Tình em dệt chiếu

Nguyễn Thế Hưng

09/11/2023 12:11

Theo dõi trên

Vừa về đến đầu làng, bước chân thôi thúc tôi đến nhà em dẫu biết chẳng để làm gì nữa khi người ấy đã sang sông.

Lòng tôi buồn bã, rối bời bao suy nghĩ mông lung. Con đường làng cũng không thay đổi nhiều sau năm năm tôi xa quê. Giữa cái trưa nắng chang chang như đổ lửa, gió lào khô rát ràn rạt, cây cối như xơ xác vào đỉnh hè của miền Trung. Dọc hai bên đường từng hàng nong nia phơi lúa vàng rộm xen kẽ những dãy lác (cói) nhuộm nhiều màu sắc, dãy vỏ đay màu trắng vàng được phơi tăm tắp, trông thật thân quen.

detchieu-1699506639.jpg
Hình do tác giả chụp quê nhà

Làng quê An Phước thanh bình có con lạch nhỏ chảy vào lòng, tọa bên bờ sông Thu Bồn nổi tiếng nghề dệt chiếu. Các bậc bô lão kể làng nghề hình thành từ 500 năm trước được các tiền nhân mang vào từ Thanh Hóa. Con đất ven sông Thu Bồn vô tình phù hợp với cây lác, cây đay hình thành nên làng nghề này. Dẫu rằng nó đã dần mai một theo đà phát triển của xã hội. Cái nghề kiếm cơm, nuôi sống bao thế hệ, ngày nay lùi dần vào kí ức. Địa phương cố gắng bảo tồn làng nghề như di sản văn hóa, chỉ còn số rất ít gia đình, người già giữ nghề lúc rảnh rỗi như thói quen còn lưu lại dù thu nhập chẳng bỏ bèn gì.

Mùi thơm ngây ngây của lác, hăng hăng nhựa cây của vỏ cây đay hòa trộn mùi hương nếp mới làm lòng tôi say say, chân tôi bước liêu xiêu. Âm thanh lách cách của khung cửi vọng lại khiến bao nhiêu kỷ niệm xưa ùa về tràn ngập, thổn thức tận đáy lòng dẫu biết sẽ chẳng gặp lại em nữa. Đến ngõ nhà em, vẫn hàng chè tàu xinh xắn được cắt tỉa ngay ngắn như chiếc bàn dài, cây hoa giấy vẫn miên man đỏ rực trên cổng nhà. Bước vào cổng, con chó Ky dường như vẫn còn lưu giữ hơi người quen nên không sủa, thoáng chút ngờ ngợ, nó lao đến vẫy đuôi cọ sát thân mình vào chân tôi như nhớ nhung đã lâu lắm rồi. Năm năm qua, nó đã già đi nhiều, lông rụng gần hết nhưng đôi mắt lộ vui mừng làm tôi thấy thương quá. Dường như nó hiểu chị chủ đã đi lấy chồng, thương cảm cho tôi, nó lững thững đi vào góc nhà nằm thừ ra.

- Con mới về à, lâu quá hỉ! Ngồi chơi đi con!

Tiếng bác gái từ dưới nhà đi lên. Bà như còn ái ngại, cảm thông nên tránh nói về chuyện của chúng tôi. Vừa rót nước chè mời tôi, bà vừa hỏi han đủ thứ từ chuyện làm ăn, vợ con...

Cố nén nỗi buồn tôi hỏi:

- Nhà mình còn dệt chiếu không bác. Em Thương thế nào rồi?

- Nghỉ từ hồi con Thương theo chồng, thu nhập không bao nhiêu mà hai bác cũng ốm đau liên miên. Vợ chồng, con cái nó mới về thăm tháng trước. Lấy chồng xa quá cũng khổ nhưng mà duyên nợ biết sao được.

Bà chép miệng, thở dài không biết vui hay buồn. Bà đứng lên ghế, lấy từ trên gác xuống một chiếc chiếu được gói cẩn thận trong bọc nylon, đưa cho tôi:

- Nó dặn bác "khi nào ảnh ghé thì đưa cho ảnh".

Bà quay mặt đi hướng khác khi nhìn thấy tôi run run mở ra xem. Một chiếc chiếu bông, khổ đôi còn thơm mùi lác mới và mấy lá thư tôi gửi cùng lá thư em mới viết. Tôi run run mở ra đọc, cũng là lá thư đầu tiên tôi nhận được. Có lẽ do lang bạt khắp nơi nên địa chỉ em gửi thư cho tôi thất lạc, không hề nhận được trong suốt năm năm xa nhau. Ngoài lời trách hờn, em kể mỗi ngày ra đầu ngõ ngóng bóng tôi hơn ba năm trời. Lời thanh minh em đi lấy chồng theo lời mẹ cha vì đời người con gái có thời mà. Em mong tôi thông cảm cùng lời chúc tôi thành đạt, hạnh phúc. Chiếc chiếu đôi em hoàn thành và gửi lại như kỷ vật của mối tình đầu thơ mộng của chúng tôi. Tôi ôm chiếc chiếu như muốn bật khóc, gọi trong nấc nghẹn:

-Thương ơi, anh vẫn đợi em mà!

Dòng kí ức tuôn trào như còn mới nguyên. Cô gái 18 tuổi ngọc ngà, dáng thon thả, mái tóc mềm mượt thơm mùi bồ kết mà tôi hay vùi đầu vào. Nụ cười, ánh mắt lúng liếng làm ngây ngất hồn tôi ngay lần đầu gặp gỡ. Bàn tay trắng thon nhẹ nhàng chằm từng sợi đay thoăn thoắt như múa. Yêu nhau nên ngày nào tôi cũng đến phụ dệt chiếu, chẻ lác, chằm day... Chúng tôi quấn quít bên nhau như hình với bóng.

- Chúng mình dệt chung một chiếc chiếu đôi nha!

- Dệt chung làm chi? Nàng vờ hỏi.

- Thì... thì để sau này... mình cưới nhau, về chung...

Tôi ngượng nghịu ấp úng nhìn sang, em thẹn thùng đỏ mặt nguýt lại:

- Ai thèm anh mà đòi chung, thôi đi, em không chịu!...

Thế rồi tôi cũng vụng về trao cây thoi vào khung cửi cho nàng dệt. Nàng cười trêu tôi:

- Dệt chung với anh chắc cả năm chưa xong.

- Thì anh cố khi nào xong, tụi mình...

Trái tim chúng tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực với tình yêu đầu đời chân thành trong sáng, đắm đuối, đầy mộng mơ.

Ở làng quê nghèo khó, nghề làm chiếu, nghề nông chỉ đủ ăn, lay lắt qua ngày. Thời đó mới vừa trải qua bao cấp, đời sống xã hội bắt đầu chuyển mình. Bao lứa trai gái làng tôi kéo nhau vào Nam lập nghiệp bằng đủ thứ nghề. Tôi đấu tranh dằn vặt nửa muốn ra đi tìm tương lai, nửa sợ phải xa em. Mẹ tôi không bao giờ ủng hộ tôi thành thân khi hai bàn tay trắng. Bà bảo tôi làm thân trai phải lo công việc, sự nghiệp trước nếu không muốn phải khổ về sau. Ngày tôi quyết định vào Nam, có lẽ là ngày buồn nhất cuộc đời hai đứa. Em khóc hết nước mắt, không tin tôi sẽ quay trở lại vùng quê nghèo khó này cũng như bao lớp người trước đây khi ly hương dù tôi cố an ủi hết lời. Chiếc chiếu dệt chung chỉ được một nửa, tôi lên chiếc xe đò vào Nam còn thấy bóng em chạy theo một đoạn đường. Nước mắt tôi rơi lần đầu tiên vì người con gái trên chuyến xe cũ kỹ mất hai ngày hai đêm đến Sài Gòn hoa lệ. Chợt nhớ đến bài Tống Biệt Hành của nhà thơ Thâm Tâm càng làm tôi quyết chí thêm:

"Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong"

Nhưng cuộc đời đúng là không đơn giản thế. Tứ cố vô thân, bươn chải nhiều năm, thay đổi nhiều nghề, chuyển vô số chỗ ở cuộc sống mới dễ thở hơn. Tôi không nhận được một lá thư hồi đáp nào của em, chỉ biết đau đớn khi nhận được tin em lấy chồng qua một người quen tình cờ gặp. Năm năm không có tiền, chưa một lần về quê dù trong lòng nhớ mẹ, nhớ em, nhớ quê da diết. Tôi thổn thức hàng đêm nghe tiếng khung cửi dệt khu Bảy Hiền mà ngỡ như tiếng dệt chiếu quê mình.

Những năm sống miền Nam nghe bài vọng cổ "Tình Anh Bán Chiếu" của Viễn Châu mà nhớ thương ngày cũ đến nao lòng. Sau này, mỗi lần về quê, đi ngang qua chợ Gò, đứng trên cầu nhìn con lạch chảy lững lờ, hai bên bờ ruộng lác xanh vô tình gợi lại ray rứt khôn nguôi. Tôi học hát và sáng tác bài vọng cổ: "Tình Em Dệt Chiếu" như ghi khắc sâu mối tình đầu đẹp đẽ, đau khổ và tiếc nuối với em. Chắc ở phương trời xa xôi em cũng hay nhớ về mối tình dang dở của chúng mình và nguyện chúc phúc cho nhau trên bước đường đời còn lại, phải không em?

Nhịp Cầu Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết "Tình em dệt chiếu" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn