Giờ không chỉ ăn cốt cho no, mặc sao cho kín, mà phải ăn cho ngon, mặc cho đẹp, chứng tỏ đời sống đi lên, đủ đầy hơn rất nhiều. Nhưng đâu đó vẫn có những người thiếu cái ăn, thiếu quần áo để mặc. Đổ bỏ thức ăn là lãng phí, là gây sự tiếc nuối cho những mảnh đời cơ hàn, mà với họ, những hạt gạo trắng cũng ngon, cũng quý.
Tiết kiệm để không lãng phí, chứ không phải hà tiện đến mức keo kiệt. Một bữa tiệc kết thúc với thức ăn thừa mứa, những chai bia uống dở bỏ lại, thì thật là lãng phí. Trước kia lúc còn đói khổ cơ hàn, mơ ước có được số đồ ăn thừa đó, vẫn không có để mà ăn.
Tiết kiệm là tôn trọng với bản thân, là không có lỗi với sức lao động của mình. Nếu sống hoang phí, thì làm bao nhiêu cũng không có dư, biết bao giờ mới khá lên được. Lúc đau ốm lại đi vay mượn tứ tung, cái nợ đồng lần cứ gối đầu dai dẳng mãi, lúc ấy mới giật mình hối hận, ước gì trước kia ta sống tiết kiệm hơn, thì giờ đã bớt khổ.
Có nhiều công nhân thu nhập thấp, nhưng họ vẫn mua được nhà ở thành phố, vì họ biết tiết kiệm. Bên cạnh họ, có những người thu nhập cao, nhưng thích hưởng thụ quá sớm, nuông chiều những sở thích cá nhân, nên mãi họ vẫn không mua được nhà để ở.
Có nhiều đại gia không sinh ra ở vạch đích, mà tài sản họ có được là nhờ chăm chỉ làm việc, sống chỉn chu và nhờ tiết kiệm. Họ vẫn ăn cơm nhà, thích dưa muối và đậu phộng rang, không khinh khi người nghèo, sống bình thản và đơn giản với tài sản mình đang có.
Tiết kiệm với những thứ không cần thiết, phù phiếm chứ không phải nhịn ăn nhịn mặc. Tiết kiệm để có tiền phòng thân khi đau ốm, dưỡng già. Tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống ngày càng tốt lên, chứ không phải kìm hãm sự phát triển. Tiết kiệm để có tiền đầu tư, mua bán trao đổi. Tiết kiệm luôn là cần thiết, dù giàu hay nghèo, dù nông thôn hay thành thị. Nếu có điều kiện, thay vì hoang phí, nên đi làm từ thiện, tích đức cho con cháu mình. Tiết kiệm không bao giờ thừa, không bao giờ muộn, là điều cần thiết với bản thân, gia đình, và xã hội.
Chuyện làng quê