nhường nào! Như có một tiếng vọng từ trong sâu thẳm, tiếng vọng ấy giống như một sự thôi thúc, tôi đã viết rất nhanh và hoàn thành cuốn sách nhỏ sau 4 tháng cặm cụi đầy hứng khởi.

331047500-951033159392368-512078835594659425-n-1676914297.jpgĐoàn nhà văn đi thực tế Tiên Lãng - Hải Phòng; gồm: Đoàn Ký, Thế Đức, Nguyễn Đắc Như , Đoàn Văn Vươn. Đỗ Hiền Hoà, Phạm Phương Thảo, Phạm Hồ Thu (từ trái sang).

III / Về vẻ đẹp làng quê nơi cửa sông

Những vẻ đẹp làng quê và đầm bãi với sức sống và sự phồn sinh náo nức đang được hồi sinh dưới những trang trường ca! Viết phần này tôi khá hào hứng. Tôi hy vọng sẽ mang đến niềm vui và tôn vinh được vẻ đẹp của người nông dân ven biển, của con người lao động và thiên nhiên từ truyền thống cần cù, chịu khó và những điều tốt đẹp từ bao đời của làng quê Việt Nam đến các bạn đọc!

Từ nhỏ tôi đã may mắn được sống bên cạnh những đồng lúa, vườn cây, ao cá nơi chân núi và thích những con sông, dòng suối ở miền núi biên ải Lào Cai. Thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống dân giã cho tôi được gần gũi với những người nông dân. Tôi yêu đồng quê, đất đai, bờ bãi và những con sông, những thửa ruộng ven chân núi ngày ấy. Tôi yêu những người nông dân hiền lành và chất phác. Tôi muốn viết về họ!

Ngày nay, khi có điều kiện đi nhiều và hiểu biết nhiều hơn, tôi nhận thấy người nông dân nói chung vẫn thiệt thòi dẫu cuộc sống những làng quê đồng bằng Bắc Bộ đã đổi khác rất nhiều. Đô thị hoá rầm rộ và sự hội nhập sâu rộng đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo và nếp sống của nhiều làng quê. Thậm chí, giờ đây thật khó để ta tìm lại được một làng quê thuần khiết, đầm ấm và chân thật được như ngày xa xưa. Thời đại công nghệ phát triển làm cho người nông dân cũng phải thay đổi. Họ nâng cao tầm hiểu biết, phải thay đổi kỹ thuật trồng cấy và am hiểu, ứng dụng công nghệ thông tin cùng nhiều kiến thức về sản xuất, nuôi trồng và cả cách thức cung ứng sản phẩm làm ra. Đôi khi ta bắt gặp những vùng quê nông thôn biến đổi đến chóng mặt khiến ta không thể nhận ra những vẻ đẹp xưa cũ. Con người ở nông thôn nay đã bị lai căng thành người nửa phố nửa quê, họ trở thành lớp người nửa thành thị, nửa nông thôn, thế nên người nông dân ngày nay cũng không còn giữ được hình ảnh nông thôn thuần khiết như xưa nữa!

IV/ Về chuyến đi thực tế ấn tượng của đoàn nhà văn chúng tôi

Xe ô tô của chúng tôi đến Tiên Lãng - HP và tiếp tục đi trên con đường mòn ngoằn ngoèo và nhỏ xíu để tiền về khu “trung tâm lều vịt “nằm ngay giữa khu đầm um tùm đầy cỏ dại! Xe bị tụt cả bánh xe xuống đầm mấy lần vì lái xe không quen đường và cỏ dại che khuất lối đi. Hú vía! Cả nhóm phải xuống để ủn xe mấy lần. Phải gọi điện liên tục cho em Đoàn Văn Vươn mỗi lần ra cứu xe! He he! Em ấy chạy từ “khu lều vịt” ở giữa đầm ra đón chúng tôi rồi lại hớt hải chạy về để chuẩn bị đón đoàn. Sau khi vác theo tấm ván gỗ ra kê bánh xe và ủn con xe thần thánh lên được mặt đường thì tất cả thở phào! Xe đi rón rén hơn cả lúc đi và lúc về! Hoa cỏ dại và các loại ong bướm và côn trùng nơi đầm bãi - món quà yêu thích từ thiên nhiên của tôi thì nhiều vô kể, he he! Đầm vịt rộng mênh mông trải dài và rừng bần đang mùa lên xanh tốt!

Hai ngày liền, chúng tôi được sống và trải nghiệm cuộc sống vất vả của người nông dân ngay nơi đầm bãi của anh. Nghe “người nông dân anh hùng” kể bao câu chuyện thú vị và nghe anh tâm sự rủ rỉ suốt cả ngày mà không chán. Được cả gia đình anh nông dân Đoàn Văn Vươn nồng nhiệt đón tiếp và chiêu đãi món vịt biển ngay tại đầm của anh. Nhiều năm nay, thương hiệu vịt biển Đoàn Văn Vươn đã trở nên nổi tiếng tại một vài siêu thị của Hải Phòng và Hà Nội! Nếu các bạn muốn nếm thử món vịt biển luộc trắng ngần và thơm ngon và nghe kể chuyện thì hãy về thăm trang trại của anh ấy! Còn nếu chỉ đơn giản muốn thưởng thức các món ăn ngon được chế biến từ vịt biển thì hãy đến nhà hàng vịt biển ơi ngay địa chỉ số 13 Thụy Khuê, Hà Nội nhé!

Nhớ mãi kỷ niệm cái đêm mà chúng tôi ở đó! Đêm có trăng sẽ rất đẹp và nên thơ ở ngay vùng quê đầy hương đồng gió nội với đặc sản vô số muỗi! Giấc ngủ ngắn ngủi của chúng tôi luôn chập chớn vì thức khuya và nghe ngoài kia là đầy ắp những tiếng ếch nhái kêu rỉ rả và các loài côn trùng đang dạ tiệc trong đêm trăng! Tôi Hân hạnh được “chung giường” với nhà thơ chị Đoàn Ký! Nhà thơ chị Phạm Hồ Thu cũng “chung giường” thú vị với nhà văn Đỗ Hiền Hoà! Những kỷ niệm thật khó quên. Nhóm NVVN đi thực tế ở Tiên Lãng – Hải Phòng! Một chuyến đi cực thú vị với quá nhiều ấn tượng và cảm hứng cho các nhà văn thêm trải nghiệm trong sáng tác. Đoàn chúng tôi đã đi thăm trang trại nơi đầm lầy nuôi vịt biển và tôm cua của người nông dân nổi tiếng Đoàn Văn Vươn!

V/ Lắng nghe và thấu hiểu!

Đã đi, đến, lắng nghe, ghi chép và suy ngẫm. Nhưng có thể sẽ lâu và rất lâu nữa người ta mới có thể hiểu hết được những nỗi đau về thân phận thấp cổ bé họng của những người nông dân. Những ký ức đau buồn về cuộc sống và những mất mát, đau thương. Rồi nỗi đau thẳm sâu, khôn tả của những người nông dân bị mất đất và sau đó họ còn bị vướng vào vòng lao tù. Đề tài về những người nông dân thật ám ảnh chúng tôi. Tuy nhiên để viết được những câu chuyện thật hấp dẫn, chân thực về họ và biến nó trở thành tác phẩm văn học là một thách thức không nhỏ cho các nhà văn và những người cầm bút nói chung.

Trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông” của tôi đã ra mắt sớm nhất trong nhóm đi thực tế ấy (sau bốn tháng tôi miệt mài viết trong sự hưng phấn cao độ). Đó là ngày 13/5/2020 - ngay sau khi đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống nên vẫn phải giữ gìn cách ly an toàn nên chúng tôi không dám mời rộng rãi. Trường ca về người nông dân anh hùng vẫn là niềm vui bất tận với tôi, với sự chứng kiến của nhiều nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ và bạn bè yêu mến cùng gia đình người nông dân Đoàn Văn Vươn. Ai cũng vui và chỉ mong được chụp ảnh với người nông dân anh hùng! Họa sĩ Vi Quốc Hiệp từ Đà Lạt bay ra, anh đã vẽ tặng chân dung ngay tại chỗ cho vợ chồng em Đoàn Văn Vươn trong ngày chúng tôi ra sách.

Dù đã rất cố gắng nhưng tôi biết, cuốn sách trường ca của tôi mới chỉ đề cập được phần nào những vất vả, nỗi cay đắng, cùng sự cống hiến của những người nông dân cho xã hội. Còn bây giờ, tôi muốn được mang niềm vui và niềm cảm hứng ấy để gửi đến nhiều bạn bè của mình, đặc biệt là các bạn trẻ, mong sao niềm vui ấy sẽ được lan tỏa bởi câu chuyện nhỏ này. Nông dân của thời đại 4.0 phải tiến bộ và thay đổi như thế nào để bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và nhịp sống không ngừng nghỉ trong xu thế toàn cầu hóa. Bạn là ai, bạn làm gì đều cần phải có tri thức, trí tuệ, bản lĩnh để vươn mình ra thế giới! Càng khó khăn, càng biết vươn lên để chinh phục những thách thức. Bạn sẽ bản lĩnh hơn khi không chịu đầu hàng số phận, không thất vọng, tự ti trước những oan trái và bất công của cuộc đời! Chúng ta vẫn tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước. Nhân nào thì quả ấy. Đó là những thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn!

Xin chân thành cảm ơn Nhà xuất Bản Hội Nhà văn; Giám đốc Nhà xuất bản - Tổng biên tập Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã ký cấp phép và Nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Tạ Duy Anh đã biên tập cuốn sách này. Cảm ơn em Vũ Thanh Thủy và Công ty in Đông Bắc đã tích cực hỗ trợ để cuốn sách của tôi sớm đến tay bè bạn. Kính chúc các bạn một năm mới an vui và thật nhiều niềm vui và Hạnh phúc!

(Xuân Nhâm Dần 2022)

Bạn đang đọc bài viết "Tiếng vọng nơi cửa sông! Một bản trường ca trữ tình, viết về người nông dân Đoàn Văn Vươn!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn