Tình yêu của vợ chồng lính phòng không Hà Nội

(Tặng anh chị Nguyễn Đình Thoa, Dương Thị Dịp và các chị các em nhân tháng của lính 12/2023).

Đó là đôi vợ chồng CCB NGUYỄN ĐÌNH THOA và DƯƠNG THỊ DỊP ở tổ dân phố số 2, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy Hà Nội.

Anh người đồng chiêm trũng Duy Tiên Hà Nam.

Chị người xã Hoàng An, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

dt1-quan1-1703170117.jpg

Vợ chồng chị với bố chị trong ngày cưới và bó hoa lay ơn trắng tinh khôi mà hai cô y tá ôm từ Hà Nội, đèo nhau bằng xe đạp 70km về tặng chị.

 

Năm 1966 chị đang là y tá ở quê thì xung phong vào bộ đội Phòng không. Do có chuyên môn y tá nên sau huấn luyện chị được điều về làm y tá tại bệnh xá cục hậu cần Phòng không. Năm sau chị được Cục hậu cần Phòng Không cử đi học tại trường trung cấp quân y Phòng Không. Một năm sau, ra trường, chị được điều động về Bệnh xá

Sư 361 đóng ở Núi Bò, Giảng Võ Hà Nội.

Chị tại ngũ từ 1966 đến 1990, nghỉ hưu với quân hàm đại úy chuyên nghiệp.

Chị kể về tình yêu của hai người lính Phòng không, mắt chị ánh lên niềm vui, hạnh phúc:

- Năm 1965 anh là lính pháo binh, đóng quân tại quê chị. Anh chị quen nhau trong tình quân dân đơn thuần trong chiến tranh. Rồi họ phải xa nhau. Anh được cử đi học tại trường Sỹ quan Phòng không rồi về sư đoàn 361 phòng không Hà Nội. Anh theo đơn vị đi chiến đấu ở khắp các trận địa tên lửa ở miền Bắc. Chiến tranh không cho phép họ gặp nhau, chỉ có những lá thư nối tình cảm của hai người.

dt2-quan2-1703170236.jpg

Vợ chồng chị với đại diện hai đơn vị.

 

Ở bệnh xá sư đoàn 361 tại Núi Bò - Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội chị có điều kiện gặp gỡ các cán bộ chiến sỹ ở các đơn vị lên điều trị. Chị hỏi thăm và đã tìm thấy anh sỹ quan trẻ, thiếu úy đại đội trưởng Nguyễn Đình Thoa đang ở tiểu đoàn tên lửa 41 thuộc trung đoàn 263 sư 361 đang đóng quân, bảo vệ nhà máy đường Vạn Điểm.

Một ngày đầu xuân chị đến thăm anh tại trận địa tên lửa. Họ nhận lời yêu nhau.

Mùa xuân năm 1970 họ làm đám cưới tại quê chị Bắc Giang và quê anh Duy Tiên Nam Hà. Họ nên vợ nên chồng.

Đám cưới thời chiến tranh, bao cấp vốn đã đơn giản thì đám cưới lính còn đơn giản hơn rất nhiều. Cô dâu chú rể đều mặc quần áo bộ đội mới. Đại diện đơn vị chị có Chính trị viên bệnh xá cùng 1 cậu 2 cô y tá. Đại diện đơn vị anh có đồng chí tiểu đoàn phó.

dt3-quan3-1703170320.jpg

CCB Dương Thị Dịp trong tiết mục hát Quan họ.

 

Điều diệu kỳ nhất trong đám cưới chị là hai cô y tá ôm một bó lay ơn Ngọc Hà trắng muốt, tươi rói, đèo nhau bằng xe đạp đi chặng đường gần 70km mang về tặng cô dâu vẫn còn tươi, nguyên vẹn không gãy một bông nào.

Cưới ở Hiệp Hòa Bắc giang hôm trước, vài hôm sau họ về quê anh. Đêm đầu tiên ở quê, anh vuốt tóc chị thì thầm:

- Chiến tranh chưa biết bao giờ chấm dứt. Anh đi chiến đấu xa nhà. Em sẽ khổ lắm đấy! Có thể anh sẽ hy sinh, có thể sẽ thành thương binh cụt tay, cụt chân, mù mắt... Nhà anh nghèo lắm, ở đất chiêm trũng nghèo đói quanh năm, ngôi nhà cấp bốn bé tẹo như lều coi cá này, trong nhà hầu như chẳng có đồ đạc gì. Em lấy anh thì em và con khổ lắm đấy. Hãy thông cảm, chấp nhận hoàn cảnh của anh em nhé. Chị cảm động ôm chặt anh mà nói:

- Em cũng là người lính, là y sỹ, em hiểu hết mà!

Sau này hết chiến tranh ta sẽ có một đàn con, sẽ xây một ngôi nhà to, đẹp khang trang.

Ông cha ta có câu:

" Vừa đầy năm mẹ đã đầy tháng con." Tháng 12/1970 anh chị sinh con trai đầu lòng. Chị mượn hai tấm phản ghép lại làm giường ngủ mỗi khi chồng về. Tình yêu đôi vợ chồng lính là bữa cơm ăn vội vàng với đĩa rau muống Hồ Tây non mướt luộc xanh rờn, nước canh dầm xấu, có quả trứng gà tráng vàng. Có tý nhộng tằm rang lá chanh, vài miếng đậu phụ cứng nhắc mua ở chợ Ngọc Hà. Thi thoảng mới có chút thịt lợn. Chị gạt những hạt bo bo, giành cơm cho anh. Anh sẻ bớt cơm cho chị. Họ gắp cho nhau miếng trứng, miếng thịt.

Bữa cơm là những bát cơm chan bằng tình yêu người lính trong mùi bếp dầu ngột ngạt.

Nơi họ trao gửi yêu thương cho nhau là ở "Chiêu đãi sở " tức là Trạm đón khách của đơn vị. Đời lính thiếu thốn tình cảm, cứ nghe đồng đội có khách, nhất là người yêu hay vợ đến thì đồng đội kéo nhau đến thăm, xem mặt, uống nước, nhấm vài củ lạc rang. Cái giường ọp ẹp của Chiêu đãi sở oằn mình gánh chục người, cả chủ lẫn khách. Có hôm đang nói chuyện thì " Rầm"! Giường gãy, chủ, khách ngã chỏng gọng trong tiếng cười ha hả sảng khoái:

- Dập hết trứng của vợ tôi rồi đồng đội ơi!

Phải sau 11 giờ đêm vợ chồng lính mới được yêu nhau. Các cụ có câu: " No dồn, đói góp, ba năm du kích nằm vùng, không bằng chủ lực nó về một đêm" quả không sai. Các phòng của Chiêu đãi sở cùng đồng khởi. Gian bên hự hự, gian sau hùynh huỵch, gian giữa ư hư, ối ối kìm nén trong họng. Lính " yêu vợ "cả đêm dễ đến dăm ba lần. Sáng đến các ông chồng mặt trắng bệch hối hả về đơn vị, lên mâm pháo trực chiến. Có người ngủ gục trên mâm pháo khi không có máy bay địch.

Tháng 12/1970 anh chị sinh cháu đầu lòng. Tháng 9 năm 1972 sinh cháu thứ hai. Tháng 6 năm 1979 sinh cô con gái út cũng là lúc anh lên cấp thiếu tá, tiểu đoàn trưởng tên lửa Pechora M. Chị kể tiếp:

Lấy nhau nhưng không có nhà ở, không có đồ đạc tài sản gì, toàn ở nhà của bệnh xá. Ba mẹ con sống trong tập thể của bệnh xá sư đoàn 361. Khi một mẹ một con thì mượn giường sắt của bệnh xá. Khi có đứa thứ hai thì mượn hai phản ghép lại thành giường. Trạm xá ở đâu mẹ con chị ở đó. Đồ đạc của vợ chồng chị chứa không đầy 2 hòm đạn pháo và vài hộp cát ton xin của quân nhu. Gạo thì để trong thùng lương khô để chống chuột. Một vài cái nồi, chảo, bếp dầu để nấu cơm.

Chồng ở đơn vị chồng, vợ ở đơn vị vợ, mỗi lần trung úy đại đội trưởng Nguyễn Đình Thoa lên sư đoàn họp lại được găp vợ. Có lúc chị phải đến tận đơn vị anh thăm chồng vì đơn vị đang vào cấp 1.

Chị nhớ nhất lần sinh thằng thứ hai vào tháng 9/1972. Lúc này tình hình chiến sự đang nóng lên từng ngày. Mẹ chồng chị ở quê lên trông cháu. Bốn người cùng sống trong một gian của

Bệnh xá. Mỗi khi bệnh xá có lệnh cơ động, di chuyển ban đêm thì ba bà cháu lại tay xách, nách mang đồ đạc leo lên ô tô của bệnh xá. Thằng bé được gói trong cái chăn bộ đội, bà ôm lên ô tô. Mới 3 tháng tuổi nó đã biết hành quân di chuyển. Cái miệng nó chúm chím, toe toét cười với các bác các chú ở trên xe.

Ngày 18 rạng ngày 19/12/1972 chiến dịch Điện Biên Phủ trên không bắt đầu. Máy bay Mỹ ném bom, bắn tên lửa vào sở chỉ huy sư 361 ở xã thôn Hòa Mục( đầu đường Lê Văn Lương bây giờ). Sở chỉ huy đã kịp sơ tán vài hôm trước. Đội văn công của sư đoàn đi biểu diễn phục vụ các trận địa pháo, tên lửa của sư đoàn về, đang nghỉ lại trong doanh trại của sư đoàn bộ. Bị bom Mỹ rơi sát nhà gần cầu Cống Mọc. Bom nổ ầm ầm, khoét thành một cái hố như ao ngay cổng doanh trại. Khói lửa ngùn ngụt bay lên trời. Hơn chục chiến sỹ và người dân làng Hòa Mục cạnh đó bị sức ép, bị thương, bị chết. Hai nữ chiến sỹ văn công người mềm nhũn, mặt trắng bệch, được cấp cứu lên bệnh xá Sư đoàn. Chị Dịp cùng các y sỹ lao tới cấp cứu nhưng tim của hai nữ chiến sỹ đội văn nghệ Phòng không đã ngừng đập. Thương vô cùng những chiến sỹ gái trẻ đẹp, chưa biết đến tình yêu, đã hy sinh khi mới 18 tuổi.

Trong những trận chiến đấu 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, chị cùng các y sỹ bệnh xá sư 361 chạy khắp các trận địa cấp cứu, băng bó cho các chiến sỹ bị thương. Còn anh lúc này là đại đội trưởng BỆ đang chiến đấu ở trận địa. Biết tin máy bay Mỹ đánh vào sư bộ 361 lòng anh như lửa đốt. Anh lo cho vợ, con và mẹ nhưng cũng không biết làm thế nào vì đơn vị anh đang sẵn sàng chiến đấu.

Sau chiến dịch ĐBP trên không 1972 anh là thượng úy đại đội trưởng C2. Anh cùng trung đoàn tên lửa hành quân vào chiến trường.

Ngày 30/ 4/1975 trung đoàn tên lửa Hà Nội có mặt ở Sài Gòn.

Còn chị, tháng 12/1972. Bệnh xá sơ tán xuống Đồng Xa thuộc phường Dịch Vọng Hậu. Chị đào một hầm chữ A trú ẩn ngoài vườn cây ngoài trạm xá cho mẹ và hai con ở. Còn chị ngày đêm trong bệnh xá, hối hả phục vụ các chiến sỹ bị thương.

Chị cười kể tiếp:

- Nhà mình chính là bệnh xá sư đoàn. Cả 3 đứa con đều sinh trong thời gian chị làm việc ở bệnh xá. Chúng lớn lên trong bệnh xá... Mãi năm 1980 anh chị mới được quân đội phân cho một gian nhà cấp 4 nơi chị ở bây giờ.

Bài thơ của chị viết 10/1968 khi tìm gặp được anh.

GẶP LẠI

Học xong trung cấp quân y

Về 361 còn chi tuyệt bằng

Dò tên đơn vị hỏi thăm

Hóa ra anh cũng cùng trong sư đoàn

Lòng em sung sướng hân hoan

Có ngày gặp mặt ngập tràn niềm vui

Một ngày chủ nhật đẹp trời.

Em đến trận địa mọi người hò reo

Hai người, bốn mắt nhìn nhau

Thẹn thùng khó nói những câu vụng về

Chuyện trò đến mãi tận khuya

Đến khi ra về lưu luyến lắm thay

Một tuần ngày lại qua ngày

Hẹn chủ nhật tới xum vầy hân hoan!

Dương Thị Dịp 10 - 1968.

Về nghỉ hưu anh chị lại lao vào tham gia công tác xã hội. Anh làm tổ trưởng dân phố hơn 20 năm. Chị là chi Hội trưởng chi hội Chữ Thập đỏ của tập thể bộ đội phòng không Hòa Mục.

Phát huy tài năng của con gái Bắc Giang với làn điệu Quan họ trữ tình, chị luôn có mặt trong các buổi biểu diễn văn nghệ của khu tập thể, của phường. Ngày 15/10/2023 đội văn nghệ đã tặng cho bà con chị em một chương trình văn nghệ chào mừng nhân buổi họp kỷ niệm ngày Phụ nữ VN 20/10

Anh về hưu với quân hàm trung tá. Họ xây ngôi nhà hạnh phúc trên mảnh đất được quân đội phân cho. Anh chị nuôi 3 đứa con trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Anh chị có đủ cháu nội, ngoại. Ngày thứ bẩy, chủ nhật chúng đến thăm ông bà. Nhà chị lúi ríu tiếng cười đùa. Anh chị nở nụ cười mãn nguyện.

Vợ chồng chị là gương sáng trong khu tập thể. Họ già nhưng khối óc và tâm hồn chưa già. Họ vẫn đang cống hiến cho đời, cho xã hội bằng những hoạt động xã hội.

Họ là những con người bình dị mà đáng quý, đáng trân trọng!

Xin chúc anh chị mạnh khỏe, hăng say nhiệt tình với bà con tổ 02 phường Trung Hòa!

Hà Nội, ngày 19/10/2023.

T.H.Q

Trái tim người lính