Tóc rụng

Năm nay nhà anh không ăn Tết. Chị bị đột quỵ, bỏ bố con anh ra đi cách đây một tháng. Mọi năm, Tết do một tay chị sắm sửa. Anh chỉ việc lau dọn nhà, ấy vậy mà anh thấy khó chịu.

Anh khó chịu với chị rất nhiều thứ. Chị ăn nhanh, anh bảo chị nuốt chửng. Chị đi xin đồ cũ về mặc, anh bảo chị như bùi nhùi. Chị không trang điểm, anh bảo chị như bà già. Chị nhan sắc không đẹp, anh bảo chị thật may mắn khi lấy được anh.

dt4vm-1707900673.jpg

Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm.

 

Chị bận, nhờ anh rửa chén, anh cũng khó chịu, rửa cho có lệ, dầu mỡ còn nguyên.

Chị mệt, nhờ anh phơi đồ, anh vùng vằng bảo áo con dây nhợ lằng nhằng.

Chị bận làm thêm, nhờ anh lau nhà. Anh bực mình vì tóc chị rụng nhiều, khó lau.

Lúc nào anh cũng khó chịu với chị, mỗi khi chị nhờ anh làm việc gì đó. Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm, anh thấy chị thật bình thường, đáng ghét.

Giờ thì chị không nói nữa, không nhờ anh nữa, chị chỉ im lặng. Di ảnh chị thật đẹp, đẹp hơn nhiều lúc chị còn sống. Điều đó làm anh đau.

Bây giờ anh mới hiểu chị. Anh không còn cơ hội mà ghét chị nữa, thay vào đó là nỗi đau tràn trề.

Chị là vợ anh, mẹ của con anh, một lòng một dạ với gia đinh, vậy mà anh không hiểu, còn khó chịu với chị.

Chị phải ăn nhanh vì chị quá bận. Chị mặc đồ cũ vì muốn để tiền mua quần áo cho bố con anh. Chị đi làm tối ngày nên không cần trang điểm. Nhược điểm duy nhất của chị là thương anh nhiều quá, yêu gia đình nhiều quá, nên anh mới thấy chị tầm thường, xấu xí.

Chị sống vì bố con anh, cho tới hơi thở cuối cùng. Chị bị đột quỵ khi đang nấu cơm, ngã xuống nền nhà, kéo theo nồi canh đang nấu dở đổ lên người. Anh và con đang ngồi xem điện thoại ở phòng khách, nghe tiếng nồi canh rơi chạy vào, thì không còn kịp nữa. Anh ôm chị vào lòng, rụng rời.

Nhà cửa giờ hiu hắt, bề bộn. Không còn tiếng nói của chị, sao trống vắng đến thế, hụt hẫng đến thế.

Anh lau nhà, lau tới lau lui, xem có nhiều tóc trên nền nhà không. Nhưng không có, chị không còn để tóc mình rụng làm phiền anh nữa.

Chỉ mấy sợi tóc nhỏ nhoi thôi, cũng theo chị rời xa anh rồi...

Chuyện làng quê