“Gender No Limit” là dự án phi lợi nhuận, nằm trong khuôn khổ dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do tổ chức Cisdoma phối hợp cùng Học viện và Báo chí Tuyên truyền thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới ở Việt Nam. Tọa đàm “Giới tính không giới hạn” là hoạt động thực tiễn thuộc Dự án “Gender No Limit” được tổ chức để giúp sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường có ngành học báo chí - truyền thông có nhận thức cơ bản, đúng đắn về bình đẳng giới.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hai nữ giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm công tác tại Học viện Phụ nữ Việt Nam là TS. Trương Thúy Hằng và ThS. Nguyễn Phương Chi. Những chia sẻ của các vị diễn giả về chủ đề “Thực trạng bình đẳng giới trên báo chí - truyền thông tại Việt Nam”, mang tới cho khán giả nhiều kiến thức sâu sắc về giới và sự đa dạng giới.
Trải qua quá trình khảo sát 3 tờ báo Vn.Express, báo Phụ nữ Thủ đô và báo Thanh niên trong hơn 2 tháng, các thành viên dự án đã tổng kết được 31 tin bài có chứa những định kiến giới. Báo chí - truyền thông là một trong những phương tiện có tác động đặc biệt đến nội dung thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Bên cạnh những thay đổi tích cực, vẫn còn không ít những định kiến giới còn tồn tại, gây cản trở đến quá trình thực hiện bình đằng giới trong xã hội.
TS. Trương Thúy Hằng nhận định về định kiến giới tồn tại ở cả hai giới. “Khi nhắc đến hình ảnh nam giới trên báo chí và truyền thông, họ thường được liên kết với những điều mang tính quyền lực và hình ảnh nghề nghiệp chuyên môn cao. Trong đó, hình ảnh của nữ giới trên các phương tiện truyền thông xuất hiện ít hơn, chỉ khoảng hơn 20%, và thường xoay quanh những góc nhìn về chăm sóc gia đình và làm việc nhà. Trái lại, đàn ông lại được gắn với những hình ảnh chính trị và lãnh đạo.” Định kiến giới vẫn còn tồn tại trên báo chí - truyền thông và bài toán đặt ra là cách thay đổi về nhận thức, hành động.
ThS. Nguyễn Phương Chi chia sẻ, trên lĩnh vực báo chí - truyền thông vẫn còn tồn tại những định kiến giới do xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Để thay đổi thực trạng đó, nhận thức về giới và cách tác nghiệp trên báo chí - truyền thông về giới cần được đẩy mạnh, chuyển những nhận thức thành hành động. Vì vậy, quá trình vừa học, vừa làm sẽ giúp các bạn trẻ được trau dồi nhận thức và từ đó chuyển biến thành những kĩ năng hữu ích trong góp phần vào thực hiện bình đẳng giới trong xã hội.
Chia sẻ về mục đích tổ chức buổi tọa đàm, bạn Ôn Thị Nguyên Thùy - Trưởng Dự án “Gender No Limit” cho biết: “Khi tổ chức tọa đàm ‘Giới tính không giới hạn’ điều chúng mình muốn truyền tải nhất đến các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng và các bạn trẻ nói chung là thực trạng về định kiến giới trên môi trường báo chí - truyền thông tại Việt Nam đang ngày càng nóng lên. Chính vì vậy, chúng mình mong thông qua tọa đàm các bạn có thể trang bị những nhận thức cơ bản về bình đẳng giới cho bản thân để từ đó trở thành lực lượng góp phần đấu tranh cho bình đẳng giới tại Việt Nam.”
Định kiến không tự nhiên tồn tại và cũng không tự nhiên mất đi. Để xóa bỏ triệt để định kiến cho xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ cần có cái nhìn toàn diện hơn về giới và bình đẳng giới. Những chia sẻ thú vị từ các diễn giả của tọa đàm “Giới tính không giới hạn” đã giúp các bạn trẻ có thêm những kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm bổ ích, góp phần đẩy lùi những định kiến giới còn tồn tại trong môi trường báo chí - truyền thông nói riêng và trong xã hội nói chung.