Tín ngưỡng thờ Mẫu trước nguy cơ biến tướng: Trách nhiệm của các nghệ nhân ở đâu?

Gần đây, một sự kiện hầu đồng tại Hưng Yên đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại đây, một thanh đồng lớn tuổi đã thực hiện hành vi ngồi quay lưng về phía công đồng - nơi được xem là chốn ngự của thánh thần - và nhân danh Mẫu giáng thế để đưa ra những lời phán truyền. Hành động này được cộng đồng tín ngưỡng cho là không chỉ vi phạm nghi lễ, mà còn làm sai lệch giá trị di sản, xúc phạm nghiêm trọng đến sự linh thiêng của tín ngưỡng. Đáng ngại hơn cả là thái độ im lặng từ những nghệ nhân có mặt tại sự kiện, thậm chí có người tán thán. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ và duy trì các giá trị tín ngưỡng.
bientuong1-1728721462.jpg
Hình ảnh một thanh đồng ngồi quay mông vào công đồng (ban thờ), nhân danh thánh Mẫu giáng trần, để phán truyền. Đây là hành vi được cho là biến tướng, sai lệch giá trị di sản, truyền bá mê tín dị đoan, bị cộng đồng bảo vệ tín ngưỡng lên án mạnh mẽ. Ảnh: Cắt từ clip

Biến tướng: Lời cảnh báo về sự đánh mất giá trị

Sự việc gây xôn xao, khi một thanh đồng có hành động ngồi quay mông vào công đồng và nhân danh Mẫu phán truyền. Cộng đồng hoạt động tín ngưỡng vô cùng phẫn nộ và cho rằng, hành động này không chỉ vi phạm những nguyên tắc về lề lối cơ bản trong nghi lễ hầu đồng, mà còn xúc phạm thánh thần và phá vỡ mối liên kết tinh thần thiêng liêng giữa thế giới con người và thế giới tâm linh - một yếu tố cốt lõi trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Đáng nói hơn, việc "tung khăn giá Mẫu và phán truyền” là điều cấm kỵ trong hầu đồng từ xưa đến nay. Đây không chỉ là sự phạm thượng mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết về nguyên tắc cơ bản của tín ngưỡng. Việc tự xưng là Mẫu kèm theo lời phán truyền là hành động xúc phạm sâu sắc đến Mẫu và các đấng siêu nhiên của tín ngưỡng. Không chỉ vậy, nhiều người cho rằng, đây là hành động làm sai lệch giá trị di sản, truyền bá mê tín dị đoan, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Tín ngưỡng thờ Mẫu không đơn thuần là những nghi thức hầu đồng hào nhoáng, mà là sự tôn thờ các bậc thánh thần biểu trưng cho sự bảo trợ và che chở. Những giá trị truyền thống như sự tôn kính, nghiêm cẩn trong nghi thức là những nguyên tắc bất di bất dịch.

Cộng đồng hoạt động tín ngưỡng cho rằng, khi những nguyên tắc này bị vi phạm, không chỉ là việc xúc phạm tới các nhân vật được phụng thờ, mà còn làm biến dạng những giá trị văn hóa cốt lõi đã được vun đắp qua nhiều thế hệ. Nếu sự biến tướng này không được ngăn chặn, tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ dần mất đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có, trở thành một hình thức giải trí thương mại, thiếu chiều sâu văn hóa.

Trách nhiệm của những người gìn giữ di sản: Im lặng là tiếp tay?

Đáng chú ý, trong buổi lễ này có sự hiện diện của nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý vì công lao bảo tồn và phát huy giá trị trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, họ đã chọn cách im lặng trước sự biến tướng rõ ràng, không lên tiếng để phản đối hay can ngăn hành động sai trái, chậm chí có người còn tán thán, mồm tóp tép nhai trầu, tay hì hục vái lạy. Điều này không chỉ gây thất vọng lớn trong xã hội mà còn dấy lên câu hỏi: Họ đang giữ vai trò gì trong việc bảo vệ tín ngưỡng này? Sự im lặng của họ phải chăng là tiếp tay?

Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trách nhiệm bảo tồn di sản này không thể chỉ dừng lại ở việc thực hiện nghi lễ. Những người mang danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú… không những đại diện cho kỹ năng và kinh nghiệm trong thực hành tín ngưỡng, mà còn là những biểu tượng của sự tôn trọng và gìn giữ giá trị văn hóa. Sự im lặng trước hành vi sai lệch của thanh đồng trên, không chỉ phản ánh sự thiếu trách nhiệm, mà còn được xem là hành động “tự vả vào mặt”, trước cộng đồng hoạt động tín ngưỡng.

bientuong2-1728721816.jpg
Nhiều thanh đồng là nghệ nhân được Nhà nước phong tặng cũng có mặt tại buổi lễ hầu đồng này

Bài học từ nghệ nhân hát văn Vương Danh Thưởng

Trong số những người có mặt, nghệ nhân hát văn Vương Danh Thưởng đã dám thừa nhận sai lầm của mình - một hành động rất đáng trân trọng trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Ông công khai xin lỗi vì đã không thể giữ vững lề lối, khi chọn tham gia vào một canh hầu có hành vi biến tướng. Dù chỉ là người dâng văn, ông hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ giá trị của tín ngưỡng. Ông khẳng định rằng, trong những tình huống như vậy, người cung văn nên đứng dậy và rời đi, thay vì thỏa hiệp với sai lầm. Tuy nhiên, sau canh hầu của thanh đồng trên, ông chia sẻ đã huỷ hợp đồng hát văn của sự kiện đó và ra về.

Hành động nhận lỗi của nghệ nhân hát văn Vương Danh Thưởng là một lời nhắc nhở rằng: Bảo vệ tín ngưỡng không chỉ nằm ở việc tuân thủ nghi thức, mà còn đòi hỏi sự dũng cảm để đối diện với sai lầm, thừa nhận và sửa chữa chúng. Trong khi nhiều người khác chọn cách im lặng, nghệ nhân hát văn Vương Danh Thưởng đã chọn cách lên tiếng, chứng minh rằng: Bảo vệ tín ngưỡng đòi hỏi trách nhiệm không chỉ với xã hội, mà còn với chính bản thân mỗi cá nhân.

Hậu quả của sự biến tướng: Lời cảnh tỉnh cho tín ngưỡng thờ Mẫu

Câu chuyện tại Hưng Yên là một dấu hiệu rõ ràng về sự lũng loạn và biến tướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay. Khi những giá trị cốt lõi bị xâm phạm mà không có sự can thiệp từ xã hội hoặc cơ quan quản lý, tín ngưỡng sẽ mất dần sự tôn nghiêm.

Đã đến lúc cơ quan quản lý văn hóa, tín ngưỡng cần vào cuộc quyết liệt, với những quy định và chế tài rõ ràng hơn để bảo vệ và chấn chỉnh các nghi lễ hầu đồng. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức xã hội, để mỗi người tham gia vào nghi thức này hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy giá trị thiêng liêng.

Những nghệ nhân có danh hiệu cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, không chỉ là biểu diễn kỹ năng trên sập công đồng, mà còn là giữ gìn hồn cốt của tín ngưỡng. Họ cần trở thành những hình mẫu lý tưởng để dẫn lối, bảo vệ giá trị văn hóa, chứ không phải là những người đứng ngoài quan sát hoặc thậm chí tham gia vào sự biến tướng của tín ngưỡng. Nếu không, họ sẽ đánh mất niềm tin từ xã hội, đặc biệt là từ thế hệ trẻ - những người đang mong đợi được kế thừa một di sản văn hóa trong sáng và tôn nghiêm.

Qua hiện tượng này, cho thấy rõ một vấn đề: Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ đứng trước nguy cơ bị biến tướng mà còn đối mặt với sự “im lặng đến gai người” từ chính những cá nhân mang danh giữ gìn di sản. Điều này đặt ra một thách thức lớn hơn cho cả xã hội và cơ quan quản lý văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo: Làm thế nào để không chỉ bảo vệ nghi thức, mà còn bảo vệ tinh thần, giá trị thực sự của tín ngưỡng.

Hành động của nghệ nhân Vương Danh Thưởng, dù dũng cảm thừa nhận sai lầm, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong bài học mà chúng ta cần rút ra. Bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là trách nhiệm của những người trực tiếp thực hiện nghi thức, mà là của cả xã hội và hệ thống quản lý. Điều này đòi hỏi sự nghiêm túc, dũng cảm và trách nhiệm từ mỗi cá nhân để đảm bảo tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn giữ được giá trị thiêng liêng và bền vững vượt thời gian.