Tình biển

Đoàn cải lương của Bầu Minh Đáng dọn về cửa biển Lình huỳnh huyện Hòn đất. Bãi hát gần ngay khu chợ, nơi những chiếc ghe cào tấp nập cặp bến ra vào như một bến cảng.
chuy-que1-1635563232.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bà con ở khu chợ chuyên sống với những tài nguyên của Biển do những chiếc ghe cào mang về. Lúc đó tôm, cá, mực, bạch tuột... giá rẻ rề tha hồ cho anh em trong đoàn mua về làm khô, gởi về cho gia đình hay đem về bán cũng có tiền xài khỏi chờ lãnh lương...

Đoàn mới cặp bến, đào kép còn đang lớ ngớ chưa biết tìm chỗ nào ở trọ thì bà con trong xóm tranh nhau kéo nghệ sỹ về cho ở đậu trong nhà. Mà nhà nào cánh đàn ông (đa số là dân đi biển) cũng nhậu ì xèo, vừa bước vô nhà là bị kéo lôi qua mâm nhậu. Lần đầu tiên tôi mới biết ăn con mực luộc phải nuốt luôn cái bọc mực đen thui. Dân nhậu ở đó nói ăn vậy mới mát?

Xuất hát đầu tiên, buổi chiều khi loa vừa phóng thanh, mấy quán xá đang dọn đồ thì dưới bến sông một chiếc tàu đánh cá cặp bến, một cái đòn dài thả xuống và một tốp người háo hức bước vội lên bờ. Các anh ghé vô một quán nhậu kế bên bãi hát, kêu một két bia, mấy dĩa mồi nhậu. Nhìn thấy tôi một anh có vẻ là sếp lại hỏi :

- Chào anh. Anh ở trong gánh hát phải không?

- Vâng.. Có gì không anh?

- Có gì đâu, tụi tui trên chiếc Tàu biển chạy ngang thấy gánh hát nên ghé vô xem hát, mà chưa tới giờ hát nên làm vài chai bia... nếu giờ này có bán vé anh cho anh em tui mở hàng 7 vé ủng hộ cho đoàn.

Anh giới thiệu anh tên Ba Hườn nhà ở phường An Bình - Rạch giá... sau đó anh nhờ tôi mời hết anh chị em trong đoàn uống cà phê... còn anh em nào lai rai được anh mời.

Vãn hát, anh Ba mời hết trong đoàn xuống ghe anh đãi nhậu, mồi là những con tôm và những con mực lấy ra từ trong hầm nước đá...những thứ hải sản cao cấp chưa bao giờ xuất hiện trong bữa cơm của đoàn hát mang tên là Nghệ thuật Văn hóa của gánh cải lương.

Tối đó mới nghe giọng hát của anh Ba Hườn thuyền trưởng của chiếc ghe cào, Sao mà anh vô vọng cổ nó ngọt lịm làm mấy chàng kép hát phải trơ mắt nhìn...

Anh tâm sự nếu không nặng nợ gia đình thì anh cũng trở thành kép hát rồi.

Sáng hôm sau, Anh Ba xách một giỏ đầy cá ngon đưa cho đoàn làm quà chia tay... lát sau bỗng anh đổi ý nói với tôi :

- Thôi thì anh bàn với chú như vầy, mấy anh em mình ra biển chơi. Mình vừa ca hát vừa đánh cá chắc vui lắm.

Tụi tôi thì trước giờ có biết đánh cá trên cái Biển là ra mần sao đâu. Thế là sau khi nghe tin cả đoàn háo hức tranh nhau xuống chiếc ghe cào của anh thuyền trưởng vui tính.

Thế là đào kép, nhạc công bê ampli thùng bass trống đàn xuống chiếc tàu của anh ba. Một chục kết bia được mang xuống, một can rượu đế đầy 30 lít, chạy chừng một giờ thì chung quanh chỉ toàn là nước và Biển, tàu ngừng lại và bỏ neo bắt đầu cuộc nhậu...

Tiếng ca tiếng trống đàn nổi lên giữa Biển, đúng là gió lộng trời mây. Một chút thì những chiếc tàu bạn ghé vô chung vui...

Tàu của mấy anh lính tuần tra thấy lạ cũng ghé lại và cũng lên tham gia buổi liên hoan văn nghệ trên biển có một không hai này. Mà nghĩ cũng lạ, cả đoàn hát chẳng ai bị say sóng đúng là chuyện hy hữu.

Xế chiều thì tàu của anh ba đưa anh em về tới đoàn và mẻ cá cào được ngoài biển anh cho hết anh em trong gánh hát... mỗi người được hơn chục ký...

Trước khi chia tay, anh nói nhỏ với tôi:

- Em có dịp nào tới cầu An Bình ghé hỏi tên anh ai cũng biết. Nhớ ghé nhà anh chơi cho biết. Em đừng theo gánh hát. Sắp xếp gia đình theo anh đi Biển, gia đình em sẽ có tương lai hơn.

Nghe anh nói vậy tôi gật đầu chứ biết ngày nào anh trên biển ngày nào anh ở nhà mà ghé?

Mấy năm sau có dịp đi Kiên Giang tranh thủ ghé nhà anh thì gia đình anh cho biết anh Ba đã bán tàu và đang chữa bệnh ở Sài Gòn. Gia đình cũng cho biết, Anh đang bệnh rất nặng...

Bây giờ không biết có ai trong đoàn hát ngày xưa còn nhớ một kỷ niệm đẹp về một thuyền trưởng vui tính hào sảng và đầy lòng nhân hậu hay không? Còn tôi mỗi lần có dịp xuống Kiên Giang cũng ráng tranh thủ ra ngắm biển mênh mông, cứ nghĩ rằng biết đâu ngoài kia người anh thuyền trưởng chịu chơi vui tính năm nào đang cất lên câu vọng cổ và lái chiếc ghe cào nào đó đang thong dong trên từng cơn sóng biển dạt dào.

Theo Chuyện quê