Tiểu thuyết "Bể than Đông Bắc" - Bộ sử vắn tắt bằng các câu chuyện của thợ mỏ

Một tiểu thuyết “lạ” được gửi tới các thành viên Ban giám khảo cuộc thi "Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn" giai đoạn 2021 - 2023. Lạ là bởi cuốn sách ấy vừa là tiểu thuyết, vừa là một cuốn sử nhưng cũng đầy ắp tư liệu nghiên cứu và đưa ra thông điệp "Than có thể đốt cháy tất cả, nấu thép thành nước, nhưng không thê đốt cháy được trái tim thợ mỏ"
be-than-1712238085.jpgTác giả Đặng Huỳnh Thái tại Lễ trao Giải cuộc thi "Sáng tác văn học về đề tài công  nhân - công đoàn". Ảnh: Hải Nguyễn
 

              Nhà văn Dương Hướng khi nhận tập bản thảo nặng trịch, lướt qua vài trang đã thốt lên: “Đây là cuốn biên niên sử của công nhân ngành than tại khu vực Đông Bắc, từ đó có thể hiểu rộng ra là biên niên sử của ngành than cả nước”.

Còn tác giả cuốn sách đó - "Bể than Đông Bắc" - Đặng Huỳnh Thái thì đơn giản nói rằng: “Đây là bộ sử vắn tắt bằng các câu chuyện của thợ mỏ trong giai đoạn hơn 100 năm”.

Tác giả dùng từ “vắn tắt” để thể hiện sự khiêm tốn, bởi đây là một pho tư liệu đồ sộ mà tác giả, có lẽ dùng cả nửa đời mình để ấp ủ, sưu tập tư liệu để xuất bản cuốn sách này.

Sinh ra tại Thái Bình, tác giả cũng trực tiếp tham gia vào quá trình khai thác than với chuyên môn là kỹ sư khai thác mỏ. Bởi thế “chất thợ mỏ” thấm đẫm trong từng con chữ của “Bể than Đông Bắc”.

Có thể nói chất sử thi trong bút pháp của Đặng Huỳnh Thái tạo ra nét đặc sắc trong văn chương của ông. Điển hình như cuốn tiểu thuyết “Đất và Máu” của Đặng Huỳnh Thái do Nhà xuất bản Hội nhà Văn ấn hành năm 2021, viết về Việt Nam trong dòng lịch sử khai hoang, lập điền, dựng nước và giữ nước của thế hệ cha ông. Một cuốn tiểu thuyết có dòng cốt truyện như một bài văn chính luận với những lập luận logic của tác giả.

Đối với "Bể than Đông Bắc", cuốn tiểu thuyết dày dặn cả về chữ nghĩa lẫn tư liệu. Sự dày công của tác giả được thể hiện bằng việc tham khảo và trích dẫn hàng loạt tư liệu quý của ngành than như: “Quảng Ninh Lịch sử kháng chiến chống Pháp”, “Bác Hồ với công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh”, “Ngành Than những sự kiện và con số”... để tạo nên bức tranh chân thực của những người thợ, ngồn ngộn tư liệu sống, thuyết phục bạn đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng.

Có thể nói tác giả Đặng Huỳnh Thái đã khéo léo với lối viết hiện đại, tiết tấu nhanh, nhiều thoại với ngôn ngữ văn phong vạm vỡ, mạnh mẽ và đầy quyết liệt.

be-than-2-1712238485.jpg
 

Thế nhưng, bút pháp Đặng Huỳnh Thái vẫn rất “thơ” khi nói về cuộc sống người thợ. Hãy đọc một trích đoạn:

“...Đêm nay trăng tròn. Đây là đêm mà những người thợ hầm lò nhìn thấy trăng tròn. Một nửa ngày làm việc trong lò tối om "người trần gian làm việc âm phủ" mà. Như vậy, nửa đời người không nhìn thấy trăng. Bầu không khí chộn rộn, khác lạ. Trong cái ngóng đợi của biết bao người, trăng đủng đỉnh lên cao từng chút một. Cùng những ngôi sao lấp lánh, chớp sáng, chớp tối liên tục như đang nhún nhảy với những dãy núi nhấp nhô trên vịnh Bái Tử Long. Mặt nước biển lăn tăn ánh bạc. Gió rì rào thổi vào mát rượi, lau khô những giọt mồ hôi, vất vả, lo toan trên gương mặt những người thợ mỏ...”.

Đọc "Bể than Đông Bắc" độc giả cũng có cảm giác như được xem một bộ phim tư liệu về ngành than. Cũng không khó hiểu bởi Đặng Huỳnh Thái là tác giả văn học phim tài liệu "Vùng mỏ con người và lịch sử" do Xí nghiệp phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1985. Bộ phim này năm 2017 đã được số hoá và lưu trữ tại Tỉnh ủy Quảng Ninh và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, làm tài liệu học tập cho thế hệ trẻ.

Vì là người làm phim nên cách viết của ông có rất nhiều hình ảnh, mỗi trường đoạn đều như một kịch bản phim rút gọn, sẵn sàng cho nhà làm phim thực hiện những thước phim chính xác và hiệu quả cả về hình ảnh và lời thoại.

Ở đoạn kết, tác giả trích dẫn tài liệu nhưng cũng có thể coi như gói gọn nội dung của tiểu thuyết "Bể than Đông Bắc": "Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công nhân vùng mỏ đã sớm giác ngộ cách mạng, cùng nhau đoàn kết thống nhất một lòng sục sôi đấu tranh giành quyền sống. Hơn bảy mươi năm thống trị, thực dân Pháp đã phải đối phó với hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân mỏ. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh năm 1936. Hơn ba vạn thợ mỏ nhất tề vùng lên đấu tranh quyết liệt với bọn chủ mỏ và bọn tay sai của chúng. Cuộc đấu tranh thắng lợi đã trở thành sự kiện lịch sử lớn, mãi mãi xuyên suốt chiều dài lịch sử của "Bể than Đông Bắc”.

"Bể than Đông Bắc" không chỉ nói về lịch sử mà còn nhắc nhớ thế hệ tương lai về truyền thống, về sự hy sinh, về tinh thần ý chí bất khuất của những người thợ mỏ để cùng nỗ lực, phấn đấu tiếp tục dựng xây đất nước đẹp giàu với tinh thần: “Than đốt cháy tất cả, nấu thép thành nước, nhưng không nấu được trái tim thợ mỏ!”.

"Bể than Đông Bắc" đã xuất sắc vượt qua gần 100 tiểu thuyết tham dự cuộc thi "Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn" để đoạt giải,

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đánh giá: “Bể than Đông Bắc" là cuốn tiểu thuyết đồ sộ không chỉ đúng tiêu chí cuộc thi mà còn đặc sắc ở chỗ người viết không chỉ am hiểu về lịch sử ngành than mà khắc họa được chân dung một cách rõ nét, cụ thể về người thợ để vẽ lên bức tranh hoành tráng về ngành than”.

                       Bìa bọc ngoài Tiểu thuyết "Bể than Đông Bắc"

Đầu năm 2024, cuốn "Bể than Đông Bắc" do NXB Lao Động phát hành đã đến tay bạn đọc. Cuốn tiểu thuyết gần 500 trang, kỳ lạ thay, lại được viết bởi một tác giả đã 85 tuổi, đã từng là người thợ mỏ.

___________________

*Thường trực ban tổ chức cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn