Tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ với Thương binh Liệt sĩ!

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), chúng ta cùng ôn lại những tư liệu có liên quan để thấy rõ hơn những tình cảm thiêng liêng sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc lấy một ngày làm "Ngày Thương binh Liệt sĩ", một hội nghị trù bị diễn ra vào tháng 6 năm 1947 gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khối và tỉnh đã họp ở Phú Minh (Đại từ, Thái Nguyên) bàn bạc và nhất trí để lấy ngày 27 tháng 07 năm 1947 làm "Ngày Thương binh, liệt sĩ" đầu tiên.

Gần đến ngày tổ chức sự kiện trên, ngày 17/7/1947, Bác đã viết thư gửi thường trực Ban Tổ chức, Người đã nhấn mạnh đến mục đích cao cả này với những lời thống thiết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh”.

a1-1-1627354556.jpg
Bác Hồ thăm hỏi, động viên các chiến sĩ. (Ảnh tư liệu) 

Người giải thích: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Từ đó, Người đề nghị: "Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào sẽ vui lòng ba tháng nhịn một bữa để giúp đỡ thương binh. Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ yêu mến thương binh...". Lời phát động ấy của Bác vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt mà Bác dành cho những người đang ngày đêm cầm súng chiến đấu nơi chiến trường, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc của nhân dân Việt Nam, vừa phát động, kêu gọi người dân hãy thể hiện sự biết ơn thương binh liệt sỹ bằng những hành động cụ thể mà ý nghĩa để chia sẻ với những hy sinh và mất mát của họ.

Nhân dịp này, Người cũng đã nêu gương thực hiện nghĩa cử cao đẹp trên bằng việc làm thiết thực để cùng các tầng lớp nhân dân tạo thành phong trào toàn dân quan tâm tới thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ: "Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bừa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00)".

Mỗi khi nghe tin mỗi người con ưu tú của nhân dân đã anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Bác Hồ cảm thấy đau xót như mất đi một người thân, mất đi một phần máu thịt của chính mình.

Tháng 1 năm 1947, khi con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác đã viết thư để động viên, chia sẻ, đồng cảm với sự mất mát to lớn này: "Tôi được báo cáo rằng, con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ Quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.…Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”.

Thật xúc động trước bức thư Bác gửi đến gia đình bác sỹ Vũ Đình Tụng có con hy sinh vì nền độc lập dân tộc song đó cũng là tình cảm, sự sẻ chia, động viên của Bác đối với tất cả các gia đình trên đất nước Việt Nam có người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến còn trường kì và nhiều gian khổ.

bca-ho1-1627354628.jpg
Bác Hồ lặng người trước đài tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ (Ảnh tư liệu)

Ngày 27/7/1948, Bác Hồ đã viết thư gửi đồng bào, thương bệnh binh và các gia đình tử sĩ, một lần nữa Người khẳng định sự hy sinh và đóng góp to lớn của thương binh, liệt sĩ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, Người cũng khẳng định trách nhiệm của Chính phủ và nhân dân phải báo đáp sự sy sinh đó cho bản thân họ và gia đình của họ.

Trong thư Bác đã nhấn mạnh: "Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lũ to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, đề giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ...Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần".

Theo lời kể của ông Cù Văn Chước, người giúp việc Bác Hồ suốt 14 năm tại Phủ Chủ tịch, vào dịp 27/7 hằng năm, Bác Hồ thường xuyên viết thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở nhân dân thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây" và động viên, biểu dương các địa phương, các đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đồng thời, Người thường gửi một tháng lương của mình, kèm đó, khi thì một bữa ăn, khi thì một món quà (do đồng bào gửi biếu) để tặng anh em thương binh. Người luôn động viên thương bệnh binh phải sống với tinh thần lạc quan "Thương binh tàn nhưng không phế". Bác lưu ý: "Khi đã khôi phục sức khoẻ phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân kiểu mẫu. Bác chúc các gia đinh liệt sĩ trở thành những "gia đình cách mạng gương mẫu".

Tháng 7/1951, Người phát động phong trào "Đón thương binh về làng" với nội dung cụ thể: "Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian".

anh-tl1-1-1627354839.png
Bác Hồ dâng hương, đặt vòng hoa trước Tượng đài liệt sỹ tại Thủ đô Hà Nội ngày 31/12/1954- Tư liệu

Và trong dịp Đảng, Chính phủ về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, năm 1954, Người đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ. Trong diễn từ tại buổi lễ, Người viết: "Hỡi các liệt sĩ. Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ. ... Một nén hương thanh. Vài lời an ủi".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, rèn luyện thế hệ trẻ để mỗi cá nhân, mỗi tập thể hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp như lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc, những việc làm, những hành động nhỏ mà ý nghĩa để chăm lo thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, gia đình liệt sỹ. Bác đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng tổ chức các “Đội Trần Quốc Toản”: “Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành, khi học rảnh rang, cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sĩ, các thương binh, lần lượt giúp các nhà ít người. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ…”.

Trước lúc đi xa về với cõi người Hiền, trong bản Di chúc thiêng liêng để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Người vẫn không quên căn dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Qua những tư liệu quý nêu trên, một lần nữa cho chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người là hiện thân trọn vẹn giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, giữa tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện cùng tinh hoa văn hóa nhân loại. Người là hình ảnh của một người Việt Nam đẹp nhất trong những người Việt Nam đẹp nhất, một ngôi sao sáng nhất trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Người vô cùng ấm áp, giản dị, một trái tim bao dung rộng lớn, ôm trọn và dành tình thương yêu cho tất cả. Nhất là tình thương yêu, quan tâm tới thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ...Đúng như học giả Vũ Khiêu đã thay triệu triệu đồng bào bày tỏ tâm can trước đền thờ của Người:

"ĐẤNG ANH HÙNG ÁI QUỐC ƯU DÂN, XÂY ĐỘC LẬP TỰ DO CHO VẠN THẾ

NHÀ VĂN HÓA CHÍ NHÂN ĐẠI NGHĨA, DỰNG HÒA BÌNH HỮU NGHỊ VỚI NĂM CHÂU"

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), mỗi người Việt Nam chúng ta nguyện nỗ lực phấn đấu hết mình, phát huy tốt truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" luôn thành kính tri ân và có nhiều việc làm thiết thực hơn nữa theo di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu để xứng đáng với sự cống hiến hy sinh quên mình cho Tổ quốc của các anh hùng liệt sĩ, các gia đình thương bệnh binh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng qua các thời kỳ./.

***

Đọc thêm những bài viết có liên quan Tại đây - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/. Chuyên trang có nhiệm vụ phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thông tin, giới thiệu những bài viết, công trình nghiên cứu chuyên sâu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Văn hóa gắn với phát triển xã hội. Thông tin chuyên sâu về các chuyên đề: Toàn cảnh hội nhập; Kết nối xanh; Dòng chảy văn hóa; Đồng hành Việt...

logo-hoi-nhap-1-1626534611-1627473271.png
Logo của Chuyên trang Hội nhập https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/